Kênh Tên Miền chuyên cung cấp tên miền đẹp, giá rẻ! Hãy liên hệ kỹ thuật: 0914205579 - Kinh doanh: 0912191357 để được tư vấn, hướng dẫn miễn phí, Cảm ơn quý khách đã ủng hộ trong thời gian qua!
kiem tien, kiem tien online, kiem tien truc tuyen, kiem tien tren mang
Sunday, July 10, 2011

Cô Lin là một hòn đảo nhỏ thuộc quần đảo Trường  Sa của Việt Nam, tuy là đảo nhỏ so với so với các đảo khác nhưng nằm ở vị trí chiến lược, đảo Cô Lin được coi như "mắt thần” của biển.

Nằm ở vị trí quan trọng, nhiều năm trước, ra Cô Lin người ta thấy thiếu thốn cam go đủ bề. Nhưng với sự quan tâm và đầu tư cũng như vượt lên khó khăn của người lính, để khẳng định chủ quyền biển, vị thế dân tộc Việt Nam trên biển, nay Cô Lin hiện ra bề thế, vững chãi trước biển. Là nơi bà con đi biển gửi gắm niềm tin, tìm đến neo đậu tránh trú bão, lấy thêm nước ngọt và lương thực cho mình.


Hoài niệm Cô Lin

Trên chuyến tàu ra đảo, thăm các chiến sỹ và tận mắt chứng kiến cuộc sống ngày một đổi thay của các đảo nằm trong quần đảo Trường Sa, Nhà báo Nguyễn Trọng Thiết, đang công tác ở Báo Hải Quân, người luôn được mệnh danh là "sói biển” của giới báo chí đã dành cho tôi nhiều ưu ái. Vì là "người của biển”, lại thêm cái nghề làm báo, tính đến nay anh là nhà báo duy nhất đã ra công tác nhiều nhất trên hầu hết các đảo thuộc quần đảo Trường Sa. Từ thời gian khó nhất cho đến những ngày vinh quang nhất, đầy đủ nhất như ngày nay qua lời kể của anh.
.

< 13 giờ ngày 15-5-1988, tại tọa độ 112 độ 52 phút kinh đông - 8 độ 46 phút vĩ bắc, 2 tàu chiến TQ (Trong đó có một tàu mang số hiệu 677) xâm phạm và ngăn cản các tàu của Việt Nam đang hoạt động bình thường.

Hiểu biết của tôi về các đảo hình thành và tỏ tường dần qua những tối hai anh em ngồi cạn đêm trên boong tàu. Ấy là những tấm gương, sự hy sinh cao cả của những người lính, thế hệ đàn anh đã không tiếc máu xương ra với các đảo từ ngày các đảo này còn bộn bề khó khăn và thiếu thốn. Với lính hải quân, những ngày ấy, ra với đảo ai cũng biết khó khăn, có thể một đi không trở về vì bão gió, vì những sự bất ổn trên biển. Nhưng lạ thế, không một ai từ chối cả. Cứ có lệnh, ai nấy vui vẻ lên đường. Vì họ biết, sự ra đi của họ là góp sức cho sự vững chắc của chủ quyền trên biển. Và đồng nghĩa như vậy là sự bình yên của đất liền, tôn vinh thêm sức mạnh và tinh thần Việt.

Trong các câu chuyện anh kể về đảo, ấn tượng nhất với tôi là cuộc "hải chiến năm 1988” đã xảy ra tại đây. Biết Cô Lin có vị trí quan trọng, dù vẫn biết đảo này là của dân Việt, đất Việt nhưng "người ta” vẫn cố tình định đoạt nó. Vì ngày ấy cơ sở vật chất của đảo Cô Lin chưa được đầu tư, đảo chưa kiên cố và nổi hẳn lên mặt nước như bây giờ. Vào lúc triều cường, anh em trên đảo vẫn phải lội biển ngang bụng mà giữ đảo. Lợi dụng lúc ta khó khăn lại cậy sự "lớn mạnh” của mình, "người ta” đã ngang nhiên đưa tầu ra khiêu chiến. Với văn hóa Việt, những người lính chúng ta ngày ấy đã bình tĩnh giải thích và tôn trọng họ, ngay cả những lúc họ ngang ngược nhất.

Thế rồi không dừng ở đấy, những "tàu lạ” kia đã lấn tới. Đảo và chủ quyền đảo của đất Việt lâm nguy. Nhận được chỉ đạo từ trên, không nề hà, những người lính của chúng ta đã có hành vi cao cả là "cho tàu ủi bãi”. Chính nhờ sự mưu trí và dũng cảm này, bên cạnh đau thương và mất mát, chúng ta đã làm chủ và giữ được đảo. Giữ bình yên và nguyên vẹn "con mắt thần” này cho đến ngày hôm nay.

Cũng theo anh Thiết, ngày những người lính hải quân của ta cho "tàu ủi bãi” - một cách bảo vệ đảo hết sức táo bạo và không ngờ tới này cũng như các năm tiếp theo - Cô Lin còn khó khăn lắm. Đảo chưa được xây cất hiện đại, mọi thứ đều không chủ động được. Rau thiếu, lương thực thiếu đến nước ngọt cũng thiếu. Vậy nên ca khúc "mưa, chúng tôi cần mưa” luôn là nỗi khát khao của các chiến sỹ và các đoàn công tác ra Cô Lin thời gian ấy.

Xanh thắm "mắt thần”

Những ngày gian khó, những đau thương thầm lặng ngày nào ở Cô Lin đã nhanh chóng lùi vào quá khứ. Ngày nay nhiều người chỉ còn hình dung và biết được qua những lời kể. Cách đảo Sinh Tồn 9 hải lý, đảo Len Đao 7 hải lý và cách đảo Gạc Ma 4 hải lý, đảo Cô Lin là một đảo nằm trên một quần thể san hô khá rộng. Lướt trên những rặng san hô, chúng tôi nhẹ nhàng tiếp cận đảo, nước biển trong vắt, nhìn thấy cả những đàn cá tung tăng bơi lội.

< Đảo Cô Lin - tháng 5/1988.

Đảo trưởng, Thượng úy Hoàng Thanh Sơn cùng anh em trên đảo chỉnh tề quân phục đứng đón những đoàn khách từ đất liền ra thăm. Trên khuôn mặt dạn dầy gió biển và mặn mòi vị muối của các anh, chúng tôi "đã đọc” được những niềm vui và sự an tâm của các anh về một cuộc sống ngày một hiện đại hóa ở đây. Sóng điện thoại, điện thắp sáng bằng các nguồn năng lượng sạch cùng sóng ti vi đã ngày một đưa các anh "về gần” với đất liền hơn.

Từ một đảo chìm, bằng sự gia cố và đầu tư, hiện nay Cô Lin đã "ngoi lên” mặt nước và trở thành một trong những đảo kiên cố. Đảo có thể chịu sóng gió tới bất kỳ cấp độ nào và sẵn sàng có thể ứng chiến về quân sự ở mức độ quyết liệt nhất. Cũng như các đảo khác, nước và rau xanh luôn là chủ đề muôn thuở và là thách đố của biển cả với con người mỗi khi họ có ý định ra đây sinh sống với nó. Nhưng nay, bằng việc đầu tư hệ thống bể chứa và trữ nước mưa và nước do các tầu vận tải chở ra nên Cô Lin đã hoàn toàn chủ động về nguồn nước. Nếu biển cả "trở mình”, không có nguồn cung ứng nước cơ học và có thể không có mưa trong thời gian dài thì hệ thống bể chứa ở đây vẫn có thể đáp ứng nước sinh hoạt cho anh em.


< Và Cô Lin ngày nay (2011).

Cái quan trọng, bằng sự tự thân vận động, sự cần cù chịu khó nên ngoài thời gian phải làm nghĩa vụ trong ngày của một người lính, anh em trên đảo Cô Lin đã dành quỹ thời gian của mình để cải tạo, đem lại mầu xanh cho đảo. Ngoài cây cảnh, thì mướt mát và thích thú nhất ở đây vẫn là mầu xanh của những vườn rau do những người lính tự trồng và chăm sóc nấy. Tôi quả quyết, nếu nhìn thấy những loại rau mà các chiến sỹ đã trồng bằng các loại đất được các tầu dày công chở ra từ đất liền trên các khay nhựa đặc chủng, bất kỳ một phụ nữ nào cũng phải thấy "chạnh lòng” trước sự khéo léo của lính đảo Cô Lin. Và ai trong họ cũng ước ao mình có những đôi bàn tay khéo léo như vậy.

Từ một đảo luôn luôn ngóng trông và phụ thuộc vào các loại thực phẩm được chở ra từ đất liền thì nay các chiến sỹ trên đảo Cô Lin đã chủ động được rất nhiều thứ. Nhìn bảng khẩu phần ăn trong ngày, trong tuần, trong tháng chúng tôi rất yên tâm về sức khỏe của lính nơi đây. Đại diện anh em, Đảo trưởng Hoàng Thanh Sơn vui vẻ cho biết: "Bằng sự tự tăng gia sản xuất của mình, tổng năm 2010 và hết quý 1 năm 2011, anh em ở đảo đã "làm thêm” được 865kg rau xanh, đánh bắt được 402kg cá các loại, chăn nuôi được 60kg thịt các loại...

Tổng số tiền làm ra này đã đem lại nguồn thu trên 21 triệu đồng để chi ăn thường xuyên và mua sắm vật chất cho anh em”. Có ra Cô Lin, trước khó khăn về thời tiết, bốn phía là biển chúng ta mới thấy nguồn thu này nó quý hiếm đến mức nào. Và con số này đã khẳng định thêm sự chắt chiu, cần cù, bám biển, bám sóng đến quên mình của anh em lính trên đảo.

Từ một đảo vốn dĩ phụ thuộc vào đất liền, nay với sự nắm tay chiu chắt, chiến đấu, lao động không mệt mỏi mà Cô Lin đã trở thành điểm tìm đến neo đậu của nhiều ngư dân Việt Nam. Ngoài việc tạo thu, tạo chi, nay Cô Lin đã có điều kiện quay lại giúp đỡ ngư dân, đền đáp cho đất liền phần nào.

Tổng kết trong thời gian qua, Đảo đã cung ứng cho ngư dân đến 2.000m3 nước ngọt. Bên cạnh nước ngọt, Đảo cũng là nơi tìm đến của của hơn 200 lượt tầu thuyền và là chỗ neo đậu cho nhiều bà con ngư dân ra đây khai thác thủy hải sản bằng các loại tầu thuyền như: tầu câu, tầu xiên lặn và tầu đánh lưới.

Ngoài vị trí "mắt thần”, ngoài nơi tìm đến neo đậu tránh trú bão của bà con, đảo Cô Lin còn đang được mệnh danh là Trạm y tế tiền phương trên biển. Với sự chủ động, ngoài việc khám chữa bệnh cho cán bộ, chiến sỹ, Đảo còn tạo điều kiện chữa trị bệnh cho 13 lượt bà con ngư dân, nhập đón và đưa bà con rời đảo đúng quy định, an toàn.

Cô Lin một thời ngày xưa để nhớ và Cô Lin xứng tầm là con "mắt thần” trước biển như ngày nay. Ấy là những ghi nhận, những nỗi nhớ mà chúng tôi có được trong hành trình đến và chia tay cùng các chiến sỹ ở đảo này!

Theo Du lịch, GO!, báo Đại đoàn kết, QĐND

0 comments:

Post a Comment

domain, domain name, premium domain name for sales

Popular Posts