Tối qua, vừa về đến nhà, ông bạn đồng nghiệp ở tỉnh gọi điện bảo mình xem chương trình nhạc Trịnh 10 năm sau khi về với đất. Thực lòng mà nói, vợ chồng mình trái ngược nhau về thưởng thức nhạc Trịnh theo thời gian. Khi còn trẻ mình thích nhiều bài hát của Trịnh, bà xã thì lại không thích. Nhưng khi xế chiều, mình lại chỉ còn thích có vài bài của Trịnh, trong khi đó bà xã lại thích nhiều bài. Khi trẻ mình thích Trịnh với các ca sĩ nghiệp dư hát với giọng họng, đặc chủng cho từng ca sĩ, bà xã lại chê. Nhưng bây giờ, bà ấy lại thích các ca sĩ nghiệp dư hát Trịnh, còn mình thì mình lại thấy, hát như Anh Bằng hát đêm qua bản Sóng về đâu lại mới mẻ và hay hơn các ca sĩ nghiệp dư. Tiếc rằng để tìm một clip trên mạng cách thể hiện của Anh Bằng cho Sóng về đâu thì không có. Vì theo như Anh Bằng nói: "Đây là lần đầu tiên được hát trọn một bài của chú Trịnh Công Sơn".
Đêm qua, trong nhiều cuộc phỏng vấn trực tiếp, ca sĩ có, nhạc sĩ có. Nhưng cuộc phỏng vấn với nhạc sĩ Hồng Đăng là có ý tưởng. Khi ông trả lời tại vì sao tất cả mọi người Việt từ thường dân đến tầng lớp thượng lưu lại thích nhạc Trịnh? Ông trả lời: "Mọi người thích nhạc Trịnh, vì trong con người của Trịnh hội tụ 3 con người, nhạc sĩ thì không cần phải bàn; nhà thơ, lời nhạc Trịnh là thơ; và họa sĩ ai cũng biết tranh của Trịnh."
Mình thì mình nghĩ khác cho câu hỏi trên. Phải nhìn ở góc lịch sử và văn hóa mới thấy hết tại sao không chỉ người Việt mà hầu như cả thế giới, bất kỳ ai có tìm hiểu và biết ngôn ngữ Việt cũng đều thích nhạc Trịnh.
Ở góc lịch sử, con người Trịnh là hiện thân cho thế hệ sống trong cảnh đồng bào tương tàn nhau vì những điều không tưởng mà người ta tưởng rằng là lý tưởng. Từ đó, tất cả tư tưởng trong nhạc Trịnh chỉ nói về một chủ đề - thân phận con người - mà bất kỳ ai trên trái đất này đều cũng có thể chiêm nghiệm được. Một triết lý nhân bản cho nhân sinh quan trong cuộc sống.
Nếu không có lịch sử nồi da nấu thịt, thì sẽ không có Trịnh, và không có nhạc Trịnh. Không có những bản nhạc như: Ngụ ngôn mùa Đông, như Đại bác ru đêm, như Hát trên những xác người, như Gia tài của Mẹ, như Huế Sài Gòn Hà Nội và cuối cùng là Nối vòng tay lớn, etc... những bản nhạc mà phản ảnh trực diện có tính phản chiến tương tàn. Những bản nhạc mà một thời cả hai bên chiến tuyến đều thích và không thích nó hiện diện.
Ngụ ngôn mùa Đông - nữ hoàng chân đất Khánh Ly một thời,cặp bài trùng Trịnh Công Sơn Khánh Ly như bổ khuyết cho nhau để có danh như hôm nay. Nhạc phản chiến của Trịnh một thời mà các quan ở hai chiến tuyến không ưa, nhưng dân thì thích
Ở góc độ văn hóa, người ta bảo rằng: người Âu lo cho tương lai xa; người Mỹ lo cho hiện tại; và người Á hay ngoái đầu nhìn lại quá khứ để nghĩ và hành động cho đời. Với một chủ đề thân phận con người, đi với ca từ có tính triết học và thơ, trong những giai điệu ê a, u buồn như điệu kệ trong kinh nhà Phật. Trịnh đã làm cho nhạc của mình đi vào lòng người không chỉ bằng nhạc, mà bằng thơ, bằng nhân sinh quan đại chúng và bằng cội nguồn của văn hóa phương Đông.
Không có một tâm hồn phương Đông thuần túy sẽ không có nhạc Trịnh, và không có những Con mắt còn lại khi Trịnh bắt gặp mình và mọi người trong thơ Bùi Giáng. Sẽ không có Để gió cuốn đi, không có Cát bụi, không có Một cõi đi về và cuối cùng là Như một lời chia tay. Những bản nhạc mà khi con người ta đạt đến nhìn thấy nghề không phải là nghề, mà là nghiệp. Khi người ta thấy đời là quán trọ, mà ta là khách bộ hành, ghé qua, làm cái gì đó, mà đến bây giờ, ta mới biết, để rồi ta lại phải về chốn cũ - nơi mà ở đó - hết muộn phiền, day dứt, âu lo, ta tịnh mà không còn động.
Với sự hiểu biết của tôi thì, đỉnh cao của âm nhạc là làm sao nhạc đó phải đi vào trái tim của con người. Không cứ gì phải dòng nhạc bác học, hay nhạc bình dân. Âm nhạc thuộc về văn hóa, nghệ thuật và tư tưởng của con người. Nhạc nào đi được vào cái chung của con người thì nhạc ấy sống và trường tồn. Nhạc Trịnh làm được tất cả những điều này với cả chân, thiện và mỹ.
Trịnh mượn nhạc để tải lời, mượn lời để tải ý tưởng. Nên nhạc Trịnh về học thật rất đơn điệu, lặp đi, lặp lại các giai điệu buồn. Ngôn từ Trịnh trong nhạc bị ảnh hưởng bởi 3 trường phái: triết lý Phật học, hiện sinh học và hiện tượng học. Nên lời Trịnh có khi người nghe không thấy nghĩa. Nhưng gộp lại là triết lý về một kiếp nhân sinh. Nên nghe nhạc Trịnh là nghe ý tưởng, nghe lại cuộc đời mình, nhìn lại thân phận của con người. Mà không nghe bằng cảm hứng âm nhạc như các thể loại nhạc khác.
Trịnh mượn nhạc để tải lời, mượn lời để tải ý tưởng. Nên nhạc Trịnh về học thật rất đơn điệu, lặp đi, lặp lại các giai điệu buồn. Ngôn từ Trịnh trong nhạc bị ảnh hưởng bởi 3 trường phái: triết lý Phật học, hiện sinh học và hiện tượng học. Nên lời Trịnh có khi người nghe không thấy nghĩa. Nhưng gộp lại là triết lý về một kiếp nhân sinh. Nên nghe nhạc Trịnh là nghe ý tưởng, nghe lại cuộc đời mình, nhìn lại thân phận của con người. Mà không nghe bằng cảm hứng âm nhạc như các thể loại nhạc khác.
Cho đến giờ này, với tôi, tôi chỉ còn thích một số bài của Trịnh. Có lẽ vì, đã đến lúc. Cái lúc mà ở con người, cái phần con đã bị lấn át bởi phần Người. Cũng dễ hiểu thôi, tất cả đều là Cát Bụi, và con người ta sinh ra đời này chủ yếu là để hoàn thiện mình, trong sự tự hoàn thiện ấy thì, hết một nửa thời gian cũng chỉ để giải quyết chuyện hợp tan. Nên không có gì day dứt khi phải nói với ai đó - người thân, bạn bè, cuộc đời tươi đẹp - Như một lời chia tay.
Như một lời chia tay - Hồng Nhung và Quang Dũng. Một sáng tác có thể xem là cuối cùng của Trịnh khi ông ở vào giai đoạn cuối của xơ gan và tiểu đường ở Bệnh Viện Chợ Rẫy, như một lời chia tay gửi lại với đời trước khi về với đất.
Hồ Hải
Nguồn: Blogbshohai
Nguồn: Blogbshohai
0 comments:
Post a Comment