Nói xưa để phân biệt với nay, kỳ thực - xưa chỉ là… 15 năm về trước. Hòn Rơm có lẽ là vùng quê “thay da đổi thịt” nhiều nhất và nhanh nhất của Việt Nam.
Ngày nay, Hòn Rơm trở thành thương hiệu du lịch nổi tiếng cả nước - từng khai sinh ra loại hình du lịch “dã ngoại”. Cứ vào Google, gõ “Hòn Rơm” là tha hồ tra cứu, tìm hiểu. Ít ai biết rằng, 15 năm trước, Hòn Rơm là vùng kinh tế mới giãn dân, một bên là biển, một bên là cát, dân cư thưa thớt, không có đường giao thông.
Địa danh Hòn Rơm có tên trên bản đồ Bình Thuận là Long Sơn - thuộc ấp Long Sơn, phường Mũi Né, thành phố Phan Thiết, cách trung tâm tỉnh lỵ Bình Thuận 26 km. Long Sơn là ngọn núi nhỏ, nhô ra biển Đông, cao hơn 50m. Mùa mưa, cỏ xanh rì. Mùa nắng, cỏ vàng úa, nhìn từ xa tựa như ụ rơm ở quê nên được gọi là Hòn Rơm. Nghe nói trên núi có bàn cờ Tiên.
Trước năm 2000, tôi đã một mình lên đó vài lần, chỉ gặp mấy cây thân bụi và những đứa trẻ chăn bò. Dưới chân núi, phía nam có đền thờ “Nam Hải tướng quân” (cá voi). Vách núi phía đông - nơi chim biển buổi chiều thường về tụ hội, có cả dấu vết thân cây hóa thạch trên đá. Trước đây, từ Phan Thiết, ô tô chỉ đi tới Mũi Né là hết đường, phải đi xe ôm chạy ven biển hoặc xe 2 cầu chạy được trên cát.
Sự kiện nhật thực toàn phần ngày 24.10.1995 đã đánh thức nàng công chúa xinh đẹp là “du lịch Bình Thuận” thức dậy sau bao năm ngủ yên. Nàng thấy mình đẹp, thiên hạ càng thấy nàng đẹp hơn và du lịch bắt đầu phát triển từ đó.
Nếu Coco Beach Resort là nơi khai sinh ra “thủ đô resort” Hàm Tiến thì khu du lịch Hòn Rơm - nay là Hòn Rơm 1, là nơi khởi đầu của du lịch dã ngoại Việt Nam mà dược sư Phạm Thị Năm, cựu cán bộ giảng dạy trường Đại học Y Dược TP.HCM được xem là bà đỡ. Dược sư Năm, quê ở Mũi Né, đã mua lại phần đất “kinh tế mới” của gia đình để làm chỗ đón mấy người bạn thân cả trong nước và nước ngoài đến xem nhật thực. Chị dựng mấy căn nhà lá đơn sơ, hoang dã. Khu vệ sinh giản dị mà sạch sẽ.
Ban đầu, chỉ tính làm nơi khám bệnh phát thuốc cho bà con vùng căn cứ cách mạng chung quanh. Ai dè, bạn bè tới chơi, ai cũng trầm trồ, xúi chị làm du lịch. Thế là chị đón thêm thân hữu, rủ thêm người nhà. Tiếng lành đồn xa, khách ngày mỗi đông, chị làm du lịch lúc nào không hay.
Lúc đó, cả thành phố Phan Thiết chỉ có mỗi khách sạn Phan Thiết vài chục phòng, khách sạn 19.4 ngay bến xe và nhà nghỉ Công đoàn cạnh bãi biển Thương Chánh. Mấy căn nhà lá của chị, có giường chiếu tươm tất, chỉ đón được vài chục người. Thế là chị mua thêm lều “bánh bao”, loại lều có lưới chống muỗi, lúc đó phải đặt ở nước ngoài.
Nếu bãi Thương Chánh - Phan Thiết, Rạn - Hàm Tiến (dân gian gọi là Rạng) và Gành - Mũi Né chỉ có thể tắm theo mùa hoặc có vực xoáy nguy hiểm thì Hòn Rơm - cả bãi biển hình cánh cung từ Mũi Né đến Long Sơn dài hơn 6 km có thể tắm quanh năm, kể cả khi mưa bão. Biển trong veo, phẳng lì, ít sóng, cát trắng tinh, không có người ở nên sạch và đẹp đến ngỡ ngàng. Nếu thích, khách có thể dừng lại tắm mà... không ướt quần áo.
Phương tiện đưa khách từ Mũi Né ra Hòn Rơm lúc đó là loại xe Dodge mui trần hai cầu của Mỹ, còn gọi là xe đặc chủng, xe Iraq vì được sử dụng trên sa mạc trong cuộc chiến tranh vùng Vịnh (1991). Xe chạy ven biển, đua nhau với lũ còng gió, phóng như tên bắn.
Có đoạn, phải lên bờ chạy trên đồi cát hoặc men theo đường mòn lầy lội, cây cối um tùm. Hễ chỉ huy hô “bái” là tất cả phải rạp mình chống cây gai cào xước. Xe lắc nghiêng ngả, cánh trẻ lợi dụng làm nghiêng thêm với những trận cười nắc nẻ. Đến Hòn Rơm lần đầu năm 1997, bạn Bùi Chí Minh đã ứng khẩu:
Đến Hòn Rơm chẳng thấy rơm
Chỉ nghe gió thổi bờm xờm tóc em
Xe đặc chủng - lắc ngả nghiêng
Nụ cười em đủ làm mềm lòng anh!
Vào mùa cao điểm, có đoàn các cụ hưu trí cứ nằng nặc đòi ra Hòn Rơm bằng được. Thiếu chỗ ở, mỗi lều phải bố trí 4 - 5 cụ. Mùa hè nóng, khuya đứng gió, không ngủ được.
Ngồi thì muỗi cắn, đi dạo thì mỏi chân. Các cụ tức cảnh làm thơ theo trường phái Bút Tre:
Chưa đi chưa biết Hòn Rơm
Đi nhằm ngày lễ (30.4) không còn chỗ ngu (ngủ)
Một lều nhốt tới năm cu (cụ)
Ra về quên mất cái mu (mũ) trong lều!
Thời đó, Hòn Rơm chưa có điện. Máy phát chạy tới 21 giờ là nghỉ. Chỉ còn trăng sao và trời đất. Ban ngày, mắc võng dưới mấy cây dừa “kinh tế mới”, thấy sóc chuyền cành, nghía khách lạ. Ra tắm biển, mò sò điệp lên chén. Sò điệp rẻ như bèo, tiền xe chở ra Mũi Né còn đắt hơn cả tiền bán hàng cho khách.
Tối về thì có đủ trò. Ra bãi biển bắt còng nướng hoặc nấu cháo riêu. Lên đồi cát ngắm trăng sao hàn huyên tâm sự. Đối diện khu du lịch Hòn Rơm có đồi cát trắng dốc ngược. “Bò” lên đó đón hoàng hôn và ngắm toàn cảnh Hòn Rơm thì cực đẹp. Đêm càng tuyệt vời. Vì đồi dốc, ai lên cũng phải chổng mông bò càng và thở bằng lỗ tai. Đồi chưa có tên, bởi chẳng ai để ý đến những đồi cát hoang như vậy. Khách Lửa Việt bèn gọi đại là đồi cát “Chu Mông” cho dễ nhớ và dễ hình dung. Có đêm, nổi hứng rủ nhau vào khu rừng cát bắt thỏ, bắt dông. Dông cát hồi xưa nhiều vô kể, thường bắt bằng bẫy thòng lọng. Dân nhậu gọi là kỳ tôm vì thịt dông mềm, thơm, ngọt hơn cả thịt gà.
Đến Hòn Rơm thuở đó không thể bỏ qua Tiểu sa mạc Cát Vàng, chập chùng đồi cát, đẹp đến mê hồn. Có thể đi từ sáng sớm đợi bình minh hay xế chiều đón hoàng hôn. Những đồi cát trinh nguyên đủ hình dáng, như tranh vẽ, cố leo lên đồi này lại thấy đồi khác cao hơn. Leo lên rồi tuột xuống bằng “ván trượt” hay lăn cù cũng được. Đi riết anh em đúc kết, khi lên là phải “ngực tung tăng đi trước, mông lả lướt theo sau”. Khi xuống thì “ngực tấn công, mông phòng thủ”. Đi đồi cát cần nhất người “đỡ mông” chứ không cần người đỡ đầu.
Các cô gái trẻ, tối kỵ mặc váy ngắn vì mấy chàng trai cứ thích... ngồi buộc lại dây giày. Có thể mặc quần short nhưng phải có dây thắt lưng vì nếu mặc quần dây thun dễ bị bạn bè “níu kéo” khi leo đồi cát. Hòn Rơm còn có đồi Hồng với rất nhiều khối sa thạch non màu đỏ kỳ thú, có suối nước róc rách bên ấm - bên lạnh. Đẹp hơn cả là suối Hồng. Đi bộ qua Tiểu sa mạc, cắt ngang rừng chồi, lên đỉnh rồi leo xuống các vách sa thạch non đỏ rực, nơi dòng suối khởi nguồn dẫn nước ra biển, chưa đầy 1 km nhưng cảnh đẹp lạ lùng.
Tôi và các cộng sự đã lấy xe Jeep hai cầu, mang theo cả ván và xẻng (đề phòng bị lún) khám phá vùng Suối Nước, qua Hòn Nghệ - giống hệt con rùa. Qua Bàu Ông - Bàu Bà, còn gọi là Bàu Sen và Bàu Trắng - hồ nước ngọt rộng sâu giữa mênh mông cát trắng.
Leo lên đỉnh đồi cát cao nhất, tôi đặt tên là “đồi Trinh Nữ”. Sau này, đưa khách tới Bàu Trắng tham quan, mấy bạn nữ nằng nặc đặt tên đồi cao thứ nhì ở Bàu Trắng là đồi Trai Tân nhưng chỉ đồi Trinh Nữ là chết tên cho tới ngày nay.
Bây giờ, Hòn Rơm, Mũi Né, Hàm Tiến và cả Suối Nước, Bàu Sen đều lột xác. Đường sá thênh thang, tráng nhựa láng bóng, đẹp hơn cả đường quốc lộ. Nhà cửa khang trang vì du lịch đi đến đâu thì sự sung túc đi theo tới đó. Khu Hàm Tiến với hàng trăm resort cao cấp, buổi tối sáng rực và tấp nập chẳng kém Pattaya, Thái Lan. Vậy mà 15 năm trước, từ Lầu Ông Hoàng ra Mũi Né, xế chiều hết xe, tôi đã ngồi một bên trên bình xăng xe Mink, phía sau tài xế là 2 vợ chồng người khách khác ngồi đè lên chiếc xe đạp nằm ngang! Còn hơn xiếc hiện đại.
Bây giờ, mỗi lần ra Hòn Rơm, chẳng tìm đâu dấu xưa. Suối Tiên, đồi Hồng, suối Hồng xơ xác. Xưa “thôn nữ thanh tân” giờ như “bà lão quá lứa”. Tiểu sa mạc Cát Vàng xô bồ đến ngộp thở. Cả Bàu Sen - Bàu Trắng cũng ồn ào xanh đỏ. Thiên nhiên bị thu hẹp. Biết làm sao được. Da diết nhớ Hòn Rơm ngày xưa - như thèm trở về vùng trời tuổi thơ ngọt ngào quá khứ...
Du lịch, GO!
Theo Nguyễn Văn Mỹ (Thanhnien), ảnh internet
0 comments:
Post a Comment