Vùng Tengboche ở Nepal |
Rặng Himalaya hùng vĩ cao chót vót hơn 7.200m, cao nhất là Everest - 8.000m, nằm trải dài trên vùng biên giới của Bhutan, Trung Quốc, Ấn Độ, Nepal và Pakistan. Khí hậu ở đây có ý nghĩa giống như cái tên của nó trong tiếng Phạn, “hima” nghĩa là “tuyết”, còn “alaya” là “nơi ở”.
Vùng đất lạnh lẽo và hoang sơ của phương Đông từ lâu được xem là nơi chốn thiêng liêng với huyền thoại về các bậc Đạo sư đắc đạo ẩn mình, gìn giữ sự minh triết của nhân loại hàng ngàn năm qua.
Cuộc hành trình lang thang tìm Chân Lý trong dãy Himalaya của một tu sĩ yoga sẽ mang đến cho người đọc những khoảnh khắc phiêu bồng vào chốn linh thiên bậc nhất thế giới này.
Himalaya, người mẹ của tôi
Tôi sinh ra và lớn lên trong một thung lũng nhỏ bé của dãy Himalaya và dành hơn bốn mươi năm lang thang trong các vùng hẻo lánh, leo lên những ngọn núi cao vài ngàn mét, đi qua những con sông băng buốt giá, hầu mong được hội ngộ cùng một vị thầy tâm linh sống đời ẩn dật. Nhiều lần trên những dặm đường khó khăn đó, tôi đói lã, bị thương, ngất đi và tỉnh lại… nhưng cái ý chí đi tìm Chân Lý vẫn như ngọn lửa lớn bùng cháy không hề tàn lụi.
Từ tấm bé, hình ảnh dãy Himalaya chạm khắc vào óc và sống trong tâm thức tôi như ký ức thân yêu về đấng sinh thành, như thể tôi đang nằm trong vòng tay của mẹ, được bà truyền cái rung động prana tình thương ngập thân thể. Tôi nhớ như in cảnh một vị đạo sư qua đường đã ban phép và trao cho tôi một mảnh giấy bhoja patrat viết dòng chữ “Hãy xem cái thế giới này quá bé nhỏ với con. Hãy bước đi trên con đường thánh đạo”.
Những rung động tình thương mà tôi nhận được từ nhà hiền triết y như những bông tuyết rơi xuống từ bầu trời xanh thẳm, tích tụ lại và trở thành những dòng sông băng rắn rõi, rồi băng dần tan chảy và trao lại những giọt nước ngọt trong lành cho suối nguồn biển cả. Khi tình yêu của Thượng Đế đã rót xuống linh hồn tôi và đông đặc, sự sợ hãi trong tiềm thức tan biến hoàn toàn, đôi chân tôi đã đi qua không biết cơ man nào là núi đồi mà không hề mảy may lo lắng.
Sandhya Bhasha, ngôn ngữ của muôn loài
Con đường dẫn vào dãy Himalaya chính là tình yêu dành cho cây cối, tình thương dành cho muôn thú, cho toàn bộ chúng sinh hiện diện ở cõi đời này. Điều đầu tiên các vị thầy dạy tôi chính là sự hiểu biết về thiên nhiên, lắng nghe từng thanh âm của nụ hoa đang trỗ bông trong hơi lạnh, nghe tiếng chim hót, thậm chí tiếng của những bụi gai, ngọn cỏ, khẻ chạm vào gió. Nếu ai không biết lắng nghe và nhìn thấy vẽ đẹp thiên nhiên, thì người đó không tìm được Chân Lý. Giống như cái Nghiệp Quả của đời người, những đớn đau và khổ lụy từng hành hạ ta sẽ tan biến như màn sương gặp ánh nắng Mặt Trời, một khi ta hiểu định luật mầu nhiệm của tạo hóa.
Toàn cảnh Himalaya |
Thiên nhiên cũng có ngôn ngữ, đó là “Sandhya Bhasha. Một số học giả hiện đại đã giải thích “Sandhya Bhasha” chính là “cái giao thời của ngôn ngữ nhân loại”, nhưng thực tế thì nó là sự giao thoa giữa chân ngôn thần chú và tiếng nói của loài người, loại ngôn ngữ chỉ được hiểu bởi số ít đạo sĩ, các nhà hiền triết và những cao đồ được điểm đạo.
Nếu giải thích đơn giản thì “Sandhya Bhasha” tương tự như tiếng Phạn, mỗi từ ngữ của nó là các âm thanh gốc của vạn vật thời khai sinh lập địa và chỉ hàm chứa nội dung về tâm linh. Như cái giao điểm của Mặt trời và Mặt trăng khi chuyển tiếp giữa ngày và đêm; của kênh năng lượng Ida (trái) và Pingala (phải), hợp nhất thành Sushumna nằm dọc theo sống lưng. Hễ khi kênh năng lượng Sushumna được khai thông, hành giả sẽ trò chuyện với vạn vật bằng thứ ngôn ngữ của Chư Thiên.
Như một người ngồi trầm lặng ngắm sự chuyển giao thời gian giữa bình minh và hoàng hôn, y có thể nhìn thấy cái quang cảnh thiên nhiên hiện ra và ẩn đi trong tầm mắt. Nếu là một nhà tâm linh thì y sẽ hiểu được vẽ đẹp kia là một phần của Thượng Đế, là thuộc tính của Chân lý. Như trong dãy Himalaya cao ngất này, bình minh (Usha) và hoàng hôn (Sandhya) không chỉ là hiện tượng của Trái đất quay quanh Mặt trời, mà nó còn hàm chứa một ý nghĩa tâm linh sâu sắc hơn.
Vẽ đẹp Himalaya
Hồi còn trai trẻ, tôi ngồi dưới chân núi Kailasa, uống dòng nước lạnh băng của hồ Manasarovar, bữa ăn là các loại rau củ mọc trong vùng Gangotri và Kedarnath. Cái cảm giác sống cô độc trong các hang động hoang vu thật là dễ chịu. Khi ánh bình minh ló dạng, tôi trở ra khỏi hang dò đường, vẽ bản đồ lối đi và trở về trước khi trời tối. Cuộc hành trình tìm đạo này đã cho tôi cái đặc ân ngắm nhìn sự thay đổi hàng ngày của Himalaya, đến nỗi tôi mường tượng rằng tâm thức của tôi và mẹ đang có cùng sự rung động.
Từng khoảnh khắc thời gian sáng, trưa, chiều, tối, ở Himalaya đều có vẽ đẹp riêng mà không có bút mực nào tả nỗi. Các ngọn núi thay đổi màu sắc hằng giờ mỗi khi ánh sáng Mặt trời soi rọi ở chiều hướng khác nhau, bàng bạc vào buổi sáng, vàng chói vào buổi trưa và rực đỏ trong chiều tối. Tôi hân hoan và tin tưởng mẹ thay đổi xiêm y để làm hài lòng một đứa trẻ như tôi… và trong đầu tôi có đủ ngôn từ để miêu tả vẽ đẹp đó nhưng lại không muốn thốt ra ngoài “đầu môi chót lưỡi”, tôi chỉ muốn thể hiện điều đó bằng ngôn ngữ của trái tim.
Vùng Tengboche ở Nepal |
Kalidasa, nhà thơ Phạn ngữ vĩ đại, người được mệnh danh là Shakespeare của phương Đông, từng ngẫu hứng với nhiều bài miêu tã về cảnh đẹp ở Himalaya và ca ngợi những bậc thánh nhân sống đời ẩn dật. Trường ca Rãmayana và Mahäbhamata thì viết về cuộc hành hương của các vị Thánh đến vùng núi xa xôi này. Ngay cả các nhà thơ hiện đại của Ấn Độ như Prasad và Ickbal cũng không thể cưỡng lại vẽ đẹp huyền bí thâm sâu của Himalaya.
Những loài hoa trên núi tuyết
Sau ngày 15 tháng 9, Himalaya bắt đầu có tuyết rơi. Tôi trèo lên những đỉnh núi gần đó, hát ngêu ngao bài chân ngôn về Đức Mẹ, trong đầu tôi không còn chút tư tưởng nào bận tâm về cuộc sống cá nhân nhưng ý thức về Thượng Đế thì luôn tồn tại. Thời gian đó, nhiều cảm giác lạ lùng về tâm lý đã diễn ra trong óc tôi… Tôi có ngỡ mình có địa vị như một gã hoàng đế nhưng không có chút áp lực về ngai vàng và vương miện; tôi phiêu bồng với ý nghĩ không có sự ràng buộc thế nhân nào có thể mang đến cho tôi sự an lạc bằng mối liên hệ hài hòa với thiên nhiên.
Thung lũng hoa ở sườn phía Đông Himalaya |
Trên những đỉnh núi Himalaya, nhiều loại hoa mọc dọc theo thung lũng phủ màu tuyết trắng, nếu nhìn từ xa trông giống như chiếc bình hoa pha lê của người mộ đạo dâng cúng dường đến các đấng thiêng liêng. Hoa loa kèn nở rộ sau khi mùa đông kết thúc và đôi khi trước cả đợt tuyết đầu tiên rơi xuống; hoa lan trỗ bông đẹp và kéo dài hơn hai tháng rưỡi; sen tuyết là vua của loài hoa ở Himalayan hưng rất hiếm gặp.
Ngồi trên đỉnh núi cao, tôi thấy những dòng sông, suối tuyết uốn lượn và trãi dài như mái tóc, nghe những âm thanh róc rách… nghĩ tới những con nước tuôn ra từ suối nguồn, chảy ra sông, hòa mình cùng đại dương mênh mông, hệt như vòng tiến hóa của thiên nhiên không khi nào dừng lại.
Trong những đêm Trăng, tôi ngồi trên phiến đá nhìn bầu trời đêm lung linh với những bầu tinh tú, ngắm ánh sáng chị Hằng rãi dài xuống thung lũng cát, xem ngọn đèn lấp lóa từ mấy ngôi nhà trong các buôn làng xa xôi dưới chân núi. Phía đằng xa, sương mù giăng giăng trên bề mặt sông Hằng như tấm chăng bông kéo phủ lên mình con rắn Naga đang ngáy ngủ.
Ở đây có vài con sông nhận nước từ hồ Manasarovar dưới chân núi Kailasa, nhưng chỉ có duy nhất sông Hằng bắt nguồn từ dãy Himalaya. Nước của các con sông băng ở Gangotri được xem có chứa nhiều vi lượng mang ích lợi cho sức khỏe và dinh dưỡng. Những cư dân sống dọc sông Hằng hiếm khi nào mắc bệnh ngoài da, nhiều gia đình Hindu lúc nào cũng thủ sẵn chai nước, chuẩn bị cho người sắp tàn hơi kiệt sức uống ngụm cuối cùng trước khi trở về thế giới bên kia.
Nước sông Hằng khi được cho vào chai vẫn không biến đổi tính chất, vi khuẩn không thể tồn tại trong đó. Thời gian trước đây, những thủy thủ viễn dương mang theo nước sông Hằng để uống trong chuyến hải trình dài từ Calcutta đến London vẫn không làm nó suy giảm vi chất, còn nước mang đi từ sông Thames lại phải thay đổi giữa chừng.
Các thành phần vi lượng và khoáng chất độc đáo của sông Hằng đã được nhiều nhà khoa học phân tích và giải thích. Tiến sĩ Jagdish Chandra Bose, nhà nghiên cứu nổi tiếng Ấn Độ, khẳng định “Có vẽ như không có nước của con sông nào trên thế giống như ở đây. Vi chất của nó có khả năng chữa khỏi nhiều bệnh tật”.
Đi xuống cuối nguồn, ở các vùng đồng bằng, sông Hằng bị hòa lẫn với nguồn nước ô nhiễm và giảm đi giá trị. Người ta ném xác người chết xuống sông và tin rằng linh hồn thân nhân của họ sẽ thăng lên được cõi Trời. Cá nhân tôi không chấp nhận cách làm bẩn nguồn nước, sau đó thì uống vào nó rồi cho đó là nước thánh. Thầy tôi dạy, dù có tắm nước sông Hằng bằng cách gì đi nữa, tội lỗi của Nghiệp Báo không thể nào rữa trôi đi được, một niềm tin như vậy chỉ là mê tính dị đoan và không có cơ sở. Chỉ khi nào người ta thực hiện hành vi trong tâm thức Vô Ngã, y sẽ không còn lo bị Nghiệp ràng buộc.
Những con người thánh thiện ở Himalaya
Các con sông nhận nguồn nước từ dãy Himalaya đã bồi đắp cho nhiều vùng đất Ấn Độ trở nên trù phú với nền nông nghiệp nuôi sống hơn 600 triệu người. Báo chí nói dãy Himalaya có nền kinh tế ảm đạm, không nhiều mỏ khoáng sản lớn, không tiềm lực phát triển để doanh nghiệp dám bỏ vốn liếng đầu tư. Tôi lại không đồng ý với nhận định này, Himalaya là vùng núi thiêng liêng, giá trị tinh thần của nó mang lại là lớn lao hơn tiền bạc. Dân Himalaya cũng không muốn có sự thay đổi nào trên đất đai của họ, càng có nhiều người kéo đến thì sự yên tĩnh sẽ bị phá vỡ: “Hãy để chúng tôi đơn lẽ ở đây mà không cần khai phá. Chỉ cần nghĩ đến chúng tôi là được rồi”.
Dân ở các làng như Punjab, Kumayun… sinh sống bằng cách trồng lúa mạch, lúa mì và cây nhũ hương; nuôi trâu bò, cừu, ngựa và dê. Đời sống vật chất tuy nghèo nàn nhưng không thấy ai cãi nhau, không có trộm cướp, nhà không cần cửa nẻo. Nhiều khách hàng hương đánh rơi ví trên đường, hàng tuần sau trở về vẫn thấy nó nằm đó mà không có một ai chạm vào. Họ không biết thế nào là thù ghét, không muốn đi xuống vùng đồng bằng nhiều chộn rộn.
Một người dân sống ở Himalaya |
Người ta sống trong xã hội được coi là văn minh nhưng đó là thứ văn hóa gò ép và đầy giả tạo. Họ sống cho mình, không muốn làm việc vì người khác và điều này đã cắt đứt mối liên hệ của họ với thiên nhiên và Chân Lý. Khi khách hành hương xa lạ bước chân đếnHimalaya, điều đầu tiên những người dân nghèo khó này sẽ hỏi bạn là “Thức ăn có đủ dùng không? Có chổ ngủ qua đêm chưa?”
Dân sống ở vùng núi Garhwal và Kumayun có bề dày văn hóa và sẵn lòng hiếu khách. Họ có nền nghệ thuật độc đáo với cách sử dụng màu sắc có một không hai. Sự chăm lo giáo dục của các cộng đồng miền núi có thể nói là tốt hơn so với các vùng khác của Ấn Độ. Các già làng là những nhà chiêm tinh và pháp sư có tài năng gây ngạc nhiên cho du khách. Tất cả đều có cuộc sống giản đơn, gần gũi thiên nhiên với những căn nhà gỗ, mặc quần áo bằng loại vải mình tự dệt lấy. Thanh niên và thiếu nữ nhảy múa trong những điệu hát dân gian, trong tiếng nhạc thanh trầm của sáo tre; họ cầu nguyện tập thể bằng những câu thần chú được gìn giữ xuyên suốt hàng ngàn năm qua. Những đứa trẻ thì hồn nhiên trong chò trơi khúc côn cầu và đá bóng rơm; với chúng lòng tôn kính cha mẹ và các bậc trưởng thượng là quy tắc đầu tiên phải tuân thủ để trở thành người chân chính.
Ở Himalaya hầu hết cây cối mọc ở độ cao hàng ngàn mét, các cây sồi, thông, linh sam… mang đến nhiều ích lợi cho người dân. Võ cây bhoja patra được dùng làm giấy ghi lại các kinh nghiệm đời sống, duy trì nền văn hóa cổ xưa. Các buôn làng từ khu Kashmir cho đến Punjab, Nepal và Sikkim đều biết sử dụng thảo dược để duy trì sức khỏe, tuổi thọ của họ thường trên 100 và hiếm khi xảy ra bệnh tật.
Cộng đồng người Hunza ở vùng núi Pakistan có thói quen ăn thịt nhưng phần lớn người Hamsa ở Ấn Độ thì trường trai suốt cả cuộc đời.
Vài nơi trong các ngọn núi, người dân thờ phượng thần Shakti và có từ một đến hai ngôi đền nhỏ để cầu nguyện. Vùng đất này là nơi các đạo sĩ có gốc gác từ khắp mọi nơi trên đất nước Ấn Độ (và thế giới), tìm đến để thiền định trong các hang động, dưới tán cây lớn hoặc tự cất một mái nhà tranh nho nhỏ ven đường. Dân làng rất mến mộ những hành giả này, họ sẵn lòng cung cấp thức ăn hoặc bất cứ thứ gì mình có một cách tự nguyện.
Tháng Bảy là lúc có thời tiết tốt để khách du lịch đổ xô tới đây. Tuyết và các con sông băng dần tan chảy, tạo ra dòng những dòng thác lớn trên khắp vùng cao nguyên Himalaya. Tuy có đôi chút nguy hiểm tiềm ẩn như lở tuyết, sụp tuyết hay các con sông có nguồn chảy siết… nhưng nó không đủ ngăn cản khách bộ hành tìm đến với lòng khát khao chạm mặt vào dãy núi hùng vĩ và linh thiên bậc nhất hành tinh.
Hàng ngàn năm trước đây, những hành giả mộ đạo từ Trung Quốc và Tây Tạng hành hương qua cửa ngõ Himalaya, tiếp cận tàng kinh cát của Phật giáo Ấn Độ, chuyển ngữ lời dạy của Đức Phật và lời giảng của các môn đệ sang chữ viết của dân tộc mình. Bánh xe Đại Thừa Phật giáo cũng đã lăn bánh từ Himalaya sang Tây Tạng, rồi Trung Quốc và Nhật Bản, xiển dương cho nền Phật giáo Đông Á hưng thịnh đến ngày nay.
(Trích quyển “Living With Himalayan Masters” của Đạo sư Swami Rama)
Theo: dobatnhi.wordpress.com
0 comments:
Post a Comment