Kênh Tên Miền chuyên cung cấp tên miền đẹp, giá rẻ! Hãy liên hệ kỹ thuật: 0914205579 - Kinh doanh: 0912191357 để được tư vấn, hướng dẫn miễn phí, Cảm ơn quý khách đã ủng hộ trong thời gian qua!
kiem tien, kiem tien online, kiem tien truc tuyen, kiem tien tren mang
Saturday, September 26, 2009

Đa số phụ nữ đều nhận thức được rằng trong thời gian mang thai họ nên tránh dùng những thuốc không thật cần thiết càng ít càng tốt.

Sử dụng thuốc trong thai kỳ Trong thời gian này ngoài các bệnh nhẹ thông thường như những người khác, thai phụ còn phải chịu đựng những triêu chứng gây ra do mang thai như táo bón hoặc đau thượng vị.

Do đó thai phụ có nên cắn răng chịu những triệu chứng như đau đầu, cảm ho hay không? Các thuốc thông thường (không phải là thuốc kê theo đơn) trên thực tế có an toàn cho thai hay không?

Vấn đề ở chỗ là dược phẩm từ mẹ có thể xuyên qua bánh nhau và hấp thụ vào tuần hoàn thai nhi vì các phân tử thuốc có kích thước đủ nhỏ để theo các dưỡng chất nuôi em bé xuyên qua hàng rào máu mẹ-con. Tác động của bất cứ loại thuốc nào lên sự phát triển của thai nhi tùy thuộc bản chất thuốc và tuổi thai lúc dùng thuốc đó.

Thuốc tác động lên sự phát triển thai nhi ra sao?

Tuổi thai ở thời điểm dùng thuốc thường rất quan trọng. Nhiều thuốc có thể rất nguy hiểm nếu dùng vào ba tháng đầu thai kỳ nhưng lại an toàn cho thai vào ba tháng giữa hay ba tháng cuối và ngược lại.

  • Ba tháng đầu thai kỳ là giai đoạn có nguy cơ cao nhất do giai đoạn này các cơ quan nội tạng của em bé đang tượng hình và phát triển. Dùng thuốc trong giai đoạn này gây mối đe doạ tiềm ẩn lên sự hình thành và phát triển này, có thể gây nên dị tật cho thai nhi. Nếu dị tật trầm trọng có thể gây sẩy thai.
  • Giai đoạn ba tháng giữa thai kỳ, thuốc có thể ngăn cản sự phát triển hệ thần kinh hay ảnh hưởng lên sự tăng trưởng thai, gây suy dinh dưỡng bào thai và sinh trẻ nhẹ cân. Tuy nhiên nói chung các chuyên gia cho rằng đây là thời kỳ dùng thuốc an toàn nhất trong thai kỳ.
  • Ở ba tháng cuối thuốc có thể gây ra các biến chứng như suy hô hấp sau sinh do thuốc còn tồn đọng trong cơ thể bé sau khi được sinh ra và cơ thể trẻ sơ sinh không thể chuyển hóa thuốc trong cơ thể tốt như chuyển hóa thuốc trong cơ thể của mẹ.
Thuốc từ mẹ cũng có thể tác động gián tiếp lên cơ thể thai nhi bằng cách ngăn cản trao đổi chất ở môi trường bên trong tử cung. Nhiều thuốc có thể gây các cơn co thắt tử cung, làm giảm cung cấp máu cho thai nhi trong khi một số thuốc khác có thể gây sinh non, thai già tháng hay thậm chí là chuyển dạ kéo dài, tất cả đều mang mối đe dọa cho thai.

Làm sao biết thuốc nào uống được?

Câu trả lời là : thường không thể biết được rõ ràng. Các công ty dược phẩm rất hiếm khi thực hiện các cuộc thực nghiệm tác dụng lâm sàng của thuốc lên thai phụ. Kết quả là trên thực tế chỉ có rất ít thuốc được cấp phép để dùng trong thai kỳ.

Đa số các thông tin ta có được về độ an toàn của thuốc trên thai kỳ thường từ kinh nghiệm thực tế sử dụng thuốc đó trải qua nhiều năm tháng. Thường là nếu thuốc đó được sử dụng rộng rãi qua nhiều năm mà không gây ra bất cứ tác dụng phụ nào trên thai kỳ thì có thể kết luận là thuốc đó vô hại. Thông tin cũng có thể thu thập từ những phụ nữ ngẫu nhiên tiếp xúc với một loại thuốc trong thai kỳ và thực nghiệm trên động vật.

Vì vậy có thuốc được cho là vô hại trong khi có thuốc được khẳng định là có tác hại. Nhưng trên đại trà thì không có bằng chứng chắc chắn để kết luận là thuốc đó có hại hay vô hại. Điều này cũng đúng với tất cả các thuốc, do bác sĩ chỉ định hay là thuốc mua không cần toa (OTC: over-the-counter).

Tất cả thuốc uống trong thai kỳ là sau khi cân nhắc mặt lợi hại. Về nguyên tắc, quyết định uống hay không là do bác sĩ sau khi cân nhắc ích lợi của một loại thuốc chuyên biệt nào đó lên cơ thể mẹ với nguy cơ thuốc đó có thể gây ra trên thai. Nếu ích lợi nhiều hơn hẳn các nguy cơ do thuốc gây ra thì có thể cho thai phụ sử dụng. Nếu các nguy cơ trên thai nhi quá lớn thì bác sĩ sẽ tìm các phương pháp điều trị khác thay thế. Thai phụ cũng tham gia vào việc đưa ra kết luận cuối cùng về việc liệu có nên dùng thuốc đó hay không.

Có thuốc nào thai phụ có thể uống để trị những chứng bệnh nhẹ thông thường được không?

Cách tốt nhất là hạn chế tất cả các nguy cơ cho thai là cố gắng hạn chế tối đa, tránh dùng các thuốc không thật cần thiết, đặc biệt là trong ba tháng đầu thai kỳ. Tuy nhiên, sau đây sẽ là những lời khuyến cáo chung cho các thuốc bạn có thể dùng và không được dùng để trị các chứng bệnh nhẹ thông thường.

Nên nhớ : luôn hỏi bác sĩ hay dược sĩ trước khi uống bất cứ thuốc gì trong thai kỳ.

Táo bón

  • Thử dùng các biện pháp không dùng thuốc như uống nhiều nước hơn hay ăn nhiều thực phẩm có chất xơ trước. Nếu các biện pháp này không hiệu quả, các loại thuốc nhuận trường thông dụng có thể dùng được trong thai kỳ.
  • Các chất xơ tổng hợp như (Fybogel), methylcellulose có thể dùng được.
  • Các thuốc nhuận trường làm mềm phân có thể dùng được.

Đau thượng vị và khó tiêu

  • Các thuốc kháng acid dạ dày nói chung là vô hại, mặc dù bicarbonate có thể được hấp thu vào máu và nên tránh dùng trong thai kỳ để tránh natri hấp thụ vào cơ thể quá nhiều.
  • Các thuốc như Gaviscon có thể dùng được, đặc biệt có hiệu quả đối với đau thượng vị khi thai lớn , tử cung đè lên dạ dày mẹ gây khó tiêu. Thuốc này làm cho thức ăn trong dạ dày trở nên đặc hơn và tránh thức ăn trào ngược lên thực quản.
Đau đầu hay đau lưng

  • Thử dùng các biện pháp chữa trị không dùng thuốc trước. Xoa bóp bấm huyệt trên đầu có thể làm giảm cơn đau đầu, còn đau lưng có thể dịu đi nhờ các bài tập kéo giãn nhẹ nhàng các bắp cơ lưng bị căng hay ngâm mình trong bồn nước ấm.
  • Paracetamol nói chung được cho là vô hại nếu dùng ngắn ngày trong quá trình mang thai. Thuốc này được sử dụng rộng rãi để giảm đau và hạ sốt và có thể dùng ở bất cứ thời điểm nào trong thai kỳ.
  • Aspirin và các thuốc nhóm giảm đau hạ sốt kháng viêm (non-steroidal anti-inflammatory drugs NSAIDs) như ibuprofen không nên dùng trong thai kỳ vì có bác sĩ có nhiều thuốc khác có cùng công dụng mà lại an toàn hơn để dùng cho các bà bầu. Đặc biệt nên tránh dùng các thuốc này ở ba tháng cuối thai kỳ vì các thuốc này có thể làm thai già tháng, chuyển dạ kéo dài và có thể gây nhiều biến chứng lên trẻ sơ sinh. Ở liều uống để giảm đau, aspirin cũng có thể làm tăng nguy cơ chảy máu trên mẹ và con nếu dùng ở ba tháng cuối thai kỳ. Có bằng chứng đề nghị cũng không nên dùng các thuốc nhóm này cả trên ba tháng đầu thai kỳ và trên phụ nữ muốn mang thai vì các thuốc này có thể làm tăng nguy cơ sẩy thai hay dị tật.
  • Codeine và dihydrocodeine có thể ảnh hưởng lên hô hấp của em bé nếu dùng ở ba tháng cuối thai kỳ hoặc dùng liều cao trong quá trình mang thai. Dùng liều cao có thể gây ra hội chứng lệ thuộc thuốc ở trẻ sơ sinh. Tuy nhiên, vẫn có thể dùng liều thấp trong thời gian ngắn để giảm đau trong ba tháng đầu và ba tháng giữa thai kỳ nhưng phải được bác sĩ chỉ định và theo dõi. Thai phụ cũng nên lưu ý rằng một số thuốc giảm đau bán không cần toa trên thị trường có chứa codeine hay dihydrocodeine. Hỏi ý kiến bác sĩ hay dược sĩ trước khi uống bất kỳ thuốc gì trong quá trình mang thai.
Các phản ứng dị ứng

  • Đối với các dạng dị ứng, đầu tiên nên thử tránh tối đa việc tiếp xúc với dị nguyên gây dị ứng.
  • Nếu biện pháp này không thực hiện được, thai phụ có thể dùng các thuốc nhỏ mắt, nhỏ mũi hay xịt mũi chứa cromoglicate trong cả ba giai đoạn thai kỳ.
  • Dùng ngắn ngày các thuốc nhỏ hay xịt mũi có chứa corticosteroids như beclometasone để thay thế thì không sao nhưng nếu dùng dài ngày, lượng costicosteroid có thể hấp thụ vào thai nhi làm ảnh hưởng sự tăng trưởng của thai. Vì vậy các thuốc này chỉ nên dùng sau khi đã tham vấn kỹ lưỡng với bác sĩ hay dược sĩ.
  • Các thuốc có chứa các chất kháng histamin như brompheniramine, meclozine, diphenhydramine, doxylamine, cetirizine và loratadine nói chung là nên tránh dùng vì không có đủ thông tin về độ an toàn của thuốc trên thai. Tuy nhiên, nếu phải dùng thuốc kháng histamin chống dị ứng thì chlorphenamine nói chung được coi là an toàn khi dùng trong cả ba tháng đầu giữa và cuối thai kỳ. Hỏi kỹ bác sĩ và dược sĩ trước khi uống bất cứ thuốc gì trong quá trình mang thai.
  • Các thuốc nhỏ mắt, mũi có chứa chất kháng histamine: nên tránh sử dụng.
  • Các thuốc giảm nghẹt mũi như pseudoephedrine, phenylephrine, xylometazoline, oxymetazoline nên tránh dùng vì không đủ cơ sở chứng minh độ an toàn của chúng. Xông mũi bằng hơi nước ấm cũng có tác dụng giảm nghẹt mũi.
Cảm ho

  • Các thuốc trị cảm ho thường phối hợp nhiều dược chất, bao gồm thuốc giảm đau, kháng histamine chống nghẹt mũi như đã nêu ở trên, vì vậy điều quan trọng là phải chắc chắn là mỗi thành phần chứa trong các chế phẩm trị cảm ho này an toàn trước khi dùng. Hỏi kỹ bác sĩ và dược sĩ trước khi uống bất cứ thuốc gì trong quá trình mang thai.
  • Các thuốc long đàm như guaifenesin giúp làm loãng đàm . Uống nhiều nước cũng có tác dụng làm loãng đàm tương tự như dùng thuốc. Xông mũi bằng nước ấm cũng làm cho đàm đỡ quánh đặc và dễ ho khạc ra ngoài hơn. Nên tránh dùng các thuốc ho long đàm có chứa iod vì iod có thể làm suy chức năng giáp trạng ở thai nhi.
  • Các thuốc giảm ho như dextromethorphan đang được sử dụng rộng rãi và nói chung là an toàn cho thai. Nên sử dụng liều càng thấp và trong thời gian càng ngắn càng tốt. Tuy nhiên, tốt nhất là nên tránh dùng trong ba tháng đầu thai kỳ. Các thuốc ho chứa codein nên tránh dùng trong ba tháng cuối thai kỳ.
  • Các chế phẩm làm dịu cơn ho như các loại xirô trị ho thông thường hay ngậm viên kẹo ngậm ho có chứa mật ong hay glycerol là cách an toàn nhất để giảm ho. Hỏi kỹ bác sĩ và dược sĩ trước khi uống bất cứ thuốc gì trong quá trình mang thai.
Tiêu chảy

  • Thỉnh thoảng có vài lần tiêu chảy ngắn sẽ không gây hại cho em bé trong bụng mẹ nhưng nếu tiêu chảy kéo dài vài ngày có thể gây mất nước. Có thể bù nước bằng các dung dịch muối khoáng bù nước và điện giải (nước biển khô) như Dioralyte hay Oresol, loại này an toàn cho thai.
  • Hỗn hợp chứa Kaolin cũng có thể dùng được để hạn chế tiêu chảy.
  • Không dùng thuốc có Loperamide để cầm tiêu chảy vì không có đủ thông tin để kết luận là thuốc này có an toàn cho thai kỳ hay không.

Huyết trắng âm đạo

  • Chưa đủ thông tin về tính an toàn của nhóm thuốc kháng nấm như (Canesten) hay fluconazole (Diflucan). Các nhóm thuốc này chỉ nên dùng sau khi bác sĩ cân nhắc giữa hiệu quả và nguy cơ khi dùng thuốc.
  • Nếu bác sĩ khuyên bạn dùng thuốc đặt, nên tuân thủ đúng liều lượng thuốc đặt hay tránh dùng đồng thời nhiều loại thuốc đặt.

Chàm thể tạng, viêm và dị ứng da

  • Các chế phẩm giữ ẩm hay mềm da nên được sử dụng đầu tiên vì chúng an toàn.
  • Các loại kem có chứa steroid như hydrocortisone có thể dùng được trong thai kỳ nhưng tránh dùng trên diện tích da rộng trong thời gian dài vì một khi số lượng thuốc đủ lớn, có thể hấp thụ vào máu đi khắp cơ thể.
Acid Folic

Đây có lẽ là loại thuốc thông dụng duy nhất thật sự cần sử dụng cả trước và trong thời gian mang thai. Mỗi ngày một viên 400 microgram acid folic khi chuẩn bị mang thai đến khi thai được 12 tuần tuổi. Acid folic giúp phát triển tủy sống và hệ thần kinh của em bé và phòng ngừa các dị tật ống tủy sống như dị tật gai đôi ống tủy sống. Uống acid folic hàng ngày cũng có thể giúp phòng ngừa các dị tật như sứt môi hở hàm ếch.

Khuyến cáo dùng acid folic liều cao (5mg mỗi ngày) trong trường hợp thai phụ hay chồng có dị tật gai đôi cột sống hay có tiền sử sinh con có dị tật ống tủy sống. Hỏi thêm bác sĩ khi đến khám thai.

Đối với các thuốc không nêu ở các phần trên, nên hỏi ý kiến bác sĩ hay dược sĩ trước khi dùng. Cách tốt nhất để hạn chế nguy cơ xuống mức thấp nhất là nên tránh dùng các tất cả các thuốc không thực sự cần thiết. Nên nhớ là các loại thuốc nam hay thuốc bắc điều chế từ thảo dược không hẳn là an toàn trong thai kỳ. Nếu có gì chưa rõ, thai phụ nên hỏi kỹ bác sĩ khi đi khám thai!


Tóm lại

  • Cẩn trọng trước khi dùng bất cứ thuốc gì, nên nhớ là bạn đang mang thai!
  • Khi đi khám bệnh hay mua thuốc, nhớ báo cho bác sĩ khám bệnh và dược sĩ biết bạn đang có thai
  • Uống thuốc bổ sung acid folic trong thời gian mang thai
  • Nói chung, trong khi có thai, đối với tất cả các loại dược phẩm, thai phụ uống ít bao nhiêu tốt bấy nhiêu.
  • Luôn tham vấn bác sĩ hay dược sĩ nếu bạn mang thai và bắt đầu uống một loại thuốc mới nào.
  • Nhớ là nhiều thuốc thông dụng được bày bán tự do không cần có đơn thuốc bác sĩ cũng có thể có hại cho thai.
  • Chuyển sang uống thuốc nam thuốc bắc chế từ cây cỏ chưa hẳn là an toàn. Cũng phải có ý kiến chấp thuận của bác sĩ hay dược sĩ về việc sử dụng các thuốc này trong lúc mang thai.
  • Nếu bạn cảm thấy bất cứ cảm giác khó chịu hay bất thường gì sau khi dùng thuốc, xin báo ngay cho bác sĩ hay dược sĩ.
  • Bác sĩ cần phải cân nhắc mặt lợi hại của việc cho bạn dùng hay không cho dùng thuốc trong thời gian bạn mang thai.
  • Mỗi người là một cá thể riêng biệt, không ai giống ai hết – một thai phụ uống một loại thuốc có khả năng gây nguy hiểm cho thai vẫn có thể sinh ra một em bé khỏe mạnh trong khi người khác uống loại thuốc vẫn cho là an toàn lại có thể sinh ra một em bé dị tật bẩm sinh.
Dị tật bẩm sinh có thể xảy ra tự nhiên, ngay cả khi bạn không uống bất cứ thứ thuốc nào hết và không ai có thể tìm ra được nguyên nhân tại sao như vậy.


BS Đặng Thanh Huy
Theo Sức Khoẻ 360

0 comments:

Post a Comment

domain, domain name, premium domain name for sales

Popular Posts