Lê Anh Dũng
Đã đăng tạp chí Thông tin khoa học và công nghệ. Huế: Sở Khoa học, Công nghệ và Môi trường Thừa Thiên - Huế, 1999.
SUMMARY: YIJING AND CAODAI MEDITATION A miraculous classic of both Confucian and Taoist learning, Yijing today still provides its mystic theories for Caodai meditation practice. This essay surveys the most fundamental understanding of some Caodai meditation concepts. It also explains a few daily and seasonal schedules followed by Caodai meditation practitioners. |
*
I. KINH DỊCH KHÔNG PHẢI CHỈ LÀ SÁCH BÓI TOÁN, TRIẾT LÝ HAY Y THUẬT
Thông thường, kinh Dịch vẫn được xem là sách bói toán, hoặc là sách triết lý, trong đó bao gồm vũ trụ quan, nhân sinh quan, sử quan... Ngoài ra, còn một xu hướng nữa là ứng dụng kinh Dịch vào phép dưỡng sinh hay trị bịnh theo y thuật cổ truyền phương đông.
Tuy nhiên, phạm vi ứng dụng của kinh Dịch vào đời sống không chỉ dừng lại ở bao nhiêu đó. Kinh Dịch còn một ứng dụng khác, không được phổ biến rộng rãi. Đó là ứng dụng kinh Dịch vào việc tu tập thiền định để giải thoát luân hồi sinh tử.
Những người đi theo con đường tu luyện này gọi là hành giả. Theo truyền thống có từ lâu đời, những gì hành giả được truyền thụ, đã thực hành và thực chứng trong đời sống thiền đều phải giữ kín, với nguyên tắc pháp môn tu luyện không được dễ duôi, khinh suất truyền cho người khác (đạo pháp bất khinh truyền).
Nói cách khác, có một pháp môn được giữ kín, gọi là bí pháp và chỉ được truyền thụ hạn chế, cẩn mật trong một số người tuyển chọn thu hẹp. Bí pháp này phương tây gọi là esoterism, đạo Nho gọi là hình nhi thượng học và Cao Đài gọi là nội giáo tâm truyền.
Ngoài phương diện nội giáo tâm truyền, các ứng dụng của kinh Dịch vào bói toán, triết lý và y thuật thường được nhiều người biết tới chính là phương diện được phương tây gọi là exoterism, đạo Nho gọi là hình nhi hạ học và Cao Đài gọi là ngoại giáo công truyền.
II. KHÁI NIỆM VỀ THIỀN CAO ĐÀI
Việc thực hành thiền với ứng dụng kinh Dịch tạo ra một dòng thiền khác biệt với các dòng thiền có nguồn gốc Tây Tạng như Mật tông, hoặc có nguồn gốc Ấn Độ như yoga và thiền nhà Phật...
Các đạo sĩ Lão giáo ở Trung Quốc chính là những người nắm được bí quyết ứng dụng lý thuyết âm dương, ngũ hành và các quẻ Dịch để tu luyện ngõ hầu biến cải con người từ phàm phu chịu sự chi phối của luật sinh tử luân hồi trở thành bậc chân nhân siêu sinh thoát tử. Họ tạo thành một trường phái thanh tĩnh vô vi, chuyên luyện nội đan, tức là phái tu tiên, tu chân.
Phái này chủ trương bên trong thân người đã sẵn có những yếu tố thần minh và nếu biết khai phóng đúng phương pháp, con người sẽ đạt được trường sinh bất tử.
Để luyện thuốc trường sinh bất tử [1], họ chỉ sử dụng những vị thuốc, dược liệu tạo hóa đã dành cho mỗi người, ai ai cũng sẵn có trong thân (nội dược). Đối lập với họ là phái ngoại đan, chủ trương tìm kiếm các dược liệu ở ngoài thân (ngoại dược) để luyện thuốc trường sinh bất tử; như từng dùng các chất độc là chì (diên), thủy ngân (hống), chu sa (thần sa)... [2]
Ngoài kinh Dịch, phái nội đan còn ứng dụng Đạo đức kinh trong tu luyện. Đối với các hành giả này, Đạo đức kinh không phải chỉ là sách triết; tám mươi mốt (9x9) chương của Đạo đức kinh cũng là tượng số, liên quan đến thuật ngữ cửu chuyển công thành hay cửu chuyển đan [đơn] thành của các đạo sĩ. [3]
Các hành giả quan niệm rằng có hai bộ kinh Dịch: (1) Chu dịch là bộ Dịch với sáu mươi bốn quẻ; (2) Đạo đức kinh là bộ Dịch không mang quẻ.
Cao Đài kế thừa một phần thiền của đạo Lão, canh tân cho phù hợp với hoàn cảnh sinh sống và tâm sinh lý của con người trong thời đại ngày nay. Cao Đài gọi tên thiền pháp thời đại Tam kỳ Phổ độ là tân pháp Cao Đài. [4]
Dòng thiền Cao Đài khởi từ đầu năm Tân dậu (tháng 02-1921), trên đảo Phú Quốc với ông Ngô Văn Chiêu (1878-1932), đến nay đã trải qua gần tám mươi năm. [5] Dòng thiền Cao Đài phát triển và lần lần hình thành nhiều tịnh trường (nơi mở khóa tu thiền tập thể) tại nhiều địa phương khác nhau, chủ yếu ở miền Nam; trong đó có thể kể Cao Đài Tiên thiên, Cơ quan Phổ thông Giáo lý, và nhất là Cao Đài Chiếu minh...
Mỗi tịnh trường phân thành các cấp tu luyện với những bài khóa tương ứng. Phương thức truyền thụ pháp môn tuy có một số điều khác nhau, nhưng nguyên tắc chung của hành giả vẫn là thực hiện nếp sống của người tu tại gia (cư sĩ), hoàn thành đầy đủ các nghĩa vụ của con người đối với gia đình, xã hội, đồng bào, đồng loại. [6]
III. KHÁI QUÁT VỀ BA ỨNG DỤNG CƠ BẢN CỦA KINH DỊCH TRONG THIỀN CAO ĐÀI
Ứng dụng kinh Dịch vào nội giáo tâm truyền trong tân pháp Cao Đài đương nhiên vẫn là những điều không được công truyền, theo đúng truyền thống đạo học phương đông; và như đã chép ở Đạo đức kinh -- Người biết không nói, người nói không biết [7] -- nên ngay cả những người trong cuộc là chính các hành giả cũng không dễ dàng tùy tiện thổ lộ cho nhau các bí quyết ấy.
Tuy nhiên, để minh họa rất khái quát về ứng dụng của kinh Dịch trong thiền Cao Đài, có thể nêu ra đây ba ứng dụng cơ bản. Nói cơ bản vì những khái niệm đầu tiên này người mới học thiền Cao Đài, mới tập sự làm hành giả, đều phải biết qua về phương diện lý thuyết. Nói cơ bản vì đây chính là những kiến thức khá sơ đẳng và phổ thông trong kinh Dịch có thể dễ dàng tìm thấy trong các quyển kinh Dịch đã được công truyền từ lâu.
Ba khái niệm cơ bản của kinh Dịch được ứng dụng trong thiền Cao Đài là:
(1) bát quái tiên thiên và bát quái hậu thiên;
(2) tương ứng giữa các quẻ Dịch với tuổi con người;
(3) tương ứng giữa các quẻ Dịch với giờ, tháng và tiết.
1. Khái niệm về bát quái tiên thiên, hậu thiên
Theo truyền thuyết, Phục Hy tạo ra bát quái tiên thiên, các quẻ theo thứ tự: Càn, Đoài, Ly, Chấn, Tốn, Khảm, Cấn, Khôn (Hình 1). Văn vương tạo ra bát quái hậu thiên, các quẻ theo thứ tự: Chấn, Tốn, Ly, Khôn, Đoài, Kiền, Khảm, Cấn (Hình 2).
Theo các hành giả, bát quái tiên thiên với “trục” nam bắc là Càn-Khôn chính vị, diễn tả bản thể con người, theo đó tâm con người là tâm trời đất (thiên địa chi tâm) không bị điên đảo thị phi hay ô nhiễm kết tập.
Bát quái hậu thiên cho thấy Càn bị lệch về hướng tây bắc, Khôn bị lệch về hướng tây nam. “Trục” nam bắc là Ly-Khảm. Ly (hỏa) là tâm còn Khảm (thủy) là thận, diễn tả hiện tướng con người, theo đó tâm người là phàm tâm, bị thị phi điên đảo chi phối, có xu thế gần vật dục mà xa tâm linh.
Bát quái hậu thiên diễn tả cái dụng của con người. Tuy con người hậu thiên không phải là tiên phật nhưng trong bản thể con người đã sẵn tiềm ẩn một giá trị thiêng liêng, nếu biết tu bổ, trau giồi cái tiềm ẩn ấy thì con người sẽ từ phàm nhân trở nên tiên phật.
Cái sẵn có trong con người, đó là âm dương. Không biết luyện thì âm dương theo sự vận động hậu thiên, nam nữ giao hợp, tinh huyết kết thành thai nhi, rồi cứ thế tạo hoài những chu kỳ sinh lão bệnh tử hay thành thịnh suy hủy. Biết tu luyện, chuyển âm dương hậu thiên (Khảm, Ly) trở lại âm dương tiên thiên (Khôn, Càn), thì con người đắc đạo, thoát vòng luân hồi sanh tử, trở thành tiên phật.
Diễn tả khái niệm này, các hành giả có thuật ngữ chiết Khảm điền Ly, nghĩa là hoán đổi vị trí hào hai dương (cửu nhị) ở quẻ Khảm với vị trí hào hai âm (lục nhị) ở quẻ Ly (trong bát quái hậu thiên) để có được kết quả mà các hành giả gọi là Khảm Ly đổi lại Khôn Càn, chính vị như trong bát quái tiên thiên (Hình 3).
Vị trí “trục” nam bắc của Ly, Khảm ở bát quái hậu thiên gợi ý về lý do cấu tạo quẻ sáu mươi bốn, quẻ chót hết của kinh Dịch, là quẻ Hỏa thủy vị tế (Hình 4). Vị tế nghĩa là chưa xong, chưa hoàn tất.
Tại sao kết thúc kinh Dịch lại bày ra chuyện “dở dang”? Vì sao quẻ Vị tế lại phải nối tiếp Ký tế (đã xong, Hình 5)? Theo Cao Đài, một điểm tiểu linh quang từ Thượng đế (Đại linh quang) phóng phát, làm loài kim thạch (khoáng chất) rồi tiến hóa dần lên làm thảo mộc, thú cầm, trải qua biết bao nhiêu kiếp mới được mang thân làm kiếp con người (hóa nhân).
Hình 6: Nhơn vật tiến hóa [Đại thừa chơn giáo 1950]
Tuy vậy vẫn chưa phải là đỉnh cao của quá trình tiến hóa, mà mới chỉ là tạm xong cái hiện tướng con người với tấm thân huyết nhục cấu thành từ âm dương và ngũ hành, để có đủ điều kiện lập công, bồi đức, bền chí tu luyện cho đạt được cái “chưa xong” của sứ mạng làm người là tiến hóa lên làm tiên phật,[8] điểm tiểu linh quang (con người) trở về hiệp nhất với Đại linh quang (Trời, Thầy), hoàn tất chu trình tiến hóa (Hình 6).
Các hành giả Cao Đài vì thế coi ba cặp quẻ (1) Càn-Khôn, (2) Ly-Khảm, và (3) Ký tế - Vị tế là những cặp có quan hệ với nhau. Thuật ngữ chiết Khảm điền Ly còn diễn tả chỗ dụng công của hành giả là chuyển hóa âm thành dương. Muốn nắm được bí quyết này con người phải tu. Trong quãng đời ngắn ngủi của kiếp người ở cõi thế, tu lúc nào là tốt nhất? Câu trả lời đặt trên cơ sở cho rằng con người theo tuổi tác tháng năm bị hao mòn dần, bị “âm hóa” từ chỗ thuần dương trở thành thuần âm, như một bình điện (ắc quy) cứ dùng mãi, không bồi bổ thì sẽ đến ngày hết điện, cạn bình.
Có sáu quẻ Dịch minh họa quá trình con người bị âm hóa dần dần theo tuổi tác mà thuật ngữ kinh Dịch gọi là dương tiêu âm trưởng.
2. Khái niệm về sự tương ứng giữa các quẻ Dịch với tuổi con người
Các sách nghiên cứu Dịch thường cho rằng con trai thuộc dương, ứng với số 8; con gái thuộc âm, ứng với số 7. Số 8=1+2+5 gồm hai số dương 1, 5 và một số âm 2; dương nhiều, âm ít, nên 8 là số thiếu âm. Số 7=1+2+4 gồm hai số âm 2, 4 và một số dương 1; âm nhiều, dương ít, nên 7 là số thiếu dương.
Nội kinh viết: Con gái bảy tuổi (1x7), thận khí thịnh, răng thay tóc dài; mười bốn tuổi (2x7) thiên quý [9] đến, mạch nhâm thông, mạch thái xung thịnh, có kinh nguyệt, nên có thể có con được... Con trai tám tuổi (1x8), thận khí thịnh, răng thay tóc dài; mười sáu tuổi (2x8) khí thận đầy đủ, thiên quý đến, tinh khí đầy tràn, âm dương hòa, nên có thể có con được...[10]
Vậy con trai mười sáu tuổi và con gái mười bốn tuổi thông thường bắt đầu có tinh khí và kinh nguyệt; nếu giao hợp có thể sinh con đẻ cái trong vòng luân hồi sinh tử. Nhưng nếu muốn đoạn lìa sinh tử luân hồi cũng có thể khởi tu thiền từ tuổi này.
Với con trai thì luyện tinh hóa khí, luyện khí hóa thần.
Với con gái thì luyện huyết hóa khí, luyện khí hóa thần.
Sự tu hành được ấn chứng bằng hiện tượng khô tinh ở nam; ở con gái là hiện tượng bặt dứt kinh nguyệt.[11]
Nếu không tu khi còn dồi dào tinh huyết, đợi đến khi nam sáu mươi bốn (8x8) tuổi, tinh khí khô kiệt, nữ năm mươi sáu (8x7) tuổi, kinh nguyệt không còn, sẽ khó tu luyện (cũng giống như cây khô không còn sinh bông trái, tuổi đó cũng không mong sinh con đẻ cái chi được).
Căn cứ theo đoạn văn trích từ Nội kinh như dẫn trên, các điểm “mốc” tuổi của con người là các bội số của 8 (với nam) hay 7 (với nữ), như được trình bày trong biểu đối chiếu sau đây:
Tuổi Nam | 8 | 16 | 24 | 32 | 40 | 48 | 56 | 64 |
1x8 | 2x8 | 3x8 | 4x8 | 5x8 | 6x8 | 7x8 | 8x8 | |
Tuổi Nữ | 7 | 14 | 21 | 28 | 35 | 42 | 49 | 56 |
1x7 | 2x7 | 3x7 | 4x7 | 5x7 | 6x7 | 7x7 | 8x7 |
Tuổi con trai 16, con gái 14 là lúc còn thuần dương, tượng trưng bằng quẻ Bát thuần càn (sáu hào dương, sáu vạch liền). Sau đó, con trai cứ mỗi tám năm, con gái cứ mỗi bảy năm lại “hao mòn” bớt một hào dương, đến khi nam 64 và nữ 56 tuổi [1][1] thì hoàn toàn thuần âm (sáu hào âm, sáu vạch đứt), đi đến chung cuộc của bát quái hậu thiên. Quá trình âm hóa này tương ứng với sáu quẻ Dịch: Cấu, Độn, Bĩ, Quán, Bác và (Bát thuần) khôn.
Theo Cao Đài, con người tu thiền vào tuổi nào trong đời là do nhân duyên và căn nghiệp của mỗi người. Tuy nhiên, về mặt ý thức, trên nguyên tắc lục dương (quẻ Bát thuần càn, sáu hào dương) biến thành lục âm (quẻ Bát thuần khôn, sáu hào âm) như Biểu đồ 1 trên đây, rõ ràng con người tu thiền còn trẻ chừng nào càng tốt chừng đó; giống như khi cỗ máy còn mới, biết bảo dưỡng thì vẫn tốt và dễ hơn là đại tu một cỗ máy cũ nát, rệu rã.
3. Khái niệm về sự tương ứng giữa các quẻ Dịch với giờ, tháng và tiết
Việc tu luyện của hành giả trong ngày và trong năm có một thời khóa biểu bắt buộc. Sự tuân thủ chặt chẽ thời khóa biểu này giúp hành giả thực hành có hiệu quả quá trình phục dương (âm tiêu dương trưởng) để chế ngự quá trình con người bị âm hóa (dương tiêu âm trưởng).
Hình 7 ( Biểu đồ 2): Tương quan giữa 12 quẻ Dịch, 12 giờ trong ngày và 12 tiết trong năm.
Để định thời khóa biểu tu luyện cho hành giả trong năm và trong ngày, có mười hai quẻ Dịch được ứng dụng, tương ứng với mười hai tháng âm lịch trong năm và mười hai giờ trong ngày.
Biểu đồ 2 (Hình 7) trên đây cho thấy sự tương ứng này bao gồm quá trình âm tiêu dương trưởng trong nửa chu kỳ đầu, và quá trình dương tiêu âm trưởng trong nửa chu kỳ sau.
Biểu đồ 2a dưới đây trình bày quá trình khí dương tăng trưởng trong trời đất, từ giờ Tý (23.00-01.00) đến giờ Tỵ (09.00-11.00), từ tháng 11 đến tháng 4 âm lịch, từ tiết Đông chí đến tiết Lập hạ. Một dương sinh từ quẻ Phục (hào sơ cửu) và cực thịnh ở quẻ Càn (sáu hào dương).
Biểu đồ 2b dưới đây trình bày quá trình khí âm tăng trưởng trong trời đất, từ giờ Ngọ (11.00-13.00) đến giờ Hợi (21.00-23.00), từ tháng 5 đến tháng 10 âm lịch, từ tiết Hạ chí đến tiết Lập đông. Một âm sinh từ quẻ Cấu (hào sơ lục) và cực thịnh ở quẻ Khôn (sáu hào âm).
Ở Đông chí và Tý, nhân khi có một dương sinh (hào sơ cửu quẻ Phục), hành giả phải tấn dương hỏa để tăng thêm cho mình điểm dương.
Ở Hạ chí và Ngọ, vì có một âm khởi (hào sơ lục quẻ Cấu) nên hành giả phải thối âm phù để chế giảm âm.
Ở Xuân phân và Thu phân, ở Mẹo và Dậu, hành giả phải mộc dục để ôn dưỡng, giữ gìn khí dương đã có (thu liễm) được.
·
Kinh Dịch là một kỳ thư, với nhiều ứng dụng kỳ ảo vào các lãnh vực của đời sống con người. Riêng ứng dụng của Dịch trong thiền Cao Đài là một khía cạnh hầu như ít người biết (ngoại trừ các hành giả Cao Đài), và những điều khái quát trong bài này thật sự chỉ mới là một chút tơ tóc nhỏ nhoi, thô thiển nếu đem so cùng toàn thể nội dung nền nội giáo tâm truyền của đạo Cao Đài, một dòng thiền mới, và chữ “mới” này dĩ nhiên không phải chỉ hiểu đơn giản theo ý nghĩa về bề dày lịch sử hình thành.
LÊ ANH DŨNG
(01-3-1994)
CHÚ THÍCH
[1] Trường sinh bất tử hiểu theo dân gian là sống lâu dài, không chết. Hiểu theo đạo Cao Đài, chỉ có tu cho thành bậc kim tiên hay phật mới thoát ra vòng luân hồi, không còn bị luật sinh tử chi phối, và đó mới thực là trường sinh bất tử.
[2] Chu, thần và đan (đơn) đều là màu đỏ thắm như son; sa là cát. Đạo Lão có môn phái thần tiên đan đỉnh dùng một thứ đá cát quến thành cục (sa thạch), lấy tay bóp vụn ra thành bột được. Đá cát này không mùi, vị lạt, có màu đỏ thắm như son, nên được gọi tên là chu sa, thần sa, đan sa. Cũng có sách cho rằng thần sa là chu sa của Thần châu. Đông y cho rằng chu sa có nhiều sắc đỏ khác nhau, càng thẫm màu càng tốt. Để thử, lấy tay bóp chu sa vụn thành bột, nếu màu đỏ không dính tay (không ăn da), đó là loại hảo hạng. Chu sa (cinnabaris) là hợp chất trong đó có chứa 86,2% thủy ngân (Hg: hydragyum) và 13% lưu huỳnh (S: sulfur). Khi đun chu sa, khí độc SO2 bốc ra, còn lại thủy ngân cũng là chất độc. Vì vậy, sách y cổ chỉ định phải dùng chu sa sống (mài với nước, không được đun nấu); những người lạm dụng chu sa có thể hóa ra si ngốc. Theo Đỗ Tất Lợi, Những cây thuốc và vị thuốc Việt Nam. Hà Nội: Nxb Khoa học Kỹ thuật, 1981, tr. 796-797; dẫn lại trong [Lê Anh Dũng 1995a: 82-83.]
[3[ [Lê Anh Dũng 1995b: 59-65].
[4] Cao Đài gọi chung giáo lý của Nhất và Nhị kỳ Phổ độ là cựu pháp. Một số nội dung của cựu pháp vẫn được kế tục trong tân pháp Cao Đài, như duy trì luân lý đạo Nho (nhân đạo), ngũ giới cấm (đạo Phật), công quá cách (đạo Lão, nhưng gọi là vô ngã kiểm), v.v...
[5] [Lê Anh Dũng 1996: 66-75].
[6] Có câu: Muốn tu đạo trời (tu giải thoát, tu thiền) trước phải tròn đạo làm người. Đạo làm người không vẹn vẽ thì đạo trời còn xa xôi vậy. (Dục tu thiên đạo, tiên tu nhân đạo. Nhân đạo bất tu, thiên đạo viễn hỹ.)
[7] Chương 56: Tri giả bất ngôn, ngôn giả bất tri.
[8] Theo Cao Đài, Trời và người đồng bản thể, bản thể ấy là linh quang (ánh sáng thiêng liêng). Vì đồng thể với Trời nên người sẵn có tính Trời (Thượng đế tính); và người cũng là một thiêng liêng ở cõi trần. Thánh giáo Cao Đài:
Con là một thiêng liêng tại thế,
Cùng với Thầy [Trời] đồng thể linh quang...
(Ngọc Hoàng Thượng đế).
Vì đồng bản thể với Trời cho nên người có thể học làm Trời:
Tu hành là học làm Trời,
Phải đâu kiếp kiếp làm người thế gian.
(Lê Đại tiên)
[9] Thiên quý: Quý là can chót trong thập thiên can (Giáp, Ất, Bính, Đinh, Mậu, Kỷ, Canh, Tân, Nhâm, Quý). Quý thuộc thủy, ứng với thận. Thận là nơi con trai chứa tinh, con gái chứa huyết. Thiên quý ám chỉ thời kỳ trai gái tinh huyết đầy đủ, có thể sinh con.
[10] Nội kinh: Nữ thất tuế (1x7), thận khí thịnh, xỉ canh phát trường; nhị thất (2x7) nhi thiên quý chí, nhâm mạch thông, thái xung mạch thịnh, nguyệt sự dĩ thời hạ, cố hữu tử... Nam tử bát tuế (1x8), thận khí thịnh, xỉ canh phát trường; nhị bát (2x8) thận khí thực, thiên quý chí, tinh khí dật tả, âm dương hòa, cố năng hữu tử... Dẫn theo [Đỗ Đình Tuân 1992: 173-174].
[11] Vì tinh màu trắng, thuật ngữ thiền gọi là trảm bạch hổ (chém cọp trắng). Vì huyết màu đỏ, thuật ngữ thiền gọi là trảm xích long (chém rồng đỏ). Thuật ngữ thiền có khi nói hàng long phục hổ (thu phục rồng cọp) cũng là ám chỉ việc “chế ngự” hai hiện tượng nói trên ở hành giả nữ, nam.
[12] Theo [Đỗ Đình Tuân 1992: 118], nữ 49 (7x7) tuổi thì bặt kinh nguyệt.
SÁCH BÁO THAM KHẢO CHỌN LỌC
[Đại thừa chơn giáo 1950] Đại thừa chơn giáo. Sài Gòn: Chiếu minh đàn xb.
[Đỗ Đình Tuân 1992]. Dịch học nhập môn. Long An: Nxb Long An.
[Lê Anh Dũng 1995a]. Tìm hiểu Kinh cúng tứ thời. Huế: Nxb Thuận hóa.
[Lê Anh Dũng 1995b]. Giải mã truyện Tây du tân biên. Hà Nội: Nxb Văn hóa-Thông tin.
[Lê Anh Dũng 1996]. Lịch sử đạo Cao Đài thời kỳ tiềm ẩn 1920-1926. Huế: Nxb Thuận hóa.
[TGST 1966-67] Thánh giáo sưu tập năm Bính Ngọ và Đinh Mùi (1966-1967). Sài Gòn: Cơ quan Phổ thông Giáo lý Cao Đài giáo Việt Nam xb.
[TGST 1970-71] Thánh giáo sưu tập năm Canh Tuất và Tân Hợi (1970-1971). Sài Gòn: Cơ quan Phổ thông Giáo lý Cao Đài giáo Việt Nam xb.
[TGST 1972-73] Thánh giáo sưu tập năm Nhâm Tý và Quý Sửu (1972-1973). Sài Gòn: Cơ quan Phổ thông Giáo lý Cao Đài giáo Việt Nam.
Nguồn: thienlybuutoa.org
0 comments:
Post a Comment