TTđTD - Tánh mình vốn thường lạc ngã tịnh, nên không phải cầu cái gì ở đâu cả. Cứ an định vào tánh của chúng ta. Nhưng muốn yên an định vào tánh của mình, trên thực tế chúng ta phải buông xả. Muốn buông xả thì phải quán tướng các pháp là hư vọng.
LUÂN HỒI TRONG KINH LĂNG NGHIÊM
LUÂN HỒI TRONG KINH LĂNG NGHIÊM (3)
LUÂN HỒI TRONG KINH LĂNG NGHIÊM (4)
LUÂN HỒI TRONG KINH LĂNG NGHIÊM (5)
LUÂN HỒI TRONG KINH LĂNG NGHIÊM
LUÂN HỒI TRONG KINH LĂNG NGHIÊM (3)
LUÂN HỒI TRONG KINH LĂNG NGHIÊM (4)
LUÂN HỒI TRONG KINH LĂNG NGHIÊM (5)
CHƯƠNG IV: HAI CỖI GỐC: THƯỜNG TRỤ VÀ LƯU CHUYỂN
Khi bấy giờ A-nan liền từ chỗ ngồi đứng dậy, bày vai áo bên phải đảnh lễ thưa Phật rằng tôn giả là em rất nhỏ của Phật, được Phật thương yêu. Tuy được xuất gia, còn ỷ nơi lòng thương của Phật, nghĩ Phật sẽ gia hộ. Vì vậy, tuy con học rộng nghe nhiều, mà chưa chứng quả vô lậu, bị thần chú của Ma-đăng-già bắt, nguyên do vì con không biết đường tu tập đi đến chỗ chân thật. Xin đức Thế Tôn đại từ thương xót chỉ dạy cho chúng con pháp Sa-ma-tha tức pháp đại định để đừng có luân chuyển, luân hồi, biến hoá kiếp này sang kiếp khác.Lúc đó Phật bảo A Nan: Tất cả chúng sinh từ vô thỉ đến nay điên đảo nhiều cách, giống nghiệp tự nhiên nhóm lại như chùm quả ác xoa. Những người tu hành không thành được đạo vô thượng Bồ đề, đến nỗi lại thành Thanh Văn, Duyên Giác hoặc thành ngoại đạo, chư Thiên, Ma vương hay bà con Ma, đều do không biết hai chữ cỗi gốc, tu tập sai lầm, cũng như nấu cát mà muốn thành cơm, dầu trải qua nhiều kiếp như vi trần, rốt cuộc vẫn không thể thành được.
Thế nào là hai thứ cỗi gốc?
A Nan, một là cái cỗi gốc sống chết vô thỉ, tức như A-nan ngày nay cùng các chúng sinh dùng cái tâm phan duyên mà làm tự tính.
Hai là cái thể bản lai thanh tịnh Bồ đề Niết Bàn vô thỉ thì như hiện nay cái tính bản minh thức tính của A-nan, sinh ra các duyên mà lại bị bỏ rơi. Do các chúng sinh bỏ rơi cái bản minh ấy nên tuy cả ngày sống trong tính bản minh mà không tự giác, oan uổng vào trong lục đạo. [1]
Đây là phần kiến đạo Sa-ma-tha tức phân biệt hai cỗi gốc: thường trụ và lưu chuyển. Kiến là thấy, đạo là đường, thấy được đường lối tu hành là bỏ hư vọng mà về chơn.
Do sáu căn làm mai mối thấy sáu trần tướng hảo của Đức Phật và nét quyến rũ của nàng Ma-đăng-già và chính gốc tâm của A-nan là giặc tham ái, khát ngưỡng đưa A-nan luân chuyển. Chúng ta theo tâm chuyển động phan duyên, thế là đã theo cái tâm khổ, vui, yêu ghét tạo nghiệp rồi, thành ra mình đi vào cái vòng luân hồi, với tập khí luân hồi đó. Đây là mở đầu cho Kinh Thủ Lăng Nghiêm và cũng mở đầu cho cuốn sách “Luân hồi trong lăng kính Lăng nghiêm” này vậy.
Đức Phật khen A-nan nói đúng đấy nhưng đó chỉ là nguyên do nông cạn. Nông cạn là lấy tâm yêu thích làm tâm của mình, chứ gốc chính yếu là nguyên nhân sâu xa thì A-nan và tất cả chúng ta đều không biết được. Nguyên nhân sâu xa tức là cỗi gốc thứ hai, là hết thảy chúng sanh sống chết từ vô thủy, chết sống nối tiếp, chính bởi vì không biết chân tâm mình bản lai vẫn thường trụ, tịch tịnh bồ đề niết bàn từ vô thủy. Bởi vì không biết đến chân tâm này, nên nhiều đời và cả đời này chúng ta không có sống với nó.
Vọng là vọng tưởng, là cái hư vọng không có, là tư tưởng phù hư, chợt nổi lên rồi chợt tan, chợt giận chợt mừng, chợt yêu chợt ghét. Chúng ta sống với những vọng này nên cả ngày bị tham, sân, si làm chủ. Chúng ta mất quyền chủ nhân, bị vọng tưởng sai xử, sống với vọng tâm, trong khi chính mình bản chất lại thường trụ, thường định và thường hằng. Thế nên, chúng ta oan uổng mà chịu khổ, chịu phận đoạn sanh tử.
Đức Phật giáng sanh chỉ cho chúng ta cái căn bản trở về, sống với tánh Phật, không để vọng tưởng chi phối, chỉ huy. Cứ mỗi lần căn gặp trần là tâm mình chuyển động. Mỗi lần ngay lúc căn gặp trần, ngay lúc sáu căn mở cửa, chúng ta phải hộ sáu căn, đề phòng vì nó là gốc để sai xử mình chuyển động.
Trong tranh luân hồi minh họa tâm phan duyên như con khỉ chuyền cành[2] , lăng xăng vơ hết cành này đến cây nọ, từ sáng đến chiều chúng ta sống vịn sáu trần. Vừa suy nghĩ giải quyết việc này xong, lại vịn bám sang việc khác không dừng nghỉ. Chúng ta có hàng chục, hàng trăm cái tâm để vịn, để níu. Nương tựa và bám víu vào một cái gì đó bên ngoài là thói quen thành nghiệp.
Chúng ta bị say suyển bởi những cái ảo nơi thần kinh của con ngươi.
Chúng ta bị điên đảo bởi những cái ảo nơi thần kinh của con mắt.
Chúng ta bị ngả nghiêng, khó chịu, khóc cười bởi cái ảo nơi thần kinh gá vào xác thân da thịt này. Đây là phần liễu biệt quán chiếu Sa-ma-tha.
Có bao giờ mình chịu nhìn lại cuộc đời mình, không gì ngoài những phan duyên đó. Chịu dùng đèn pin trí tuệ soi lại thì sẽ thấy, sẽ sáng. Thiện ác từ đâu ra, ở ngay tâm phan duyên. Nó đang bày ra địa ngục, ngạ quỷ và cảnh người đây. Hễ còn trong gốc luân hồi này thì còn làm con chó, con mèo, con gà, con người, còn hoá thân vào địa ngục, cõi trời thì đều không bảo đảm giải thoát.
Chúng ta có chịu nhận tâm phan duyên đó là vọng chưa? Biết nó là hư vọng thì mình bắt đầu sáng rồi, thì chúng ta bắt đầu có sự chuyển hoá, thay đổi. Đây là nhân cát thì không thể nào nấu thành cơm mà chỉ thành cát nóng luân hồi thôi. Cơm là mong thành Phật, trở về tánh viên đại định Thủ Lăng Nghiêm thì phải dùng thức tinh để biết đúng sự thật. Lấy cát là lấy thức tâm phan duyên vào đất, nước, gió, lửa vô thường thì sao thường hằng được. Dùng nhân hư vọng là cát thì ngàn vạn năm chỉ là cát nóng. Văn kinh đã nói do không biết hai chữ cỗi gốc, tu tập sai lầm, cũng như nấu cát mà muốn thành cơm, dầu trải qua nhiều kiếp như vi trần, rốt cuộc vẫn không thể thành được.
Cơm là bản thể thanh tịnh của bồ đề niết bàn. Thể tánh thanh tịnh nơi chúng sanh gọi là Như Lai tạng vì có hai ý: một là tinh túy và hai là còn buộc vào đồng và biệt nghiệp. Thân này, con mắt này, cái tay này có tan đi, có vào nhà quàn, nhà thiêu (funeral home) nhưng thể tánh không tan, thường trụ bất biến, không bị bỏ vào quan tài, nó độc lập, nó không bận gì đến cái thân. Đây là nhân gạo, gạo ngon nấu sẽ thành cơm thơm vậy.
NƯƠNG CÁI THẤY GẠN HỎI CÁI TÂM
Phật bảo: A-nan nay thầy muốn biết đường tu Samatha ra khỏi sống chết, tôi lại hỏi thêm.
Liền đó Đức Phật giơ cánh tay kim sắc, co năm ngón tay, bảo A-nan: A-nan có thấy không?
A-nan bạch Phật: Thấy.
Phật bảo: Thấy cái gì?
A-nan bạch: Con thấy Như Lai giơ cánh tay, co ngón tay thành nắm tay sáng ngời, chói tâm và con mắt của con.
Phật bảo: “Thầy đem cái gì mà thấy?”
A- nan bạch: “Con cùng đại chúng đều đem con mắt mà thấy”.
Đức Phật bảo A-nan: “Thầy trả lời tôi rằng Như-lai co ngón tay làm thành nắm tay sáng ngời, chói tâm và con mắt của A-nan; con mắt A-nan thì thấy được, còn A-nan lấy gì làm tâm để đối lại với cái nắm tay chói sáng của tôi?”.
A-nan bạch: “Như Lai hiện nay hỏi tâm ở chỗ nào, con thì dùng tâm suy nghĩ tìm xét: tức cái biết nghĩ ấy, con lấy nó làm tâm.”
CHỈ CÁI BIẾT SUY XÉT CÓ THỂ TÍNH
Phật bảo: “Sai rồi A-nan, cái ấy không phải là tâm của thầy”
A-nan giựt mình, rời chỗ ngồi, chắp tay đứng dậy bạch Phật: “Cái ấy không phải là tâm con thì gọi là cái gì?”
Phật bảo A-nan: “Cái ấy là cái tưởng tượng những tướng giả dối tiền trần, nó làm mê lầm chân tính của A-nan. Do từ vô thủy cho đến đời nay, A-nan nhận tên giặc ấy làm con, bỏ mất tánh bản lai thường trụ nên phải chịu luân hồi”.
A-nan bạch Phật: “Thưa Thế Tôn! Con là em yêu của Phật, vì tâm yêu Phật nên con xuất gia. Tâm con chẳng những cúng dường Đức Như-lai, mà còn trải qua hằng sa quốc độ, thừa sự chư Phật và các vị thiện tri thức; phát lòng đại dõng mãnh, làm tất cả những pháp sự khó làm, là đều dùng cái tâm ấy. Dẫu cho hủy báng Phật pháp, rời bỏ hẳn thiện căn, cũng nhân cái tâm ấy. Nay Phật phát minh cái ấy không phải là tâm thì con thành không có tâm như cây như đất, vì ngoài cái hay biết ấy ra con lại không còn gì nữa. Sao đức Như lai lại bảo cái ấy không phải là tâm? Con thật kinh sợ và cả trong đại chúng này không ai là không nghi hoặc, xin Phật rủ lòng từ bi, chỉ dạy cho những chỗ chưa giác ngộ”[3] .
A-nan và đại chúng hết sức kinh hãi khi nghe Phật nói: những phát tâm làm Phật sự cúng dường, những thiện tâm phụng sự thiện tri thức cũng không phải là thật mà chỉ là tâm phan duyên.
Tôn giả A-nan thị hiện đúng tâm lý của tất cả chúng ta. Ngài đã vì chúng ta hỏi những câu hỏi và để Phật trả lời cho chúng ta rõ cái mê, cái ngộ nhận của mình. Từ hồi đó tới giờ chúng ta cho là tâm tôi, tôi thích, tôi phiền, tôi nhọc, tâm tôi nằm trong ấy, tôi ngồi thiền, tôi gởi email, tôi điện thoại, tôi lái xe, tôi thuyết pháp, tôi đi học, làm thơ, viết sách... đều là tôi cả, mà bây giờ Phật nói nó không phải là tôi, vậy tôi là cái gì đây? Chúng ta quen nương tựa và bám vào cái này, cái kia để nhận làm mình.
Khi bấy giờ, Đức Thế tôn chỉ dạy A-nan và cả đại chúng, khiến cho tâm được vô sanh pháp nhẫn, nơi sư tử tọa, xoa đầu A-nan và bảo A-nan rằng: Như-lai thường nói: Các pháp phát sanh đều duy tâm biến hiện, tất cả nhân quả, thế giới, vi trần, đều nhân cái tâm thành có thể tánh. A-nan như trong các thế giới, hết thảy sự vật hiện có, cả đến ngọn cỏ, lá cây, sợi dây, thắt nút, gạn xét cội gốc, đều có thể tánh, dầu cho hư không cũng có tên, có tướng, huống chi cái tâm sáng suốt thanh tịnh nhiệm mầu, làm cho hết thảy sự vật có thể tính mà tự mình lại không có thể tính.
Nếu thầy quyết chấp cái tính hay biết suy xét phân biệt là tâm của thầy thì cái tâm ấy phải rời sự nghiệp các trần: sắc, thanh, hương, vị, xúc riêng có toàn tính; chứ như hiện nay A-nan vâng nghe pháp âm của tôi, đó là nhân cái tiếng mà có phân biệt: dầu cho diệt hết tất cả cái thấy, nghe, hay biết, bên trong nắm giữ cái u nhàn, không biết, không nghĩ thì đó cũng còn là sự phân biệt bóng dáng pháp trần mà thôi.
Chẳng phải tôi bảo thầy chấp cái ấy không phải là tâm, nhưng thầy phải chính nơi tâm, suy xét chính chắn, nếu rời tiền trần có tính phân biệt, thì đó mới thật là tâm của thầy. Nếu tánh phân biệt rời tiền trần, không còn tự thể thì nó chỉ là sự phân biệt bóng dáng tiền trần. Tiền trần không phải thường trụ, khi thay đổi diệt mất rồi, thì cái tâm nương vào tiền trần ấy cũng giống như lông rùa, sừng thỏ và pháp thân của A-nan cũng thành như đoạn diệt, còn gì mà tu chứng vô sanh pháp nhẫn.[4]
Bởi mình cứ nhận ý thức làm cái tâm hàng ngày, nó phan duyên, nó khởi vọng tưởng, mình cứ nhận cái ấy làm tâm tánh của mình, cho nên cái bóng này hiện lên, mình bắt lấy; rồi bóng khác hiện lên, bỏ bóng này vịn bóng khác, bóng này tan đi thì bóng khác hiện lên. Dù nhắm mắt, bịt tai, bịt cả sáu căn, không cho nó hoạt động, dầu cho diệt hết tất cả cái thấy, nghe, hay biết, bên trong nắm giữ cái u nhàn, không biết, không nghĩ thì đó cũng còn là sự phân biệt bóng dáng pháp trần mà thôi, nghĩa là chúng ta sẽ rơi vào, không sáng thì tối (của mắt), không động thì tĩnh (của tai), không hợp thì ly (của mũi), không vị thì nhạt (của vị), không xúc thì ly xúc (của thân), không sanh thì diệt (của ý), tức chúng ta bỏ sắc, bỏ động, bỏ hợp, bỏ vị, xúc, sanh của sáu trần thì tâm lại bám vào mặt khác của sáu trần là tối, tĩnh, ly, nhạt, không xúc, diệt thì cũng đều là phan duyên. Nếu bịt sáu căn lại thì vẫn hiện ra cảnh u nhàn, chung quy cũng là ý thức phân biệt cảnh bên ngoài, là tưởng tượng những tướng giả dối của tiền trần, chứ không phải là tâm tánh của mình.
Bỏ bóng này bắt bóng khác, chúng ta không nắm được chân tâm chân thật mà vẫn sống với vọng tâm, chung quy vẫn là cảnh, không phải là tâm tánh của mình. Chúng ta phải nhận dứt khoát căn bản bồ đề là tánh thấy, tánh nghe, hay, biết là tông chỉ của Thủ Lăng nghiêm. Còn các định của sơ thiền, nhị thiền, tam thiền, tứ thiền để sanh về cõi trời sắc giới; hay các định của tứ không, không vô biên xứ, thức vô biên xứ, vô sở hữu xứ và phi tưởng phi phi tưởng xứ được sanh về cõi trời vô sắc giới được sống ngàn vạn tuổi thì cũng hết và cũng tái sanh luân hồi. Đây vẫn là một dạng của thức thực. [5] Thức thực là thức thứ tám nối nhau giữ căn thân khiến chẳng rã hoại.
Bốn thánh sáu phàm đều có thức thực, chỉ có khác là mê và ngộ. Thánh nhân thì thức tánh đã giác ngộ viên mãn, vốn sẵn trong sáng, gọi là Như lai tạng thức, vì nó duy trì tất cả công đức có tánh vô lậu: phi có, phi không, phi trụ, phi chẳng trụ. Đây là cách ăn bằng cách vốn có công đức chẳng thể nghĩ bàn mà làm sanh trụ.
Đức Phật bảo đại chúng: làm sao hiện nay các vị cứ lấy động làm thân, lấy động làm cảnh, từ đầu đến cuối niệm niệm sanh diệt, bỏ mất chân tính, làm việc trái ngược. Tâm tánh mất chỗ chân thật, nhận vật làm mình, xoay vần trong ấy, tự nhận cái trôi lăn trong lục đạo.[6]
Nhận sáu căn, sáu trần và sáu thức làm mình. Lấy tư hoặc làm tâm, lấy kiến hoặc làm cảnh, lấy đất, nước, gió, lửa làm thân. Chúng ta xây dựng đời sống của mình trên những biến đổi như vậy có chắc không? sống với biến hoá vô thường thì làm sao bình an. Sống cứ lấy động làm thân, lấy động làm cảnh thì làm sao thường hằng, thường định, thế nên tâm tánh mất chỗ chân thật mà tự nhận cái trôi lăn trong lục đạo làm mình.
10 KIẾN TINH
Phần tiếp theo là Đức Phật nói về 10 kiến tinh như kiến tinh bất động, kiến tinh vô sanh, bất diệt, chân ngã, tùy duyên bất biến, bất nhị, siêu tình...Kiến tinh là phần tinh túy của cái thấy nghe hay biết, chứ không phải là phần phân biệt nhãn thức hay nhĩ thức...
Nếu mình y cứ vào được cái thường trụ chân thật tức mình nắm được cái thật thể của nó rồi thì mới phát huy công dụng gọi là nhập tri kiến Phật và hiển hiện diệu dụng ngàn mắt ngàn tay, phải chân thật nhận ra mới biết kinh Thủ Lăng Nghiêm có giá trị. Còn giờ theo những công dụng chánh, tà, thiện, ác là tâm chuyển động theo mê. Chính mình đang sống với vọng thân, vọng tâm và vọng cảnh, chúng ta quen thuộc với nó nên nói là nhận ra ngay sáu thức, còn những kiến tinh này chúng ta không hề biết đến. Những kiến tinh này đối với chúng ta vẫn là chuyện trên mây và vẫn là cái không nắm được.
Tánh Phật hay kiến tinh này lìa trần không mất, đối trần không mê, trong khi tâm phan duyên đối trần thì sanh và không có trần thì không sanh, chúng ta chỉ đang nắm giữ bóng dáng chứ chưa thấy được chỗ này.
Con mắt, lỗ mũi, cái tai, thân thể và bộ óc là cái mới có. Do ăn cơm uống nước, thở không khí, nhận ánh sáng mặt trời mà tạo thành, chứ tánh thấy nghe hay biết thì ở khắp, khi chưa có thân này hay thân này tan đi thì tánh thấy vẫn ở khắp pháp giới, vẫn thường trụ bất động khắp 10 phương.
Nếu có duyên tái sanh thân con người, con vật ở Việt nam thì có cái thấy, có kiến tinh ở Việt nam. Nếu ở Hoa kỳ thì có cái thấy, có kiến tinh ở Hoa kỳ. Đức Phật và chư Phật 10 phương không có con mắt nghiệp báo như chúng ta nên ngài thấy khắp, tụ ở một chỗ mà cũng không tụ một chỗ tuỳ duyên hoá độ.
Kiến tinh đầu tiên của 10 kiến tinh là kiến tinh thường trụ. Cuộc pháp đàm giữa Đức Phật và vua Ba Tư Nặc đã chỉ ra cho A-nan và đại chúng thấy đặc tánh kiến tinh thường trụ tức tánh thấy không sinh không diệt như sau:
Khi bấy giờ, A-nan cùng cả đại chúng nghe lời Phật dạy, thân tâm thư thái, nghĩ mình từ vô thủy đến nay, bỏ mất bản tâm, lầm nhận sự phân biệt bóng dáng tiền trần làm tâm, ngày nay được khai ngộ, như em bé mất sữa bỗng gặp mẹ hiền, chấp tay lễ Phật. xin đức Như lai, ở nơi thân tâm, chỉ ra chỗ chân chỗ vọng, chỗ hư chỗ thật, ở nơi hiện tiền, phát minh ra hai tính sinh diệt và không sinh diệt.
Khi ấy, vua Ba-tư-nặc đứng dậy bạch Phật: “Trước con chưa được vâng nghe lời Phật dạy bảo, con thấy bọn Ca-chiên-diên, Tỳ-la-chi tử đều nói thân này chết rồi là mất hẳn và gọi đó là Niết bàn. Nay tuy được gặp Phật nhưng con vẫn còn hồ nghi, xin Phật chỉ rõ thế nào chứng biết được tánh không sanh diệt nơi tâm này. Hiện nay các hàng hữu lậu trong đại chúng cũng đều trông mong được nghe điều ấy.”
Đức Phật bảo: “Đại vương, thân bệ hạ hiện đó, nay tôi hỏi: cái nhục thân đó của vua có như kim cang thường còn, không hư hỏng hay lại cũng biến đổi và tan rã?”
Bạch Thế tôn, thân con hiện nay rốt cuộc về sau cũng thay đổi và tiêu diệt.
Phật bảo: Đại vương chưa hề bị diệt, làm sao lại biết được là phải diệt?
Bạch Thế tôn, cái thân vô thường thay đổi của con đây, tuy chưa hề bị diệt, song con xét nó hiện nay niệm niệm dời đổi, mãi mãi không thôi như lửa thành tro, lần lần tiêu mất; vì tiêu mất, mãi mãi không dừng nên tôi biết chắc thân này rồi phải diệt mất.
Phật dạy: đúng thế, tuổi tác của Đại vương nay đã già yếu, vậy mặt mày của Đại vương so với lúc còn bé thì như thế nào?
Bạch Đức Thế tôn, lúc con bé nhỏ, da thịt mởn mơ, đến khi trưởng thành, huyết khí sung túc; nay thì tuổi già, ngày thêm suy yếu, hình sắc khô gầy, tinh thần lẫn lộn, tóc bạc mặt nhăn, chừng sống không được bao lâu nữa, so sánh sao được với lúc đương còn trẻ mạnh.
Phật bảo: Đại vương, hình dung của Đại vương, nào phải đương trẻ mà già liền đâu.
Vua bạch: Thưa Thế tôn, sự biến hoá thầm thầm dời đổi, con thật không hay nắng mưa thắm thoát, lần đến thế này. Vì sao? Khi 20 tuổi, tuy gọi là trẻ nhưng mặt mày của con đã già hơn khi 10 tuổi, khi 30 tuổi lại sút hơn lúc 20 tuổi và đến nay đã 60 lại thêm hai tuổi, trông lại lúc 50 tuổi, còn khoẻ mạnh hơn nhiều.
Bạch đức Thế tôn, con thấy thầm thầm dời đổi như thế. Thân này đến nay tuy đã suy yếu, nhưng trong sự thay đổi, còn chia từng 10 năm. Nếu con suy xét chín chắn hơn nữa thì cái biến đổi ấy đâu phải từng một kỷ, thật là mỗi năm mỗi thay đổi; lại đâu mỗi năm mỗi thay đổi mà cũng là mỗi tháng mỗi biến hoá; lại không những mỗi tháng mỗi biến hoá mà còn mỗi ngày mỗi thay đổi, xét cho cùng, nghĩ cho kỹ, trong mỗi sát na, trong mỗi niệm, nó không thể đứng yên, vậy nên con biết thân con rốt cuộc phải biến đổi và tiêu diệt.
Phật bảo: Đại vương thấy biến hoá dời đổi không ngừng, ngộ biết là phải diệt. Vậy trong lúc diệt đó, Đại vương có biết trong thân có cái gì không diệt chăng?
Vua Ba tư nặc chấp tay bạch Phật: Thật con không biết!
Phật bảo: Nay tôi chỉ cho Đại vương cái tính không sinh diệt. Đại vương, khi mấy tuổi, mới thấy nước sông Hằng?
Vua bạch: Khi con ba tuổi, mẹ con dắt con đi yết lễ thần Kỳ bà thiên thì đã đi qua sông ấy, lúc đó con liền biết là nước sông Hằng.
Phật bảo: Đại vương như lời nói đó: lúc 20 tuổi thì sút hơn lúc lên 10, cho đến nay đã 60 tuổi, từng năm, từng tháng, từng ngày, từng giờ dời đổi mãi mãi. Vậy khi Đại vương 3 tuổi thấy nước sông ấy, rồi đến khi 13 tuổi thì nước ấy thế nào?
Vua bạch: Con thấy nước ấy cũng giống khi 3 tuổi như nhau không khác và cho đến nay tuổi đã 62 cũng vẫn không khác.
Phật bảo: Nay Đại vương xét mình đầu bạc mặt nhăn, mặt Đại vương chắc là nhăn hơn lúc trẻ. Vậy cái thấy hiện nay của Đại vương thấy sông Hằng so với cái thấy lúc nhỏ thấy sông Hằng có già trẻ gì không?
Vua bạch: Thưa Thế tôn, không.
Phật bảo: Đại vương, mặt Đại vương tuy nhăn, nhưng cái thấy đó chưa hề bị nhăn. Cái bị nhăn thì thay đổi, còn cái không bị nhăn thì không có thay đổi. Cái thay đổi thì phải diệt, còn cái không thay đổi kia, vốn không sinh diệt, làm sao trong ấy lại nhận cái sống cái chết của Đại vương, mà Đại vương còn dẫn những thuyết của bọn Mạt già lê kia bảo rằng thân này chết rồi diệt hẳn.
Vua nghe lời Phật dạy như vậy, tin biết về sau bỏ thân này qua thân khác cùng với đại chúng nhảy nhót vui mừng, được cái chưa từng có[7] .
Khi Phật hỏi vua Ba-tư-nặc có biết cái gì không sinh diệt trong thân này không? Vua trả lời thật rằng con chẳng biết, con cứ nghĩ rằng chết là hết, cho nên không thiết gì những chuyện tương lai xảy ra. Nhiều người cũng nghĩ chết là hết nên chẳng màng gì đến đạo đức lương tri, chỉ cần thọ hưởng vui sướng trên đời khi còn sống là đủ. Do tri kiến này mà nhiều việc ác xảy ra.
Nay được Phật chỉ ra rõ ràng qua ví dụ tánh thấy sông Hằng lúc 3 tuổi với bây giờ thấy lúc 63 tuổi không có khác nhau, cái tánh thấy không khác nhau đó là tánh thấy thật của mình không sanh không diệt. Thân này là đất, nước, gió, lửa sẽ tan đi, nhưng tánh thấy thì còn mãi với ta thường trụ. Vua và đại chúng mừng được điều chưa từng có vì biết rằng mình vẫn còn hoài, không phải chết là hết.
Học kỹ kinh Thủ Lăng nghiêm rồi từ đó nhận vào thân mình, sống với tánh thấy nghe, thường trụ bất động tức đại định Thủ Lăng nghiêm.
Vì tánh chúng ta quen bám víu, bám víu vào thân mà thân này sẽ tan, giờ được Phật chỉ có cái thường hằng như có chỗ để chúng ta nương tựa bám lấy làm mình nên vua quan và quần chúng vui vô cùng và nhảy nhót hò hét như trẻ nít được cho món quà lớn.
CHỈ CHỖ TRÁI NGƯỢC
A-nan liền từ chỗ ngồi đứng dậy, lễ Phật chấp tay, quỳ xuống bạch Phật: “Thưa Thế Tôn, nếu cái thấy nghe đó thật không sanh diệt thì làm sao Đức Thế Tôn lại gọi chúng con bỏ mất chân tánh, làm việc trái ngược? Xin Phật mở lòng từ bi, rửa sạch trần cấu cho chúng con”.
Khi ấy Đức Như lai ruỗi cánh tay kim sắc, ngón tay chỉ xuống, bảo A-nan rằng: “Thầy nay thấy tay Mẫu đà-la của tôi là chánh hay là ngược?”
A-nan bạch: “Chúng sanh thế gian cho đó là ngược, còn con thì không biết thế nào là chánh, thế nào là ngược.”
Phật bảo A-nan: “Nếu người thế gian cho đó là ngược, thì người thế gian gọi thế nào là chánh?”
A nan bạch Phật: “Đức Như lai đưa cánh tay lên, tay Đâu-la-miên chỉ lên trên không thì gọi là chánh.”
Phật liền giơ cánh tay lên và bảo A-nan rằng: “Cái trái ngược như thế chỉ là đầu đuôi thay đổi lẫn nhau, các người thế gian lấp đi lấp lại mà xem thấy. Nay lấy cái thân A-nan và pháp thân thanh tịnh của chư Như lai, so theo đó mà phát minh, thì thân của Như lai gọi là chánh biến tri, thân của các vị gọi là tánh trái ngược; tùy thầy xét kỹ nơi thân thầy và thân Phật, cái gọi là trái ngược đó, do ở chỗ nào mà gọi là trái ngược?”
Khi ấy A-nan cùng cả đại chúng chăm chăm ngó Phật, tròng con mắt không lay động, chẳng biết thân tâm chỗ nào trái ngược. Phật phát lòng từ bi thương xót A-nan và đại chúng phát tiếng hải triều, khắp bảo trong hội: “Các thiện nam tử, tôi thường nói rằng: sắc, tâm. các duyên và các tâm sở, các pháp sở duyên, đều duy tâm tính biến hiện. Thân quý vị, tâm quý vị đều là những vật hiện ra trong tâm tính. Làm sao các vị lại bỏ mất tâm tính quý báu ấy, nhận cái mê trong cái ngộ. Mê muội thành có hư không, trong hư không mê muội ấy, kết cái mê muội thành ra có sắc, sắc xen với vọng tưởng, tưởng tướng làm thân, nhóm các duyên lay động bên trong, giong ruổi theo cảnh vật bên ngoài; rồi lấy cái tướng mờ mịt lăng xăng đó làm tâm tánh.
Một phen lầm cái tướng ấy làm tâm thì quyết định lầm cho rằng tâm ở trong sắc thân, mà không biết sắc thân cho đến núi sông, hư không, đất liền bên ngoài đều là những vật hiện trong tâm tánh. Ví như bỏ cả trăm nghìn biển lớn trong lặng, chỉ nhận một cái bọt nước, rồi lại cho nó là toàn hết cả nước, cùng tột các biển lớn.
Các vị tức là những người mê lầm nhiều lớp, như cánh tay tôi rũ xuống, không có sai khác. Như lai gọi là đáng thương xót.” [8]
Đức Phật đưa tay lên và hỏi thế nào là chánh, thiện, ngay thẳng, thế nào là đảo, ác, không ngay thẳng? Thông thường chúng ta cho đưa tay lên là chánh, duỗi tay xuống là đảo. Thật ra tay vẫn là tay, vốn không chánh đảo hay thiện ác. Đưa tay lên là trời, để tay ngang là cõi người và duỗi tay xuống là địa ngục. Đây là công dụng của tay. Từ trước tới giờ ta vẫn sống với dụng sai, làm điều trái ngược.
Khi ấy A-nan cùng cả đại chúng chăm chăm ngó Phật, tròng con mắt không lay động, chẳng biết thân tâm chỗ nào trái ngược.
A nan cùng cả đại chúng chăm chăm ngó Phật, tròng con mắt không lay động vì các ngài từ trước tới giờ thật chưa từng nghe thấy việc này. Ai cũng tôn trọng, kính ngưỡng khen ngợi các ngài, còn ở đây Phật nói các tôn giả là sai lầm, trái ngược.
Trái ngược tức những cái hư vọng cho là thật, là của mình. Còn đây Đức Phật chỉ ra những hiện diện xung quanh đây như con người, thành phố, tiểu bang, xe cộ đây là những tướng nghiệp báo mà đã gọi là nghiệp báo là không thật.
Sóng đánh vào bờ có bọt. Bọt nhiều màu và nhiều dáng. Sóng tan, bọt sẽ tan trong khoảnh khắc, bọt chợt còn chợt mất nhưng biển vẫn còn. Tâm của mình như biển. Tâm của mình vô biên bao la mà không nhận, đi nhận một chút vọng, chút bọt chợt còn chợt mất, vì thế chúng ta bị bế tắc. Tâm của chúng ta đang bị bế tắc, bị đút nút và bịt chặt trong thân này nên chúng ta chẳng biết cái gì cả mờ mờ mịt mịt, hôn hôn nhiễu nhiễu, tối tăm bị năm trược bao phủ.
Chúng ta có ba cái đảo:
1. chúng ta cho tâm là trong thân này (A-nan trải qua bảy lần tìm tâm không thấy)
2. không biết cho thân ở trong thế giới này, cho đến núi sông, hư không, các tướng hữu vi cũng đều trong chơn tâm, trong tâm mình, nên tâm là hơn cả.
3. trở lại cho thân là tất cả, nên là mê muội.
Mê nhận một chút tâm phong bế, đút nút và gói kín trong thân này cho là mình nên gọi là đảo ngược.
Thân vô thường là đảo thì nhận là mình, là chánh. Tánh Phật, chơn tâm là mình là chánh, lại cho đảo nên không nhận, do đó mà thành điên đảo bội phần. Bây giờ phải nhận lấy thể của nó qua 10 đặc tính của kiến tinh và đứng vững sống với thật thể của mình.
TIỀN TRẦN LÀM NGĂN NGẠI
Phật bảo A-nan: “Tất cả các thứ trong, ngoài, lớn, nhỏ của thế gian đều thuộc về tiền trần, không nên nói rằng cái thấy có co, có ruỗi. Ví như trong đồ vuông thì thấy có hư không vuông. Nay tôi hỏi: cái hư không vuông thấy được trong đồ vuông ấy, là nhất định vuông hay không nhất định vuông? Nếu nhất định vuông thì khi thay đồ tròn vào, lẽ ra hư không tròn. Nếu không nhất định thì trong đồ vuông, lẽ ra không có hư không vuông. Thầy nói không biết nghĩa đó do đâu, nghĩa đó như vậy, sao còn do đâu được.
A nan nếu muốn nhận được tánh không vuông không tròn, chỉ trừ bỏ cái vuông của đồ đạc, chứ bản thể hư không vốn không vuông, không nên nói rằng lại phải trừ cả cái vuông của hư không nữa.
...Tất cả chúng sanh từ vô thủy đến nay lầm mình là vật, bỏ mất tâm tính, bị vật xoay chuyển, cho nên trong đó thấy lớn thấy nhỏ. Nếu biết chuyển được vật thì đồng với Như lai, thân tâm đều viên mãn sáng suốt, nơi đạo trường bất động đó, trên đầu một mảy lông cũng có thể trùm chứa thập phương quốc độ.” [9]
Giờ chúng ta đeo nghiệp người thì chúng ta tưởng có tánh cũng hình người, thân cũng hình người. Đeo nghiệp chó thì tưởng có tánh cũng hình chó, thân cũng hình chó. Đeo nghiệp ngạ quỷ thì tưởng có tánh cũng ngạ quỷ, thân cũng ngạ quỷ. Thật ra chó, người, ngạ quỷ... cũng là những cái hộp vuông, tròn, dài, ngắn, bỏ hộp vuông, tròn, dài, ngắn thì hư không vẫn là hư không. Vì hộp tròn nên thấy hư không tròn, họp vuông nên thấy hư không vuông, chứ thật ra mình vốn không vuông tròn, mình vốn không có phải là người, vật, ngạ quỷ... mình vốn là như hư không không có một tướng nào cố định nhưng tùy duyên lỡ mang hộp hình dáng, kích thước, sắc màu nào chợt như mình cũng vậy. Đó là tùy duyên hiện nhưng bất biến như hư không không có nhất định cố định ở một tướng nào. Thật tướng thì không có tướng. Còn những tướng hộp vuông tròn là nghiệp báo hiện bóng ảnh theo thần kinh của loài ấy.
Như tiệm bán dụng cụ điện có bán bóng đèn neon, đèn tròn, đèn dài, đèn tự động, đèn màu xanh, đỏ, trắng, vàng... Do hình dáng, kích thước, cấu trúc, đặc điểm, dán màu thế nào thì điện dụng ở nơi bóng đó tỏa sáng ra theo hình dạng, sắc màu và cấu trúc của bóng. Các bóng đèn đó có bể thay bóng khác thì điện không theo bóng bể đó mà mất luôn (chết không phải là hết. Cái thấy của vua Ba tư nặc lúc 3 tuổi hay 62 tuổi không khác nhau, thường trụ bất sinh bất diệt). Theo hình dạng, sắc màu và cấu trúc của bóng mà điện hiện ra có vuông, tròn, dài ngắn, xanh đỏ chứ không phải điện là màu vàng, xanh, dài ngắn cố định. Cũng như không có cố định hư không vuông hay hư không tròn. Không có một tướng nào cố định trong thật tướng. Đức Phật cho những ví dụ quá thâm sâu.
Từ những ví dụ này hãy suy nghĩ và tưởng tượng sẽ thấy mình vĩ đại vô cùng. Vì mình là bản thể của hết thảy vạn pháp, cả quả đất cho đến bầu trời, các tinh tú ngôi sao đến dưới biển đại dương, sơn hà, núi sông đất liền, các tướng hữu vi, ngọn cỏ, lá cây, sợi dây, thắt nút... đều là những vật hiện trong tâm mình. Chúng ta đã nhận được cái thật của chúng ta chưa?
Mình là hư không, mình là biển, mình là điện, những vật hiện trong đó không phải là mình. Đừng nhận một chút tâm phong bế, đút nút và gói kín trong thân, trong hộp, trong đèn này nữa thì mình sẽ không bị Phật quở là đảo ngược bỏ cả trăm nghìn biển lớn trong lặng, chỉ nhận cái bọt nước, rồi lại cho nó là toàn hết cả nước, cùng tột các biển lớn. Nếu thấy được như vậy thì trên một đầu lông cũng có thể trùm chứa cả 10 phương quốc độ làm bao nhiêu là thiện hạnh.
Trong kinh Thủ Lăng nghiêm Đức Phật dùng những hình ảnh rất đặc sắc, gợi sắc, gợi thanh và giàu hình tượng như: bỏ trăm ngàn biển lớn nhận bọt bóng, khách trần chủ trọ, bụi lăn tăn nơi song cửa, tướng phần sở kiến và kiến phần năng kiến đều không có tự tánh như những hình cây lau gác vào nhau, bỏ hộp vuông tròn thì hư không vẫn là hư không, muỗi bay vo ve lăn tăn trong bình, nấu cát muốn thành cơm... những ví dụ rất bén (sharp) và chính xác (exact) về thân, tâm và cảnh của chúng ta.
BỐN KHOA VÀ BẢY ĐẠI VỀ NHƯ LAI TẠNG
“A-Nan, thầy còn chưa rõ tất cả các tướng huyễn hóa nơi tiền trần, chính nơi tâm mà sinh ra, rồi theo nơi tâm mà diệt mất. Cái huyễn hóa giả dối gọi là tướng, mà cái tính chính là tâm tính nhiệm mầu sáng suốt; như vậy, cho đến 5 ấm, 6 nhập, 12 xứ và 18 giới, nhân duyên hòa hợp giả dối có sinh ra, nhân duyên chia lìa giả dối gọi rằng diệt; mà không biết rằng sinh, diệt, đi, lại đều vốn là tính chân như cùng khắp, không lay động, nhiệm mầu, sáng suốt, thường trụ của Như Lai tạng. Trong tâm tính chân thường đó, cầu cho ra những cái đi, lại, mê, ngộ, sống, chết, hẳn không thể được” .[10]
Phật giáo nguyên thủy nói về cái gốc, phải nhận thấy sáu căn, sáu trần và sáu thức là hư vọng, buông đi là cái gốc. Tiến lên đại thừa tức Phật giáo phát triển, Đức Phật dạy bên ngoài tướng hư vọng đó có thực tướng, thực thể bên trong. Thực tướng đó không hình không tướng là kiến tinh siêu tình, kiến tinh bất nhị, chân ngã, vô sanh bất diệt, thường trụ... Đến sau này khi căn cơ chúng sanh thuần thục, Đức Phật mới thọ ký cho mọi người kể cả nữ nhân, súc sanh cũng thành Phật. Và chẳng những con người mà cho đến hữu tình, vô tình đồng thành Phật đạo.
Tánh Phật không chỉ hiển lộ công dụng ở sáu căn mà thể chất của tánh Phật là bản thể của bốn khoa (năm ấm, sáu nhập, 12 xứ và 18 giới), bảy đại, bản thể của từng tí từng tí một, từng cành lá, từng bông hoa, cái bàn, cái ghế... chỗ nào có đất, nước, gió, lửa, những chỗ ấy đều là Như lai tạng.
Đức Phật cặn kẽ khai hiển dần dần để cho mình thấy tất cả đều là Như lai tạng, ông Phật còn ở trong kho. Chúng ta cứ tháo kho, tháo hộp thì sẽ trở về hư không, tháo vỏ bóng đèn đi là về lại điện, bỏ bọt bóng mộng ảo đi thì về lại biển cả mênh mông Như lai tạng.
Chung quy, phần bốn khoa và bảy đại này là nói về thân và tâm của mình, tức nói về cuộc đời của mình đều là Như lai tạng, quy về Như lai tạng. Đức Phật vì lòng từ bi sợ chúng ta không hiểu nên nói thật tỉ mỉ nhắc tới lui hoài. Nếu nói đủ tức là ngài đã nhắc tới (5+6+12+18+7= 48 lần) trong phần bốn khoa và bảy đại này.
- Đức Phật đã nói ở năm ấm là nói về thân và tâm của mình đều Như lai tạng.
- Ở 12 xứ ngài cũng nhắc lại đầy đủ là Như lai tạng và 12 xứ tức sáu căn và sáu trần cũng tức là thân tâm của mình.
- Rồi 18 giới tức sáu căn, sáu trần và sáu thức cũng là thân tâm mình.
- Chưa yên lòng Đức Phật còn nói thêm bảy đại nữa tức cũng là thân tâm mình để chúng ta nhận được Phật tánh, chơn tâm bản hữu của mình ở ngay sáu căn đây. Ở ngay cái bàn, cái ghế, ngọn cỏ lá hoa... nó là bản thể của vạn pháp.
Lòng từ của ngài vô biên quá, bát ngát quá!
Đây là Đức Phật khai tri kiến tánh cụ chỉ bày cho chúng ta thấy bản tâm thanh tịnh thường trú bất biến nơi chúng ta. Đức Phật đã tu chứng đến cứu cánh, cho nên Đức Phật mới khai hiển đến cứu cánh tức Đức Phật chỉ kiến tinh ở nơi sáu căn. Rồi Đức Phật chỉ năm ấm, sáu nhập, 12 xứ, 18 giới, bảy đại, tất cả đều là Như lai tạng diệu chân như tánh.
Mỗi đoạn Đức Phật đều nhắc như vậy cho chúng ta nhớ đất, nước, gió, lửa, kiến, không, thức đại hay các tướng hữu vi đều do mê muội mà thấy có hư không, thấy có hoa đốm. Hư không và hoa đốm là cái không có, là nghiệp báo, thật ra tất cả chỉ là Như lai tạng tánh Phật mà thôi. Do ngủ mê chiêm bao thấy các cảnh. Tỉnh dậy các cảnh thành không, đừng dụi mắt thì không thấy hoa đốm lăn tăn nữa. Tất cả chỉ là giấc mộng phù sinh, do mê. Đã là mê mà cứ bàn luận là năm ấm, sáu nhập, 12 xứ, 18 giới, bảy đại do nhân duyên sanh hay tự nhiên sanh, chỉ là biện luận, không có nghĩa chân thật. Thế nên ở mỗi phần của từng khoa và từng đại, Đức Phật đều kết luận như vậy, như trong phần địa đại ghi rằng:
A-nan vốn không biết trong Như lai tạng, tánh sắc là chân không, tánh không là chân sắc, bản nhiên thanh tịnh, cùng khắp pháp giới, theo tâm chúng sanh, đáp ứng với lượng hay biết, theo nghiệp mà phát hiện. Thế gian không biết lầm cho là nhân duyên và tính tự nhiên, đều là những so đo phân biệt của ý thức, chỉ có lời nói, toàn không có nghĩa chân thật[11] .
1 Kinh Thủ Lăng Nghiêm, tr. 66-7.
2 TN Giới Hương., Vòng Luân Hồi, NXB Phương Đông, 2008, tr. 83-7.
3 Kinh Thủ Lăng Nghiêm, tr. 71-2.
4 Kinh Thủ Lăng Nghiêm, tr. 72-3.
5 Thức thực là một trong bốn thực. Ba thực còn lại là đoạn thực, xúc thực và tư thực.
6 Kinh Thủ Lăng Nghiêm, tr. 86.
7 Kinh Thủ Lăng Nghiêm, tr.91-5.
8 Kinh Thủ Lăng Nghiêm, tr. 98-100.
9 Kinh Thủ Lăng Nghiêm, tr. 113-4.
10 Kinh Thủ Lăng Nghiêm, tr. 161.
11 Kinh Thủ Lăng Nghiêm, tr. 230.
2 TN Giới Hương., Vòng Luân Hồi, NXB Phương Đông, 2008, tr. 83-7.
3 Kinh Thủ Lăng Nghiêm, tr. 71-2.
4 Kinh Thủ Lăng Nghiêm, tr. 72-3.
5 Thức thực là một trong bốn thực. Ba thực còn lại là đoạn thực, xúc thực và tư thực.
6 Kinh Thủ Lăng Nghiêm, tr. 86.
7 Kinh Thủ Lăng Nghiêm, tr.91-5.
8 Kinh Thủ Lăng Nghiêm, tr. 98-100.
9 Kinh Thủ Lăng Nghiêm, tr. 113-4.
10 Kinh Thủ Lăng Nghiêm, tr. 161.
11 Kinh Thủ Lăng Nghiêm, tr. 230.
CHƯƠNG V: THIẾT LẬP HAI ĐIỀU NẠN HỎI
Đến phần này thì tôn giả Phú-lâu-na bắt đầu xuất hiện. Phú-lâu-na cũng được mệnh danh là một trong thập đại đệ tử giỏi của Đức Phật, bậc nổi tiếng về biện luận đệ nhất trong tăng đoàn của Phật.Khi đó tôn giả Phú lâu na bạch Phật rằng Đức Thế tôn có oai đức lớn, khéo vì chúng sanh diễn bày Đệ nhất nghĩa đế của Như lai. Đức Thế tôn thường cho rằng trong những người thuyết pháp, con là bậc nhất, song nay con nghe pháp âm nhiệm mầu của Như lai cũng như người điếc, cách xa trăm bước, nghe tiếng muỗi mạt, vốn đã không thấy, huống nữa lại nghe. Tuy Phật chỉ rõ, khiến cho tôi trừ được lầm lạc, nhưng tôi chưa rõ chỗ rốt ráo, không còn nghi hoặc của nghĩa ấy.
Và Phú lâu na bắt đầu trình bày hai điều nạn hỏi mà ngài không hiểu, thỉnh Phật giải bày. Để cho dễ hiểu hai câu hỏi này, xin được phép chia ra năm phần nhỏ là 1A, 1B, 1C và 2A, 2B:
CÂU 1. 1A. Bạch Thế Tôn, nếu như hết thảy các thứ căn, trần, ấm, xứ, giới v.v... trong thế gian đều là tính thanh tịnh bản nhiên Như Lai Tạng, thì làm sao bỗng nhiên lại sanh ra các tướng hữu vi như núi, sông, đất liền thứ lớp dời đổi trước sau quanh lộn? [1]
Đức Phật đáp rằng: “Ngày nay Như lai khắp vì trong hội này chỉ bày tính chân thắng nghĩa trong thắng nghĩa, khiến cho ở trong hội này, những hàng định tính Thanh văn và hết thảy các bậc A-la-hán, chưa được hai phép nhân không và pháp không, phát tâm hướng về thượng thừa, đều được chỗ tu hành chân chánh, thiết thực không xao động của cảnh giới tịch diệt nhất thừa. Thầy hãy nghe kỹ, Ta sẽ vì thầy mà nói.”
NÊU BẢN TÍNH ĐỂ CHỈ RÕ CĂN NGUYÊN HƯ VỌNG
Này Phú-lâu-na, như thầy vừa nói: đã là bản nhiên thanh tịnh, làm sao bỗng nhiên lại sanh ra có núi sông đất liền. Vậy thầy không thường nghe Như lai chỉ dạy: Tánh giác là diệu minh, bản giác là minh diệu hay sao?
Bạch Thế Tôn, con thường nghe Phật chỉ dạy nghĩa này.
Phật bảo: Thầy bảo cái giác là minh, lại là vì bản tánh nó là minh, nên gọi nó là giác; hay là vì giác được cái không minh, mà gọi là minh giác?
Phú Lâu Na bạch: Nếu cái không minh đó mà gọi là giác, thì nó không minh được cái gì.
Phật dạy: Nếu không có sở minh là không có minh giác, thì có sở không phải là giác, mà không sở, lại không phải là minh; và không minh, thì lại không phải là giác tánh trạm minh. Vậy tánh giác chắc là minh, do vọng tưởng mà làm ra có minh giác. Giác không có gì là sở minh, nhân minh mà lập ra thành sở, đã giả dối lập ra có sở, mới sinh ra cái năng hư vọng của các vị.
Trong tính không đồng, không khác, nổi dậy thành ra có khác; khác với cái khác kia, thì nhân cái khác đó, mà lập thành cái đồng. Phát minh cái đồng, cái khác rồi, thì nhân đó, mà lập ra cái không đồng, không khác. Rối loạn như thế, đối đãi với nhau sanh ra lao lự; lao lự mãi phát ra trần tướng, tự vẫn đục nhau; do đó đưa đến những trần lao phiền não. Nổi lên thì thành thế giới, lặng xuống thì thành hư không; hư không là đồng, thế giới là khác; cái không đồng, không khác kia, thật là pháp hữu vi. [2]
Bây giờ chúng ta tìm hiểu câu hỏi số 1A nghĩa là tại làm sao Như lai tạng bản nhiên thanh tịnh, nay lại hiện ra các tướng hữu vi, các tướng chúng sanh mà không phải chỉ hiện rồi hết mà nó thiên lưu, diệt rồi sanh, sanh rồi diệt, suốt từ vô thủy đến giờ và có thể kéo đến vô chung?
Đây là lời Đức Phật giảng cho tôn giả Phú-lâu-na và các A-la-hán, chứ không có bậc phàm tình dày đặc tham, sân, si như chúng ta. Trong hội trường lúc đó là toàn thánh nhân xuất thế cả, cho nên chúng ta nghe hơi khó hiểu, rối rắm. Chúng ta phải để tâm lắm, phải dồi mài lắm, thì mới hiểu được cái việc Như lai chỉ bày tánh chân thắng nghĩa trong thắng nghĩa.
Thắng nghĩa là nhận được Phật pháp để thành Phật.
Tánh chân thật thắng nghĩa tức là nhận được ra nhân tu, nhận được tánh Phật ở nơi sáu căn, ở nơi mắt, tai, mũi, lưỡi, thân và ý.
Như vậy có những nghĩa bình thường, chân nghĩa rồi chân thắng nghĩa.
Nghĩa bình thường tức gia đình, xã hội, nhà trường đã giáo dục cho chúng ta thành một con người bình thường, một con người với đầy đủ ý nghĩa bổn phận bình thường trong gia đình và xã hội. Chúng ta có câu ‘Làm một con người bình thường đã khó huống chi làm một thánh nhân’. Tức căn bản làm bình thường phải có rồi mới tiến lên thánh vị. Ngược lại làm không nổi, phá vỡ quy tắc làm người này tức phạm tội giết người, trộm cướp, ngoại tình... thì sẽ thành tội nhân, bị pháp luật trừng phạt.
Chân nghĩa tức nghĩa chân thật. Trong 12 năm thuyết pháp, Đức Phật đã dạy cho chúng ta chân nghĩa này, tức nhìn như thật về cuộc đời, biết sáu căn hư vọng, sáu trần huyễn hoá và sáu thức không thật để buông bỏ những tâm tham, sân, si, ngã ái, ngã kiến.
Chân thắng nghĩa là nhận tánh Phật ở nơi sáu căn, sáu trần và sáu thức đó. Những hàng định tánh Thanh-văn, những vị cố chấp trong sở đắc của mình, xem sanh tử trần thế là oan gia, Niết bàn là chỗ mình trở về, cho sáu căn này là bất tịnh dơ dáy, đồ bỏ, thì bây giờ Phật khuyên hãy hướng về thượng thừa, nhận cái quý giá ở sáu căn, tức quay trở về, hướng về nhận tánh thể không sanh già bịnh chết của mình, tánh Phật thường trụ ở sáu căn, nhận ra kiến tinh, phần chân thật, khác hẳn với vọng tâm, vọng thức của chúng ta. Đây là chân thắng nghĩa trong thắng nghĩa.
Đây cũng là chỗ khó hiểu của đạo Phật. Tuy nhiên cái khó này chính là cái kết quả lớn lao, giá trị tinh hoa của đại thừa. Giống như chúng ta đi mua hàng, chỉ cần vài mỹ kim thôi là được mấy thùng kẹo to lớn, nhưng cả trăm ngàn mỹ kim mới đổi được một viên kim cương quý giá. Tiền nào của đó. Thế nên cái khó là cái giá trị.
- Tánh giác là diệu minh, bản giác là minh diệu: Tánh Phật của chúng ta đặc biệt về chữ minh mà bản gốc và thể chất của nó thì đặc biệt về chữ diệu. Bởi nó minh cho nên nó phân biệt, nó mới có chỗ phân biệt, đưa đến chỗ mà bây giờ chúng ta nhận thức là mình, người... rồi đi đến các thứ biến hoá. Tuy nhiên bản gốc, thể chất của nó là diệu, nên tùy duyên minh biến hoá các thứ nhưng bất biến, chất của nó không mất. Vẫn tùy duyên minh biến hoá, nhưng nó vẫn diệu, bất biến.
Nói chữ tánh là nhấn mạnh về chữ minh mà nói về bản thể là nhấn mạnh về chữ diệu. Thể của cái chuông bằng đồng, tánh nó là cứng; thể của hoa là bằng đất và tánh là mềm; thể của tâm chúng ta là diệu và tánh là sáng, là minh.
Do chúng ta bất giác muốn minh nên chia ra hai: minh và sở minh tức kiến phần là tinh thần và tướng phần là vật chất. Bất giác đây gọi là sanh tướng vô minh tức lúc bắt đầu cái vô minh ấy. Ngay khi khởi lên một niệm thì mình đã tách tâm mình ra làm hai. Tâm của chúng ta thành thức thứ tám, không còn gọi là chân tâm nữa. Tánh của mình vốn có một tánh, không đồng, không khác, ít có cái gì khác để mình phải phân biệt, bây giờ lại thành chuyển động phân biệt có đồng và khác.
Do chuyển động để ý, phân biệt thấy có cái khác. Thấy cái khác tức là chúng ta mê muội thấy có hư không. Hư không nó không khác với mình (vô tướng). Rồi kết ám lại thành sắc, khác với hư không. Nhân khác với cái khác mà lập cái đồng, tức là thấy đất, nước, gió, lửa khác với hư không. Rồi từ tánh không khác, không đồng là chân tâm rồi bỗng thành có đồng có khác.
Kiến phần cho là mình và nơi tướng phần là cảnh bên ngoài thì vọng tâm đối cảnh phân biệt, tìm hiểu, hình thành, dẫn khởi ra thức. Thức thứ bảy phát sanh ra ý thức tức thức thứ sáu. Ý thức là ngã chấp câu sanh, còn thức thứ bảy lại hằng thiểu tư lường. Ý thức theo trần niệm nhiễm trước, nó vướng mắc chấp thủ. Theo danh chấp tướng, từ ngã chấp câu sanh mà phân biệt.
Khi bắt đầu có ý thức phân biệt mới sinh ra các thứ yêu ghét. Những tâm niệm của mình giao xen lẫn nhau, tự mình phân biệt là tự mình vẫn đục. Chấp danh tự này, lại chấp hình tướng kia thành có cái tham, sân, si, sầu, bi, khổ, ưu não đưa đến trần lao phiền não tạo nghiệp. Tạo nghiệp rồi mới ra quả báo nổi lên thành tướng, lặn xuống thành hư không.
Từng bước từng bước chúng ta bắt đầu vô minh. Thật ra lúc đầu chỉ có chân tâm của mình duy nhất. Mình bắt đầu bất giác minh tìm hiểu, phân biệt, thế là từ đấy mở ra, cứ đi dần cho tới bây giờ cảm quả báo.
Chúng ta đọc từng chữ từng chữ Đức Phật phân minh. Vì sao chúng ta đang là ông Phật mà bỗng nhiên thành ra vọng kiến chúng sanh như bây giờ. Ban nãy gọi nó là đồng với mình, rồi khởi vọng niệm và từ vọng niệm ấy mà cứ thế nối tiếp. Cho nên cần phải định, hễ không định mà loạn động lên thì nó mở ra nhiều thứ, cho nên trong tranh vòng luân hồi [3] vẽ đuôi con quỷ vô thường dài vô tận; hai bàn tay với hai bàn chân của quỷ ôm bánh xe quay mãi, xoay trục quay liên tục vì nhiều thứ nghiệp cứ tiếp tục không ngừng nghỉ, không mệt mỏi.
Hễ không định, mà muốn minh thêm tánh giác tức muốn phân biệt tánh của mình, mà tánh mình là tánh giác minh rồi. Do muốn minh thêm cái giác, muốn phân biệt tìm hiểu, ngay lúc mình muốn phân biệt đó là cái hốt nhiên, Phật gọi là sanh tướng vô minh. Đã là vọng mà muốn minh thêm cái giác, đó là sanh tướng vô minh, u tối.
Sanh tướng vô minh tức là bước đầu. Bây giờ gọi là vọng tâm vì từ sanh tướng đó sanh ra trùng trùng những đồng khác, trong thì thấy có vọng tâm, ngoài thì vọng cảnh. Biết một thì chúng ta muốn biết hai, biết hai thì chúng ta muốn biết ba, bốn thành ra lao nhọc. Đấy là từ lúc mình có mắt thấy, từ chỗ vọng tâm đối đãi sanh lao để mà muốn thấy như thế. Dẫn khởi thức tình, lao lự mãi là hằng thẫm tư lường pháp chấp. Hằng thẫm tư lường là thức thứ bảy. Hằng thẫm tư lường thì phát sanh thức thứ sáu chạy theo cảnh ngoài, vịn vào trần niệm nhiễm trước.Thật ra lúc đầu chỉ một cái tâm của mình đâu có hai, hay ba hay cả tám thức (nhãn thức, nhĩ thức, tỷ thức, thiệt thức, thân thức, ý thức, thức thứ bảy và thức thứ tám).
Đức Phật chỉ từng bước đi. Bắt đầu nhận kiến phần là mình, là bắt đầu có thức thứ bảy. Từ thức bảy trong chấp là mình, từ cái vô minh ấy nó mới dẫn khởi thức thứ sáu, sai thức thứ sáu đi thâu các cảnh bên ngoài vào để làm sở hữu (ngã và ngã sở).
Bản lai vốn không đồng không khác mà giờ có hư không là đồng, (không hình, không tướng giống chân tâm), thế giới là khác, có núi có sông, có nhà có cửa, có thân mình, có chúng sanh đọa trong ngục năm ấm, có cảnh mình sống, có chuyện đọa lạc tức là có đủ chánh báo và y báo. Từ chỗ ấy bắt đầu có quả báo gọi là khổ tướng xuất hiện.
Đây Phật muốn nói tánh của nó là minh, nếu không minh sao gọi là giác tánh trạm minh. Tánh nó là minh. Nó đã tự minh sao mình tìm hiểu phân biệt để tự minh cáo làm gì nữa. Thể tánh của nó vốn là minh rồi, sao lại bảo không minh, mình minh làm chi để sanh ra khác, đồng, con người, chúng sanh, thế giới và nghiệp quả, chỉ lỗi là do mình hốt nhiên bất giác.
Đây là điều Đức Phật nói cho các vị A-la-hán nghe, cho nên không phải là dễ, nhưng nếu chịu khó chúng ta cũng có thể hiểu và tin. Hãy trầm tư ngẫm nghĩ vào pháp vị thâm áo ẩn tàng đó hàng giờ và hàng ngày.
1.B. BA TƯỚNG KẾT QUẢ TIẾP TỤC
Mãn từ (Phú lâu na) hỏi về chúng sanh, thế giới, nghiệp quả tương tục tánh tướng để biện giải về vạn pháp và xin Đức Phật giải đáp.
Tôn giả hỏi là tâm chúng sanh vốn là tánh Phật mà tại sao bây giờ lại vọng kiến thấy mình là chúng sanh ở trong thế giới y báo mà rồi vẫn cứ có nghiệp quả nối tiếp để hết thân này lại có thân khác, hết cảnh này lại có cảnh khác mà từ vô thủy đến giờ vẫn chưa ngừng nghỉ.
Vậy sáu đạo hữu tình này, cảnh giới đoạ lạc của sáu đạo luân hồi này bản lai tự có hay do tập khí chúng sanh tự khởi ra, vốn vẫn sẵn có như thế hay là về sau mê muội vọng tập mà biến hoá ra?
Phần này cũng rất khó vì thuộc tạng tánh. Chúng ta phải lưu tâm suy nghĩ, phải thực tập hạnh vô sanh pháp nhẫn tức nhẫn sự thật về vô sanh mà từ trước tới giờ mình chưa nghe. Nhẫn chịu khó nghe nhiều lần, dồi mài tư duy rồi sẽ nhận lại nghĩa này nơi thân tâm mình.
Câu 1B sẽ là câu cụ thể của câu hỏi 1A. Tôn giả Phú lâu na hỏi các tướng hữu vi thiên lưu thành hoại không ngừng tức hỏi cụ thể vì sao thế giới, chúng sanh và nghiệp quả cứ tiếp tục? nên câu 1B sẽ là phần giải thích ba vấn đề này.
THẾ GIỚI TIẾP TỤC
Cái giác thì sáng suốt, cái hư không thì không hay biết, hai cái đối đãi với nhau, thành có lay động, cho nên có phong luân nắm giữ thế giới. Nhân cái hư không mà sinh ra có lay động, phát minh tính cứng thì thành có ngăn ngại; các loài kim bảo đều do minh giác lập ra tánh cứng, cho nên có kim bảo nắm giữ cõi nước. Biết cái cứng thì thành có kim bảo, rõ cái lay động, thì phong đại phát ra: phong đại và kim bảo cọ xát nhau, cho nên có hoả đại làm tính biến hoá. Ngọn lửa xông lên, kim bảo sinh ra tính ướt, cho nên có thủy luân trùm khắp các cõi mười phương. Lửa bốc lên, nước sa xuống, giao nhau phát hiện, mà lập thành tánh cứng: chỗ ướt là bể lớn, chỗ khô là gò nổi; do cái nghĩa ấy, trong bể lớn kia, hơi nóng thường bốc lên; trong gò nổi kia, sông ngòi thường chảy xuống. Thế nước kém thế lửa, thì kết thành núi cao, vậy nên đá núi, đập thì có tia lửa, nấu thì chảy ra nước. Thế đất kém thế nước, rút ra thành cây cỏ, vậy nên rừng rú bị đốt thì thành đất, vắt ra thì có nước.
Vọng tưởng giao xen phát sanh, xoay vần làm chủng tử cho nhau; do nhân duyên ấy mà thế giới tiếp tục [4].
Đây là khởi nguyên thế giới. Nói khởi nguyên thế giới và thế giới tương tục là nói về mặt vật lý. Đức Phật có Phật tuệ nên ngài nhìn thấy được, còn chúng ta còn đeo nhục nhãn tức còn đeo kiếng đen nên không thấy các pháp như thật được.
Bầu khí quyển chúng ta gọi là hư không nhưng thật ra là vòng không khí. Vòng không khí bao quanh, trùm xung quanh quả đất của mình, giữ vững quả đất lại. Nhân hư không mà sinh ra lay động, phát minh tính cứng, cho nên có kim bảo nắm giữ cõi nước. Gió thổi có động. Tâm mình muốn đứng vững lại cho nên gọi là kiên ngưng. Ngưng chướng ngại thì cảm quả báo có kim bảo, nghĩa là do kiên ngưng mà nó thành chất cứng của mình, thành kim luân tức vòng bằng vàng tròn bao quanh quả đất.
Hồi xưa tâm thanh tịnh rồi dần dần si nghiệp nó chuyển. Nói bên cực lạc đất toàn bằng vàng, đây không phải là chuyện bịa mà có sự thật.
Trong kinh A-di-đà, Đức Phật Thích Ca nói rằng:
Xá lợi Phất! Lại trong cõi Cực lạc có ao bằng bảy chất báu, trong ao đầy đủ Nước Tám Công Đức, đáy ao thuần dùng cát vàng trải làm đất. Vàng bạc, lưu ly, pha lê hiệp thành những thềm đường ở bốn bên ao; trên thềm đường có lầu gác cũng đều nghiêm sức bằng vàng, bạc, lưu ly, pha lê, xa cừ, xích châu, mã não. Trong ao, có hoa sen lớn như bánh xe, hoa sắc xanh thời ánh sáng xanh, hoa sắc vàng thời ánh sáng vàng, sắc đỏ thời ánh sáng đỏ, sắc trắng thời ánh sáng trắng, mầu nhiệm thơm tho trong sạch.
Xá lợi phất! Cõi nước Cực lạc trọn nên công đức trang nghiêm dường ấy.
Xá lợi phất! Lại trong cõi nước của Đức Phật đó, thường trổi nhạc trời, đất bằng vàng ròng, ngày đêm sáu thời rưới hoa trời Mạn đà la...[5]
Chúng mình cũng thế lúc đầu trái đất bằng vàng, nhưng mê muội đi về đường mê nhiều. Tâm si mê mất sáng suốt nên chuyển thành đất, thành quả đất của mình. Cho nên chúng ta thấy văn dịch của Tâm Minh nói là vòng kim luân, trong khi văn dịch của HT. Thích Duy Lực là Tánh không sanh ám muội, kết tụ thành sắc, tức là địa (trái đất)[6] . Phải dùng định lực, tuệ giác thì mới thấy được điều này, mới thấy đúng, có thể từ vàng chuyển thành đất, cõi tịnh và ta bà.
Tánh của kim luân thì kiên ngưng mà phong luân thì thổi và chuyển động. Hai bên cọ xát tạo ra hỏa luân làm tánh biến hoá. Ngọn lửa xông lên đốt kim luân sanh ra tánh ướt nên có thủy luân tràn đầy khắp pháp giới. Thế giới này có gió rồi có kim si mê thành đất, rồi mới có lửa, nước, thế là đủ bốn thứ rồi (gió, kim, lửa, nước, rồi mới thành đất, nước, gió, lửa), mới biến hoá thành ra các cảnh giới, rồi cây cối, biến thành ra các thứ sơn hà đại địa.
Đầu tiên là vòng gió, kim/ địa, lửa, nước. Vậy thế giới chúng ta ở từng vòng từng vòng theo như văn kinh minh họa. Đây quả đất hình tròn, ở ngoài quả đất có vòng không khí. Vòng đất rồi nước chảy ở trong, trong ruột quả đất là lửa, khoan xuống thì có giếng nước. Nước có vòng nước nó chảy trong lòng đất. Bởi vì lửa bốc lên, nước sa xuống, thế cho nên trong biển vẫn có lửa. Trong đá có cả nước cả lửa (núi phun lửa, núi lửa). Chúng ta lấy đá đập vào nhau thì nó xẹt ra lửa, còn mình nung đá thì nó thành nước. Gò là chỗ có đất nhiều, nước ít. Chỗ ướt thế nước mạnh hơn thế đất sẽ tếch thành cái lá cành hoa, rừng cây ruộng cỏ.
Cho nên cảnh cứ hiện lên, kết mê muội mãi thì hư không nối tiếp, kết ái nhiễm, sân hận, ngu si mãi cho nên đất, nước, gió, lửa cứ nối tiếp. Hễ chúng ta thèm ăn thì miệng chảy ra nước. Thân đã chết thì con mắt chảy ra nước, biết mình bắt được vàng hay trúng số thì toát mồ hôi. Hễ có lòng tham muốn ái ân thì dễ dàng đưa đến mất chánh niệm.
Hiện tại cho chúng ta thấy lòng tham khởi ra nước. Hễ sân thì khởi ra lửa, mê kết ám lại thì thành hình sắc, thành đất đá. Do những vọng tưởng giao xen này làm chủng tử cho nhau nên đất, nước, gió, lửa nối tiếp. Như vậy đất, nước, gió, lửa là nền tảng cấu thành thế giới. Đây là nói từ trong nghiệp báo của chúng ta hiện lên các thứ, đều là những cái không hề có.
Trong tâm của chúng ta, nước là do ái mà hiện tướng. Nước là thứ đi xuống, chảy xuống, chứ không bao giờ chảy lên. Hễ có sân, ghét, bực bội thì có lửa, phực lửa bật ra, đang vừa có lửa vừa có nước ái chảy ra. Gió là do tâm động mà tạo thành. Đất là do si ám kiên ngưng mà thấy ra chướng ngại, chỉ toàn là tâm không chi khác. Thế rồi cứ làm nhân lẫn nhau vì thế có quả báo có thân rồi lại tạo ra các nghiệp. Đây là lý do có thế giới tiếp tục, tức có đất, nước, gió, lửa tiếp tục.
Từ trên đến đây Đức Phật nhắc đi nhắc lại, chỉ là nghiệp báo của chúng ta, hiện lên các thứ, chúng là những cái không hề có.
CHÚNG SANH TIẾP TỤC
Lại nữa, Phú Lâu Na, vọng tưởng chẳng phải gì khác, do tính giác minh hóa ra lầm lỗi; cái sở minh hư vọng đã lập, thì phạm vi của cái năng minh không vượt khỏi được. Do nhân duyên ấy, nghe không ra ngoài tiếng, thấy không vượt khỏi sắc, sáu cái vọng: sắc, hương, vị, xúc v.v…, đã thành lập, thì do đó, chia ra có thấy, nghe, hay, biết.
Đồng nghiệp ràng buộc lẫn nhau mà hợp, mà ly, mà thành, mà hóa. Cái thấy phát minh, thì cái sắc phát ra; nhận rõ nơi sự thấy, thì thành có tư tưởng; rồi ý kiến khác nhau, thì thành ra ghét, tưởng niệm đồng nhau, thì thành ra yêu. Lan cái yêu ra, thành hạt giống, thu nạp tưởng niệm, thành ra cái thai, giao xen phát sinh, hấp dẫn bọn đồng nghiệp, nên có nhân duyên sinh ra yết la lam, át bồ đàm v.v… Thai sinh, noãn sinh, thấp sinh hay hóa sinh là tùy phần sở ưng: Noãn chỉ do tưởng niệm mà sinh, thai thì nhân ái tình mà có, thấp sinh thì cơ cảm mà hợp lại, còn hóa sinh thì phân ly mà ứng hiện. Khi tình, khi tưởng, khi hợp, khi ly, thay đổi lẫn nhau, nên các loài chịu nghiệp báo cũng theo đó mà lên xuống; do nhân duyên ấy, chúng sinh tiếp tục [7].
Nói khởi nguyên và sự tương tục của thế giới ở trên là nói về mặt vật lý. Bây giờ đến chúng sanh tương tục tức đề cập hai phần: vật lý và tâm lý hình thành ra chúng sanh. Thuật từ Phật học gọi chúng sanh là chánh báo và thế giới là y báo.
Từ sanh tướng vô minh dẫn đến y báo và chánh báo liên đới nhau như sau: Sự thật hiện tại là chúng ta thấy không ra ngoài sắc/không sắc, nghe không ra ngoài động/tĩnh, ngửi không ra ngoài hương/không hương, nếm không ra ngoài vị/nhạt, xúc không ra ngoài chạm/không chạm và ý không ra ngoài sanh/diệt (đây là những đề tài quán rất hay). Từ cái có sáu căn đối sáu trần sanh ra phân biệt yêu ghét, hờn tủi, sầu bi khổ ưu não thành bịnh chúng sanh. Thế rồi, khác ý thì ghét, mà hợp ý thì thương nhau. Thương mãi không rời, vọng tưởng thương yêu này loạn tạp vào sắc tạo thành cái thai, hấp dẫn bọn đồng nghiệp.
Đồng nghiệp những người thích việc ái ân thì đứng quanh quẩn đợi cha mẹ giao hợp để tùy hỉ gá thân. Nghiệp làm chó thì đợi cha mẹ chó đực và chó cái giao hợp rồi gá vào. Dòng nước ân ái yêu thương kết thành tập khí chủng tử. Hấp dẫn đồng nghiệp tác hợp với phôi thai. Phôi lớn thành thai, rồi hình thành sáu căn (nhà có sáu cửa) tiếp xúc bên ngoài, cảm thọ những ái nhiễm. Thủ giữ những ái nhiễm mà có hữu. Có hữu tức có nhân sanh tử. Cái nhân đã tượng hình thì sẽ theo luật sanh trụ dị diệt, sanh già bịnh chết cứ thế tiếp tục, theo thời gian mà phát triển. [8] Thai sanh, noãn sanh, thấp sanh hay hoá sanh là tùy phần sở ưng, tuỳ gieo nhân nào mà ứng hiện loài ấy.
1. Noãn sinh là do tưởng niệm mà sanh, tức các loài sanh từ trứng. Từ trứng nhưng có giống bay lên trời như chim, giống bơi dưới nước như cá, giống sống trên mặt đất như gà vịt… Có một người thích ăn thịt gà đang chuẩn bị cháo gà để ăn, mũi chưa kịp nhận hương gà thì vô thường đến, khiến thần thức chui vào bụng con gà để tái sanh kiếp gà rồi, đều là do tưởng, do nhớ đến và thần thức đi với kiếp gà.
2. Thai sinh thì nhân ái tình mà có, có loài vào bào thai không vào trứng. Cõi người, con chó... là do thai sanh. Lúc lâm chung mà có cái nghiệp nó dẫn thì ngay lúc mắt vừa thấy cảnh giao hợp ái ân giữa hai giới tính khác nhau, tâm vừa khởi ưa thích, nó nhanh như điện, liền lãnh thọ cái tâm ưa thích ấy. Tuy gọi là hai nhưng mà là một. Cái tâm của mình thọ, mình khỏi mắc công nói do thọ mà sanh ái, vì trên thật tế thì ngay lúc mắt thấy, thần thức đã ở ngay trong bào thai rồi, thọ-ái nhanh lắm đi liền với nhau vì nó chỉ là một cái tâm của mình mà thôi. Sở dĩ có sự nhanh như thế vì chúng ta vọng tập nó từ vô thủy rồi. Thế cho nên phải diệt cái vọng tập đó đi, bằng cách trở về tánh Phật và an định vào tánh Phật, đừng để cho nó lôi mình đi nữa.
3. Thấp sinh thì cơ cảm mà hợp lại, tức là các loài côn trùng hợp với ẩm thấp, sanh ra nơi ẩm ướt, như con muỗi trứng nó đẻ dưới nước; lăng quăng, trùng, dòi, loài bọ sát sanh ở đất ẩm, ruộng đồng.
4. Hoá sinh thì do phân ly mà ứng hiện như loài bươm bướm hay những người ở thế gian tạo ác nhiều thì khi lìa thân này tự thấy mình hoá sanh trong địa ngục, có các cảnh giới hành hình đau khổ.
Nếu thiện hạnh ở hiện đời mạnh thì khi rời thân người tự thấy mình hoá thân ở trên cõi trời, có cảnh vui thù thắng, các phước tướng của trời, chứ không ở trong trứng quả, các vị này cũng gọi là hoá sanh.
Chúng ta bây giờ sống với sáu trần, thèm khát cảnh trần. Nên hễ thân này già, chết tan đi thì chúng ta lại có thân khác, cứ phải tạo có cái thân, cứ phải để cho sáu giác quan chạy ra bên ngoài mà không biết như thế là đi theo đường lầm mê. Vì vậy thân này chết thì tinh thần tạng thức thành thân khác liền, nếu tùy hỉ sự giao hợp của cha mẹ thì thần thức liền gá vào thành cái thai. Sau bảy ngày thai nhi thành hình bọt nhớt bồ đàm tức thành bong bóng. Sau 21 ngày thì nó thành thịt mềm. Ngày 28 thì thành thịt cứng và đến 35 ngày thì nó có hình dạng người, rồi 9 tháng 10 ngày sanh ra.
Đồng nghiệp ràng buộc nhau, cùng đồng nghiệp ở trong luân hồi buộc nhau mà hợp ly mà tình mà tưởng. Hợp nhau thì khi yêu khi ghét tạo các duyên khiến cùng nhau đọa lạc.
Hoá sanh lìa thân cũ là người, hiện thân sanh lên cõi trời, chứ trên trời không có từ thai sinh ra như loài người.
Khi nào sanh ở cõi trời thì bỗng nhiên đang ngồi thấy một thằng bé xuất hiện ngồi trên đầu gối của mình, tức là thành cha con, không phải như ở thế gian là bồng bế ẳm thai nhi gì cả. Ở trong địa ngục cũng thế, bỗng nhiên thấy có mình ở trong đia ngục, vị này gọi là ly. Hoá sanh do phân ly mà thành nghĩa là rời cảnh cũ mà ở cảnh mới thì là địa ngục, là hoá sanh.
Thành là thành hình, ở trong thai mà thành hình như là con gà nó ở trong quả trứng, dần dần nó thành thân thì gọi là thành. Còn hoá sanh như con bướm đang là con nhộng, con sâu thế là nó mọc cánh thành con bướm, mọc cánh bay. Cứ thế theo nghiệp mà ràng buộc nhau. Cái thấy phát minh cái sắc và nó tự thấy sắc đi cặp với nhau. Hễ có âm thanh tức là có nghe. Hễ có mùi thơm hôi đã có cái ngửi. Đã có cái ngửi tức đã có cái thơm và hôi. Cái chua với cái biết nếm, biết xúc với cái xúc đi liền nhau, có pháp trần tức là có ý thức đồng thời có thì cũng có, không thì cũng không. Đã có cái vọng tâm là bởi vì có vọng cảnh. Vọng tâm gặp vọng cảnh thì khởi vọng hoặc. Mắt trông thấy cây ổi thì liền khởi cái nghĩ. Cho nên tất cả những hình ảnh, những cảnh trần hiện lên thì Đức Phật gọi là kiến hoặc, tức là cái thấy, rồi mình lại vơ những bóng ảnh bên ngoài, vơ vào tâm suy nghĩ thì cái ấy Đức Phật gọi là tư hoặc.
Kiến hoặc và tư hoặc là gốc trầm luân. Bây giờ đã có kiến hoặc, tư hoặc rồi, nếu khác ý nhau thì thành ghét, giận hờn, còn nếu đồng ý với nhau thì ràng buộc. Ái cũng là ràng buộc, ố cũng ràng buộc. Vì có ghét, có ái rồi xen tạp vọng tưởng thì thành hạt giống. Sự ái nhiễm giữa nam và nữ là suối nguồn thành biển sanh tử thế gian. Đây là cái nghiệp để có sự sinh sản nối tiếp. Chúng ta hay nói có điện âm, điện dương quấn quít lấy nhau. Cứ tơ tưởng đến dục ái thì thành hạt giống. Hạt giống nếu đừng gặp duyên thì khô chết, cũng như hạt mít nếu cất trong kho thì muôn đời là hạt mít khô, mà để dưới đất thành cây, ra quả nên phải tránh duyên để giác tỉnh.
Ở đây, tâm có dục tình mới thâu nạp dục tưởng thành thai. Người nữ tưởng như mình thâu nạp cái hạt giống của người nam, bởi đôi bên có tư tưởng ái nhiễm nên hai căn chảy nước. Người nam tiết tinh trùng. Người nữ thâu nạp giao nhau thành ra tinh trùng vào trong máu huyết của người nữ. Trong sách nói tinh cha huyết mẹ, hạt mủ của cha và huyết đỏ của mẹ. Cha cũng như hạt ổi và huyết mẹ như đất. Hạt ổi bỏ xuống đất và tưới thêm nước. Đây cũng thế người nữ thâu nạp hạt giống, tưởng nó thành hạt mủ vào máu huyết của người mẹ dần dần thành thân, thành thai nhi.
Do giao cấu phát sanh hấp dẫn bọn đồng nghiệp. Đứa trẻ vong linh ấy có nghiệp dâm dục và cùng với cha mẹ đồng nghiệp, nó mới gá vào thành ra yết-la-lam là cục nhớt, nghĩa là nó gá vào trong đám máu mủ tinh trùng của cha mẹ, nó thành miếng nhớt rồi nó thành bong bóng rồi thai nhi.
Noãn sanh, thai sanh, thấp sanh, hóa sanh tùy phận mà có chỗ cảm ứng. Có người nghiệp dâm dục thì vào bào thai. Noãn là duy tưởng sanh tức là loài đẻ trứng do tâm vọng tưởng mà thành. Cái tinh thần đồng nghiệp mắc vào quả trứng đó thành ra loài noãn sanh, ví như người thích mùi thịt gà và vẫn cứ giết gà để ăn, bởi vì có nghiệp thích ăn thịt gà. Lúc lâm chung, thoảng ngửi thấy mùi thơm, thoảng ngửi thấy mùi thịt gà tức là đã mắc vào quả trứng của con gà nào đó. Thế thì chỉ một hơi thở hắt ra thì ông đã ở trong quả trứng của con gà rồi.
Đang mới làm loài người thẳng đứng, chỉ một thoáng ngửi lấy mùi thơm lúc ấy chưa đến một tích tắc, một sát na đã ở trong quả trứng của con gà. Sau này làm con gà cho người ta cứa cổ, vì cứ ăn thịt gà và cứ sai người làm thịt gà. Khoảng cách chuyển sang kiếp khác chỉ một sát na, cho nên tổ nói chỉ trong chớp mắt nó đã biến sang loài khác rồi.
Đức Phật dạy phải đề phòng năm ấm: sắc, thọ, tưởng, hành và thức. Chúng ta cứ quen thọ cả ngày, đạo nghiệp của mình là phải tỉnh ra. Giữ chánh niệm, quay về niệm Phật, đừng lãnh thọ những cảnh bên ngoài. Hương thơm bay đến mũi, giác tỉnh biết ngay là huyễn, mà cái này đạo nghiệp (bổn phận tu tập) hàng ngày của mình phải tập. Như có một thiền sư ngồi thiền trên ao, có hương thơm của hoa phất qua mũi, sư thích quá ngồi hoài. Đợi đến lúc vị thần quở trách là đạo hạnh của sư có vết nhiễm, sư mới sực tỉnh.
Vậy chúng ta phải đề phòng, con chim nó hót, thích nghe tiếng hót thanh thao; đang ngồi độ ngọ, gió mát phất qua thấy dễ chịu thế là thọ luồng gió mát đi qua, mình thấy mát là mình đã thọ rồi. Chúng ta phải đề phòng ngay từ bây giờ. Cái này phải tập miên mật, từng giờ từng phút thì mới xả thọ. Xả thọ thì làm thánh nhân. Còn chúng ta cứ sáu căn hàng ngày theo tập quán đắm nhiễm mà từ vô thủy đến giờ, chúng ta đã thành con người có tạp tập thì chúng ta sẽ đọa nhanh như chớp mắt.
Vì sao nói khi tình khi tưởng, khi hợp, khi ly, thay đổi lẫn nhau, nên các loài chịu nghiệp báo cũng theo đó mà lên mà xuống?
Hoặc ái hoặc yêu thì nhân của thai sanh mà tưởng thì lọt vào loài đẻ trứng, hợp mà sanh là loài ẩm ướt, phân ly thì hoá sanh ở cõi khác. Các loài này thay nhau dời đổi đủ cả chủng tử tình, tưởng, hợp và ly của cả bốn loài (thai, noãn, thấp và hoá). Cứ thế tâm chúng ta cả ngày tình tưởng xoay luôn và theo đó lâm chung cứ như thế mà đi. Lúc lâm chung một cái là thành loài sanh, trứng, thai, hoá… Cứ theo nghiệp mà lên xuống. Lên cõi trời người, xuống địa ngục. Xuống rồi lên, lên rồi xuống. thiện rồi ác, ác rồi thiện… cho nên thành cái luân hồi. Do nhân duyên ấy chúng sanh cứ tiếp nối, cứ sanh rồi chết, chết rồi sanh, học hoài không hết.
Vốn từ tánh giác minh mà bất giác phân biệt thành ra trùng điệp những đồng dị, có căn thân và thế giới, có sáu trần phân biệt, rồi lãnh thọ yêu ghét do đó tham sân khởi lên. Tham sân là vọng tưởng kiến chấp tạo nghiệp sát đạo dâm vọng, tạo nghiệp rồi thì phải trả quả cảm báo. Do nhân duyên ấy chúng sanh tiếp tục.
NGHIỆP QUẢ TIẾP TỤC
Phú Lâu Na, tư tưởng thương yêu ràng buộc lẫn nhau, yêu mãi không rời, thì những cha mẹ con cháu trong thế gian sinh nhau không ngớt, bọn nầy thì lấy dục tham làm gốc. Lòng tham, lòng yêu giúp nhau tăng trưởng, tham mãi không thôi, thì các loài thai sinh, noãn sinh, thấp sinh, hóa sinh trong thế gian, tùy sức mạnh yếu, ăn nuốt lẫn nhau; bọn nầy lấy sát tham làm gốc. Lấy thân người ăn con dê, dê chết làm người, người chết làm dê, như vậy cho đến mười loài chúng sinh chết sống, sống chết, ăn nuốt lẫn nhau, nghiệp dữ cũng sinh ra tột đời vị lai, bọn nầy thì lấy đạo tham làm gốc.
Người nầy mắc nợ thân mệnh người kia, người kia trả nợ cũ cho người nầy; do nhân duyên ấy, trải qua trăm nghìn kiếp, thường ở trong đường sống chết. Người nầy yêu cái tâm nguời kia, người kia ưa cái sắc người nầy, do nhân duyên ấy, trải qua trăm nghìn kiếp, thường ở trong vòng ràng buộc. Duy ba món sát, đạo, dâm làm gốc và vì nhân duyên đó, nghiệp quả tiếp tục [9].
Thế giới là y báo, chúng sanh là nghiệp báo. Vì sao có nghiệp báo tiếp tục để chúng sanh và thế giới cứ tiếp tục? Đức Phật chỉ rõ bởi ba nguyên nhân chánh như sau:
1. Yêu thương quyến luyến mãi không rời, nên con cái sanh nhau không ngớt, dù có giảm lượng sanh sản (birth control) cũng không giảm nổi. Thần thức quyến luyến không rời nhau, nên 500 kiếp rồi bồ câu vẫn làm bồ câu, bảy đời Phật đi qua rồi vẫn mang thân kiến đều do ái luyến, thần thức không buông xả. Đây là người nặng về lòng dục (Đức Phật dạy phải quán bất tịnh). Lòng dục là một trong ba nguyên nhân làm cho chúng sanh gánh chịu nghiệp quả tương tục.
2. Các loại thai, noãn, thấp, hóa trong thế gian (có chúng ta trong loài thai sanh đó), tùy sức mạnh yếu, ăn nuốt lẫn nhau, sát hại sinh mạng để lấy thịt ăn. Dùng dao cắt cổ xé thây, dùng điện dí vào để giết loài vật, thích đi săn thú, câu cá, bắt cua... đều là chủng tử và hiện hình của người nặng về nghiệp sát. Chính lòng sát này là nguyên nhơn khiến cho chúng sanh gánh chịu nghiệp quả tương tục.
3. Con người cướp sanh mạng của súc vật cầm thú để ăn. Con cắc kè ăn côn trùng. Rắn ăn cắc kè, đại bàng mổ rắn, thợ săn bắn đại bàng, cá lớn nuốt cá bé… đều là những dạng ‘đạo’ (ăn trộm vì chúng không muốn, nhưng chúng ta ỷ mạnh, ỷ lớn hơn, thông minh hơn nên dùng đủ mưu chước, dùng sức, dùng bẫy để lấy sanh mạng của chúng). Đây là người nặng về nghiệp sát sanh và trộm cắp. Chính sự ăn trộm này làm nhân khiến con người phải gánh chịu sự vay trả, trả vay tương tục và nghiệp dữ sanh ra cùng tột đời vị lai.
Lời Phật dạy rất hay và sâu sắc: Do người này mắc nợ thân mạng người kia, người kia trả nợ cũ cho người này, do nhân duyên đó trải trăm ngàn kiếp thường ở trong đường sống chết.
Cuộc sống của chúng ta hiện nay là để trả ân hay nhận oán, đều là luật nhân quả công bằng chi phối, chúng ta không làm chủ được. Biết được nhân quả thì chúng ta sẽ sống tự tại thanh thản hơn khi chúng ta bị mất đồ, bị hiểu lầm, bị đối xử tệ bạc tức là trước những may mắn hay không may mắn, thịnh suy, thành hoại... chúng ta không bận lòng và không gieo nhân để ở trong đường sống chết trả ân oán nữa.
Người này yêu cái tâm người kia, người kia ưa cái sắc người này, do nhân duyên ấy, trải qua trăm ngàn kiếp thường ở trong vòng ràng buộc.
Nhân tái sanh của loài người là ái nhiễm. Nàng yêu cái hạnh trượng phu của chàng. Chàng mến cái sắc đẹp mỹ miều đáng yêu của nàng, chính tư tưởng ái luyến này cột ràng chúng ta mãi đời đời, kiếp kiếp quanh quẩn và gặp nhau hoặc dưới dạng vợ chồng, bạn bè, cha mẹ, bà con, quyến thuộc nhiều đời.
Có lần Đức Phật đi khất thực ngang qua một gia đình thương gia đang ăn tiệc. Gia chủ là một người keo kiết nhưng Đức Phật biết họ cũng có phước báo và nhân duyên tới lúc ngài phải hóa độ, nên Đức Phật đến khất thực. Chủ nhà vội la lên là không biết xấu hổ khi mọi người đang dự tiệc tùng vui vẻ mà Đức Phật đứng đó ăn xin. Đức Phật đáp lại bằng bài kệ như sau:
“Ăn thịt cha giết mẹ
Ôm ấp nuôi oan gia
Xương con mẹ nhai ngon
Ai là người biết xấu hổ.”
Thịt cừu mà ông đang ăn đó là phụ thân của gia chủ tái sanh vào nên ăn như vậy là thịt cha. Phía sau nhà gia nhân đang tiếp tục mổ lợn đãi khách. Con lợn ấy là thân mẫu của ông tái sanh. Đứa con quý tử mà bà chủ nhà đang ôm trong lòng là kẻ thù của ông kiếp trước, kiếp này tái sanh vào nhà này để phá gia sản của ông để trừ nợ. Thịt gà mà bà chủ đang nhai chính là đứa con ruột của bà vừa qua đời và gá sanh vào thân gà. Gia đình dòng họ cùng máu huyết mà ăn thịt lẫn nhau thật là ác, thật là không biết xấu hổ.
Nghe Đức Phật giải thích xong, gia chủ và thân quyến tỉnh ngộ và xấu hổ vô cùng. Kính nễ sự thần thông cảm hoá của Phật, họ xin quy y với Đức Phật và từ đó trở thành một gia đình Phật tử thuần lương ủng hộ Tam bảo.
Thế nên, Đức Phật dạy hãy biến những tình ái luyến này, những ràng buộc trong ái ố này thành tình thương rộng lớn, thành thiện hữu tri thức, thành những bồ tát hạnh, thì tình thương chơn thiện mỹ đó được tán thán.
Duy ba món sát đạo dâm làm gốc và vì nhân duyên đó nghiệp quả tiếp tục: Ba thứ điên đảo thế giới, chúng sanh và nghiệp quả là duy ba món sát đạo dâm làm gốc, tức do sát đạo dâm mà có thế giới, chúng sanh và nghiệp quả.
Phú lâu na, ba thứ tiếp tục điên đảo ấy, đều do tính sáng suốt rõ biết của giác minh, nhân rõ biết phát ra có tướng, theo vọng tưởng mà kiến chấp sanh ra các tướng hữu vi núi sông, đất liền thứ lớp dời đổi, đều nhân cái hư vọng đó mà xoay vần trước sau.[10]
Tại sao ba thứ này lại do tánh giác minh, phải có nhân rồi từ nhân thành quả? Ba cái điên đảo tiếp tục tức các nhân sát đạo dâm do tánh giác minh là thế nào?
Đức Phật giải nghĩa do nhân phân biệt, rồi theo vọng tưởng kiên cố tạo sát đạo dâm phát ra các tướng hữu vi cứ thế mà nối tiếp.
Lời giải nghĩa của ngài rất đơn giản mà rõ ràng.
Vậy chúng ta còn cái phân biệt đó không? Sáu căn gặp sáu trần chúng ta nhớ hộ trì, nhớ niệm Phật, buông xả đừng chạy bám vào cảnh ngoài. Xả thọ chứ đừng có thọ. Hễ thọ là có phân biệt liền. Nhân phân biệt thấy có tướng. Nhân mắt thấy hình tướng, tai nghe âm thanh, mũi ngữi mùi thơm, thân xúc, ý biết, chạm với sáu trần mà thọ cái tướng rồi khởi vọng tưởng phân biệt, tức là ở 12 nhân duyên rồi, là có xúc rồi đến thọ, ái. Hễ có ái tức có kiến chấp thì sẽ sanh ra thủ, rồi liền có sát đạo dâm vọng. Thế là cái quả đem đến là các tướng hữu vi, đất liền, người vật, ngọn cỏ, lá cây, sợi dây, thắt nút cứ thế tiếp tục sanh ra. Nhân đây những hư vọng của cuộc đời mình cứ hết rồi lại bắt đầu rồi cứ nối tiếp mãi cho đến ngày nay chưa có dừng.
Cách tu tập: do phân biệt thấy có tướng, gặp sáu trần là khởi phân biệt, bây giờ chỉ cần quán biết tất cả là huyễn. Cảnh ngoài là huyễn mình buông được, còn thân này phải quán bất tịnh để tỉnh ra, buông ngã ái, ngã kiến. Quán hơi thở để điều hoà tinh thần, đừng để loạn động. Buông rồi thì tự nhiên đối với cảnh ngoài mình không thọ, nếu còn ngã thì dặn dò nhắc nhở thế nào thì nó vẫn cứ thọ. Còn mình tỉnh ra và buông được thân này, không chấp thì sẽ có xả thọ.
Đức Phật đã giảng bày rõ khiến cho chúng ta thông đạt cái vọng và cái giác.
Thông đạt cái vọng vì cái vọng là mê, thông đạt cái giác vì cái giác là ngộ. Do vậy, mình đừng có sợ, đừng có lo mình không thành Phật, bởi vì cái mê này là hư vọng mà tánh Phật là chơn thật. Hư vọng thì trước sau nó phải tan. Đây là khiến tri kiến thanh tịnh.
Thế nào là khiến cho tri kiến thanh tịnh? tức thấy đúng như sự thật. Mình biết mê không có gốc, vọng nó bản không, mê nó không có gốc mà tánh Phật là sự thật. Tánh Phật là sự thật hiển nhiên thì chỉ có một việc là an định vào tánh Phật mà buông những cái mê vọng của mình ra. Đừng nắm lấy vọng thân, vọng tâm và vọng cảnh nữa, đừng cho là thật, đừng sống với nó nữa, thế là tri kiến thanh tịnh.
Thanh tịnh là biết đúng sự thật. Biết đúng sự thật thì sống với tánh Phật, còn ba cái vọng thân, tâm và cảnh kia thì bỏ ra.
Một ngày không tham, sân, si là một ngày thành Phật và phải liên tiếp thành Phật. Nếu vẫn còn tham, sân, si ngày khác thì chưa phải đã tỉnh. Phải sạch năm lớp vô minh tức năm ấm mới trở về với tánh Phật được. Gốc vốn không đồng, không dị mà thành ra đồng dị, dị đồng. Đây là khởi nguyên có các tướng hữu vi, do đó lại bắt đầu có ba tướng kết quả tiếp tục nghĩa là từ không mà thành có và cái có tiếp tục không dứt.
1C. CHỈ RÕ GIÁC KHÔNG SANH MÊ
Phú Lâu Na bạch: “Nếu cái diệu giác đó, bản tính là diệu minh, cùng với tâm Như Lai, không thêm không bớt, mà không cớ gì bỗng nhiên lại sinh ra các tướng hữu vi núi sông, đất liền; vậy Như Lai hiện nay đã chứng được bản giác diệu minh, không có phân biệt, thì đến lúc nào lại sinh ra núi sông, đất liền và các tập lậu hữu vi?”.
Phật bảo Phú Lâu Na: “Ví như người mê, nơi một xóm làng, lầm phương Nam làm phương Bắc, thì cái mê ấy, lại là nhân mê mà có hay nhân ngộ mà ra?”
Phú Lâu Na bạch: “Người mê như vậy, cũng không nhân mê, cũng không nhân ngộ. Vì sao? Mê, vốn không có gốc, làm sao lại nhân mê? Còn ngộ, không phải cái sinh ra mê, làm sao lại nhân ngộ?”
Phật dạy: “Người mê kia, chính trong lúc mê, bỗng có người ngộ chỉ bày cho được ngộ. Phú Lâu Na, ý thầy nghĩ thế nào? Người ấy giải trừ được cái mê đi, thì đối với xóm làng đó, còn có sanh mê nữa không?”
- “Thưa Thế Tôn, không”.
- “Phú Lâu Na, Như Lai mười phương thì cũng như vậy. Cái mê đó không có gốc, tính nó rốt ráo là rỗng không; xưa vốn không mê, chỉ hình như có mê, có giác; giác được cái mê, thì cái mê diệt và giác không sinh ra mê.
Cũng như người lòa thấy hoa đốm giữa hư không, nếu trừ được bệnh lòa, thì hoa đốm nơi hư không diệt mất. Bỗng có người ngu, ở chỗ hư không mà hoa đốm kia đã diệt rồi, lại mong đợi hoa đốm sinh lại. Thầy xét người ấy, là ngu hay là trí tuệ?”
Phú Lâu Na bạch: “Hư không vốn không có hoa đốm, vì hư vọng mà thấy có sinh diệt; thấy hoa đốm diệt mất nơi hư không đã là điên đảo rồi; lại còn muốn bảo nó sinh lại, thì thật là điên dại; làm sao còn gọi là người điên như vậy, là ngu hay là trí tuệ?”.
Phật dạy: “Thầy hiểu như vậy, làm sao còn hỏi tính giác diệu minh, không có phân biệt của chư Phật Như Lai, lúc nào lại sinh ra núi sông, đất liền.
Lại như quặng vàng lộn với vàng ròng, khi vàng đã luyện thành ròng rồi, thì không xen lộn được nữa; cũng như cây đã đốt ra tro, thì không thành cây được nữa; Bồ đề Niết Bàn chư Phật Như Lai thì cũng như vậy. [11]
Đây là hoàn thành câu 1 (gồm ba phần a.b.c.).
Phú lâu na bạch Phật: Tâm con đồng với tánh Phật đây là một tánh giác sáng suốt không thêm không bớt như thế mà bây giờ hốt nhiên chúng con thấy có núi sông đất liền. Vậy bao giờ Đức Phật trở lại thành chúng sanh giống như chúng con đây?
Thật ra không phải tôn giả Phú lâu na không biết vấn đề, ngài biết nhưng ngài hỏi để rành mạch vấn đề ra, vì thương chúng sanh đời vị lai mà đặt câu hỏi cho chúng ta hiểu thế thôi.
Đức Phật nói là giác không sanh mê nhưng sao chúng con đang sống đồng tánh giác đó mà chúng con lại thấy núi sông, bị phiền não chi phối, vậy mai mốt Đức Phật cũng giống các con sẽ bất giác vô minh phiền não chi phối?
Đây Đức Phật không trả lời thẳng, xem cái mê này ở đâu ra, ngài chỉ đưa bốn câu hỏi, bốn ví dụ để Phú lâu na trả lời:
-Người lạc đường được người chỉ đường hay có nevigator (máy chỉ đường) chỉ rõ lối đi rồi thì còn bị lạc nữa không?
-Người nhặm mắt thấy hoa đốm, khi hết nhặm còn thấy hoa đốm nữa không?
-Vàng đã lọc còn trở lại thành đất nữa không?
- Cây đã đốt thành tro bụi rồi có thể thành cây lại nữa không?
Những câu hỏi, những ví dụ của ngài quá rõ ràng sáng suốt.
Đức Phật để Phú lâu na tự trả lời những câu hỏi và rồi tự nhận ra ý nghĩa qua câu trả lời của mình.
Mê không gốc rễ, không có hình tướng, không thể lấy những cái mê ra được. Rõ ràng mê không tự thể, lấy gì để gọi đó là mê?
Nếu nó có gốc có rễ thì nó không thể nào là cái hư vọng. Chỉ vì mê mà nhận cái thân của mình, mà làm thành cái thân. Vì mê nên ăn cơm uống nước tạo thành thân, vào cái tử cung của mẹ, lấy đất, nước, gió, lửa làm thân, nhưng mê là cái không có gốc. Ví dụ hoa cúc là do giống hạt cúc mà thành cây hoa. Cây mồng tơi, rau muống là do hạt mồng tơi, rau muống mà thành. Còn con người do hạt gì? Do mê.
Tu chỉ để tỉnh ra, tu để thấy chân tâm, buông những cái mê, những cái hư vọng. Mê mà có ai chỉ ra thì ngộ, hết mê, thì không còn mê nữa, như người lạc đường được chỉ thì rành đường, như hết nhặm thì mắt tỏ, như vàng lọc thì không còn cát và như cây đã đốt thì không thành cây nữa. Nhưng bây giờ nói lấy cái mê không biết đường thì không lấy ra được, vì khi đã biết, đã giác rồi thì nó tan. Cũng thế do mê mà vọng kiến sát đạo dâm vọng, mê không có gốc. Tỉnh ra là hết như những ví dụ trên.
Hỏi thành Phật rồi bao giờ thành chúng sanh, cũng giống như hỏi có chánh kiến rồi bao giờ lại có vọng kiến, bao giờ giác trở thành cái mê, thành chúng sanh?
Chỉ bởi tâm đang giác mà mê đi như thế thì gọi là vọng kiến. Đức Phật xuất hiện ra đời chỉ có một mục đích, cho chúng sanh ngộ nhập Phật tri kiến, là chỉ cho chúng ta nhận được nghĩa này.
Thân chúng sanh với thân Phật vẫn như nhau không khác. Thấy, nghe, ngửi, nếm, xúc, biết đều là tánh Phật, nhưng chỉ bởi khi tỉnh thì gọi là chánh kiến mà mê thì là vọng kiến. Nhưng cái tánh của mê nó là cái không có, chúng ta mê cứ thấy thân này là mình, mình tỉnh ra thì cái mê đứng đâu? Nên thiền sư Huyền Giác nói: “Thật tánh vô minh là Phật tánh”.
Tỉnh ra thì hết, thì thành Phật, cho nên gọi tánh rốt ráo vốn không mê. Cái mê là cái không có. Tánh của chúng ta vốn là tánh Phật, tánh từ bi hỉ xả, nhưng bởi mình huân tập cái vọng. Ví dụ chúng ta đang bình an, vui vẻ, chợt có người bảo chị chơi xấu lắm, không có tốt, kiêu căng... Tự nhiên chợt nghe tiếng nói rớt vào tai như thế, thế là mình nổi giận lên, sân giận nó bốc phực lửa lên. Thật ra vốn không có cái sân, hồi nảy mình vẫn bình an, ca hát vui vẽ mà. Nếu giác tỉnh, không nói lời trả đũa gây oán lại mà dùng pháp tứ vô lượng tâm (từ bi hỉ xả) quán chiếu thì tham sân tan, mặt mày tươi tắn xinh đẹp trở lại, nên mê không gốc.
Ngã ái bốc lên thì hình như có sân, có giác, có nổi giận, nhưng nếu mình tỉnh ra, âm thanh là cái hư vọng, là trò chơi của động tĩnh, là tuần nghiệp người mà ứng hiện, là động tĩnh nơi thần kinh, thì chúng ta tỉnh ra. Lúc ấy cái sân lại tan đi, nó là cái không có, mình tỉnh ra thì nó tan ngay. Cái ngu của mình quá đáng để cho một cái hư vọng làm chủ mình. Chúng ta tỉnh ra thì nó tan liền, cho nên chúng ta phải biết xấu hổ, nó là cái không có mà cứ để cho nó ngự trị và làm chủ, chúng ta có năm lớp mê ngũ trược[12] mà nó là năm cái hư vọng, tỉnh tan được cái nào thì đỡ cái ấy.
Chánh kiến rồi thì không trở về vọng kiến nữa. Cái thấy nó không sai. Xưa vốn không mê, chỉ hình như tùy duyên tuần nghiệp hiện lên có mê có giác, tánh giác của chúng ta nó vẫn bất biến, vẫn diệu.Hễ giác sanh thì mê diệt. Sự thật quá rõ ràng. Mê hay ngộ chỉ là công dụng sai hay đúng của chúng ta, vì mê nên quên tánh của chúng ta đi. Nay tỉnh cái tánh của chúng ta thì là một. Công dụng mà dùng sai thì Đức Phật gọi là mê. từ trên Đức Phật đã giảng giác minh tánh của nó là minh diệu muốn minh thêm cái giác, cho nên khởi phân biệt thành ra ngay phân biệt là vọng tâm đối với vọng cảnh rồi, là tâm tự muốn phân biệt, còn kiến hoặc là nó có cảnh hiện ra rồi gọi là kiến hoặc.
Hằng hà chúng sanh ở trong đường mê mà cái mê là cái không có. Nếu kêu chúng ta nắm cổ thằng mê để đưa ra đây cho chúng ta xem, chúng ta không nắm được. Tâm của mình nó tự mê. Chứ không có một cái mê ở đâu nó chạy vào ám vào chúng ta. Tự mê rồi tâm mình tự giác, tự tỉnh ra, chứ nó không ở đâu nó chạy vào.
Đã gọi là mê, tức hư vọng, không gốc. Mê nếu thành có gốc thì đâu có nói nó là vọng, như người lộn phương hướng chỉ ra là hết. Nếu nó thật có gốc thì nó là cái có thật. Mê thì tự nó không có gốc mà ngộ thì không sanh mê. Phần này rất khó.
Câu trả lời của Phật cũng làm chúng ta khó hiểu bởi vì rõ ràng chúng ta đang mê, chúng ta đang ở trong đường mê mà Đức Phật bảo cái mê là cái không có. Chúng ta thật khó hiểu. Nó là cái không có mà hiện tại nó đang chi phối chúng ta, nhưng thật ra nếu tỉnh thì hết.
Có tin cái mê vốn không có không? Chúng ta nhớ tranh luân hồi vẽ hình con gà, rắn, heo trên nền màu gì? Màu xanh dương là màu của hư vọng.[13] Tham, sân, si là trung tâm điều khiển chúng ta lên xuống bảy đạo đó, nhưng chúng là mê, nếu tu và giác tỉnh thì chuyển hoá tham, sân, si thành vô tham, vô sân và vô si.
Thế nên mê không có gốc mà ngộ thì không sanh mê, chỉ tỉnh ra là xong, là biến mất, là mát mẽ, là hết, chứ nếu nó có gốc thì chúng ta còn hì hục đào cái gốc, đàng này nó là cái không có.
CÂU 2A. CHỈ CÁC ĐẠI CÓ THỂ DUNG NHAU
Phú lâu na, thầy lại hỏi về địa, thủy, hoả, phong, bản tính viên mãn dung hoá, cùng khắp pháp giới, nghi sao tính nước, tánh lửa lại không lấn nhau, diệt nhau và nêu ra hư không và địa đại đều cùng khắp pháp giới, lẽ ra không dung được nhau.
Phú lâu na, ví như hư không, bản thể không phải các tướng mà không ngăn cản các tướng phát huy. Vì sao? Phú lâu na nơi hư không kia mặt trời soi thì sáng, mây kéo thì tối, gió lay thì động, trời tạnh thì trong, hơi đọng thì đục, bụi nổi thì mù, nước đứng thì ánh. Ý thầy nghĩ thế nào? Các tướng hữu vi khác nhau như vậy, nhân các cái kia mà sanh, hay nhân hư không mà có?
Phú lâu na nếu nhân cái kia mà sanh, thì khi mặt trời soi, đã là mặt trời sáng, mười phương thế giới đều thành sắc của mặt trời làm sao giữa hư không, lại còn thấy mặt trời tròn. Nếu là hư không sáng thì hư không phải tự soi lấy, làm sao lúc giữa đêm mây mù, lại không sinh ra sáng chói. Vậy nên biết rằng cái sáng đó, không phải mặt trời, không phải hư không và cũng không ra ngoài hư không và mặt trời. Xét cái tướng vốn là vọng, không thể chỉ bày, cũng như muốn hoa đốm hư không kết thành quả hư không, làm sao còn gạn hỏi cái nghĩa lấn diệt lẫn nhau?
Xét cái tính vốn là chân, chỉ là tánh giác diệu minh, vốn không phải là nước hay là lửa, làm sao còn hỏi về nghĩa không dung được nhau?
Bản tính diệu minh chân thật thì cũng như vậy. Thầy phát minh hư không thì có hư không hiện ra; địa thủy hoả phong mỗi mỗi phát minh thì mỗi mỗi hiện ra, nếu cùng phát minh thì cùng hiện ra.
Chỉ Trái Với Giác Tính Hợp với Trần Tướng:
... Phú lâu na, thầy đem cái sắc, cái không mà lấn cướp lẫn nhau nơi Như lai tạng thì Như lai tạng theo thầy làm sắc, làm không, cùng khắp pháp giới; vậy nên trong ấy, gió thổi thì động, hư không thì lặng, mặt trời thì sáng, mây mù thì tối. Chúng sanh mê lầm, trái với giác tính, hợp với trần tướng, cho nên phát ra trần lao, có các tướng thế gian.
Tính Diệu Minh Hợp với Như Lai tạng:
Tôi lấy tánh diệu minh không diệt không sanh, hợp với Như lai tạng, thì Như lai tạng chỉ là tánh giác diệu minh, soi khắp pháp giới. Vậy nên trong ấy, một là vô lượng, vô lượng là một, trong nhỏ hiện lớn, trong lớn hiện ra nhỏ, đạo trường bất động cùng khắp thế giới mười phương, thân trùm cả hư không vô tận mười phương, nơi đầu một mảy lông, hiện ra cõi bảo vương, ngồi trong vi trần, chuyển bánh xe pháp lớn; diệt trần tướng, hợp giác tính, nên phát ra tánh giác chân như nhiệm mầu sáng suốt[14] .
Phú lâu na hỏi Đức Phật dạy bốn đại: Địa, thủy, hỏa, phong vì sao dung hóa khắp các pháp giới; nhưng trong thực tế chúng con thấy bốn đại có tánh đối kháng lấn lướt nhau rõ rệt? nghĩa là tại sao nước và lửa khắp pháp giới mà thường xưa nay nước là làm tắt lửa, đắp đất thành gò nhưng sóng thần trào thì nhà cửa đất đá đều tan. Chúng ta cũng thấy chữa cháy là nhờ nước. Đun nước hoài thì cạn. Vậy sao giờ Như lai nói đất, nước, gió, lửa, không, kiến, thức đại ở chung nhau và ở khắp pháp giới. Tại sao chúng không lấn lướt nhau?
Phật trả lời: Đất, nước, gió, lửa, không, kiến, thức đầy khắp pháp giới mà tánh hư không, không bị choán mất tiêu vong, vì vậy nên trong phần Bốn khoa và thất đại, Như Lai nói: Tánh sắc là chân không. Hư không có đủ tất cả tánh chất của đất, nước, gió, lửa, không, kiến, thức đại, vì vậy Như Lai mới nói: Tánh không là chân sắc, bản nhiên thanh tịnh, cùng khắp pháp giới, theo tâm chúng sanh, đáp ứng với lượng hay biết, theo nghiệp mà phát hiện.
Hỏa đại đầy khắp hư không mà không thiêu cháy rụi thế gian. Vì vậy, Phật nói: Tánh hỏa là chân không. Hư không vốn không lửa nhưng lúc chúng sanh cần thì lửa có trong hư không. Một người bật hột quẹt thì một người có lửa, 10 phương bật hột quẹt nhóm lửa thì 10 phương có lửa. Lửa ở khắp thế gian đâu có chỗ ở riêng biệt nào, cho nên Phật dạy: Tánh không là chân hỏa, bản nhiên thanh tịnh, cùng khắp pháp giới, theo tâm chúng sanh, đáp ứng với lượng hay biết, theo nghiệp mà phát hiện.
Thủy đại đầy khắp pháp giới mà không dập tắt lửa, không nhấn chìm tất cả thế gian trong trận đại hồng thủy, vì vậy Như Lai nói: Tánh thủy là chân không. Pháp giới không đại, vốn không phải là thủy đại, vậy mà trong không đại khắp đầy thủy đại, cứ đào giếng là có nước, cho nên Phật dạy: Tánh không là chân thủy, bản nhiên thanh tịnh, cùng khắp pháp giới, theo tâm chúng sanh, đáp ứng với lượng hay biết, theo nghiệp mà phát hiện.
Các đại khác cũng thế. Tánh các đại vốn không ngăn ngại, không lấn lướt, khống chế lẫn nhau. Hiểu được thâm ý của các đại thì chúng ta sẽ hiểu được ý nghĩa của Bát nhã Tâm kinh mà hàng ngày chúng ta tụng: Sắc chẳng khác không; không chẳng khác sắc. Sắc tức là không; không tức là sắc.
Ý của Đức Phật rằng nói về hình tướng các đại: Đất, nước, gió, lửa, không, kiến, thức này là hư vọng, là hoa đốm, là không, mà đã là không, đã hư vọng thì đâu có lấn lướt nhau. Nói về thể tánh của tất cả các đại thì đều là Như lai tạng, là chân không. Các đại đều đồng là một tánh thể Như lai tạng, tánh thể chân không nên có thể dung nhau. Chúng ta bị khó hiểu. Bởi lẽ mình thấy hoa, ly, chuông, micro đây, đều là hư vọng, chỉ có Như lai tạng, chân không là thật thôi. Biết hư vọng đấy nhưng hoa vẫn là hoa và ly vẫn là ly nên hai cái này không dung nhau, xuyên qua được.
Đức Phật trả lời cho Phú lâu na hiểu: “Đó là thị tri kiến Phật”. Đức Phật chỉ chỗ Phật tuệ Đức Phật đã thấy, do đích thân Phật tu cho nên ngài mới thấy được sự thật. Sự thật là tất cả hình tướng thế gian đều là mê, chứ không phải là thật, nhưng những hình tướng thế gian đây cũng đều là Như lai tạng, là chân không, là diệu chân như tánh. Chúng ta theo nghiệp báo mỗi loài thấy cảnh giới của mình, chứ không phải là sự thật, đã gọi là nghiệp báo là không thật. Thành Phật rồi mới thấy được sự thật rốt ráo. Đây là đại dụng của Đức Phật mà Kinh Hoa Nghiêm gọi là sự sự vô ngại.
Tánh các đại là chân không, bản nhiên thanh tịnh, cùng khắp pháp giới, theo tâm chúng sanh, đáp ứng với lượng hay biết, theo nghiệp mà phát hiện. Tuần nghiệp phát hiện ở đây là có tánh chất duyên sanh của nó. Bởi do duyên sanh của nghiệp nào thì hình như thấy hiện hình tướng các đại lấn lướt. Đã là duyên sanh, là nghiệp, là mang kiếng đen nên không pháp nào có tự thể độc lập, cố định đích thực của riêng mình (không phải đất, nước, gió, lửa ở thân người là cố định thân người hoài). Chỉ là những cái hộp theo duyên hiện, hộp vuông tròn, không cố định là đích thật, là có vuông hay tròn, chỉ như huyễn mà hiện bày duyên sanh.
Từ tạng thức, Đức Phật thấy các tướng là không, là duyên sanh theo nghiệp, (chúng ta chỉ biết lơ mơ trên bề mặt của ý thức), và Đức Phật cũng thấy các tướng là Như lai tạng của mình, cho nên các ngài đi xuyên qua tường được, các ngài vào lửa, vào nước… không bị cản, không bị đốt và không bị chìm. Còn chúng ta hiểu đất, nước, gió, lửa là giả, nhưng vẫn thấy vách tường, là vách tường là chướng ngại nên muốn đi ra cửa thì tránh ra lựa chỗ trống mà đi. Đi tới vào vách tượng là đụng u đầu ráng chịu. Từ tạng thức thâm sâu, chúng ta vẫn chưa nhận tướng huyễn và tánh chân nên còn ngăn ngại, còn lấn lướt nhau.
Chúng ta mê vọng thấy ra các thứ cảnh của bốn khoa và bảy đại, thấy ra hư không, cảnh giới. Mỗi loài theo nghiệp của mình mà tự thấy. Chư Phật thấy đất, nước, gió, lửa là không thật, đồng một thể, còn chúng ta chỉ hiểu sơ chứ thấy đất, nước, gió, lửa vẫn bằng đất, nước, gió, lửa, nó không phải thân mình, vì vậy đi qua tường kia mình đi không lọt bởi vì trong tạng thức mình vẫn còn có cái cố chấp cho nó là đất nên chướng ngại.
Chư Phật biết, các ngài cứu cánh rõ biết đất là cái không thật. Đất do kết ám, lửa do sân mà có, gió là do động mà lập, nước là do ái mà thành. Các ngài đã sạch những tham, sân, si, ái nhiễm. Các ngài đã thấy đất, nước, gió, lửa là do tâm tạo nên qua lọt tường như đi trên nước, như đi trên đường rộng, nên vào nước không chìm mà cứu được người chìm, vào lửa không cháy mà cứu được người chết cháy... Đây là ý nghĩa 32 ứng thân của Quan Thế Âm bồ tát:
“Nếu người nào trì danh hiệu Quan Thế Âm bồ tát, dầu vào trong lửa lớn, lửa chẳng cháy đặng, nhờ sức oai thần của bồ tát.
Nếu bị nước cuốn trôi, xưng danh hiệu Quan thế âm bồ tát liền đặng đến chỗ cạn...
Nếu người sắp bị hại, xưng danh hiệu Quan Thế âm bồ tát, thời dao gậy của người kia cầm gẫy từng khúc, liền đặng thoát khỏi.”[15]
Hiểu được ý này thì chúng ta hiểu được ý nghĩa của kinh Phổ Môn mà chúng ta thường tụng hàng ngày.
2B. NGHI GIÁC TÍNH VÌ NHÂN GÌ MÀ CÓ VỌNG
Phú Lâu Na bạch:“Chân tâm viên giác diệu minh của con và của Như Lai, đều viên mãn không hai, mà con, trước kia mắc vọng tưởng vô thỉ, ở lâu trong luân hồi, nay được thánh thừa, còn chưa rốt ráo; Thế Tôn, thì khắp tất cả các vọng đều diệt trọn, chỉ có diệu dụng tính chân thường. Xin hỏi đức Như Lai, hết thảy chúng sinh, vì nhân gì mà có vọng, tự che tính diệu minh, mà chịu chìm đắm như vậy?”
Chỉ Mê Vốn Không Nhân:
Phật bảo Phú Lâu Na: “Thầy tuy trừ được lòng nghi, nhưng còn những điều lầm chưa dứt hết. Nay tôi lại đem những việc hiện tiền thế gian mà hỏi thầy. Há thầy không nghe trong thành Phất La Phiệt, có anh Diễn Nhã Đạt Đa, buổi mai lấy gương soi mặt, bỗng nhiên ưa cái đầu trong gương, lông mày, con mắt có thể thấy được, rồi giận trách cái đầu mình, sao lại không thấy mặt mày, cho là giống yêu quái, rồi không cớ gì phát điên bỏ chạy. Ý thầy nghĩ thế nào, người đó vì nguyên nhân gì, vô cớ phát điên bỏ chạy?”.
Phú Lâu Na bạch: “Tâm người ấy điên, chứ không có duyên cớ gì khác”.
Phật dạy: “Tính diệu giác viên mãn sáng suốt, bản lai là diệu minh cùng khắp; nếu đã gọi là vọng, thì làm sao có nhân, nếu có nguyên nhân, thì làm sao gọi là vọng? Chỉ tự các vọng tưởng xoay vần làm nguyên nhân cho nhau, theo cái mê, chứa cái mê, trải qua kiếp số như vi trần; tuy Phật phát minh, còn không biết trở về. Nguyên nhân cái mê như vậy, là nhân mê tự có, biết cái mê không có nhân, thì cái vọng không chỗ nương tựa, còn không có sinh, thì muốn đem cái gì mà làm cái diệt. Người được đạo Bồ đề như người tỉnh giấc kể chuyện trong chiêm bao; tâm dầu rõ ràng, nhưng không thể có nhân duyên gì lấy được những vật trong chiêm bao; huống nữa, cái mê lại không có nhân, vốn không có gì cả. Như anh Diễn Nhã Đạt Đa trong thành kia, đâu có nhân duyên, mà tự sợ đầu mình bỏ chạy, bỗng nhiên hết điên, thì cái đầu đâu phải từ ngoài đưa tới; dầu chưa hết điên, cái đầu cũng không hề mất. Phú Lâu Na, tính của cái vọng là như vậy, làm sao còn có nguyên nhân được”.
Dứt Hết Các Duyên Thì Hết Điên:
“Thầy chỉ không theo phân biệt ba thứ tiếp tục nơi thế gian, nghiệp quả, chúng sinh, thì ba duyên đã đoạn rồi, ba nhân không sinh ra nữa, và tính điên của anh Diễn Nhã Đạt Đa trong tâm ông tự hết. Hết, tức là tâm tính Bồ đề trong sạch sáng suốt, bản lai cùng khắp pháp giới, không do ai đưa lại, nào cần gì phải tu chứng nhọc nhằn vất vả.
Ví như có người, ở nơi áo mình, buộc một hạt châu như ý, mà không hay biết, nên phải xin ăn rong ruổi phương xa, nghèo nàn rách rưới; tuy người ấy thật nghèo nàn, nhưng hạt châu không hề bị mất; bỗng nhiên có người khôn, chỉ hạt châu ra cho, thì người ấy muốn gì được nấy, thành giàu có lớn, rồi mới ngộ được hạt châu quý hóa ấy, không phải do ở ngoài đưa tới”[16] .
Phú lâu na hỏi: Diệu tâm sáng tỏ của con và Như lai đều viên mãn không hai, tức vốn chân tâm bản tánh thanh tịnh, sao chúng con lại có vọng tự che khuất diệu tâm cam chịu chìm đắm? Sao lại chúng con hốt nhiên mọc ra cái sai lầm này?
Đức Phật trả lời qua những câu trên tức 1A, 1B, 1C, và 2A rồi, Phú-lâu-na dù dứt trừ lòng nghi, nhưng vẫn còn mê hoặc chưa dứt sạch. Nên bây giờ ở câu 2B Đức Phật đưa thêm một thí dụ nữa về chàng Diễn-nhã-đạt-đa để cho thấy mê không có gốc.
Ở câu 1C, Đức Phật đã cho thí dụ về người lạc đường, người nhặm thấy hoa đốm, vàng đã lọc và cây đã đốt không thể thành cây lại, cũng giống như đã giác thì không sanh mê, đã thành Phật thì không thành chúng sanh nữa.
Đức Phật trả lời đã gọi là mê, tức là không thật. Nếu nó thật có gốc thì đâu có nói hư vọng. Nếu nó thật có gốc thì nó là cái có thật. Còn bây giờ nó là cái mê, cái không có, cái hư vọng cho nên nó không có gốc. Mê thì tự nó không có gốc mà ngộ thì không sanh mê.
Câu trả lời của Đức Phật thật khiến chúng ta khó hiểu, bởi vì rõ ràng chúng ta đang ở đường mê. Chúng ta hiện đang ở trong đường mê, thế mà Đức Phật bảo cái mê là cái không có. Chúng ta thật là khó hiểu. Nó là cái không có mà hiện tại bây giờ nó đang chi phối chúng ta. Đức Phật bảo mê là cái không có, chỉ cần tỉnh ra là xong, chứ nếu mà nó có gốc thì mình còn mượn cuốc xẻng hì hục đào cái gốc. Đàng này nó là cái không có, gọi là cái mê.
Đức Phật cho ví dụ chàng Diễn-nhã-đạt-đa soi gương thấy mặt mình trong gương bảnh trai quá, tóc xanh mượt, mắt thanh tú, mày ngài, mũi cao. Soi xong, bỏ gương xuống, chàng không thấy đầu nữa, vội la toáng lên mất đầu.
Diễn-nhã-đạt-đa chạy giáp vòng làng xóm la lên “Tôi mất đầu rồi hu hu… Tôi không còn đầu nữa”. Ai cũng cười nói ông này điên rồi. Đầu trên cổ mà không thấy, nói tôi mất tôi rồi?
Chúng ta có phải chàng Diễn-nhã-đạt-đa không?
- Ông A mất ngày….
- Mẹ tôi bịnh nặng vừa qua đời rồi…
- Ngày nào đó chúng ta cũng sẽ từ giả cõi đời này...
Chúng ta cứ có khái niệm cho mất thân là mất đầu. Mất đâu? đầu mình còn đây.
Nay hỏi cái điên tại do đâu? Do gương? Sao chúng ta cũng soi gương, mà chúng ta không thấy lạ kỳ như chàng Diễn-nhã-đạt-đa.
Tại sao một mình chàng Diễn-nhã-đạt-đa lại điên?
Gốc đâu ra cái điên ấy? - Không có.
Nên Đức Phật bảo mê không có gốc như chàng Diễn-nhã-đạt-đa soi gương. Đức Phật bảo chúng ta đều như những chàng Diễn-nhã-đạt-đa cả.
Tánh Phật của chúng ta đây mà bây giờ lại quên mất tánh của mình, rồi bây giờ lại đi tìm, đi tu để thành Phật. Chúng ta vốn bản lai là Phật, quên cái ông Phật của mình, rồi bây giờ đi tu để cầu thành Phật, có giống như chàng Diễn-nhã-đạt-đa không?
Mê không có thật, bây giờ tỉnh ra là hết, chứ không phải mê có thật, có gốc, có căn bản, nó là cái hư vọng, cho nên chỉ cần tỉnh ra là xong.
Tánh mình vốn thường lạc ngã tịnh, nên không phải cầu cái gì ở đâu cả. Cứ an định vào tánh của chúng ta. Nhưng muốn yên an định vào tánh của mình, trên thực tế chúng ta phải buông xả. Muốn buông xả thì phải quán tướng các pháp là hư vọng. Đây là quyền tạm của 12 năm đầu Đức Phật cho pháp thoại A-hàm, để buông xả tham, sân, si, bớt chấp thủ và nhẹ nhàng an tĩnh.
Mê thành vọng kiến mà tạo sát đạo dâm vọng. Mê không có gốc, chỉ cần tỉnh là hết. Thế giới, sơn hà, đại địa, sáu cõi luân hồi là từ vọng kiến biệt nghiệp và đồng nghiệp biến hoá ra.
Do nhìn trừng trừng vào hư không, mỏi mắt thấy ra vô số hoa đốm. Hoa đốm do đeo nghiệp mỏi mà thấy ra. Chúng ta là loài người, nghiệp người nên có cái thấy của người. Đeo nghiệp chuồn chuồn, bươm bướm, mèo thấy cảnh giới của chuồn chuồn, bươm bướm, mèo. Đức Phật hiển thị tất cả những cảnh mình đang thấy ra đây là tâm của mình, do mình biến hoá ra đấy thôi.
Tâm lành thì sanh vào cõi trời, có ông trời có những vui vẻ, chơi đùa của trời.
Tâm xấu thì sanh vào địa ngục, có con mắt, có thân thể, có đau khổ của địa ngục, thấy các cảnh địa ngục. Thật ra, tất cả đẹp xấu khổ, vui chỉ là vọng. Tâm chúng mình hư vọng biến hoá ra. Tự mình vọng kiến thấy ra chứ không thật.
Tỉnh ra thì ngay nơi chúng ta đây chứ không thay hình đổi dạng gì cả, như chàng Diễn-nhã-đạt-đa tỉnh ra thì đầu trên cổ đó. Đức Phật đã cho một ví dụ rất xuất sắc. Chúng ta chỉ thích nhìn đầu trong gương, nên trong phòng khách, phòng ăn, nhà tắm, xe hơi mà ngay ví tiền của các nàng cũng đều có gương để soi, để đáp ứng nhu cầu thích soi gương đó. Chúng ta không thích nhìn đầu thật trên cổ. Đây là nguyên nhân sâu xa. Còn nguyên nhân nông cạn là rên la khóc hu hu... vì mất hết đầu này sang đầu khác.
Nhìn đầu trong gương là gì? Nghĩa là chúng ta chỉ thích:
1. nhìn chúng ta và cuộc đời của chúng ta qua thần kinh của mắt, tai, mũi, lưỡi, thân và ý;
2. nhìn chúng ta và cuộc đời của chúng ta qua bóng ảnh hiện nơi thần kinh còn làm việc (chưa chết);
3. nhìn chúng ta và cuộc đời của chúng ta qua nghiệp làm người, ứng lượng sở tri, tuần nghiệp phát hiện.
Đương đương thường hữu nhân cố
Đương đương thường trụ pháp thân.
Lúc nào chúng ta cũng có nhân Phật cả. Lúc nào chúng ta cũng có thường trụ pháp thân cả. Tại mình quên, lại la lên không có tánh, rồi cho là chúng ta phàm tình quá, đọa lạc quá, phải đi tìm, đi tu để thành Phật, đi nghe giảng pháp để cầu thành Phật, trong khi mình có mà lại quên.
Thần Tán Thiền sư nói:
Ánh trăng mầu nhiệm, chiếu sáng căn trần
Hiện rõ căn trần, không cầu văn tự
Tĩnh tâm trong suốt, vốn đã viên thành.
Rời bỏ vọng tưởng, lập tức thành Phật.
Tâm trong suốt của mình vốn đã viên thành. Rời bỏ vọng tưởng tức rời cái mê thì lập tức thành Phật, sẽ thấy đầu ngay trên cổ, không dùng văn tự giải thích gì cả.
Tổ Đơn Hà nói: đối với những thâm nghĩa này, phàm phu chúng ta không hiểu, nhưng với người chứng quả thì thấy được nghĩa này.
Còn Đức Phật trả lời những vấn đề này thế nào? Mê không có gốc nên không cần giảng, chỉ cần cho một ví dụ về chàng Diễn-nhã-đạt-đa là đủ.
Có một lần, tôn giả Xá Lợi Phất đến hang động của ngài Ca Diếp mà thưa rằng có một nhóm ngoại đạo vừa hỏi tôn giả Xà lợi Phất là:
“Sau khi nhập niết-bàn, Như-lai có sanh tử,
Sau khi nhập niết-bàn, Như-lai không có sanh tử,
Sau khi nhập niết-bàn, Như-lai có và không có sanh tử,
Sau khi nhập niết-bàn, Như-lai chẳng có và chẳng không có sanh tử?
Tôn giả Xá lợi Phất không trả lời được, vì tôn giả chưa nghe Như lai nói về những ý này, nay mong thỉnh Đại huynh Ca Diếp giáo giới giùm. Ca Diếp trả lời: Như lai đã sạch hết ái chấp. Tâm không còn phiền não, vĩnh viễn giải thoát. Sự chứng ngộ của ngài rộng lớn sâu xa, không thể dùng mê tình để hỏi, cũng không thể dùng ngôn ngữ để đáp, chỉ vì vấn đề này không nên hỏi, nên Thế Tôn thường không giải thích”.[17
Thế thì chúng ta thấy có những vấn đề Đức Phật không giải thích dài dòng. Ở đây cũng thế, mê là không thật, nên không giải thích, chỉ đưa ra một ví dụ về chàng Diễn-nhã-đạt-đa là đủ rồi.
1 Kinh Thủ Lăng Nghiêm, tr. 278.
2 Kinh Thủ Lăng Nghiêm, tr. 282-6.
3 TN. Giới Hương., Vòng Luân Hồi, tr. 125.
4 Kinh Thủ Lăng Nghiêm, tr. 290-1.
5 Nghi Thức Tụng Niệm Hàng Ngày, Kinh A-di-đà, HT. Thiện Thanh dịch, Chùa Phật Tổ, CA, tr.112.
6 http://www.buddhismtoday.com/viet/kinh/dt/thulangnghiem.htm
7 Kinh Thủ Lăng Nghiêm, tr. 291-2
8 TN Giới Hương., Vòng Luân Hồi, tr. 121.
9 Kinh Thủ Lăng Nghiêm, tr. 292-3.
10 Kinh Thủ Lăng Nghiêm, tr. 293.
11 Kinh Thủ Lăng Nghiêm, tr.299-301.
12 Ngũ trược: kiếp trược, kiến trược, phiền não trược, chúng sanh trược và mạng trược.
13 Vòng Luân Hồi, tr. 10.
14 Kinh Thủ Lăng Nghiêm, tr. 305-313.
15 Nghi Thức Tụng Niệm Hàng Ngày, Kinh Phổ Môn, HT. Thích Thiện Thanh, Chùa Phật tổ, CA, tr. 66.
16 Kinh Thủ Lăng Nghiêm, tr.321-7.
17 Thập Đại Đệ Tử, Eastwest Print, 1999, tr.11.
2 Kinh Thủ Lăng Nghiêm, tr. 282-6.
3 TN. Giới Hương., Vòng Luân Hồi, tr. 125.
4 Kinh Thủ Lăng Nghiêm, tr. 290-1.
5 Nghi Thức Tụng Niệm Hàng Ngày, Kinh A-di-đà, HT. Thiện Thanh dịch, Chùa Phật Tổ, CA, tr.112.
6 http://www.buddhismtoday.com/viet/kinh/dt/thulangnghiem.htm
7 Kinh Thủ Lăng Nghiêm, tr. 291-2
8 TN Giới Hương., Vòng Luân Hồi, tr. 121.
9 Kinh Thủ Lăng Nghiêm, tr. 292-3.
10 Kinh Thủ Lăng Nghiêm, tr. 293.
11 Kinh Thủ Lăng Nghiêm, tr.299-301.
12 Ngũ trược: kiếp trược, kiến trược, phiền não trược, chúng sanh trược và mạng trược.
13 Vòng Luân Hồi, tr. 10.
14 Kinh Thủ Lăng Nghiêm, tr. 305-313.
15 Nghi Thức Tụng Niệm Hàng Ngày, Kinh Phổ Môn, HT. Thích Thiện Thanh, Chùa Phật tổ, CA, tr. 66.
16 Kinh Thủ Lăng Nghiêm, tr.321-7.
17 Thập Đại Đệ Tử, Eastwest Print, 1999, tr.11.
Thích Nữ Giới Hương
Nguồn: Tongiaovadantoc.com
0 comments:
Post a Comment