Nguyễn Tường Bách |
Đặc trưng của nền vật lý hiện đại trong thế kỷ XX là sự tìm kiếm nguồn gốc khởi thủy của vật chất, cố tìm ra những “hạt cơ bản” cuối cùng tạo nên nguyên tử. Thế nhưng, khi đến cánh cửa cuối cùng mở ra để thấy bộ mặt thật của vật chất, nhà vật lý phát hiện vật chất hình như không phải do những hạt cứng chắc tạo thành nữa mà nó chỉ là dạng xuất hiện của một thực tại khác.
Vì thế mà vật chất mang những tính chất hầu như đối nghịch nhau, nó vừa liên tục vừa phi liên tục, vừa hữu hiện vừa phi hữu hiện, dạng xuất hiện của nó tùy theo cách quan sát của con người. Những tính chất lạ lùng đó đưa ngành vật lý vào thẳng cửa ngõ của triết học: Nền vật lý hiện đại vừa thống nhất và lý giải nhiều khái niệm cơ bản của triết học, vừa đề ra những câu hỏi lớn của loài người mà các nhà đạo học từ xưa tổng kết.
Và kỳ lạ thay, những phát hiện hiện nay của nền vật lý hiện đại không khác bao nhiêu so với những kết luận của các thánh nhân ngày xưa. “Ngành vật lý và triết học đứng trước những luận đề vô cùng kỳ lạ và thú vị. Trong khung cảnh đó, người ta thấy tư tưởng Phật giáo về vũ trụ và đời người có những giải đáp vừa rất bất ngờ vừa rất phù hợp với cách đặt vấn đề của khoa học hiện đại”.
Đó là lý do Nguyễn Tường Bách, Tiến sĩ Vật Lý, đã tâm đắc để dịch cuốn The Taos of Physics (Đạo của vật lý) của giáo sư vật lý nổi tiếng Fritjof Capra. Phật giáo có câu “tự lợi lợi tha”, làm lợi cho mình, cùng làm lợi cho người khác. “Thấu hiểu điều này một cách sâu sắc là doanh nhân đã sống đúng nghĩa với chiến lược cùng thắng (Win – Win)” – nhà vật lý Nguyễn Tường Bách nói.
“Từ lúc nằm trong nôi, 4 giờ sáng đã nghe ông nội tụng kinh. Có lẽ vì thế mà tinh thần Phật giáo thấm đẫm trong tâm hồn mình” – ông Bách nhỏ nhẹ. Cùng những trải nghiệm của một hành trình hơn 60 năm, trong đó, nhiều năm trong ngành vật lý, ông càng hiểu rõ Phật giáo không phải là sự cứu rỗi hay chạy trốn khỏi cuộc đời mà là con đường, thái độ và triết lý sống mang lại hạnh phúc và an lạc cho bất cứ ai. Nếu có một tôn giáo nào tương thích với khoa học, thì đó chính là Phật giáo, (“If there is any religion that would cope with modern scientific needs it would be Buddhism”) A.Einsteins đã “quán tưởng” từ hơn nửa thế kỷ trước.
Những trang viết ghi lại những cảm xúc, khám phá, suy ngẫm, chiêm nghiệm trên đường hành hương và hành trình tiếp cận Phật giáo của anh đã nhận được khá nhiều sự đồng cảm và ủng hộ của độc giả.
Như một sự trùng hợp ngẫu nhiên, cuộc trò chuyện giữa chúng tôi diễn ra vào một buổi chiều đầu xuân Mậu Tý – thời điểm anh vừa bước sang tuổi 60. Kể từ mùa xuân này, anh đã quyết định về sống và làm việc tại quê hương.
Nhân gian như mộng, xa nước từ lúc tóc còn xanh, nay trở về thì tóc mai của người đã nhuốm bạc.
* Sau hơn bốn thập niên định cư ở Đức, đâu là lý do khiến anh quyết định quay về sống tại quê hương?
- Về hay ở là một câu hỏi lớn đối với những anh em Việt kiều như chúng tôi. Quyết định hồi hương là một thay đổi hết sức to lớn. Một bên là cuộc sống tương đối đầy đủ về vật chất, trong môi trường sống dễ chịu… Bên kia là đối diện với những xáo trộn, với nhiều điều chưa tốt như môi trường ô nhiễm. Nhất là những người đã đến tuổi hưu, thường ngại thay đổi, không muốn bắt đầu lại bằng cái nhà cái cửa, cái chén, đôi đũa… Tuy nhiên, tôi nghĩ rằng nếu về thì tôi có thể cống hiến một số khả năng cho xã hội và điều đó làm cán cân lệch hẳn.
* Hẳn anh đã có sự chuẩn bị cho sự thay đổi này?
- Thực ra, tôi đã về Việt Nam nhiều lần trong nhiều năm qua. Nhưng bây giờ là thời điểm thích hợp để bắt đầu sống lâu dài tại Việt Nam. Lần này tôi về hai tháng, vừa ăn Tết ở quê nhà, vừa làm công tác chuẩn bị cả về vật chất và tâm lý. Đúng là quê hương của mình, ăn món ăn của mình, nói tiếng nói của mình, có những người thân thiết sẵn lòng chia sẻ niềm vui, suy nghĩ và cả những ưu tư. Đó là những điều mà những người Việt Nam ở nước ngoài, dù sống ở xã hội nào chăng nữa, cũng không thể so sánh được. Chỉ có điều tôi còn e ngại là mức độ ô nhiễm của môi trường đã đến mức báo động. Thể chất bị tác hại thì tinh thần cũng sẽ bị ảnh hưởng.
* Sự tác hại về tinh thần đã đến lúc cần phải báo động chưa, thưa anh?
- Theo quan sát của tôi, trong phạm vi này thì có một điều là quan hệ giữa người với người không tốt lắm. Tuy vấn đề này chưa đến mức nghiêm trọng như môi trường nhưng nếu không có sự hướng dẫn của dư luận thì sớm hay muộn chúng ta cũng sẽ phải báo động. Tôi nghĩ các nhà lãnh đạo và giới trí thức nên suy nghĩ về vấn đề này thật nghiêm túc. Cách nay chưa lâu, tôi có nghe một lãnh đạo của thành phố đặt vấn đề văn hóa đối xử cần phải được chú ý hơn trong năm mới. Đó là một tín hiệu cho thấy chính quyền đã chú ý đến vấn đề này.
* Được biết anh là một tiến sĩ ngành vật lý nhưng lại chuyển sang kinh doanh. Lần trở về này, anh có ý định tiếp tục công việc kinh doanh như nhiều Việt kiều khác?
- Đúng là tôi có học về vật lý nhưng 15 năm qua, tôi hoạt động kinh doanh, nhập khẩu thiết bị công nghiệp về Việt Nam. Tuy nhiên, đầu năm 2008 này, tôi quyết định chấm dứt toàn bộ hoạt động kinh doanh. Tôi đã nhận được lời mời làm công tác giảng dạy từ một số viện Phật học. Tôi cũng nhận được đề nghị hợp tác với một vài công ty tư nhân trong lĩnh vực huấn luyện kỹ năng giao tiếp và đàm phán, tư vấn quản lý dự án…
* Đạo của Vật lý của tác giả Fritjof Capra được xem là một cuốn sách không hề dễ đọc đối với nhiều người. Là người chuyển ngữ sang tiếng Việt, anh có thể nói về bản dịch này trong một vài câu được không?
- Được xuất bản năm 1975, Đạo của Vật lý đã được dịch sang nhiều thứ tiếng trước khi dịch sang tiếng Việt. Nội dung của cuốn sách bàn về sự đồng quy, song hành và phù hợp giữa tiến bộ, khám phá khoa học của ngành vật lý với những kiến giải của các đạo gia phương Đông như Lão Tử hay trong một số tôn giáo như Phật giáo, Ấn Độ giáo…
Một thí dụ là ngày nay, ngành vật lý, nhất là vật lý lượng tử, đã thừa nhận rằng sự xuất hiện của vũ trụ phải được xem là mối tương tác giữa vật được quan sát và người quan sát, chứ không phải bản chất vũ trụ tự nó là như vậy. Cách nay 2.500 năm, Phật giáo cũng đã cho rằng vũ trụ xuất hiện phù hợp với cái mà chúng ta tạm gọi là “nghiệp” của mỗi con người, phân thành “chính báo” và “y báo”. Theo đó, chính báo chỉ cái thân và cái tâm của chúng ta, còn y báo là vũ trụ quanh ta.
* Ý anh là mỗi người nhìn thấy vũ trụ một cách khác nhau?
- Đúng. Nhưng vì nghiệp của chúng ta giống nhau quá, nên khi chúng ta thấy giống nhau, chúng ta tưởng rằng chỉ có một vũ trụ duy nhất. Hãy lấy một thí dụ, thông thường khi chúng ta đi xe đến ngã tư, gặp đèn đỏ thì dừng, gặp đèn xanh đi tiếp. Giả định rằng có một người bị mù màu, đối với anh ta, tín hiệu đèn giao thông không phải là màu sắc, mà theo thứ tự trên dưới, đèn phía trên sáng thì dừng, đèn phía dưới sáng thì đi. Chúng ta không hề biết anh ấy bị mù màu, không biết anh ấy nhìn đèn giao thông khác chúng ta bởi anh ấy tuân theo hiệu lệnh đèn giao thông như chúng ta. Thậm chí nói miệng với nhau thì anh ta cũng gọi là “đèn xanh, đèn đỏ” như chúng ta. Thực tế là có hai cây đèn, đèn xanh, đèn đỏ và đèn trên, đèn dưới. Tương tự như vậy, vũ trụ hiện ra theo mức độ của mỗi người.
* Vậy thì vũ trụ dưới góc nhìn của Nguyễn Tường Bách là cái gì?
- Đối với tôi và bạn, đóa hoa là đóa hoa, nhưng với con vi khuẩn thì đóa hoa là thế giới của nó, còn với con ong thì đóa hoa là một bữa tiệc. Tôi và bạn cùng thấy đóa hoa là đóa hoa vì như cách lý giải của nhà Phật, chúng ta có cùng “cộng nghiệp”. Thế nhưng còn có “biệt nghiệp”. Khi xem một trận đá banh, có người chỉ thấy một cầu thủ đang lừa banh, người am hiểu một chút thì thấy vài ba đồng đội đang di chuyển để nhận banh, người sâu sắc thì thấy 22 cầu thủ đang vận động, còn ông huấn luyện viên thì biết cả cầu thủ nào cần phải thay ra khi điều chỉnh đấu pháp. Mức độ am tường đó chính là khái niệm “biệt nghiệp” trong nhà Phật, khiến chúng ta nhìn thấy thế giới này một cách khác nhau.
* Thông thường, các nhà khoa học luôn đề cao tính chính xác. Là một tiến sĩ vật lý nhưng anh chuyển sang nghiên cứu về đời sống tâm linh. Liệu hai lĩnh vực này có đồng quy không, thưa anh?
- Quả thật, khoa học đòi hỏi sự chính xác, đòi hỏi tính định lượng trong khi tâm linh hướng đến sự định tính. Nói chung thì hai lĩnh vực này khó có khả năng đồng quy nhưng thật ra giữa hai ngành này cũng có nhiều điểm tương đồng. Thí dụ về mặt chính xác thì khi đi sâu vào nghiên cứu đạo Phật, chẳng hạn như mảng tâm lý học Phật giáo, ta sẽ thấy mức độ chính xác cũng rất cao. Thí dụ tám tâm vương, 51 tâm sở v.v… trong tâm lý học Phật giáo. Chỉ có điều đối tượng nghiên cứu của Phật giáo là các tình trạng tâm lý, còn đối tượng của các nhà vật lý là vật chất.
* Ngoài những sách dịch thuật của anh, độc giả còn biết nhiều đến anh qua những tác phẩm đã xuất bản như Mùi hương trầm, Lưới trời ai dệt…, ghi lại những xúc cảm dọc đường hành hương về đất Phật. Trong những cuộc hành trình đó, điều gì khiến anh tâm đắc nhất?
- Với tôi, Ấn Độ là miền đất đã để lại nhiều ấn tượng sâu sắc nhất. Trước khi đi hành hương, tôi đã biết rằng Đức Phật là một nhân vật lịch sử, tức là đã sống và đã chết trên trái đất này. Nhưng chỉ khi đến thăm nơi Đức Phật sinh ra, lớn lên, hành đạo và từ trần, tôi mới chứng thực được những cảm nhận của mình. Đức Phật là một con người, chứ không phải một đấng Thượng đế. Thực ra, đây không phải là một khám phá gì ghê gớm lắm, nhưng với riêng tôi thì điều này rất có ý nghĩa. Tất nhiên, dọc đường hành hương, tôi còn có những cảm nhận khác, những khám phá khác mang tính chất tâm linh, rất khó diễn đạt.
* Trên hành trình khám phá tâm linh, bây giờ anh đang “dừng chân” ở đâu?
- Tôi may mắn có cơ hội đi nhiều nơi trên thế giới. Ngoài Ấn Độ, tôi còn đến nhiều nơi có tính tâm linh cao như Trung Quốc, Thái Lan, Myanmar, Ai Cập, Hy Lạp… Ở Việt Nam, tôi cũng đã thăm được một số nơi nhưng tôi chưa có ý định dừng lại. Tôi nghĩ rằng đi nhiều tới mấy cũng không đủ, mỗi nơi đều có cái hay, cái đẹp, còn sức thì còn đi… Về khía cạnh tâm linh, tôi sẽ còn tiếp tục tìm hiểu và học hỏi, đến một mức độ nào đó thì tự chuyển hóa con người mình, khiến nội tâm thay đổi thì mới tạm gọi là được.
* Phải chăng đó là một trạng thái của “ngộ” đã được đề cập trong Phật pháp?
- Tôi chưa “ngộ” nên tôi chưa biết “ngộ” là trạng thái như thế nào. Tôi chỉ nghĩ “ngộ” là trạng thái mà trong đó con người ta chứng thực được sự nhất thể của vũ trụ, một cái toàn vẹn và thiêng liêng và những ai đi theo con đường tâm linh đều tìm cách tập luyện để vươn tới.
* Một điểm tương đồng giữa các tôn giáo là hướng thiện. Thế nhưng có một nhận xét rằng chính ở những thánh địa của tôn giáo như Jerusalem, Nepal… lại thường tồn tại sự bất ổn. Anh thấy sao?
- Đúng là Jerusalem hiện vẫn còn nhiều bất ổn. Trung Đông là vùng đất rất kỳ lạ trên địa cầu, nơi phát sinh ba tôn giáo lớn là Do Thái giáo, Thiên Chúa giáo và Hồi giáo. Tôi không dám trả lời câu hỏi này. Tôi chỉ đặt câu hỏi: Việc ba tôn giáo cùng xuất phát từ một nơi và đều có một quan niệm “độc thần” phải chăng là nguồn gốc của những tranh chấp. Còn những biến động tại Nepal tương đối nhỏ hơn và không xuất phát từ Phật giáo. Bởi Phật giáo không chủ trương “độc thần”, tôn trọng mọi niềm tin khác.
* Một người bạn thâm giao của anh nhận xét rằng chưa một lần nghe anh nói xấu bất kỳ ai. Điều đó có đúng không?
- Theo tôi, con người là sự tổng hòa của hai mặt tốt và xấu, không ai tốt hoàn toàn và xấu hoàn toàn. Là một Phật tử, tôi tin tất cả mọi người đều có hạt nhân của sự giác ngộ. Nếu người ta có “xấu” thì chẳng qua là kết quả của một thói quen nào đó, còn bản chất đích thực, sâu xa ở mỗi con người là Phật tính. Thêm nữa, cách hành xử của mỗi người đều chịu sự quy định của quá khứ. Đất nước mình từng trải qua nhiều đau thương, chiến tranh, có khi cả hận thù… nên người Việt Nam có gì không phải cũng là do kết quả của lịch sử để lại. Chính vì vậy mà tôi cảm thông, thương mến tất cả mọi người, kể cả những người không thích mình, không phải với mình. Thật tâm tôi nghĩ vậy.
* “Nhân chi sơ, tính bản thiện”. Đành rằng ai cũng có Phật tính nhưng để hạt nhân giác ngộ phát triển lành mạnh thì cần phải có chế độ chăm sóc. Với anh thì sao?
- Cái gọi là “Phật tính” sâu xa lắm, không đơn giản cho chúng ta trải nghiệm nhưng đồng thời lại chi phối chúng ta hoàn toàn. Chúng ta sống bao nhiêu đời, bao nhiêu kiếp nên hạt nhân đó bị nhiều thói quen che lấp, nên chúng ta hầu như là giống nhau về điều này. Liên tục tự vấn sẽ giúp chúng ta ý thức được dòng tâm thức của mình, để từ đó chúng ta tự giải thoát khỏi những thói quen xấu. Giả sử như một người đang giận, nếu ý thức được mình đang giận thì sẽ bớt được sự giận dữ.
* Nhưng nếu biết việc mình giận là đúng?
- Ngang đó thôi cũng đã tốt hơn là giận mà không biết vì sao. Tiến thêm một bước nữa là tìm hiểu tại sao mình giận. Cơn giận, rồi cơn vui, cơn say… cuối cùng đều là vô thường, xuất hiện rồi ắt sẽ tan biến, có sinh tất có diệt.
* Dường như anh tin vào sự luân hồi?
- Vấn đề này rất sâu xa, tôi không thể nói cạn được ý mình trong vài ba câu. Nhưng tôi tin thân xác này chỉ là dạng xuất hiện trong dạng vật chất của một dòng tâm thức. Thân này có gián đoạn, sau một thời gian khoảng bảy, tám chục năm, hiếm lắm là một trăm năm cũng sẽ chết. Nhưng dòng tâm thức đó là một sự liên tục, khi thân xác này phân rã, dòng tâm thức khao khát sự sống, nên sẽ tìm cơ hội để có một thân mới.
* Thực tế đâu đã có ai chứng minh được rằng thân xác này chỉ là chỗ trú ngụ tạm thời của một dòng tâm thức. Nói cách khác, đâu đã có ai biết được kiếp trước của mình là gì, kiếp sau của mình ra sao?
- Tôi thì thấy điều đó rất logic. Nếu quy một đời người về một ngày, giả định giấc ngủ là cái chết, thì ngày hôm trước cách ngày hôm sau đúng một giấc ngủ. Nếu hôm nay tôi uống rượu nhiều, ngày mai tôi bị nhức đầu, hôm nay tôi nóng giận, ngày mai trong người tôi vẫn còn vương vất bực dọc… Sự tiếp nối đó dễ hiểu, vì người ta nửa tin nửa ngờ nên chuyện đó trở nên huyền bí.
* Có một thời gian dài chúng ta đồng nhất văn hóa tâm linh với mê tín dị đoan. Anh nghĩ thế nào về vai trò của tâm linh trong đời sống đương đại?
- Ở Việt Nam, theo cảm nhận của tôi, đời sống tâm linh đã trở lại trong năm, bảy năm gần đây sau một thời gian vắng mặt. Người ta bắt đầu tin rằng có một cái gì đó nằm đằng sau sự vận động của vật chất trần trụi. Tôi cho đó là một dấu hiệu tốt, khiến con người ta cẩn trọng hơn với những điều mình đang làm và sẽ làm. Dẫu rằng đời sống tâm linh hiện còn khá thô sơ, nhưng tôi nghĩ nó sẽ chuyển hóa và trưởng thành.
* “Sự trở lại” này có nên được xem là một lẽ tất yếu?
- Chắc chắn. Khi áp lực về đời sống vật chất giảm bớt thì hầu như người ta đến với đời sống tâm linh, nhất là ở những người đã bước sang tuổi trung niên.
* Nghiên cứu khoa học, chuyển sang kinh doanh, rồi làm công tác dịch thuật và viết sách. Nếu xem bốn lĩnh vực này như bốn gương mặt thì gương mặt nào khiến anh hài lòng nhất?
- Trước hết, tôi phải khẳng định rằng tất cả chúng ta đều có những gương mặt khác nhau. Tùy theo từng đối tượng và trong những thời khắc, chúng ta xuất hiện với một gương mặt khác. Nếu là một tù nhân, tôi có thể ghét người cai ngục. Nhưng biết đâu chừng ông ấy là một người cha tốt, một người chồng chung thủy, một người hết lòng vì bạn bè, một chiến sĩ quả cảm… Trở lại với câu hỏi của bạn, tôi cảm thấy hài lòng nhất với vai trò của một người viết. Công việc này tôi làm tốt hơn mảng khoa học, kinh doanh và dịch thuật bởi qua đó tôi tiếp cận được nhiều người nhất…
* Người ta thường nói không ai hiểu mình bằng chính mình. Theo anh, bốn gương mặt đó có đồng quy không?
- Nói chung, ai cũng thế, những vai trò của mỗi người tuy có khác nhau nhưng đều xuất phát từ một dòng tâm thức duy nhất. Tôi nghĩ chúng không chỏi lẫn nhau.
* Anh cũng là một con người lịch sử và dành nhiều năm nghiên cứu về Phật giáo. Nguyễn Tường Bách trong đạo và đời có gì khác nhau?
- Với tôi, đạo và đời không có sự phân biệt. Thế giới ta đang sống chính là pháp giới. Nếu sống thực với mình thì cuộc đời và tâm thức phải khớp với nhau. Người ta không thể trong đầu suy nghĩ đạo lý mà bên ngoài làm điều giả dối.
* Nhưng có vẻ trong cuộc sống không phải lúc nào người ta cũng nói đúng, nói hết những điều người ta đang nghĩ.
- Đạo Phật chia làm ba bình diện: thân, khẩu và ý. Ba bình diện này liên hệ với nhau, trong đầu (ý) nghĩ thế nào thì phát xuất ra lời (khẩu) và hành động (thân). Trong một tình huống nào đó, vì một lý do nào đó, người ta phải nói khác, phải hành động khác với suy nghĩ thì hẳn là họ phải rất khó chịu. Trong thâm tâm, tôi vẫn tin ai cũng muốn sống thực với lòng mình.
* Hôm nay là Valentine – ngày Tình yêu. Nhân tiện xin hỏi anh quan niệm thế nào về tình yêu?
- Tôi cho rằng tình yêu là một trạng thái của tâm có thực nhưng chỉ những ai thật may mắn mới có cơ hội chứng thực. Trạng thái mà người ta thường gọi là “yêu thương” thực ra lại là yêu chính bản thân mình. Đạo Phật quan niệm tình yêu là sự cho đi mà không màng đến chuyện đền đáp. Còn người phương Tây có một câu nói: “Yêu là không bao giờ phải nói hối tiếc”.
* Câu hỏi này khá riêng tư. Anh có phải là người may mắn trong tình yêu?
- Tôi xin giữ sự riêng tư này cho mình.
* Xuân này anh bước sang tuổi 60. Nếu làm một cuộc tổng kết khép lại những năm tháng bôn ba ở nước ngoài, anh sẽ nói gì?
- Tôi có may mắn sống trong những nền văn hóa khác nhau. Tôi mong những người trẻ có cơ hội sống trong những nền văn hóa khác trong một khoảng thời gian hoặc dài hoặc ngắn, nói tiếng nói của người ta, tìm hiểu văn hóa của người ta, qua đó cảm nhận được tính cách của người Việt Nam rõ ràng hơn, khách quan hơn. Ra ngoài không phải là xa Việt Nam. Đi để nhìn lại, để tạo cơ hội nhìn rõ con người mình nhiều hơn. Có xa gia đình mới thấy yêu gia đình của mình thế nào, có xa đất nước mình mới thấy yêu đất nước mình như thế nào.
* Một câu hỏi cuối cùng. Sau Mùi hương trầm, Lưới trời ai dệt… những bạn đọc yêu mến anh có thể chờ đợi gì trong năm Mậu Tý này?
- Tôi chưa nghĩ ra sẽ viết cái gì. Trước giờ, tôi chỉ viết những gì mình đã chứng thực và cảm khái. Trong tương lai, có lẽ tôi vẫn tiếp tục trung thành với tinh thần đó.
* Xin cảm ơn anh!
THEO THƯỢNG TÙNG (Doanh nhân Sài Gòn Cuối tuần)
Nguồn: http://duylucthien.wordpress.com
0 comments:
Post a Comment