Tôi, cái tôi, cái của tôi. Con người không thể sở hữu thực sự những cái đó. Con người thực sự không có toàn quyền định đoạt những cái đó.
1
Vào thời của Đức Phật, và cả thời của Long Thụ Bồ tát (sự xuất hiện của Bồ tát được xem như là lần chuyển pháp luân thứ hai của Phật giáo), nhân loại lúc đó và nhân loại ngày nay rất khác nhau. Khác nhau ở nhiều phương diện. Khác biệt lớn nhất là hiểu biết về Khoa học, hiểu biết về Tự nhiên và hiểu biết về Con người. Thời đó nhân loại chưa có những tri thức khoa học cơ bản để mô tả cấu trúc vật chất, vũ trụ; để mô tả về con người và để mô tả những quy luật của Tự nhiên...
Vào thời điểm đó, ở Hy lạp, nhân loại mới chỉ biết những khái niệm cơ bản của toán học cổ đại, của hình học phẳng, của số học. Mới chỉ biết tới những những đường thẳng, những góc và hình tam giác, hình tròn; qua những đóng góp tri thức của Thales. Thales thành Miletos (khoảng 624 TCN – khoảng 546 TCN), là một triết gia, một nhà toán học. Ông cũng được xem là triết gia đầu tiên của nền triết học Hy Lạp cổ đại, và được xem là cha đẻ của khoa học. Ông đã tìm ra định luật mang tên ông về những đường thẳng song song. Học trò xuất xắc nhất của ông là Pythagoras. Pythagoras (sinh khoảng 580 đến 572 TCN, mất khoảng năm 500 đến 490 TCN) cũng là một triết gia, một nhà khoa học, một nhà toán học, được xem là cha đẻ của số học. Ông đã chứng minh được rằng tổng 3 góc của một tam giác bằng 180°; đó là định lý mang tên ông, định lý Pythagoras. Mấy trăm năm sau, Euclid (khoảng 330-275 TCN) người được mệnh danh cha đẻ của hình học; mới sắp xếp tất cả các tri thức đã có trước, thành bộ sách Cơ sở, đặt nền móng cho môn hình học cũng như toàn bộ toán học cổ đại. Qua hai điểm vẽ được một đường thẳng, đó là tiên đề 5 nổi tiếng của hình học phẳng Euclid, trong nhóm tiên đề ông đã đưa ra...
Vào thời điểm đó, ở Trung quốc, Khổng tử (551 – 479 TCN) một nhà tư tưởng, nhà triết học xã hội nổi tiếng người Trung Hoa, đã viết Thập Dực để chú giải Kinh Dịch. Kinh Dịch một triết học cổ của người Trung Quốc, giải thích vũ trụ bằng khái niệm Âm Dương và Ngũ hành. Vào thời điểm đó hệ thống tri thức của nhân loại còn rất hoang sơ.
Trong một lần đi với các tăng chúng trong rừng, cầm một nắm lá trong tay, Đức Phật đã nói với các vị đệ tử, “Lá trong rừng hay lá trong nắm tay ta nhiều hơn?” Các đệ tử của Ngài thưa: "Bạch Đức Thế Tôn, lá trong rừng phải là nhiều hơn lá trong tay Thế Tôn.” Đức Phật tiếp: “Đúng thế. Những điều ta giảng cho các ông, so với những gì ta biết, cũng giống như nắm lá trong tay ta và lá trong rừng." Đấy là cách truyền Pháp của Ngài. Đấy là Thiện xảo. Tuỳ theo sự hiểu biết và tri thức của thời đại, Ngài đã giảng theo cách mà Ngài đã giảng. Ngài đã giảng theo tri thức của nhân loại lúc bấy giờ, theo ngôn ngữ của thời đại đó. Chắc rằng, Ngài chưa thể giảng hết tất cả những điều Ngài đã biết. Đã nhiều lần Ngài đã yên lặng, khi được hỏi về sự vô cùng của Vũ trụ, khi được hỏi về Linh hồn... Phải chăng ngôn ngữ của nhân loại và tri thức của thời đại (vào thời điểm đó) bất lực để hiểu những điều như vậy?
Vào thời đó, khi giảng về Thế giới vật chất; về Con người; về các Quy luật Tự nhiên, quy luật Vũ trụ, quy luật phát triển của con người; Ngài đã mô tả bằng những công cụ đơn giản nhất và khái quát nhất. Với Thế giới vật chất, gọi là Sắc, được cấu tạo từ bốn thành phần, đó là: Đất, Nước, Gió và Lửa (Bốn đại). Với Con người có thân xác và Tâm thức. Thân xác con người, phần vật chất này cũng là Sắc. Sắc này về hình thức có năm dạng thể hiện, đó là: màu sắc, thanh âm, mùi hương, vị và tiếp xúc. Con người cảm nhận về Thế giới vật chất, tương ứng qua năm giác quan, đó là mắt, tai, mũi, lưỡi và cơ thể. Tư tưởng và Tâm thức cùng với năm hình thức của vật chất và năm giác quan, gọi chung là sáu căn, sáu thức. Quá trình vận hành Tâm thức con người, được Ngài mô tả bằng bốn thành phần, đó là: Thọ, Tưởng, Hành và Thức. Bốn cái này cùng với Sắc gọi là Năm uẩn để mô tả toàn bộ con người, gồm cả thân xác và Tâm thức. Thọ uẩn chỉ nhóm cảm giác. Tưởng uẩn chỉ nhóm tư duy. Hành uẩn chỉ nhóm ý chí. Thức uẩn chỉ nhóm trí giác. Sắc, Tâm hoà hợp tạo nên con người, nên gọi là thân năm uẩn. Quy luật của Tự nhiên, quy luật của vũ trụ, quy luật phát triển của con người, gọi là Pháp. Mô tả các quy luật này, Ngài đưa ra giáo lý Ba Pháp Ấn, là: Vô thường, Vô ngã và Khổ. Dạy về sự Khổ của cuộc đời con người, Ngài giảng về Bốn Diệu đế, đó là: khổ, tập, diệt và đạo. Mô tả quy luật hình thành, phát triển, lụi tàn, rồi chuyển hoá, của con người, Ngài đưa ra giáo lý Mười hai Nhân duyên, Duyên khởi Nghiệp quả,... Tất cả, tất cả mọi thứ, bao gồm: Thế giới vật chất, Con người (thân xác và Tâm thức) và Quy luật Tự nhiên, quy luật vũ trụ, quy luật phát triển của con người (gọi là Pháp), Ngài biết, và Ngài đã thiện xảo giảng cho chúng sinh, cho nhân loại theo ngôn ngữ của loài người, theo tri thức của thời đại (khi đó).
Trong hệ thống các giáo lý của Phật giáo, Ba Pháp ấn là nguyên lý cơ bản nhất. Vô ngã là điều duy nhất chỉ có trong giáo lý của Phật giáo, đó cũng là một trong những điều tuyệt vời nhất của trí tuệ nhân loại. Hãy cùng tìm hiểu nguyên lý này theo ngôn ngữ hiện đại, theo tri thức của chúng ta.
Vô ngã của Thế giới vật chất, Vô ngã của các quy luật Tự nhiên, quy luật Vũ trụ xin hẹn một dịp khác cùng tìm hiểu. Tại đây xin được cùng tìm hiểu về Vô ngã của con người, thông qua tìm hiểu về Ngã, thông qua tìm hiểu về những thuộc tính của cái Tôi.
2
Trong Kinh Culasaccaka của Trung Bộ, có ghi lại cuộc tranh luận nổi tiếng giữa Ðức Phật và du sĩ ngoại đạo Saccaka. Chủ đề của cuộc tranh luận là giáo lý Vô ngã của Phật giáo. Cơ sở lý luận của Saccaka đưa ra là: mọi loại hạt giống hay thực vật sinh ra và phát triển đều phụ thuộc vào đất; cũng thế đối với con người bất cứ hành động gì dù thiện hay bất thiện mà phạm phải, đều hoàn toàn tùy thuộc vào năm uẩn. Năm uẩn tạo nên con người. Năm uẩn cấu thành cái ngã của con người. Đức Phật đã từ tốn hỏi Saccaka rằng: Có phải vua xứ Kosala hay Magadha có sức mạnh hay quyền lực đối với nhân dân của mình không? Ông ta có thể tuyên án tử hình đối với kẻ đáng tử hình, trục xuất các phần tử đáng trục xuất không? Saccaka chấp nhận rằng quả thật như thế. Đức Phật đã tiếp tục hỏi ông ta rằng: Khi ông khẳng định năm uẩn chính là ông, hẳn ông đã có thẩm quyền đối với chúng? Hẳn ông có thể kiểm soát được chúng, để ông có thể nói rằng: Hãy để cho năm uẩn của tôi là như thế này, hãy để năm uẩn của tôi không phải là như thế này? Saccaka đã không thể có một câu trả lời thỏa đáng. Buồn bã chấp nhận rằng ông ta đã hiểu sai vấn đề này.
Tôi, cái tôi, cái của tôi. Con người không thể sở hữu thực sự những cái đó. Con người thực sự không có toàn quyền định đoạt những cái đó.
Bệnh tật là một quy luật tất yếu trong đời sống con người. Không một ai, sinh ra rồi chết đi mà không hề mắc bệnh. Nhân loại đã dành rất nhiều công sức, thời gian và tiền của cho việc nghiên cứu về bệnh và chữa bệnh. Công sức đổ vào, thời gian đổ vào và tiền của đổ vào; đổ vào các trường Đại học, đổ vào các viện nghiên cứu, đổ vào bệnh viện, đổ vào các Tổ chức y tế; nhưng bệnh tật của loài người ngày một phức tạp hơn. Các loại siêu vi trùng ngày một mạnh mẽ hơn. Các phát minh về kháng sinh mới, càng làm cho siêu vi trùng biến hoá hơn và quyền năng hơn. Cùng với những loại siêu vi trùng mới là những loại bệnh mới nảy sinh; nảy sinh từ sự tiến bộ và phát triển văn minh của loài người. Cuộc chiến giữa nhân loại cùng khoa học y tế với bệnh tật là chưa bao giờ dừng và cũng không bao giờ kết thúc. Sức khỏe và bệnh tật là cái mà con người không có toàn quyền định đoạt.
Lịch sử nhân loại đã chứng kiến nhiều cuộc hành trình, nhiều thử nghiệm của cái gọi là khoa học về đời sống trường sinh; tất cả đều thất bại. Đó sản phẩm của sự cuồng tín ngu ngốc. Tham đắm, si mê đã làm nảy sinh giấc mơ cuồng tín ngu ngốc này. Không phải chỉ người Trung Quốc luyện đan, tìm thuốc trường sinh bất tử. Mà lịch sử của Ai cập, Hy Lạp, Ấn Độ cũng cho thấy con người ở đó cũng u mê, vô minh đắm chìm trong giấc mơ đó. Điều khôi hài là ở chỗ, luyện đan tìm thuốc trường sinh bất tử và luyện kim tìm vàng là cùng một cơ sở của cái gọi là thuật Giả Kim. Thuật ngu ngốc này tin rằng có thể chuyển hoá chất này thành một chất khác, bằng nhiệt. Và tất cả các thuật luyện đan đó đều dùng một chất cơ bản, rất đặc biệt và rất độc, đó là Thuỷ Ngân. Dường như cái vô minh đó có sự thật diễu cợt ẩn sau đó. Cái bắt đầu, cái nguồn gốc của gấc mơ cuồng tín ngu ngốc đó là tham đắm, là si mê. Cho nên luyện đan trường sinh bất tử và luyện kim tìm vàng, là đều đi tìm cái sung sướng, nên cùng một cơ sở của cái gọi là thuật Giả Kim là phải; cùng ẩn chứa một chất ĐỘC trong đó là Thuỷ Ngân cũng là điều đương nhiên. Thật đáng tiếc, Nhân loại đã không nhận ra sự diễu cợt này. Đến như Lý Thế Dân, vị hoàng đế lỗi lạc của triều đại cường thịnh Đại Đường, Trung Quốc, người mà theo truyền thuyết là anh em kết nghĩa với Thày Đường Huyền Trang; cũng đã chết do ngộ độc Kim đan. Làm sao đời sống con người có thể trường tồn được. Con người thường hằng thì quy luật Tự nhiên sẽ bị phá vỡ. Tuổi thọ và cái chết là cái mà con người không có toàn quyền định đoạt.
Con người không thể làm chủ được sức khỏe, không thể làm chủ được tuổi thọ cũng như không thể làm chủ được vận mệnh của mình. Như một Gāius Jūlius Caesar (khoảng 100-44 TCN) lãnh tụ quân sự chính trị của La Mã, một trong những người có ảnh hưởng lớn nhất trong lịch sử thế giới. Ông đóng một vai trò then chốt trong sự chuyển đổi từ một Cộng hòa La Mã thành một Đế chế La Mã. Một đế chế bao gồm cả Pháp, Bắc Ý, Bỉ, Tây Thụy Sĩ,... ngày nay. Một đế chế tiếp cận tới cả Đại Tây dương. Một đế chế vươn đến cả xứ Britannia (55 TCN) nơi là nước Anh ngày nay. Vậy mà đâu có thể làm chủ được vận mệnh của mình. Viện nguyên lão và phe phái quý tộc La Mã thuờng xuyên xem Caesar như một đối thủ để tranh dành uy tín và quyền lực. Cuộc nội chiến với nhiều binh biến và sự kiện đã xảy ra là vì nguyên nhân này. Rồi một lần, ông bị kiết lỵ, đã không thể đứng dậy, để chào các vị Nguyên lão, khi bắt đầu một cuộc họp. Giọt nước đã làm tràn ly. Ngày 15 tháng 3 năm 44 TCN, tại Nhà hát Pompey, khi đến để nghe đơn thỉnh cầu, yêu cầu ông giao trả quyền lực cho Viện Nguyên Lão. Caesar đã bị sát hại tại đó. Sống trong tranh đấu và chết vì sự tranh giành. Chấm dứt một cuộc đời huy hoàng, chấm dứt một cuộc đời luôn tranh đấu, chấm dứt một cuộc đời nhiều mưu lược; chấm dứt một cuộc đời tràn đầy Vinh quang nhưng thiếu Phúc lạc; chấm dứt một cuộc đời không thể làm chủ vận mệnh của mình, khi mà cuộc đời đó luôn làm chủ các cuộc chiến. Hay một Thành Cát Tư Hãn, người đã lập lên Đế quốc Mông Cổ. Một đế quốc có diện tích rộng gấp nhiều lần Đế chế La Mã của Caesar; bao gồm Trung Quốc, Nhật Bản, Triều Tiên, Tây Tạng, một phần lớn Châu Âu, nước Nga và phần lớn các quốc gia của thế giới Hồi giáo ở Iraq, Ba Tư và Tiểu Á. Nhưng ông luôn là người sống trong giận dữ. Giận dữ đi chinh phục. Giận dữ khi chưa chinh phục xong. Cả cuộc đời giận dữ trên lưng ngựa. Ngày 18 tháng 8 năm 1227, ông đã từ dã cuộc đời chinh chiến và giận dữ của mình trên lưng ngựa, trước đúng một ngày khi chiếm đoạt toàn bộ nước Tây Hạ. Khi đó ông 65 tuổi. Đó là hai trong số những cuộc đời có nhiều hiển hách, nhiều huy hoàng, nhiều quyền lực; là cuộc đời nhiều mưu lược, nhiều toan tính, nhiều giận dữ. Đó cũng là những cuộc đời ít phúc lạc nhất và cũng ít nhất quyền lực đối với vận mệnh của mình, ít quyền lực nhất đối với những cảm xúc của mình. Nhiều quyền lực, nhưng họ không thể có an bình, không thể có nhiều yêu thương. Họ không thể buông bỏ khi thấy cần được buông bỏ. Vận mệnh và những cảm xúc là những cái mà ngay cả những con người quyền lực đó cũng không có toàn quyền định đoạt.
Cái mà Đức Phật đã từ tốn dẫn giải, cũng chính là cái mà Saccaka phải khuất phục. Là nếu có ngã (thực sự) thì con người phải có toàn quyền kiểm soát nó; buộc nó phải vận hành theo ý của con người. Nó phải thuộc sự sở hữu của con người. Con người phải có quyền lực trọn vẹn với nó. Con người sẽ không còn bệnh tật. Con người sẽ không còn Khổ. Con người sẽ trường tồn. Tôi phải là cái thuộc về của Tôi. Vận mệnh của chính bản thân tôi phải thuộc về tôi. Những cảm xúc phúc lạc phải thuộc về tôi. Nhưng rõ ràng điều đó là không tưởng. Bệnh tật, sự già nua và cái chết đe dọa thân xác, đe doạ con người. Con người không thể trường tồn được. Sinh, lão, bệnh, tử và Khổ là quy luật của tự nhiên đối với con người. Thiên tai, mất cân bằng về sinh thái, rồi chiến tranh... đang là những sản phẩm do chính con người tạo ra; đang đe dọa con người. Nhân loại đã không thể làm chủ được vận mệnh của mình. Mỗi con người không thể có quyền sở hữu được cái Tôi của mình.
Con người không thể sở hữu được cái Ngã của mình. Cái Ngã không thuộc quyền sở hữu của con người. Đây là chiều thứ nhất của Ngã. Đấy cũng là chiều thứ nhất của Vô Ngã.
3
Con người không làm chủ sở hữu được cái Ngã, vì cũng như mọi vật và sự vật, con người là Vô thường, cái Ngã là Vô thường. Vô thường, hay sự biến đổi là quy luật của cuộc sống. Không có vô thường, không có sự sống và không thể có sự phát triển. Hạt thóc giống thường tại, sẽ không bao giờ trở thành cây lúa, không bao giờ trổ bông, không cho ra những hạt gạo trắng ngần. Sự vật không vô thường thì lịch sử tiến hóa của nhân loại sẽ không phát triển; nền văn minh nhân loại mãi mãi ở thời kỳ đồ đá. Giáo lý vô thường là niềm tin cho sự nỗ lực sáng tạo và phát triển của con người. Vô thường là đặc tính thực của sự sống.
Chư hành vô thường là tất cả các sự vật không có gì hiện hữu trong một hình thái cố định, tất cả các sự vật đều luôn luôn biến đổi. Các sự vật không tự nhiên sinh ra, không tự nhiên mất đi (Vô thuỷ, Vô chung); mà luôn vận động, biến đổi từ hình thái này sang hình thái khác. Tất cả sự vật đều hình thành, phát triển, suy thoái và triệt tiêu; triệt tiêu để chuyển hoá sang một giai đoạn mới, một trạng thái mới. Vô thường là đặc tính thực của sự vật.
Cái Tôi của con người cũng đang biến đổi, cũng Vô thường. Cái tôi ngày hôm nay, khác với cái tôi trước đây hai chục năm trước và sẽ khác với cái tôi hai chục năm sau này. Những tư tưởng, những tình cảm, những suy nghĩ, những thói quen và cả trí tuệ là không bao giờ đứng yên, nó phải biến đổi, nó phải phát triển. Đến cả cỏ cây cũng phát triển, cũng thay đổi. Một cái cây đang xanh tươi, người ta xây một bức tường cạnh nó, nó sẽ vươn ra hướng khác để đón ánh mặt trời. Làm sao mà con người không biến đổi được. Một con người không biến đổi là con người chết. Nhưng sẽ có biến đổi tích cực và có biến đổi tiêu cực. Biến đổi tích cực là phát triển. Biến đổi tiêu cực là phá hủy.
Sự biến đổi thông thường của cái tôi, là sự chuyển biến từ cái tôi sinh lý (vật lý), qua cái tôi tâm lý và tới cái tôi tâm linh. Đó là sự biến đổi tích cực hay là sự biến đổi tiêu cực? Đó là biến đổi phát triển hay là biến đổi phá huỷ? Lẽ thông thường thì dường như là tích cực, đó là phát triển. Tư duy logic là vậy. Nhưng Tôn giáo là phi logic. Tôn giáo có chiều sâu riêng. Theo chiều sâu này, tư duy logic khoa học nhiều khi là ngược chiều!
Cái tôi sinh lý, hay còn gọi là cái tôi vật lý, là cái mà những định kiến xã hội, những luật lệ Quốc gia, những tư tưởng Tôn giáo,... thường giáo dục và áp đặt cho con người phải kiềm chế nó. Đói thì thèm ăn, sinh lực tràn đầy thì thèm dục, tức tối sân hận thì thích bạo hành,... Tất cả những cái đó, định kiến xã hội, luật lệ Quốc gia, tư tưởng Tôn giáo,... không ủng hộ và phần nhiều ngăn cấm. Ngăn cấm để xã hội ổn định theo chiều hướng làm cho xã hội, cho Quốc gia và cho Tôn giáo được tốt hơn. Đầu và tới giữa Thế kỷ trước, các bậc phụ huynh thường vẫn dạy cho con cái mình những nguyên tắc như: "khoan ăn, chậm uống, chớ vội nằm; song ba điều ấy thì làm nên thân". Kiềm chế, kiềm chế và kiềm chế. Kiếm chế để trở thành người có Văn hoá hơn. Kiềm chế để trở thành người thành công hơn. Kiềm chế để leo được lên bậc thang danh vọng cao hơn. Nguyên tắc này, thực sự thấm đậm màu sắc đạo Khổng. Đạo Khổng dạy người ta thành công, theo nguyên tắc: " Tu thân, tề gia, trị quốc, bình thiên hạ". Đạo Khổng hướng con người ra ngoài, không hướng con người vào trong. Chính vì điều này, cá nhân chúng tôi cho rằng đạo Khổng không có tính Tôn giáo.
Kiềm chế cái tôi sinh lý, theo con đường đó; theo con đường của định kiến xã hội, của luật lệ Quốc gia, của tư tưởng Tôn giáo,... đã chuyển đổi sang cái tôi tâm lý. Nhưng dường như cái tôi này lại lớn hơn, mạnh mẽ hơn cái tôi sinh lý. Bởi vì nó phức tạp hơn, đa dạng hơn; nó không còn đơn giản và dễ nhận biết như cái tôi sinh lý. Nó nảy sinh nhiều ràng buộc, nó tồn tại nhiều mối quan hệ. Từ bỏ được cái tôi này sẽ khó khăn hơn. Vì con người thành công thế, con người đã nỗ lực vất vả để đạt được thành công, con người đã phải làm rất nhiều thứ: học hỏi, xây dựng các mối quan hệ, tạo nên nhiều ân oán,... làm sao mà dễ dàng từ bỏ được. Rồi nó còn ăn sâu vào bản thể vào tâm trí của con người, sau rất nhiều lần tái lập những áp đặt. Tâm trí mạnh lên, đó là điều nguy hiểm nhất. Tâm trí càng mạnh lên, Tâm thức càng bị che mờ.
Cái tôi tâm lý, (nhiều và rất nhiều khi) nó vươn lên tầm Dân tộc, vươn lên tầm Quốc gia. Trong Tác phẩm, Chiếc Lexus và cây Ô liu, Thomas L.Friemdman có kể một câu chuyện về việc thử hạt nhân ở Ấn Độ hồi cuối những năm 1990. Mùa Xuân năm 1998, Đảng Dân tộc chủ nghĩa Bharatiya Janata vừa đắc cử, đã quyết định cưỡng lại ý muốn của toàn thế giới và nối lại cuộc thử nghiệm Vũ khí hạt nhân. Friemdman đến Ấn Độ ngay sau cuộc thử nghiệm diễn ra. Ông đã trò chuyện với rất nhiều người, đủ mọi tầng lớp xã hội. Ông đã cố để để gặp được những người Ấn có quan điểm; mà ông cho rằng, họ sẽ coi thử nghiệm là một hành động ngu ngốc, không tăng cường được an ninh, mà còn làm cho Ấn Độ bị trừng phạt. Nhưng không tìm được ai bộc lộ quan điểm đó. Ngay cả những chính khách người Ấn, những người đã lên án việc thử nghiệm là hành vi hiếu chiến rẻ tiền của chính phủ Hindu theo đường lối Dân tộc chủ nghĩa, cũng không bộc lộ cảm giác đó. Họ nói thử nghiệm là phương thức duy nhất để Ấn Độ đạt được những gì họ muốn từ phía Mỹ và Trung Quốc: sự Kính nể! Thế rồi, Friemdman vẫn cứ nỗ lực tìm kiếm. Ông đã đến Dasna, một ngôi làng ở phía Bắc New Delhi, để tìm hiểu thêm. Đây là một làng nghèo nhất của Ấn Độ. Không thấy ai đi giày. Người nào người nấy da bọc xương. Trên đường phố, lượng trâu bò và xe đạp chiếm đa số, hơn là xe hơi. Nhưng người dân ở đây rất thích thú với màn trình diễn hạt nhân của chính phủ. Một tri thức sống ở làng đã phát biểu: "Cuộc thử nghiệm liên quan tới lòng tự trọng, mà lòng tự trọng lại quan trọng hơn đường xá, điện và nước. Nói cho cùng chúng tôi đã làm gì? Nổ một quả bom. Cũng như bắn một phát súng lên trời. Chả hại ai cả". Đó chính là cái tôi tâm lý Ấn Độ! Đương nhiên sẽ có cả cái tôi tâm lý Nga, cái tôi tâm lý Mỹ, cái tôi tâm lý Trung Quốc,... và cái tôi tâm lý Việt Nam. Chính những cái tôi này là nguyên nhân của xung đột, nguyên nhân của bất ổn, nguyên nhân của khủng khoảng.
Cái tôi tâm linh có vẻ cao hơn. Những kẻ khủng bố tự sát, chúng không thuộc loại này, chúng là cuồng tín, chúng là điên rồ. Chúng không có cái tôi tâm linh, cũng không có cái tôi tâm lý, chúng không có khái niệm về cái tôi...
Trong nhiều Tôn giáo, có bố thí, có cúng dường,... khi con người hiểu sai nó, thì đó cũng chưa phải là cái tôi tâm linh. Tại sao phải bố thí, tại sao phải cúng dường? Phải chăng bố thí, phải chăng cúng dường là cái cách mà nhiều người gọi là tu Phúc. Con người bố thí, con người cúng dường thì con người sẽ nhiều Phúc hơn; con người hy vọng sẽ có bản Lý lịch tốt hơn khi vào Thế giới bên kia; và ngay trong cuộc sống này con người hy vọng đạt nhiều thành công hơn. Người ta bố thí, người ta cúng dường, rồi người ta ghi lại dấu ấn công đức của mình. Không, tất cả những cái đó là tính toán. Cái tôi tâm lý đã được làm mạnh lên. Con người không thể đạt được Phúc lạc từ những toán tính như vậy. Chỉ cần Tình Yêu là đủ. Con người tràn đầy Tình Yêu, con người tự nhiên chia sẻ. Con người tràn đầy Tình Yêu thì Từ bi nở hoa. Chia sẻ cho người khác con người thấy Phúc lạc ngay trong sự chia sẻ đó. Và bố thí cúng dường để được nhiều Phúc vẫn chưa phải cái tôi tâm linh, nó vẫn chỉ là cái tôi tâm lý.
Cái tôi tâm linh dường như cao siêu hơn thế rất nhiều. Có những bậc Đại sư, cốt cách trang nghiêm, tu tập một đời nỗ lực, cái tham cái sân cái si dường như đã thoát bỏ, uy tín rất cao,... và rồi Đại sư đó thiết lập lên một Tông phái mới. Đại sư đó thiết lập nhiều đạo tràng để phát triển Tông phái do mình lập ra. Đại sư đó thu được nhiều môn đồ. Đại sư đó đã hoằng dương đạo pháp! Nhưng ơ kìa. Tại sao phải lập ra Tông phái mới, tại sao phải đặt tên cho Tông phái mới, tại sao phải đưa ra một số pháp mới chả khác gì pháp cũ, với tên mới được đặt?... Tại sao phải làm thế? Lòng Từ bi không phải như vậy. Tính Không và Vô ngã không phải như vậy. Đại sư đó đã làm như vậy, để thấy rằng ta đã làm như vậy! Và Tông phái đó là Tông phái của Tôi. Đó chính là cái tôi tâm linh. Nó cao siêu lắm. Nó càng cao siêu thì nó càng mạnh mẽ, nó càng thâm trầm. Nó cao siêu như vậy, nó thâm trầm như vậy thì làm sao mà dễ buông bỏ được? Đạo Phật trên thế giới có chín chục ngàn Tông phái, đáng nhẽ phải có chín chục ngàn vị Phật rồi. Nhiều, nhiều và rất nhiều người trong số họ, không thể thành Phật phải chăng vì cái tôi tâm linh cao siêu này.
Câu chuyện về Thày Huệ Năng là một câu chuyện hay cho những cái tôi. Thày là Tổ sư đời thứ sáu của phái Thiền tông Trung Quốc. Thày là tác giả của tác phẩm chữ Hán duy nhất được gọi là Kinh, một danh từ thường chỉ được dùng chỉ những lời nói, bài dạy của chính Đức Phật, đó là Lục tổ đại sư pháp bảo đàn kinh, một tác phẩm với ý nghĩa rất sâu xa về thiền. Thày họ Lô, sinh trong một gia đình nghèo, cha mất sớm, lớn lên giúp mẹ bằng cách bán củi. Thày không biết chữ. Một hôm, trong lúc bán củi, nghe người ta tụng kinh Kim cương, Thày bỗng nhiên giác ngộ. Nghe người đọc kinh nhắc đến Đại sư Hoằng Nhẫn, Thày liền tìm học. Đại sư Hoằng Nhẫn (Tổ sư đời thứ năm) nhận ra ngay căn cơ của Thày, nhưng không truyền pháp ngay, bắt chẻ củi, vo gạo. Năm tháng qua đi. Đến lúc Đại sư Hoằng Nhẫn biết phải tìm người kế thừa. Đại sư yêu cầu học trò mỗi người viết kệ trình bày kinh nghiệm giác ngộ. Cuối cùng chỉ có Thày Thần Tú, một đệ tử với tri thức xuất sắc mới dám làm. Thày Thần Tú viết bài kệ, so sánh thân người như cây Bồ đề và tâm như tấm gương sáng. Người tu hành phải lo lau chùi, giữ tấm gương luôn luôn được trong sáng. Thày Huệ Năng đang làm việc trong bếp, nghe lỏm được bài kệ. Thấy không hợp ý mình, Thày liền nhờ người viết bài kệ của mình như sau:
Bồ-đề vốn chẳng cây,
gương sáng cũng chẳng phải là đài
Xưa nay không một vật,
nơi nào dính bụi trần?
Nghe bài kệ, Đại sư Hoằng Nhẫn biết căn cơ của Thày vượt hẳn Thần Tú, nhưng sợ di hại nên nửa đêm gọi vào thất và thuyết trọn kinh Kim cương. Đến câu "Đừng để tâm vướng víu nơi nào" Thày thoát nhiên đại ngộ. Tổ đời thứ năm truyền y bát cho Thày và khuyên đi về phương Nam. Khi tiễn Thày xuống thuyền, Tổ muốn tự chèo đưa sang sông, Thày bèn nói: "khi mê thầy độ, ngộ rồi tự độ" và tự chèo qua sông. Có phải chăng, Đại sư Huệ Năng, vì không biết chữ, ít va chạm, chỉ có cái tôi sinh lý trong bản thể của mình; không có cái tôi tâm lý mà cũng chả có cái tôi tâm linh cao siêu, nên Đại sư đã dễ dàng Đại ngộ? Sự Đại ngộ của Thày không phải là phát triển đơn giản, phát triển tuần tự. Đó là bước nhảy!
Biến đổi, phát triển, bước nhảy đó là chiều thứ hai của Ngã và Vô Ngã.
4
Tìm hiểu chiều thứ ba, qua các câu chuyện về Vô ngã, như sau.
Hoạ sỹ sỹ người Hà Lan, Vincent Willem van Gogh (1853 - 1890), một danh hoạ thuộc trường phái hậu ấn tượng. Nhiều bức tranh của ông nằm trong số những tác phẩm nổi tiếng nhất, được yêu thích nhất và cũng đắt nhất trên thế giới. Ông là nghệ sĩ tiên phong của trường phái Biểu hiện và có ảnh hưởng rất lớn tới mỹ thuật hiện đại, đặc biệt là các họa sĩ thuộc trường phái Dã thú (Fauvism) như Henri Matisse và các họa sĩ thuộc trường phải Biểu hiện Đức thuộc nhóm Die Brücke. Chủ nghĩa Biểu hiện trừu tượng trong nghệ thuật thập niên 1950 cũng bắt nguồn từ việc phát triển các ý tưởng sáng tác của Van Gogh. Năm 2004, trong Danh sách những người Hà Lan vĩ đại nhất trong lịch sử (De Grootste Nederlander) do đài KRO tổ chức, Vincent van Gogh được xếp thứ 10 và là nghệ sĩ có thứ hạng cao thứ 2 trong danh sách. Di sản ông để lại là một kho tàng những bức tranh có giá hàng trăm triệu đô la Mỹ, như: Chân dung Bác sĩ Gachet, Chân dung tự hoạ, Hoa diên vĩ, Chân dung một phụ nữ trước cánh đồng lúa mì,... Nhưng tất cả vinh quang và sự giàu có đó, chỉ tới sau khi hoạ sỹ đã chết. Còn cuộc đời của ông, là cuộc đời của thiếu thốn, của đói rách và của bệnh tật. Có một chút may mắn, là ông còn có người em trai là Theo, một Tình anh em, một Tình bạn cao cả. Theo thường xuyên gửi tiền giúp đỡ ông. Nhưng ông có rất ít tiền và ăn uống đạm bạc, ông dành phần lớn số tiền Theo gửi cho để mua vật liệu sáng tác và trả tiền cho người mẫu. Tất cả đều dành cho vẽ tranh. Bánh mỳ, cà phê và thuốc lá là những thứ ông dùng thường xuyên. Tháng 2 năm 1886, Van Gogh viết thư cho Theo kể lại chuyện ông nhớ mình được ăn thịt nóng lần cuối là từ tháng 5 năm trước đó... Cuối cùng ông đã chấm dứt cuộc sống trong bệnh tật và túng thiếu. Trong cuộc đời Van Gogh, có hai hành vi giống như sự từ chối giàu có. Lần thứ nhất, ông từ bỏ nghề buôn tranh, vì không thể coi tranh là hàng hoá. Lần thứ hai, ông khước từ vẽ tranh theo phong cách của trường phái Ấn tượng, với những màu sắc vui tươi, đang được ưa chuộng thời bấy giờ. Chính hai sự khước từ này, mà tranh của ông sáng giá tới mãi ngày nay. Nhưng cũng chính sự khước từ đó mà ông đã thiếu thốn, đã đói rách và đã bị bệnh tật hành hạ. Hành vi đấy là gì? Tình yêu với nghệ thuật. Chính Tình yêu lớn lao này, đã làm thiếu vắng Cái tôi khi ông vẽ tranh. Ông đã bỏ quên cái thiếu thốn, cái đói rách, cái bệnh tật khi ông vẽ tranh. Ông đã đắm chìm, ông đã hoà mình vào trong cây cọ và tấm toan. Ông chỉ còn biết người mẫu, khung cảnh, chủ đề và phong cách nghệ thuật mà ông theo đuổi. Nếu nghe theo xu hướng thời thượng, những màu sắc tươi sáng và phong cách Ấn tượng, thì đó không phải là ông đã vẽ tranh, có thể đó là ông đã hành nghề hội hoạ, đã kiếm tiền. Và không thể có những tuyệt tác cho đến ngày hôm nay. Bản ngã có thể sẽ giúp ông không thiếu thốn, không đói rách và không bệnh tật. Vô ngã đã mang đến Di sản cho ngày hôm nay.
Chuyện thứ hai, về thi sỹ Lý Bạch (701- 762). Lý Bạch nhà thơ danh tiếng nhất thời thịnh Đường nói riêng và Trung Hoa nói chung, được hậu bối tôn làm Thi Tiên. Vậy mà có lần, đến Hán Dương, Vũ Hán, lên lầu Hoàng Hạc uống rượu và ngắm cảnh. Thi Đàn thịnh Đường dường như nín thở để chờ đợi thơ Tiên. Các thi sỹ từ cổ tới kim thường đến đây để ngắm cảnh, uống rượu và đề thơ. Ấy vậy mà, thấy bài thơ của Thôi Hiệu, ông đành cầm bút viết: "Trước mắt có cảnh đẹp, nhưng không nói ra lời, vì đã có Thôi Hiệu đề thơ ở trên đầu". Kẻ sỹ trân trọng tài năng của nhau, có đấy. Nhưng trước đó vài chục năm, tại đây, Thôi Hiệu cũng đã xúc động trước cảnh sông nước bao la, khói mây mịt mùng, hoàng hôn mờ ảo, đã viết lên bài thơ bất hủ Hoàng Hạc lâu; Thôi Hiệu đã đánh mất Cái Tôi khi làm bài thơ này. Lý Bạch viết lời trân trọng Thôi Hiệu, không làm được bài thơ nào, vì Cái Tôi của Lý Bạch và Cái Tôi của Thôi Hiệu đang sừng sững có đó. Vô ngã cho nhân loại bài thơ bất hủ. Bản ngã có làm cho kẻ sỹ trân trọng nhau, nhưng bản ngã không làm được thơ! Bản Ngã đã làm mất đi Tình Yêu của nhà thơ với cái đẹp. Bản Ngã đã giết chết Tình Yêu. Xin hãy đừng để Bản Ngã giết chết Tình Yêu.
Trong Nghệ thuật: âm nhạc, thơ ca, văn chương, hội hoạ, điêu khắc và điện ảnh,... nghệ sỹ sáng tác được là khi và chỉ khi đã đắm mình vào trong nghệ thuật, buông bỏ được tâm trí, buông bỏ những tính toán, buông bỏ những mục tiêu, buông bỏ bản ngã. Quên mình, tác phẩm và bản thể hoà nhập vào nhau. Đó là sáng tác. Sáng tác không làm vì mục tiêu, không vì đồng tiền, không vì nổi danh, không vì vị trí đứng đầu,... Tất cả những cái ngu xuẩn đó không có đó. Tất cả chỉ vì Tình Yêu. Khát khao yêu, thì Tình Yêu sẽ tràn đầy. Tình Yêu tràn đầy không còn chỗ cho những mục tiêu, không còn chỗ cho những toan tính, không có chỗ cho vị trí đứng đầu, không có chỗ cho cái tôi. Chỉ còn duy nhất Tình Yêu. Không còn phân chia. Tình Yêu đi vào trong im lặng. Bản thể trở thành trong suốt. Cái tồn tại tuôn trào qua đó. Tình Yêu hoà nhập vào cái tồn tại. Tinh hoa kết tụ, Tác phẩm kết tinh. Tình Yêu đưa tới Vô Ngã và Di sản thế giới hình thành.
Trong kinh doanh, chưa đạt tới Vô Ngã, nhưng chính Tình Yêu đã đem tới thành công lớn lao của Bill Gates, và tập đoàn Microsoft. IT, ngành công nghệ thông tin, những phát triển của nó đã làm nền tảng thúc đẩy sự phát triển của nhân loại trên bình diện vật chất: toàn thế giới đi vào nền kinh tế thông tin và tri thức, xã hội chuyển biến thành xã hội tri thức. IT, không phải là ngành kinh doanh thông thường. IT là ngành kinh doanh có hàm lượng tri thức rất cao. Bill Gates và Microsoft không chủ trương phát triển những dịch vụ ăn theo IT, mà tập trung phát triển công nghệ. Thành công của các hệ điều hành thuộc họ Microsoft Windows (Windows NT, Windows 95, Windows 98 SE, Windows ME, Windows 2000, Windows XP (SP1, SP2, SP3), Windows Server 2003, Windows Vista, Windows 7; và bộ phần mềm văn phòng Microsoft Office;... tất cả đều bắt nguồn từ ý tưởng sáng tạo và thuật toán thông minh. Ý tưởng sáng tạo và những thuật toán thông minh lại bắt nguồn từ Tình Yêu với máy tính, Tình Yêu với IT. Không có Tình Yêu, không thể nảy sinh được ý tưởng sáng tạo, không thể giải được những thuật toán phức tạp. Chính Tình Yêu với máy tính, với IT đã đưa Bill Gates và Microsoft đến với thành công lớn lao trong nhiều thập kỷ qua. Đó không phải đam mê kinh doanh, nếu đam mê kinh doanh, đam mê kiếm tiền thì đó là kiểu của Donald Trump. Mr. Trump đã có lần bộc bạch: “Có người thích làm thơ, có người thích vẽ tranh. Còn Donald này lại thích kinh doanh và kinh doanh càng lớn càng tốt, càng lời càng hay”. Mr. Trump không chỉ kinh doanh bất động sản, ông kinh doanh rất nhiều ngành nghề. Ngành nghề nào cũng rất thành công, như lĩnh vực truyền hình, đặc biệt với chương trình The Apprentice mà ông hợp tác với hãng NBC. Ông còn sở hữu các chương trình giải trí, thể thao và có phần hùn trong các chương trình thi sắc đẹp như Hoa hậu Hoàn vũ, Hoa hậu Mỹ và Hoa hậu tuổi mới lớn của Mỹ. Ông cũng là tác giả của nhiều quyển sách dạy làm giàu nổi tiếng thế giới. Với Donald Trump, kinh doanh là một đam mê, một thú vui. Bill, không đơn thuần như vậy. Microsoft phát triển duy nhất về IT. Đặc trưng của của Microsoft là đột phá sáng tạo và công nghệ. Đó chính tính chung thuỷ của Tình Yêu. Chỉ cần có Tình Yêu, chỉ cần Tình Yêu là đủ. Không có Tình Yêu không thể có thành công. Có thành công thì tiền bạc và danh tiếng sẽ tới theo sau. Phải có Tình Yêu, đấy là điều quan trọng nhất. Dù chưa đạt tới Vô Ngã, nhưng phải có Tình Yêu.
Tình Yêu và Bản Ngã là kẻ thù của nhau. Tình Yêu và Bản Ngã là hai mặt đối lập. Tình Yêu tới Bản Ngã đi. Bản Ngã đi, Vô Ngã tới. Đó chính là chiều thứ ba của Ngã và Vô Ngã.
5
Mới đấy trên mạng internet có một câu chuyện rất cảm động. Ở Nhật bản, sau sự kiện động đất và sóng thần có hàng triệu người có cuộc sống khó khăn, có hàng trăm ngàn người bị đói và phải sống bằng đồ cứu trợ. Một người Nhật bản gốc Việt nhìn thấy một em bé Nhật bản khoảng 9 tuổi, đứng trong hàng dài người xếp hàng nhận đồ cứu trợ. Người này, động lòng trắc ẩn, tặng em bé một cái bánh, mong rằng sẽ giúp em đỡ được cơn đói. Nhưng em bé, đã từ từ bước lên phía đầu hàng, bỏ cái bánh vào trong hộp của những người đang phát chẩn, và nói rằng: "Để cho công bằng". Rồi mệt mỏi, em bé trở về vị trí đang xếp hàng. 9 tuổi. Em bé còn rất nhỏ, chưa có nhiều Tri thức và càng chưa có nhiều Trí tuệ. Nhưng tại sao em bé lại có một hành vi chứa đựng một hàm lượng Văn hoá quá cao như vậy? Đó chính là Trí huệ.
Con người trải qua nhiều kiếp sống. Luân hồi và tiến hoá là quy luật của Tự nhiên phóng chiếu lên con người, phóng chiếu lên Tâm thức. Trí huệ là cái ở bên trong. Trí huệ được tích lũy qua nhiều kiếp sống, được tích luỹ qua quá trình luân hồi, được tích luỹ từ sự tiến hoá của Tâm trong nhiều kiếp sống. Kinh điển Phật giáo nói rất rõ về tiến trình tiến hoá này:
Bậc thánh tăng Nagasena đã giải thích cho vua Milinda trong một loạt những giải đáp nghi vấn mà nhà vua đã hỏi ngài. Vua hỏi Nagasena: "Khi một người nào tái sinh, thì anh ta là một với người vừa chết, hay khác?" Nagasena trả lời: "Không phải một, cũng không phải khác... Nếu một người đốt một ngọn đèn, có thể nó cho ánh sáng suốt đêm không?" "Có thể." "Ngọn lửa cháy trong canh một, có phải ngọn lửa cháy trong canh hai, canh ba,... canh cuối không?" "Không" "Như vậy có nghĩa là ngọn đèn canh một khác, ngọn đèn canh hai khác,... và ngọn đèn canh cuối cùng khác?" "Không, vì cũng chính ngọn đèn đó cháy suốt cả đêm".
Luân hồi là như vậy. Một hiện tượng này khởi lên và hiện tượng kia chấm dứt, hai cái là đồng thời. Bởi thế Tâm thức đầu tiên khởi lên trong đời sống mới không phải một, cũng không khác với Tâm thức cuối cùng trong đời sống trước. Tâm có tính liên tục. Liên tục tích luỹ và liên lục tiến hoá từ hàng triệu kiếp sống.
Nhiều Tôn giáo khác thừa nhận về Linh hồn. Họ ví Linh hồn như một viên Kim cương có vô số mặt, hàng tỷ mặt. Linh hồn chỉ được lên Thiên đường khi tất cả các mặt đã được lau sạch. Mỗi một kiếp sống, tuỳ theo sự tu tập mà một mặt hoặc nhiều mặt được lau sạch, hoặc ngược lại một số mặt lại bi bôi bẩn. Có Linh hồn già và Linh hồn trẻ. Linh hồn già có nhiều mặt sáng. Linh hồn trẻ có ít mặt sáng hơn.
Trí huệ là thước đo của Tâm. Trí huệ của mỗi con người khác nhau, số mặt Kim cương được lau sáng của mỗi con người là khác nhau. Sự khác nhau này chính là Tính Cá nhân của mỗi con người; nó là biểu hiện Trí huệ của người đó, là thước đo Tâm của người đó.
Xin hãy lưu ý, Tính Cá nhân, chứ không phải Cá tính. Cá tính là đặc tính của bản ngã, nó hạn hẹp. Cá tính được hình thành do những thói quen, do môi trường xã hội, do nề nếp gia đình, do định kiến xã hội, do luật lệ Quốc gia,... Khi sinh ra, con người không có những cái đó. Khi sinh ra con người trong sáng, trong sáng hơn rất nhiều khi con người đã trưởng thành. Cá tính được hình thành và ngày càng đậm sắc hơn theo năm tháng. Theo năm tháng Cá tính phát triển, bản ngã mạnh lên, Tâm thức lu mờ. Tu tập Tâm thức để buông bỏ bản ngã, để Cá tính dần mất đi. Cá tính mất đi để Tính Cá nhân được sáng lên. Cá tính và Tính Cá nhân không phải là hai mặt đối lập của cặp nhi nguyên, không và không phải. Chúng không cùng loại. Hãy tưởng tượng như cấu trúc củ hành, Tính Cá nhân là phần tươi sáng là viên Ngọc bích nằm ở trung tâm, Cá tính là những lớp vỏ hành. Phải bóc dần những lớp vỏ hành, Tính Cá nhân mới rực rỡ hiện ra.
Vì có Tính Cá nhân này, mà trong Hội hoạ, mỗi hoạ sỹ có một phong cách khác nhau, mỗi bậc thầy sáng tạo ra một trường phái khác nhau. Cá tính không thể có tính sáng tạo. Tính Cá nhân sở hữu tính sáng tạo đó. Đó là Isaac Ilyich Levitan (1860 - 1900), một họa sĩ người Nga gốc Do Thái nổi tiếng. Với những tuyệt tác như Mùa thu vàng hay Rừng bạch dương, Levitan được coi là một trong những họa sĩ Nga nổi tiếng nhất vào cuối thế kỉ 19. Ông đã tạo lên một phong cách hội hoạ phong cảnh đặc trưng của Tâm hồn Nga. Đó là Claude Monet (1840 – 1926) là họa sĩ nổi tiếng người Pháp, một trong những người sáng lập trường phái ấn tượng, qua những bức tranh như: Ấn tượng mặt trời mọc, Cánh đồng hoa Mỹ nhân Argenteuil, Camill Monet và con trai Jean,... Rồi vào nhưng năm 1860, những họa sĩ trẻ cho rằng nghệ thuật đã xơ cứng do các quy tắc quá cứng nhắc được giảng dạy ở trường Mỹ thuật và họ kết hợp với nhau ở Paris quanh Claude Monet. Họ vẽ tranh ngoài trời, theo mẫu sống, tìm cách thu tóm những biểu hiện thoáng qua của bầu khí quyển. Tránh vẽ trong xưởng vẽ và những giá trị giả tạo của nó, họ thu nhận những cảm giác thị giác từ phong cảnh, từ sự biến đổi của ánh sáng và những tác động của nó... Đó là Georges Braque (1882 - 1963) là một danh họa và nhà điêu khắc lớn người Pháp, người cùng với Pablo Picasso, đã phát triển trường phái Lập thể trong hội họa. Trong tác phẩm lập thể, đối tượng được mổ xẻ, phân tích và được kết hợp lại trong một hình thức trừu tượng. Người họa sỹ không quan sát đối tượng ở một góc nhìn cố định mà lại đồng thời phân chia thành nhiều mặt khác nhau, nhiều chiều khác nhau, nhiều cảm xúc khác nhau. Thông thường các bề mặt, các mặt phẳng giao với nhau không theo các quy tắc phối cảnh làm cho người xem khó nhận ra chiều sâu của bức tranh...
Làm sao mà trường phái Ấn tượng lại có thể giống trường phái Lập thể và giống trường phái Hậu Ấn tượng được. Claude Monet, Vincent Willem van Gogh, Pablo Picasso,... họ rất, rất khác nhau. Người này còn đối lập với người kia. Đó chính là tính Cá nhân của mỗi con người.
Tính Cá nhân tạo ra xu hướng nghệ thuật, nảy sinh các trường phái nghệ thuật khác nhau. Từ Tính Cá nhân mà những phát minh khoa học và công nghệ nảy sinh. Từ Tính Cá nhân mà những tư tưởng Triết học ra đời. Tính Cá nhân viết nên Lịch sử, tạo nên dấu ấn trong Lịch sử, tạo nên những bước ngoặt của dòng chảy Lịch sử nhân loại. Tính Cá nhân tạo nên những Sáng tạo cho nhân loại. Nhân loại sẽ đời đời nhớ tên những Albert Einstein, Thales, Euclid, P
Tâm thức có tính liên tục, được tích luỹ qua nhiều kiếp sống, Tính Cá nhân thể hiện sự phát triển của Tâm thức, nó biểu hiện của Trí huệ của từng con người. Khi Tâm thức phát triển ở tầm cao nhất, tầm Tối thượng, Tính Cá nhân sẽ không còn, Vô Ngã sẽ tới. Đó chính là chiều thứ tư của Ngã và Vô Ngã.
6
Chiều thứ năm, hãy bắt đầu bằng phát biểu của Albert Einstein, cha đẻ của chiều thứ tư trong Vũ trụ, cha đẻ của thuyết tương đối tổng quát và mở rộng; có lần ông đã nói:
"Một con người là một phần của toàn thể Vũ trụ, một phần được giới hạn trong thời gian và không gian. Nó tự xem mình, những tư tưởng cảm giác của mình, như là cái gì tách biệt với toàn thể, đấy là loại ảo tưởng của Tâm thức. Ảo tưởng này là một nhà tù giam giữ chúng ta, giới hạn chúng ta vào những dục vọng riêng, và chỉ yêu mến vài người gần chúng ta nhất. Nhiệm vụ của chúng ta là phải giải thoát mình khỏi những ngục tù ấy bằng cách nới rộng lòng Trắc ẩn để bao gồm toàn bộ tạo vật sống và tất cả thiên nhiên trong vẻ đẹp của nó."
Và những lời đậm tính thi ca của Osho:
"Toàn bộ Vũ trụ là sự rung động nhịp nhàng của Năng lượng. Mọi thứ đang rung động trong sự đồng bộ tuyệt diệu với những thứ khác. Giống như những con sóng đang hoà cùng Đại dương. Trong mối liên hệ sâu sắc với nhau, không có sóng nào có thể tồn tại một mình. Nó chỉ tồn tại cùng những sóng khác; tất cả chúng tồn tại cùng nhau, chúng là thành viên của nhau. Cho nên toàn bộ sự tồn tại này là sự rung động của cây, của đá, của đàn ông, của đàn bà, của những vì sao, những ngọn núi, những dòng sông... Thế thì bạn đang hoà hợp. Bạn chỉ đơn giản là một phần, không phụ thuộc hoặc không độc lập, mà là dạng phụ thuộc lẫn nhau... Ý tưởng chúng ta về tính duy nhất là ở chỗ, chúng ta là duy nhất chỉ nếu chúng ta riêng biệt với mọi thứ khác; nếu chúng ta là những đơn vị không liên kết, đang tồn tại giống như những ốc đảo, thế thì chúng ta có thể là duy nhất. Nhưng chúng ta là một phần của toàn bộ, thế thì làm thế nào chúng ta có thể là duy nhất? Về mặt logic thì điều đó có thể là ngớ ngẩn, nhưng về mặt tồn tại thì cái cách nó là như vậy: chúng ta là một phần của toàn bộ và chúng ta là duy nhất, bởi vì toàn bộ là duy nhất, mỗi một phần đại diện cho toàn bộ và đại diện cho sự duy nhất của nó."
Đấy chính là chiều thứ năm. Cuộc sống của con người thuộc về nhiều mối quan hệ hữu cơ trong thực tại vũ trụ, không có bất kể cái gì tách biệt. Con người không thể tách biệt với tự nhiên. Con người không thể tách biệt với dòng sông, cây cỏ và ánh mặt trời. Con người đang sống trên Trái đất, sống từ những tài nguyên tự nhiên của Trái đất, từ hàng triệu triệu năm nay. Và rồi cũng chính Con người đang tàn phá những tài nguyên thiên nhiên này. Thiên tai, động đất, sóng thần, băng tan,... đang liên tiếp xảy ra, vì sự tác động phá hoại của con người. Nguyên nhân nào kết quả nấy. Con người cũng không thể tách biệt với những người xung quanh. Tình yêu là cái gắn kết con người lại với nhau. Tình yêu là mối liên hệ hữu cơ và đầy tính thi ca giữa con người với con người, và giữa con người với tự nhiên. Tình yêu chỉ là một dạng của mối quan hệ. Có cả những mối quan hệ ngược chiều với Tình yêu. Có mối quan hệ xây dựng, có mối quan hệ phá huỷ. Cuộc sống hiện tại của con người quyết định tính chất của mối quan hệ, dẫn đến cái hậu quả sẽ nhận được trong thực tại và trong tương lai.
Đây chính là điều nhân bản nhất về Ngã và Vô Ngã. Con người không độc lập và cũng không phụ thuộc. Con người với con người, và với thực tại Vũ trụ có những quan hệ hữu cơ với nhau. Đó chính là chiều thứ năm của Ngã và Vô Ngã.
Có thể hiểu được Ngã, nhưng chưa thể biết được Vô Ngã.
Xin bày tỏ lòng biết ơn tới tất cả những Tác giả và Dịch giả của các bài viết, bài nói mà chúng tôi đã sử dụng để làm tư liệu và cảm xúc để viết bài này; xin chân thành hồi hướng công đức nhỏ bé của mình tới Quý vi. Nam mô Bổn sư Thích Ca Màu Ni Phật. Nam mô Chứng minh sư Bồ Tát Ma ha tát.
Minh Đạt
0 comments:
Post a Comment