Kênh Tên Miền chuyên cung cấp tên miền đẹp, giá rẻ! Hãy liên hệ kỹ thuật: 0914205579 - Kinh doanh: 0912191357 để được tư vấn, hướng dẫn miễn phí, Cảm ơn quý khách đã ủng hộ trong thời gian qua!
kiem tien, kiem tien online, kiem tien truc tuyen, kiem tien tren mang
Sunday, October 25, 2009

Bài 1 : Mạnh ai nấy chạy!

Kẹt xe, ùn tắc và tai nạn giao thông đang là nỗi bức xúc hàng đầu của người dân TP.HCM. Xe taxi Ngoài hạ tầng đường sá còn thiếu, "lô cốt" dày đặc... nguyên nhân chính dẫn đến kẹt xe ngày càng trầm trọng là ý thức chấp hành luật, cách ứng xử... của người tham gia giao thông, mà nhiều người gọi là "văn hóa giao thông", còn rất kém. Điều đáng nói, hầu như ai cũng biết điều này, nhưng lại có rất ít người nhìn nhận để thay đổi.

Lấn tuyến, chen lên vỉa hè, vượt đèn đỏ khi không thấy CSGT... là hình ảnh thường thấy trên các tuyến đường giao thông Sài Gòn hiện nay.

"Leo lề chạy đi mấy cha"!

Tại khu vực "lô cốt" trên đường Trần Quang Diệu nối dài (P.13, Q.3), sáng đầu tuần, mặt đường chỉ đủ dành cho xe gắn máy lưu thông, nhưng một chiếc xe taxi 4 chỗ vẫn ngang nhiên xông tới cố lách qua ngõ hẹp và bị ách lại giữa đàng. Thấy bên đường này bị tắc, hơn chục chiếc xe máy phía sau tranh thủ nhào ngay sang làn ngược chiều để "bang" tiếp. Ít phút sau giao thông hỗn loạn.

Rảo mắt nhìn mọi người xung quanh thấy có vẻ ai cũng đang gấp rút đến công sở hoặc đưa con đến trường, nên mạnh ai nấy lấn, nấy chạy. Lượng xe hai bên đổ về ngày một đông càng làm không khí ngột ngạt.

"Tránh ra cho đi gấp đi!", một thanh niên ăn mặc lịch sự vừa cho xe luồn lách, vừa lên tiếng với mọi người xung quanh.

Khoảng 12 giờ 45 ngày 13.10, xe cấp cứu của Bệnh viện Đa khoa tỉnh Đồng Nai chạy hú còi ưu tiên trên đường Đinh Bộ Lĩnh, Q.Bình Thạnh, hướng vào trung tâm thành phố. Tất cả xe cộ đều dạt vào lề đường nhường cho xe cấp cứu qua, riêng xe du lịch biển số 53M-9… nhất định không nhường. Tài xế xe du lịch nhấn ga lao vùn vụt, lạng lách phía trước xe cấp cứu, thậm chí còn đi vào phần đường của xe tải… không cho xe cấp cứu vượt lên. Nhiều người đi đường thấy vậy chạy xe máy theo tỏ thái độ bất bình nhưng tài xế xe du lịch vẫn tỉnh rụi. Phải tới giao lộ Đinh Bộ Lĩnh - Nguyễn Xí, khi xe du lịch rẽ phải thì xe cấp cứu mới có thể vượt lên.

Bảo Thiên - Hoàng Nguyên
"Ở đây ai cũng gấp mà. Luồn lách có ích gì, phía trước vẫn tắc đường", một người đàn ông đang chở con nhỏ đến trường đáp lại.

Mặc, người thanh niên vẫn rồ ga, lấn đường, cố chen vào kẽ hở, bất chấp những cái nhìn đầy khó chịu của mọi người xung quanh. Nhưng chỉ được một đoạn ngắn, anh này cũng đành "thúc thủ" tại đoạn "lô cốt" tiếp theo.

Trong khi mọi người đang khó chịu vì kẹt xe, một số tài xế xe buýt, xe máy đua nhau nhấn còi inh ỏi khiến không khí càng bức bối. Phía sau chúng tôi, một ai đó thúc: "Leo lề chạy đi mấy cha!". Một chiếc xe gắn máy tiên phong lao lên lề. Lập tức cả đám đông như đàn ong vỡ tổ ào ào bám theo. Thậm chí, có người muốn đi nhanh hơn, cho xe băng qua đường leo lên vỉa hè ngược chiều, tạo nên cảnh tượng hỗn loạn...

Công - tư cùng ẩu

Không chỉ xe máy, khi thấy đường phía trước ùn ứ thì cả ô tô cũng sẵn sàng leo lề, đi ngược chiều hoặc lách vào bất kỳ chỗ nào trống để "thoát", dù biết hệ quả tất yếu là tất cả cùng... kẹt.

Gần giao lộ Cách Mạng Tháng Tám - Nguyễn Thị Minh Khai giờ cao điểm buổi chiều, chiếc xe biển số 62H8-7... lách dòng người chạy lên lề vượt mặt các xe đang chạy đúng luật dưới lòng đường, tiến gần giao lộ. Ít phút sau ở chiều đường ngược lại, đèn bắt đầu chuyển sang đỏ nhưng một chiếc xe taxi vẫn nhấn ga lao vào giữa giao lộ trong khi lượng xe ở hai đầu đường Cách Mạng Tháng Tám chờ đợi cũng nhanh chóng chuyển bánh vào giao lộ, một vài xe máy cúp đầu taxi khiến xe này vướng ở giữa giao lộ. Không ai nhường ai, cộng với lô cốt chình ình ngay đó khiến xe cộ kẹt cứng. Vài phút sau đó, giao lộ kẹt cứng...

Kẹt xe

Nhưng hình ảnh phản cảm và gây bức xúc nhiều nhất có lẽ là những chiếc xe biển số màu xanh (xe công) chạy ẩu. Giờ cao điểm chiều 13.10, trên đường Nguyễn Thị Minh Khai (đoạn từ Trương Định đến Bà Huyện Thanh Quan), trong lúc dòng ô tô đang đi đúng phần đường phải nhích từng chút, thì chiếc xe biển số 51A-22... tách khỏi đám đông "hiên ngang" chạy ngược chiều làn đường đối diện hòng rẽ nhanh về đường Trương Định, khiến người điều khiển xe đang đi đúng làn đường phải dạt ra tránh, dù họ bực dọc ra mặt. Một bác tài ô tô nhoài người ra khỏi xe, lớn tiếng: "Ỷ xe công muốn chạy sao thì chạy à!".

Mặc cho những cái nhìn không mấy thiện cảm của những người xung quanh, chiếc xe biển xanh kia vẫn lùi lũi tiến. Điều đáng nói, không chỉ một mà chỉ vài phút sau lại thêm chiếc xe biển xanh khác (51A-06...) theo chân xe trước rẽ đám đông, lấn tuyến, mặc cho người đi đường la ó...

Thấy xe công phạm luật được, nhiều xe gắn máy và taxi cũng tranh thủ bám theo sau. Một số taxi khác tranh thủ đón - trả khách trong thời gian dừng chờ đèn xanh giữa đường...! Một tài xế taxi tên Đ.V.H còn... rút kinh nghiệm: "Tốt nhất cứ bám theo xe biển xanh hoặc chạy sau xe cứu thương là vô tư qua điểm ùn tắc".

Giao thông hỗn loạn do con người

Ở VN, lạng lách là một thói quen mà ngay cả xe ô tô cũng chen lấn, đánh võng để lưu thông. Nguyên nhân từ yếu tố con người và các quy định chứ không phải số lượng phương tiện tham gia giao thông. Theo tôi biết, cả nước có 700 ngàn xe ô tô và 23 - 24 triệu xe gắn máy. Nếu xét về mật độ, VN có 7% diện tích đất làm giao thông, trong khi nhiều nước tiên tiến chiếm 21%, gấp 3 VN nhưng số lượng xe gấp 50 - 80 lần, nên tính số lượng xe/đơn vị diện tích thì VN vẫn còn rộng.

Quy định giao thông ở VN không lôgic dẫn đến ùn rồi tắc. Ví dụ, xe gắn máy chạy bên phải, xe hơi bên trái; mỗi lần đến giao lộ ô tô muốn rẽ phải vướng xe gắn máy, xe máy muốn rẽ trái vướng ô tô. Thêm vào đó là những bảng biển chỉ dẫn mập mờ. Người điều khiển phương tiện lưu thông chỉ có 1,5 giây để phát hiện và hiểu thông tin của bảng chỉ dẫn, nhưng các bảng của VN phải mất 3-5 phút để hiểu nên người VN chạy theo cảm tính là chính dẫn đến vi phạm.

Đèn tín hiệu giao thông có làm nhưng không hợp lý, chẳng hạn đèn tín hiệu cho người đi bộ chuyển đổi từ xanh qua đỏ không có thời gian chờ, dẫn đến có nhiều người đi bộ còn lưu thông dưới lòng đường nhưng xe máy, ô tô ở hai bên đường đã có tín hiệu lưu thông. Trong khi đó, tài xế hầu như rất thiếu ý thức nhường đường cho người đi bộ, dẫn đến những tai nạn thương tâm. Ở nhiều nước phát triển, những khu vực ít dân cư không có tín hiệu đèn cho người đi bộ, từ xa quan sát thấy có người muốn sang đường là tài xế tự động giảm tốc độ, dừng hẳn chờ người đi bộ hoàn tất việc qua đường.

Việc xử phạt vi phạm ở nhiều nước cũng rất nghiêm. Những hành động đèn chưa kịp xanh đã vượt lên, đỏ rồi vẫn cố chạy để kẹt cứng giữa ngã tư ở nước ngoài bị phạt rất nặng. Họ có hệ thống camera theo dõi, ghi hình xe vi phạm, sau đó gửi giấy phạt đến tận nhà. Xe mua bán không sang tên bị phạt bằng tiền mua một chiếc xe mới…

(Ông Nguyễn Minh Đồng, Giám đốc Công ty tư vấn kỹ thuật Strategy)

Lê Nga (ghi)



Bài 2: Hãi hùng xe buýt

Xe buýt Chi hàng ngàn tỉ đồng đầu tư, mỗi năm tốn thêm khoảng nửa ngàn tỉ đồng trợ giá, xe buýt ở TP.HCM không chỉ có mục tiêu “giảm tải phương tiện cá nhân” mà còn được kỳ vọng xây dựng hình ảnh văn minh đô thị. Thế nhưng, thực tế không như mong muốn...

Nhếch nhác, chạy ẩu

“Lên nhanh đi, nhanh đi!”. Gần 10 hành khách đang ngồi ở trạm chờ xe buýt gần giao lộ Nguyễn Thị Minh Khai - Cao Thắng giật bắn người khi nghe tiếng quát của nhân viên trên chiếc xe buýt số 2 (Sài Gòn - Bến xe miền Tây) đang ào ào lao tới. Rồi khi người cuối cùng mới kịp đặt một chân lên bậc cửa xe, tài xế đã nhấn ga cho xe lăn bánh khiến khách chúi nhào về phía trước, may mà chụp kịp thanh chắn nên không ngã.

Khách trên xe im thin thít, chăm chú nhìn đường trong khi tài xế liên tục nhấn còi xin đường. Thỉnh thoảng, một vài người khách lại ngã dúi về phía trước do bác tài thắng gấp. Xe đến đường 3 Tháng 2 cũng là lúc tại đây đang ùn tắc giao thông nhưng tài xế vẫn không giảm tốc độ, khi thì lấn vào đường dành cho xe gắn máy, lúc thì tràn sang phần đường ngược lại để vượt lên. Nhận thấy tiếng còi xe vẫn không ăn thua, tài xế quay sang nhân viên soát vé, cao giọng: “Mày dẹp đường coi!”. Lập tức, anh nhân viên bỏ xấp vé và tiền vào túi áo, nhoài người ra ngoài cửa thông gió thét vào những người đi xe gắn máy: “Lấy cái chân ra! Muốn chết hả!...”. Người đi đường thấy xe buýt cứ lao ào ào, nhấn kèn dồn dập lại thêm phụ xe la hét đòi đường nên đều khiếp vía dạt ra.

“Đ.M, nhìn cái gì. Đập chết m. mày bây giờ!”. Nhiều khách trên xe giật bắn mình khi thấy nhân viên xe buýt tay chỉ trỏ, miệng la lối... như muốn ăn tươi nuốt sống một thanh niên đi xe gắn máy đang nhìn chiếc xe buýt chạy ẩu với thái độ giận dữ. Chưa kịp định thần, khách lại nghe tiếng mắng mỏ: “Chạy kiểu bà thì nên nhắm mắt lại, lúc mở ra là thấy đang ở trong... nhà thương liền hà!”, lần này là tài xế bỏ quan sát đường, nhoài đầu ra mắng người phụ nữ đang vội vã dắt xe đạp băng qua đường... Nhìn vẻ mặt sợ hãi đến tội nghiệp của người phụ nữ kia, một cô gái trẻ ngồi cạnh tôi chỉ lên tấm bảng nội quy dành cho nhân viên, tài xế tiếp viên xe buýt và những khẩu hiệu tuyên truyền người dân đi xe buýt được gắn đầy trên xe, nhăn mặt: “Chạy kiểu này thì làm sao "buýt an toàn, buýt thân thiện,... buýt đi làm,... buýt đi chơi... hả anh?".

Buýt

Trưa 16.10, chúng tôi đón xe buýt gần bùng binh Cây Gõ về trung tâm thành phố. Trên xe khá đông khách. Và cũng như nhiều xe buýt khác chúng tôi đi, tài xế thản nhiên nhấn còi, nhấn ga cho xe chạy ào ào, lạng ra, tấp vào dòng xe hai bánh... để “đua” đến trạm dừng, nhà chờ. Chúng tôi không dám nhìn về phía trước và cả hai bên đường vì sợ có thể phải chứng kiến tai nạn do chính chiếc xe mình đang ngồi gây ra. Đến đoạn đường Vĩnh Viễn (gần Lý Thường Kiệt), một chiếc xe hai bánh phóng nhanh cắt ngang đầu xe buýt khiến tài xế phải thắng gấp muốn cháy bánh. Anh này lập tức kéo cửa thò đầu ra ngoài văng tục: “Đ.M!, chạy kiểu gì vậy! Chán sống hả?”... Chưa hết, đến đoạn đường Lý Thái Tổ, hành khách tiếp tục bị tra tấn bởi cảnh rao bán hàng hóa trên xe hệt như những chuyến xe chợ thời cách đây mấy chục năm...

Vô cảm và mất an toàn

Tiếp tục tìm một trạm xe buýt khác, chiếc xe buýt (tuyến Sài Gòn - Củ Chi) trờ tới xuống khách. Em Nguyễn Công Thành, học sinh lớp 6, trường Hoàng Hoa Thám trong bộ đồng phục học sinh, tay xách cặp chạy đến hỏi người phụ xe đang ngồi ngay cửa: “Anh ơi, xe này có chạy hết đường Trường Chinh không?”. “Lên đi, khi nào tới thì biết”, phụ xe trừng mắt trả lời với giọng gắt gỏng.

Chúng tôi bước lên xe buýt 53N-5856, nhân viên nhà xe không thèm hỏi, cầm xấp vé trên tay tiến đến đứng trước mặt nhìn. Hiểu ý, chúng tôi lên tiếng: “Tôi đến đường Cộng Hòa”. Chẳng thèm nhìn mặt khách, nhân viên móc trong túi áo ra hai cái vé bèo nhèo đã xé từ trước đưa cho chúng tôi rồi buông một câu: “6 ngàn”. Cũng với thái độ vô cảm là nhân viên tuyến xe số 54 cũ rích. Do xe chạy nhanh và nhồi, một phụ nữ say xe, buồn nôn, lên tiếng: “Làm ơn cho xin cái bao”. Nhân viên nhà xe ngồi hàng ghế trước đang mải mê đọc báo, vừa liếc nhìn vị khách kia, vừa gắt gỏng: “Sao lúc lên xe không xin, giờ mới xin!”. Nghe thế, người phụ nữ vừa xin bao để định nôn cúi mặt im lặng.

Trưa 24.9, mọi người đứng chờ xe buýt trên đường Nguyễn Thị Minh Khai (Q.1) tỏ ra bất bình khi chứng kiến hình ảnh bạo lực của một nhân viên xe buýt mang biển số 53N - 5322. Khi chiếc xe này vào trạm rước khách, bà Dương Thị Mười Một, ngụ ở ấp Mỹ Hòa, xã Mỹ Thành, H.Cai Lậy, tỉnh Tiền Giang xách giỏ đồ nặng nề bước vội lên xe. Nhân viên soát vé đang ngồi trên ghế, chả thèm nhìn khách, hất hàm hỏi: “Đi đâu bà?”. Bà Một đáp: “Cho về Bến xe Miền Tây”. Anh nhân viên tỏ vẻ tức tối: “Xuống đi bà ơi, xe này đi Bến xe Chợ Lớn”. Bà Một vội luống cuống xuống xe vì xe bắt đầu lăn bánh. Thấy vậy, nhân viên xe buýt liền đứng dậy, dùng tay đẩy bà Một khiến bà loạng choạng suýt ngã xuống đường, rồi thản nhiên đóng cửa xe lại. Chiếc xe vọt đi trước sự bức xúc, la ó của mọi người.

Nói về xe buýt, ông Trần Nguyễn Tông (ở Củ Chi), cán bộ một phòng nghiệp vụ của Q.5, TP.HCM, tâm sự: “Đi xe buýt nhiều, tôi thấy nhiều chiếc xe người phục vụ trên xe rất cáu bẳn, ăn nói rất thô lỗ với khách”. Ông kể: “Có lần ba cha con tôi đón xe buýt lên thành phố, bị cô nhân viên quát: Ngồi gọn vào, có một vé mà ngồi bày ra. Lý do, hai con tôi dưới tuổi quy định phải mua vé”. Còn chị Thu Thủy, nhân viên văn phòng ở Q.3, nhớ mãi không quên việc bị tài xế xe buýt phun nước bọt trúng mặt. “Trưa 5.9, trong khi có khá đông người đứng chờ đèn đỏ ở ngã tư Lê Văn Sỹ - Trần Quang Diệu, bỗng tôi nghe tiếng đằng hắng rồi từ trên xe buýt người tài xế phun nước miếng xuống trúng người. Bất chấp sự khó chịu của người đi đường, gã tài xế vẫn cười hô hố và thản nhiên đùa giỡn với tiếp viên. Không hiểu các ngành chức năng nghĩ gì khi những nhân viên xe buýt có hành vi vô văn hóa như thế?”.

Trong những ngày đi trên hàng chục tuyến xe buýt để ghi nhận, dù không phải là tất cả đều tệ nhưng cảnh chúng tôi thường gặp nhất là những câu nói trống không, vô cảm, đại loại như “xuống không?”, “ra đi”, “xuống nhanh”, “cửa này nè”... giống như những chuyến xe chợ cách đây vài chục năm. Bên cạnh đó là gương mặt nhiều khách ngồi trên xe buýt mà căng như dây đàn vì bác tài cứ một tay cầm vô-lăng, tay kia cầm điện thoại di động, chân liên tục nhấn ga, đạp thắng... Cuối cùng, chúng tôi phần nào hiểu ra, vì sao nhiều người gọi xe buýt là “hung thần” đường phố.

Bên cạnh xe buýt, taxi cũng là loại phương tiện chạy ẩu không kém. Hình ảnh thường gặp trên đường là loại phương tiện này đi sai làn đường, chen vào làn đường dành cho xe 2 bánh khi dòng ô tô gần giao lộ bị ùn; quay đầu giữa đường hoặc thoải mái tấp vào đón trả khách mà đôi khi chả cần xin đường; thậm chí lấn tuyến đi ngược chiều làn đường ngược lại (ảnh)... gây mất an toàn giao thông.
Taxi dù





Bài 3 : Kiểm soát giao thông... cho có!

Cảnh sát giao thông Khi ý thức tự giác của nhiều người chưa cao, xã hội kỳ vọng vào sự nghiêm minh của lực lượng kiểm soát giao thông. Thế nhưng, không phải tất cả đều thật sự mẫn cán, tận tụy với công việc...

Quay lưng với vi phạm

Chủ công trong lực lượng tuần tra, kiểm soát luôn là cảnh sát giao thông (CSGT), nhưng ống kính của PV Thanh Niên những ngày qua ghi nhận rất nhiều hình ảnh chưa đẹp từ lực lượng này tại TP.HCM.

Giao lộ Nguyễn Tri Phương - 3 Tháng 2 (Q.10) là “điểm đen” về ùn tắc giao thông do mật độ phương tiện lưu thông quá cao vào giờ cao điểm, cộng với ý thức của người điều khiển phương tiện còn thấp. Vì thế, tại đây luôn có CSGT túc trực nhằm điều tiết giao thông, nhắc nhở hoặc xử lý người tham gia lưu thông vi phạm luật... Thế nhưng, không phải lúc nào lực lượng CSGT tại đây cũng thực thi tốt nhiệm vụ. Cụ thể, vào lúc 16 giờ ngày 30.9, hai CSGT trẻ làm nhiệm vụ ở giao lộ này “quên” nhiệm vụ phải làm, ra quầy bán bánh trung thu gần đó “tám” với các nữ nhân viên, mặc cho phương tiện vô tư vượt đèn đỏ, dừng lấn vạch sơn.

Khoảng 17 giờ 5 ngày 29.9, tại ngã bảy (Q.10) có 1 CSGT đứng chốt, nhưng anh này hình như chỉ đứng cho có, để mặc hàng chục người thoải mái dừng xe ngay trên vạch sơn dành cho người đi bộ ở phía sau lưng; thậm chí nhiều phương tiện vi phạm ngay trước mặt như xe ba gác chở hàng cồng kềnh, xe máy chở ba... cũng chẳng bị nhắc nhở, chứ đừng nói đến việc xử lý.

Cùng thời gian này, hai CSGT làm nhiệm vụ ở khu vực ngã năm Nguyễn Thái Sơn - Nguyễn Kiệm - Bạch Đằng - Hoàng Minh Giám cũng gần như để mặc các phương tiện vô tư vi phạm ngay trước mắt. Hay tại giao lộ Quang Trung - Phạm Văn Chiêu (Q.Gò Vấp), lúc 17 giờ ngày 29.9 ngoài 2 CSGT còn có cả lực lượng dân phòng được tăng cường làm nhiệm vụ kiểm soát giao thông. Trong lúc làm nhiệm vụ, một CSGT thường xuyên di chuyển từ đầu góc giao lộ này qua góc giao lộ kia, nhưng không biết để làm gì vì rất nhiều người tham gia lưu thông dừng đèn đỏ lấn tuyến, vạch sơn... mà chẳng hề bị nhắc nhở, xử lý...

Những hình ảnh phản cảm

Đáng nói hơn, là đôi khi chính lực lượng CSGT nói riêng và công an nói chung cũng vi phạm luật. Khoảng 8 giờ ngày 16.10, 4 CSGT đi 2 mô tô đặc chủng màu trắng đến một quán ăn trên đường Lương Hữu Khánh (Q.1), rồi vô tư dựng mô tô dưới lòng đường thản nhiên vào quán! Cũng kiểu “coi đường là bãi đậu xe” là hình ảnh chúng tôi ghi được trước Phòng Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội (PC13), Công an TP.HCM vào sáng 16.10: cả chục ô tô mang biển số màu xanh đậu hàng ngang lấn chiếm gần hết làn đường dành cho người đi xe đạp trên tuyến đường Trần Hưng Đạo. Nhiều người dân lưu thông qua đây rất vất vả, nhưng cũng chỉ biết... lắc đầu.

Chưa hết, theo phản ánh của nhiều người dân phường Hiệp Bình Chánh (Q.Thủ Đức), tại ngã tư Bình Triệu (Q.Thủ Đức), giờ cao điểm buổi sáng thường có nhiều người mặc sắc phục đi ngược chiều, vi phạm Luật Giao thông đường bộ. PV Thanh Niên có mặt và nhận thấy phản ánh của người dân là chính xác. Một CSGT Đội Bình Triệu làm nhiệm vụ ở đây cho biết: những người mặc sắc phục đi ngược chiều là cán bộ Công an P.Hiệp Bình Chánh. “Họ thường đi ngược chiều một đoạn để vào trụ sở (gần sát với ngã tư) vì nếu đi đúng đường thì phải vòng rất xa. Những hôm có mặt làm nhiệm vụ chúng tôi liên tục nhắc nhở anh em phải gương mẫu cho người dân, nhưng khi chúng tôi không có mặt thì người dân phản ánh tình trạng mấy cán bộ công an đi ngược chiều lại phổ biến”, CSGT này nói.

Tương tự, khoảng 18 giờ ngày 28.9, giao lộ Trần Hưng Đạo - Nguyễn Biểu ùn tắc do một phần vướng “lô cốt”, một phần không thấy có CSGT nên người tham gia giao thông không tuân thủ đèn tín hiệu giao thông, mạnh ai nấy chạy, nấy chen. Lúc này có một thanh niên đội mũ bảo hiểm của ngành công an, đi xe gắn máy biển số xanh 51B1-079... lấn hẳn sang làn đường ngược lại định vượt lên thì bị kẹp giữa 2 xe taxi. Do không ai nhường ai nên xảy ra cự cãi, suýt dẫn đến xô xát giữa người thanh niên đi xe máy với tài xế taxi, tạo nên một hình ảnh phản cảm về nhân viên công lực trong mắt nhiều người đi đường...

Sai phạm là phải xử nghiêm

Theo quy định, khi trực chốt tại các giao lộ, nhiệm vụ chính của CSGT là phải duy trì được trật tự giao thông tại đây, không được để xảy ra ùn tắc giao thông; nếu có sự cố, dấu hiệu xảy ra ùn tắc thì phải nhanh chóng phân luồng giải tỏa ngay. Trong bán kính 50m tại khu vực giao lộ, CSGT phải giải tỏa các phương tiện dừng, đậu, các trường hợp buôn bán, hành nghề gây cản trở giao thông. Còn ngay tại giao lộ, CSGT phải duy trì các loại phương tiện dừng đúng vạch sơn quy định khi đèn đỏ, cương quyết xử lý các trường hợp cố tình không chấp hành... Việc một số CSGT khi đứng chốt tại các giao lộ nhưng không nhắc nhở, xử phạt người tham gia lưu thông lấn tuyến, dừng đèn đỏ lấn vạch sơn... không chỉ gây bức xúc cho người dân chấp hành nghiêm luật pháp, mà còn làm lu mờ hình ảnh của lực lượng CSGT.

Trao đổi với PV Thanh Niên xung quanh tình trạng này, thượng tá Võ Văn Nhuận, Trưởng phòng CSGT đường bộ - Công an TP.HCM, khẳng định: “Lực lượng CSGT khi tham gia tuần tra, kiểm soát giao thông, nếu phát hiện người lưu thông vi phạm, phải kiên quyết xử lý nghiêm; không sách nhiễu hoặc tiêu cực khi thi hành công vụ; tận tình giúp đỡ người tham gia giao thông khi gặp hoạn nạn, giúp đỡ người tàn tật, trẻ em và người cao tuổi... Quan điểm của lãnh đạo Phòng CSGT là phát hiện CSGT nào không xử nghiêm, đến nơi đến chốn các trường hợp vi phạm, sẽ kiểm điểm, xử lý tùy theo mức độ sai phạm”.

“Tám” quên làm nhiệm vụ

Ngoài CSGT, ở TP.HCM còn có lực lượng trật tự viên thanh niên xung phong (TNXP) tham gia giữ trật tự giao thông và cũng có rất nhiều TNXP “ra đường cho có”. Điển hình, tại giao lộ 3 Tháng 2 - Lý Thường Kiệt lúc 8 giờ 30 ngày 29.9 có 2 nam TNXP làm nhiệm vụ, nhưng rất nhiều người vi phạm lấn vạch sơn khi dừng đèn đỏ đều không được 2 TNXP này nhắc nhở. Nhiệm vụ của 2 TNXP này chỉ là phất cờ hiệu mỗi khi đèn bật xanh hoặc đỏ, sau đó quay qua nói chuyện với tài xế xe ôm. Tương tự, một nữ TNXP làm nhiệm vụ tại giao lộ Nguyễn Tri Phương - 3 Tháng 2 cũng say sưa “tám” với người dân, mặc người đi đường muốn lưu thông ra sao thì ra. Còn tại ngã tư Phú Nhuận lúc 15 giờ 45 ngày 29.9 không có CSGT, chỉ có 1 nam TNXP đứng làm nhiệm vụ... nhìn người điều khiển xe hai bánh thoải mái đi ngược chiều vào đường Phan Đình Phùng, ngay dưới dải băng “Cấm lưu thông ngược chiều”...



Bài 4 : Người lớn làm hư trẻ nhỏ

Dừng đậu dưới lòng đường, chen lấn, đi ngược chiều, nhấn kèn ầm ĩ... là những hình ảnh thường thấy của các bậc phụ huynh trước nhiều cổng trường học vào giờ đưa - đón học sinh (HS). Tưởng bình thường, nhưng những hình ảnh này đang từng ngày làm “hư” ý thức chấp hành luật pháp của chính con em họ...

Phụ huynh đón con

Từ 6 giờ 30, trước cổng trường Tiểu học Hồng Hà, P.17, Q.Bình Thạnh, bắt đầu xuất hiện các phụ huynh đưa con em đến trường. Đa phần chở một, nhưng cũng không ít người chở 3 - 4 em trên một chiếc xe gắn máy. Đến trước cổng trường, phụ huynh vô tư dừng xe dưới lòng đường “thả” các em chạy vào trong sân trường. Xe đi sớm thì dừng gần sát vào lề, xe đến sau dừng kế xe đến trước... cứ thế cho đến khi xe chiếm quá nửa đường. Các phương tiện lưu thông qua đây bị dồn về non nửa phần đường còn lại, thành ra kẹt xe.

Ông Trần Khắc Huy, Thường trực Ban An toàn giao thông (ATGT) - Sở GD-ĐT TP.HCM, nói: "Vào đầu mỗi năm học, ngành giáo dục luôn đề ra kế hoạch thực hiện ATGT, trong đó Sở yêu cầu các trường học khi họp cha mẹ HS phải thực hiện tốt công tác nhắc nhở, đề nghị phụ huynh phối hợp chặt chẽ với nhà trường về công tác ATGT. Nhưng nói thật, tình trạng đậu xe tràn lan vẫn tái diễn bởi 3 nguyên nhân, có cả khách quan và chủ quan, như trường chật hẹp, không có sân trường; hiệu trưởng nhà trường chưa quan tâm để phối hợp với dân quân tự vệ, công an địa phương và ý thức nhiều phụ huynh còn kém mà chức năng của nhà trường chỉ có thể phối hợp với phụ huynh chứ đâu giáo dục được phụ huynh...

Hiện nay, nội dung giáo dục ATGT đã được đưa vào giảng dạy ở tất cả các bậc học, tùy mỗi bậc học mà nội dung được biên soạn cụ thể. Những nội dung này được lồng ghép dưới mọi hình thức như qua chương trình ngoại khóa hoặc bộ môn Giáo dục công dân... Nhưng theo tôi để việc thực hiện ATGT ngày một tốt thì ý thức HS mới chỉ là điều kiện cần, còn điều kiện đủ phải là ý thức chung của toàn xã hội; trong đó các bậc cha mẹ, người lớn cần phải làm gương cho con em mình".

(Bích Thanh ghi)
Gần 7 giờ, một người đàn ông trung niên chở 3 HS không đội mũ bảo hiểm trên chiếc Attila màu trắng, có lẽ sợ con trễ học nên nhấn kèn inh ỏi, bặm môi chen lấn để đến gần cổng trường, nhưng rồi đành bất lực khi còn cách cổng trường gần ba chục mét vì xe cộ đã nêm chặt. Bí quá, anh này quay ra sau hét cả 3 đứa bé xuống xe, đi bộ vào trường. Ba đứa trẻ mặt mày tái mét vì sợ, níu chặt tay nhau luồn chân qua từng bánh xe và phải mất gần 10 phút mới đến được cổng trường. Nguy hiểm hơn, một phụ nữ trẻ do không vào được cổng trường đành thắng xe giữa đường, ngay trước mũi chiếc xe buýt tuyến số 14 đang cố thoát ra khỏi đám đông, để thả 2 đứa bé xuống. Tài xe buýt thắng gấp, còn phụ xe ló cổ ra cửa kính hét: “Muốn chết hay sao mà thả con giữa đường, giữa chợ thế?”. Nhưng phụ huynh này cũng chẳng vừa, hét lại: “Không xuống đây thì xuống đâu?”, rồi vẫn ngồi trên yên xe, vòng tay ra sau ôm từng đứa nhỏ thảy xuống đất, mặc cho tài xế xe buýt nhấn còi và người đi đường la ó...

7 giờ 10 phút, trong vòng “bán kính” 100 mét trước cổng trường, người đi đường cứ bị dính vào nhau, xe buýt, xe hơi, xe máy... nhích từng tí trong tiếng còi xe inh ỏi, tiếng rồ máy ầm ầm. Thế nhưng, nhiều phụ nữ vẫn thản nhiên dựng xe dưới lòng đường rồi... đút cho con ăn sáng, xong thẳng tay vứt giấy gói xôi, hộp đựng cơm xuống đường!

Không phải cá biệt

Hình ảnh trên không phải cá biệt, mà phổ biến ở hầu hết các trường học vào giờ đưa - đón HS. Trước cổng trường Thạnh Mỹ Tây trên đường Phạm Viết Chánh, Q.Bình Thạnh, cứ khoảng từ 16 giờ 30 trở đi là các bậc phụ huynh đậu xe gắn máy kín hết vỉa hè, lòng đường chờ đón con em, chỉ chừa đúng một lối nhỏ cho xe gắn máy lách qua. Người dựng xe ngang, người quay xe dọc không hàng lối, không đường thoát. Để rồi khi HS ùa ra, các bậc phụ huynh ai cũng tranh thủ chạy trước, chen lấn nhau, thậm chí còn văng tục trước mặt con trẻ... để sớm về nhà. Hệ quả tất yếu là ùn tắc, kẹt xe kéo dài có khi đến sau 18 giờ vẫn chưa thể vãn hồi.

Tương tự, trên đường Nguyễn Bỉnh Khiêm, Q.1, đoạn từ Nguyễn Hữu Cảnh đến Lê Duẩn, cứ tầm 16 giờ là các phụ huynh bắt đầu “bày binh bố trận” sẵn để chờ đón con. Dọc đoạn đường này tập trung rất nhiều trường học và tình trạng kẹt xe, ùn tắc giao thông vào giờ tan trường cũng rất thường xuyên, mà nguyên nhân không gì khác chính do phụ huynh đậu xe tràn lan dưới lòng đường...

Việc nhiều bậc phụ huynh vi phạm luật, ứng xử thiếu văn hóa trước cổng trường không chỉ gây kẹt xe, ùn tắc giao thông, nguy hiểm cho người đi đường... mà những hành vi này diễn ra ngay dưới những tấm bảng “Cổng trường em sạch đẹp, an toàn” còn tạo ra hình ảnh vô cùng phản cảm trước mắt con trẻ.

“Nhà trường thường xuyên nhắc phụ huynh không đậu xe dưới lòng đường và dừng xe mua quà vặt khu vực gần cổng trường, để làm gương cho con em. Trường cũng dành một phần sân trường gần hàng rào tại các cổng để phụ huynh chạy xe vào đưa đón HS; địa phương hỗ trợ bằng cách cho dân quân tự vệ đứng dẹp trật tự và hướng dẫn phụ huynh... Thế nhưng, nhiều phụ huynh vẫn vi phạm luật. Nhiều khi các cháu vừa được dạy về an toàn giao thông xong, bước ra cổng trường đã thấy ngay cha mẹ mình vi phạm rồi...”, bà Nguyễn Thị Lệ, Hiệu trưởng trường Tiểu học Hồng Hà, bức xúc.

Không chỉ trước các cổng trường tiểu học, trung học... tình trạng ùn tắc, kẹt xe, lấn chiếm lòng lề đường cũng xảy ra ở trước cổng nhiều trường đại học, cao đẳng trên địa bàn do SV tan trường đậu xe dưới lòng đường, tụ tập nói chuyện, ăn uống... Điển hình, trước khu vực trường Đại học Công nghiệp TP.HCM trên đường Nguyễn Văn Bảo (Q.Gò Vấp), hằng ngày cứ đến giờ tan trường, SV của trường này tràn ra chiếm hết mặt đường, vô tư đậu xe, băng ngang đường, thậm chí ngồi ăn uống thoải mái từ vỉa hè tràn xuống lòng đường... khiến người đi đường khổ sở, gây mất ATGT. (Minh Nam)



Bài 5 : Ứng xử côn đồ

Va quệt xe là chuyện thường ngày ở các đô thị đông đúc. Thay vì một lời xin lỗi nhẹ nhàng, kềm chế và bỏ qua cho nhau, thì có những người hành xử thô bạo, thậm chí còn ẩu đả gây thương tích, án mạng trên đường.

“Chạy kiểu gì vậy, con đ...”

Ngã tư Phú Nhuận (TP.HCM) một buổi chiều vào giờ cao điểm, xe cộ nườm nượp trên đường. Lúc này, một nữ sinh viên người nhỏ thó đạp chiếc xe cọc cạch hướng từ đường Phan Đình Phùng chầm chậm rẽ trái về Hoàng Văn Thụ. Bỗng một chiếc xe gắn máy Lead SCR 110 mới cáu cạnh do một người phụ nữ ăn mặc lòe loẹt điều khiển cũng đang lao tới với tốc độ khá nhanh. Hoảng sợ, cô bé vừa bóp thắng xe vừa loạng choạng tay lái, nhưng tránh không kịp nên va quệt vào vè trước chiếc xe Lead và ngã xuống đường. Lập tức, người phụ nữ mặt đằng đằng sát khí, dựng chống xe, nhảy xuống nắm lấy tóc cô bé đang bị chiếc xe đạp đè lên người, rồi hét lớn: “Chạy kiểu gì vậy, con đ... Có biết xe tao mới mua không?”. Nhìn vẻ mặt đến tội nghiệp của cô sinh viên đang oằn lên vì đau đớn, một số người đi đường dừng xe lại nhìn người phụ nữ kia với thái độ tức giận. “Chị bỏ tay khỏi con bé đi, từ từ nói chuyện không được à?”, một người đàn ông lớn tuổi vừa đá chống chân chiếc xe gắn máy vừa lên tiếng. Nghe vậy, người đàn bà kia vẫn tỏ ra hung dữ: “Ông biết gì mà xía vô! Con đ. này đâm vào xe tui giờ phải bắt nó đền chứ”. Người đàn ông tỏ ra bình tĩnh đến nhìn chiếc xe của người phụ nữ. “Chỉ một vết trầy nhỏ. Đánh bóng lại thì hết liền mà”, người đàn ông nhỏ nhẹ. Một số người đi đường nãy giờ chứng kiến sự việc tỏ ra đồng tình. Thấy những người xung quanh phản ứng, người phụ nữ ngúng ngoảy lên xe bỏ đi, nhưng không quên quay sang cô bé buông một câu xách mé: “May cho mày đó. Nếu không có mấy người rảnh hơi đó là mày chết với tao rồi”!

Mới đây nhất, lúc 17 giờ 30 ngày 20.10, đường Trần Quang Khải, P.Tân Định, Q.1, TP.HCM xe rất đông. Lúc này, tài xế xe taxi Mai Linh - biển số 79N-0312, thấy phía trước quá đông nên lùi lại để quay đầu xe, tìm đường khác. Tức giận vì bị chắn đường, một người đi xe gắn máy húc bánh vào đuôi xe taxi. Lập tức, tài xế taxi đẩy cửa nhảy ra khỏi xe, lao tới đấm thẳng vào mặt người đi xe máy mấy cái. Thế là hai bên lao vào ẩu đả giữa đường phố đông nghẹt xe. Mãi tới khi công an tới can thiệp, hai người mới chịu “nhả” nhau ra. Nhưng không ai chịu ai, cứ đi được một bước, họ quay lại và “khí thế” muốn lao vào nhau vẫn còn rất cao. Điều đáng nói, dù có mặt công an, nhưng cả hai người vẫn tiếp tục khẩu chiến và buông những lời thô tục, dọa nạt, mạt sát lẫn nhau. Nhiều người đi đường thấy cảnh đó lắc đầu ngao ngán.

Côn đồ

Mới đây, TAND TP.HCM xét xử vụ án gây chết người mà nguyên nhân chỉ vì va chạm trên đường phố. Tại tòa, Nguyễn Hoàng Phúc kể, hôm đó thấy tài xế xe tải nhẹ 1,5 tấn lưu thông trên đường Lê Đức Thọ (Q.12) trong tình trạng say xỉn đụng phải một người đi đường đang lưu thông trên xe gắn máy và bỏ chạy tiếp tục gây tai nạn cho hai người đi đường khác. Thấy vậy, người đi đường đã đuổi theo ra sức chặn chiếc xe tải, trong đó có Phúc. Tài xế lái xe chạy vào một công ty trên đường Phạm Văn Chiêu (Q.Gò Vấp) trốn, nhưng không thoát. Những tiếng hô hào kích động “đánh chết mẹ nó đi” và đám đông lao vào. Riêng Phúc chụp lấy bình chữa cháy ném vào kính xe, gây ra cái chết cho tài xế. Phúc cho rằng hành vi của mình chỉ vì “nóng” bác tài chạy ẩu, gây tai nạn giao thông nên không kềm chế được mình.
Những cảnh tượng như vậy gần như là “chuyện thường ngày” ở thành phố đông đúc và luôn kẹt xe này.

Thiếu kềm chế, người vào tù, kẻ bỏ mạng!

Cũng vì chuyện va quệåt trên đường đã dẫn đến xô xát, gây thương tích, thậm chí sát hại lẫn nhau... hằng ngày khiến không ít gia đình rơi vào cảnh tang thương.

Một buổi sáng trong tháng 9.2009, anh T.H.N (26 tuổi, ngụ Q.Tân Phú) khi lưu thông đến giao lộ Độc Lập - Nguyễn Hậu thì va chạm với chiếc ô tô Innova do tài xế Vũ Văn Tài (cùng ngụ Q.Tân Phú) điều khiển, chở Huỳnh Ngọc Nghĩa (23 tuổi, quê Kiên Giang). Vụ việc chẳng có gì nghiêm trọng, song tất cả bỏ xe, xuống đường cãi nhau chí chóe. Cãi nhau chưa đã, Nghĩa móc điện thoại gọi Phạm Ngọc Anh (16 tuổi, quê Kiên Giang) cùng 3 thanh niên khác mang theo hung khí đến “nói chuyện” với anh N. Vừa đến nơi, Ngọc Anh đã dùng dao đâm trúng ngực N. gây thương tích nặng phải đưa đi bệnh viện cấp cứu.

Khoảng 16 giờ 30 ngày 26.9, anh Huỳnh Thanh Tùng (tạm trú Q.2) chở vợ đi cùng một số người bạn, khi đến gần chợ Giồng Ông Tố, P.Bình Trưng Tây, Q.2 đã va quệåt với xe gắn máy của Võ Hoàng Anh (24 tuổi, ngụ Q.2). Sau một hồi cự cãi, Tùng và nhóm bạn đã đuổi đánh Hoàng Anh. Tưởng đã êm chuyện, Tùng chở vợ về thì Hoàng Anh dùng xe gắn máy đuổi theo. Khi đến đường Lương Định Của, P.An Phú, Q.2, Hoàng Anh đuổi kịp và dùng dao đâm trúng lưng anh Tùng, rồi tẩu thoát. Thấy chồng bị thương, vợ của anh Tùng đã ôm chồng đưa đi cấp cứu nhưng vừa đến trước cổng bệnh viện thì anh Tùng đã tắt thở.

Kinh hoàng hơn là trường hợp mới đây của Võ Đức Thanh (35 tuổi, ngụ P.3, Q.Gò Vấp) vừa bị Công an Q.Tân Bình bắt giữ vì liên quan đến vụ án mạng, chỉ vì va chạm xe trên đường, trước sự đau khổ của người vợ và 6 con nhỏ. Trước đó, tối 18.10, trên đường chở vợ con đi ăn giỗ về đến đường Phạm Văn Hai, xe gắn máy do Thanh điều khiển va chạm nhẹ với xe anh Hà Nguyên Kinh Luân (ngụ Q.Tân Bình) chở một người phụ nữ. Thế là hai bên chạy theo văng tục với nhau. Luân chạy cúp đầu xe Thanh lại, nói chuyện phải trái và hai bên cự cãi dữ dội. Bất ngờ, Thanh rút dao xếp thủ sẵn trong người đâm vào cổ, ngực của Luân, rồi ung dung chở vợ, con về nhà. Sau khi bị Thanh đâm, Luân được bà con xung quanh đưa đi bệnh viện cấp cứu, nhưng không qua khỏi. Nhận được tin báo, Công an Q.Tân Bình đã huy động hàng chục trinh sát truy xét trong đêm và đến sáng 19.10 đã bắt giữ được Thanh.

Ngoài các nguy cơ chết người như cây đổ, điện giật, “vật thể lạ” rơi xuống đầu, lọt cống, sụp ổ gà... người dân thành phố còn đang đối mặt thêm một yếu tố không an toàn nhưng ít ai để ý đến là: kiểu hành xử thô bạo thiếu văn hóa và có phần côn đồ đang diễn ra trên đường phố. Ai đã từng kinh qua một lần mới cảm thấy thật sự bất an!

Tài xế thủ “hàng” trong xe!

Đó là “kinh nghiệm” trên đường của nhiều tài xế. “Hàng” được các tài xế chuẩn bị sẵn sau cốp xe, có thể là một ống tuýp sắt, cờ-lê, hoặc một khúc gỗ... “Nó được ngụy trang như là đồ nghề dùng khi xe bị hỏng, nhưng thật sự là vũ khí, để khi có chuyện là “chơi” luôn!”, anh H., một tài xế xe tải chở hàng đường dài nói thẳng.

Trên đường Nguyễn Chí Thanh (TP.HCM) vào giờ cao điểm, một thanh niên điều khiển xe gắn máy vượt đèn vàng quệt vào một chiếc taxi đang phóng nhanh. Vậy là người thanh niên này quẳng xe máy giữa đường đòi đập xe taxi. Tài xế taxi cũng chẳng vừa, bung cửa xe xuống, mở cốp xe sau lấy một khúc cây, tới hăm he quyết ăn thua đủ... Sau màn đấu “võ mồm”, người tài xế liền móc bộ đàm gọi cứu viện. Vài phút sau, 4 - 5 xe taxi khác cùng hãng đến chi viện. Thất thế, người thanh niên kia liền lên xe bỏ chạy.



Bài 6 : Trong mắt người đi đường

Chạy lấn tuyến Viện Nghiên cứu xã hội TP.HCM vừa hoàn tất đề tài “Xây dựng ý thức thị dân ở TP.HCM trong tiến trình phát triển đô thị văn minh, hiện đại”; trong đó đề cập khá chi tiết về ý thức của người tham gia lưu thông...

Quá trình thực hiện đề tài, nhóm nghiên cứu đã khảo sát khoảng 400 người tham gia lưu thông ở nhiều độ tuổi, khu vực, ngành nghề... Kết quả cho thấy, hạ tầng kỹ thuật TP.HCM đã quá tải so với dân số và hoạt động kinh tế, thể hiện ở vấn nạn ùn tắc và tai nạn giao thông. Bên cạnh đó, ý thức của người tham gia giao thông rất hạn chế.

Không thấy CSGT là... vi phạm

Hình ảnh phản cảm

Công an Hai phụ nữ mặc sắc phục công an đi trên một xe gắn máy không đội mũ bảo hiểm, che dù... vô tư đi giữa phố phường. Ảnh do bạn đọc Lê Minh chụp và gửi đến Báo Thanh Niên. Theo tác giả Lê Minh, anh chụp ảnh này trên địa bàn Q.Thủ Đức (TP.HCM) vào giữa tháng 10.2009.
Khi được hỏi “Vi phạm luật giao thông như vượt đèn đỏ, đi ngược chiều, chạy quá tốc độ do đâu?”, trong phần trả lời (1 người có thể nêu nhiều lý do), có 6 lý do chủ yếu dẫn đến các vi phạm luật được đưa ra: Không nhìn thấy công an canh gác (71,8%), làm theo người khác (55%), vì vội công việc (54,3%), vì không bị phạt (28%), luật không nghiêm (27,8%), không biết luật giao thông (23%), lý do khác (6,5%).

Đáng lưu ý, theo nhóm nghiên cứu, có đến 70% số trường hợp bị xử phạt do vi phạm luật giao thông rơi vào độ tuổi 20-30. Từ đó, nhóm nghiên cứu kết luận người có hiểu biết về luật giao thông nhưng vẫn cố tình vi phạm diễn ra khá phổ biến, nhất là đối với người trẻ tuổi.

Mặt khác, vi phạm luật giao thông ở tài xế taxi, xe buýt khá phổ biến, trong khi đây là nhóm người mà nghề nghiệp của họ buộc phải hiểu biết về luật giao thông. Qua phỏng vấn 30 tài xế taxi của các hãng “có thương hiệu” ở TP.HCM, thì có đến 25 người thú nhận từng vi phạm luật giao thông, như quay đầu xe, đi vào đường cấm... khi không thấy CSGT. Hậu quả sau đó là gây ra những vụ kẹt xe.

Nhóm nghiên cứu cũng đưa ra nhận định rằng, nhiều CSGT chỉ chăm chăm việc chặn bắt xe vi phạm, xử phạt hơn là hướng dẫn giao thông.

Hỏi 400 người cùng một câu “Vì sao có nạn kẹt xe ở TP.HCM”, thì có đến 62% cho rằng nguyên nhân chủ quan là do có nhiều người chen lấn, vi phạm luật giao thông. Khi được hỏi ý kiến về ứng xử khi kẹt xe, nhiều người trả lời là tìm mọi cách len lỏi khỏi nơi kẹt xe, đến khi tất cả đều bao vây lẫn nhau, dẫn tới tắc đường...

Tắc đường

Thực thi nghiêm pháp luật

Từ kết quả khảo sát trên, tiến sĩ Nguyễn Hữu Nguyên (Viện Nghiên cứu Phát triển TP.HCM), Chủ nhiệm đề tài trên, cho biết nhóm nghiên cứu đưa ra 3 nhóm biện pháp nhằm nâng cao ý thức người tham gia giao thông. Thực thi pháp luật nghiêm minh và chế tài là biện pháp ưu tiên. Nâng cấp hạ tầng kỹ thuật giao thông là biện pháp quan trọng thứ hai. Các biện pháp tuyên truyền, giáo dục đóng vai trò hỗ trợ, không thể thiếu.

Cụ thể, cần nâng cao chất lượng đạo đức, trách nhiệm, xây dựng “văn hóa xử phạt cho CSGT”; định mức xử phạt tương ứng với loại phương tiện, tính chất vi phạm và đối tượng vi phạm; nâng tỷ lệ diện tích dành cho giao thông là biện pháp cơ bản giải quyết nạn ách tắc giao thông, đồng thời là biện pháp quan trọng tạo cơ sở vật chất cho khả năng tự ý thức của người dân; tăng cường lắp đặt các thiết bị hiện đại để điều phối và kiểm soát hành vi giao thông; phân luồng các tuyến giao thông là cần thiết nhưng không nên lạm dụng; đưa chương trình “văn hóa giao thông đô thị” vào nhà trường; tuyên truyền giáo dục trên các phương tiện truyền thông đại chúng bằng nhiều hình thức; tuyên truyền giáo dục ở các tổ chức quần chúng...

Ngoài ra, để xây dựng ý thức giao tiếp văn minh nơi công cộng, nhóm nghiên cứu cho rằng cần phải lấy tuyên truyền vận động và nhắc nhở là chính. Việc này đòi hỏi tiến hành thường xuyên, lâu dài và có sự kiên trì, là một quá trình khó khăn, không thể nóng vội, vì tùy thuộc vào quá trình nâng cao dân trí. Không nên làm theo kiểu phát động từng phong trào, từng đợt ra quân, xuống đường... rồi qua phong trào, đợt ra quân thì đâu lại vào đó, vừa tốn kém vừa không đạt hiệu quả cao.

Tôi có ý kiến

Ai cũng biết luật, nhưng vẫn vi phạm

Đọc các bài viết, bao bức xúc bấy lâu nay dường như vỡ òa trong tôi. Người ta cứ đổ thừa cho đường hẹp, người đông rồi mạnh ai nấy tự ứng xử theo cách của mình, chẳng ai giống ai. Đường đã kẹt, nếu mọi người từ từ nhường nhau kẻ đi trước người đi sau thì mọi việc sẽ được giải quyết, ai cũng sẽ đến được nơi mình muốn không phải mệt mỏi, bực tức. Nhìn con đường nhỏ kẻ đi xéo người đi ngang, kẻ leo lề, xe lớn bấm còi inh ỏi, xe nhỏ đi ngược chiều... tôi thấy y như câu chuyện "hai con dê đi trên một chiếc cầu"... (Thanh Trúc - ttruc...@gmail.com)

Một người làm bậy rồi những người khác hùa theo một cách vô ý thức, và cứ thế văn hóa giao thông của chúng ta ngày càng tụt dốc một cách thảm hại. Dù sao thì cũng vẫn có người lưu thông đúng luật, nên mạo muội đề nghị quý vị hãy cùng tôi tiếp tục phát huy điều này. Chúng ta hãy giữ đúng luật lưu thông hết mức, như khi rẽ trái ở ngã tư hãy ra đúng phần đường của mình rồi hãy rẽ chứ đừng cúp ngang; hoặc cố chạy xe thẳng hàng (như xe hơi) để mọi người được thoải mái không bị căng thẳng do những xe khác đột ngột chen ngang. Chúng ta hãy cố thử! (Nguyễn Thị Hiếu - h_nguyen...@yahoo.com)

Tôi hoàn toàn nhất trí với loạt bài Bi hài "văn hóa giao thông". Các tác giả đã phân tích và chỉ ra những yếu kém trong hành xử của đại bộ phận những người tham gia giao thông. Tôi nói là đại bộ phận, vì nếu chỉ một số ít người tham gia giao thông có hành vi kém văn hóa thì trên đường phố của chúng ta làm gì có thể xảy ra những điểm tắc nghẽn giao thông kéo dài một vài tiếng đồng hồ?... “Văn hóa giao thông” tại thành phố của chúng ta đã đến hồi báo động, cần phải có những biện pháp chế tài mạnh mẽ, giáo dục thường xuyên để có thể vãn hồi trật tự giao thông công cộng. Một thành phố lớn, trung tâm công nghiệp, tài chính của cả nước không thể chấp nhận thêm, lâu hơn nữa những hành vi kém văn hóa. (Hồ Minh Ánh - anh...@pvoil.com.vn)

Bức xúc xe buýt, taxi chạy ẩu

Bài viết đã nói đúng suy nghĩ của tôi bấy lâu nay. Hằng ngày đi lại trên đường, tôi nhận thấy đúng là xe buýt và taxi là 2 loại xe chạy ẩu và ngang ngược nhất trên đường phố. Tôi không tin rằng chúng ta lại bó tay trước vấn đề này vì ai cũng nhìn thấy, ai cũng biết và ai cũng phẫn nộ. (Huy - thaihuy...@yahoo.com)

Cứ yêu cầu mấy ông quản lý xe buýt làm thường dân leo lên đi thử xe buýt vài ngày là mấy ông đó biết nỗi sợ của người dân liền hà. (Linh_12ly7@yahoo.com.vn)

Chuyện về xe buýt chạy ẩu, nhân viên phục vụ vô văn hóa là thường xuyên xảy ra. Các cơ quan chức năng nên hành động ngay. Theo tôi việc đầu tiên là nên chấn chỉnh ngay con người. Tại sao tài xế, nhân viên phục vụ lại có thể thiếu trách nhiệm và vô văn hóa đến vậy? Điều quan trọng là chưa có phương pháp tuyển chọn, đào tạo, đánh giá nhân viên. Tại sao không để cho khách hàng là người đi xe buýt đánh giá nhân viên. Tại sao chúng ta không hỏi cách làm của các nước xung quanh để chúng ta làm tốt hơn. “Văn hóa giao thông” theo tôi nghĩ phải bắt đầu từ xe buýt. (Trần Ngọc Cao – tranng...@gmail.com)

Cám ơn bài viết của Thanh Niên. Thực trạng xe buýt ở TP.HCM tôi thấy cứ như xe dù. Không coi sự an toàn của người dân và hành khách ra gì cả. Nguyên nhân dẫn đến kẹt xe càng ngày càng tăng như hiện nay cũng có phần “đóng góp” không nhỏ của xe buýt. Không biết các cơ quan chức năng không biết hay cố tình không biết mà để tình trạng này xảy ra hằng ngày? (Nguyen Quoc Tuan-nguyenquoctuan...@yahoo.com.vn)



Minh Nam - Lê Nga - Đàm Huy - Bảo Thiên – Hoàng Nguyên
Theo Thanh Niên Online

0 comments:

Post a Comment

domain, domain name, premium domain name for sales

Popular Posts