Minh Đạt
1
Mới đấy trên mạng internet có một câu chuyển rất cảm động. Ở Nhật bản, sau sự kiện động đất và sóng thần có hàng triệu người có cuộc sống khó khăn, có hàng trăm ngàn người bị đói và phải sống bằng đồ cứu trợ. Một người Nhật bản gốc Việt nhìn thấy một em bé Nhật bản khoảng 9 tuổi, đứng trong hàng dài người xếp hàng nhận đồ cứu trợ. Người này, động lòng trắc ẩn, tặng em bé một cái bánh, mong rằng sẽ giúp em đỡ được cơn đói. Nhưng em bé, đã từ từ bước lên phía đầu hàng, bỏ cái bánh vào trong hộp của những người đang phát chẩn, và nói rằng: "Để cho công bằng". Rồi mệt mỏi, em bé trở về vị trí đang xếp hàng. 9 tuổi. Em bé còn rất nhỏ, chưa có nhiều Tri thức và càng chưa có nhiều Trí tuệ. Nhưng tại sao em bé lại có một hành vi chứa đựng một hàm lượng Văn hoá quá cao như vậy? Đó chính là Trí huệ.
Tương truyền, Bậc Thánh nhơn Đức Khổng Tử khi tuổi 50 là đã rõ thông chân lý, cái lý sanh Trời Đất và sanh muôn vật. Cái lý ấy là nguồn gốc và là đạo lý của Trời Đất, của muôn vật. Đến tuổi 60 khi ứng sử trong thiên hạ, hễ điều gì lọt vào tai thì tức khắc phán đoán được ngay, không cần nghĩ ngợi mà hành sự vẫn hoà hợp. Đến tuổi 70 thì toan nói điều gì, làm điều gì, tùy theo lòng muốn sao thời được vậy, nhưng không bao giờ vượt ngoài khuôn khổ đạo lý, thung dung mà trúng tiết. Đó chính là bậc Thánh nhân có Trí huệ Mẫn tiệp.
Trong Thế kỉ 20 của chúng ta, đã chứng kiến những tiến bộ vượt bậc của khoa học và công nghệ. Những tiến bộ này đã làm nền tảng thúc đẩy sự phát triển của nhân loại trên bình diện vật chất: toàn thế giới đi vào nền kinh tế thông tin và tri thức, xã hội chuyển biến thành xã hội tri thức. Nhưng cũng thế kỉ này còn chứng kiến những phát triển vượt bực nữa của tâm thức con người: việc xuất hiện nhiều bậc thầy tâm linh như Gurdjieff, Ramakrishna, J. Krishnamurti, và đặc biệt là Osho… với những chỉ dẫn phong phú về sự phát triển của con người mới và nhân loại mới. Nhưng điều mà Osho đã giảng giải trong suốt cuộc đời mình, thực sự cũng chính là những điều mà Phật, Mahavira, Lão Tử, Trang Tử, Jesus… những người chứng ngộ trong quá khứ đã nói.
Con người hiện đại, tuy có tầm mức trí tuệ và suy diễn cao hơn ngày xưa, nhưng hầu hết tập trung vào những vấn đề cuộc sống vật chất bên ngoài và ít khi chú ý tìm hiểu tâm thức bên trong của mình. Osho là người nêu ra vấn đề phát triển tâm thức của từng người ngay trong thực tế sống động của đời thường hàng ngày. Tâm linh theo Osho không phải là hệ thống đẳng cấp các lực lượng tinh thần chi phối thế giới vật chất. Trái lại, theo Osho, tâm linh đích thực chính là sự phát triển tâm thức của mỗi người, để sống một cách hoàn toàn tỉnh táo, có ý thức trong mọi suy nghĩ, hành động, tư tưởng, tình cảm của mình và tham gia vào các hoạt động sáng tạo trong thế giới vật chất. Ông là một Bậc thày có Trí huệ Chứng ngộ, ở thì hiện đại.
Cách đây hai ngàn năm trăm năm, rời bỏ Vương triều, rời bỏ Cung vàng điện ngọc, rời bỏ cuộc sống phu thê vinh hoa giàu sang, Đức Phật làm một samon vô gia cư để tìm đường giải thoát bản thân và nhân loại. Ngài đã đi rất nhiều nơi, tiếp xúc với rất nhiều học giả, theo nhiều tông phái. Với gần một năm theo học đạo sĩ Alara Kalama, lãnh đạo phái Samkhya (Số luận) ở thành Vesali; với Uddaka Ramaputta, lãnh đạo phái Yoga, tại kinh đô Rajagaha; Samon Gotama đã thấu triệt những gì mà hai đạo sĩ đạt được, nhưng Ngài không thỏa mãn. Ngài cho rằng chúng chưa là giác ngộ tối thượng. Ngài từ bỏ hai đạo sĩ và đến cùng tu với năm người tu khổ hạnh là Kondanna, Bhaddya, Vappa, Mahanama và Assaji . Cuộc tìm kiếm chân lý trên đường tu khổ hạnh kéo dài 6 năm, kết quả chẳng có gì ngoài những cảm giác đau đớn, kiệt sức...
Một lần nữa, Ngài chối bỏ tất cả những gì mà đã đi tìm và Tự mình thắp đuốc lên để đi. Sau 49 ngày đêm tư duy thiền định dưới cội cây Assatha , vào một đêm sau khi sao Mai vừa xuất hiện, trí giác siêu việt bừng sáng nội tâm, Samon Gotama chứng Vô Thượng Chánh Đẳng Chánh Giác. Ngài được cung kính với 10 tôn hiệu: Như-Lai, Ứng Cúng, Chánh Biến Tri, Minh Hạnh Túc, Thiện Thệ, Thế Gian Giải, Vô Thượng Sĩ, Điều Ngự Trượng Phu, Thiên Nhân Sư, Phật Thế Tôn. Ngài là bậc Trí huệ siêu việt, Chứng ngộ Tối thượng.
2
Kinh điển Phật giáo có ghi lại câu chuyện sau: Bậc thánh tăng Nagasena đã giải thích cho vua Milinda trong một loạt những giải đáp nghi vấn mà nhà vua đã hỏi ngài. Vua hỏi Nagasena: "Khi một người nào tái sinh, thì anh ta là một với người vừa chết, hay khác?" Nagasena trả lời: "Không phải một, cũng không phải khác... Nếu một người đốt một ngọn đèn, có thể nó cho ánh sáng suốt đêm không?" "Có thể." "Ngọn lửa cháy trong canh một, có phải ngọn lửa cháy trong canh hai, canh ba,... canh cuối không?" "Không" "Như vậy có nghĩa là ngọn đèn canh một khác, ngọn đèn canh hai khác,... và ngọn đèn canh cuối cùng khác?" "Không, vì cũng chính ngọn đèn đó cháy suốt cả đêm".
Luân hồi là như vậy. Một hiện tượng này khởi lên và hiện tượng kia chấm dứt, hai cái là đồng thời. Bởi thế Tâm thức đầu tiên khởi lên trong đời sống mới không phải một, cũng không khác với Tâm thức cuối cùng trong đời sống trước. Tâm thức có tính liên tục. Liên tục tích luỹ và liên lục tiến hoá từ hàng triệu kiếp sống.
Trí huệ là cái ở tầm cao hơn. Nó là Tâm thức phát triển, phát triển qua nhiều kiếp sống. Nó không chỉ tích luỹ trong một đời người, nó tích luỹ qua nhiều kiếp sống. Nó ở sâu bên trong. Con người tới được Niết bàn là do Trí huệ phát triển và đạt được ở mức độ tối cao. Trí huệ là cái của toàn bộ, toàn bộ của một con người, toàn bộ của nhiều kiếp sống.
Có thể diễn đạt bằng ngôn ngữ Toán học cho những điều này. Nếu coi Tâm thức là một hàm số, có ba biến số, biến số thứ nhất là Trí tuệ, biến số thứ hai là Tâm trí và biến số thứ ba là Tiềm thức. Hàm Tâm thức đạt cực đại khi và chỉ khi hai biến số Trí tuệ và Tiềm thức đạt cực đại cùng đồng thời với với biến số Tâm trí đạt cực tiểu. Tương tự vậy, có thể diễn đạt Trí huệ là một hàm số Tâm thức phát triển theo biến số Thời gian, số kiếp sống Luân hồi. Hàm số Trí huệ sẽ đạt cực đại, sẽ tới Niết bàn tại điểm Thời gian bằng với số kiếp sống Luân hồi vừa đủ, và tại đó các điều kiện biên được thoả mãn và được phát biểu là: đồng thời khi và chỉ khi hai biến số Trí tuệ và Tiềm thức đạt cực đại cùng đồng thời với với biến số Tâm trí đạt cực tiểu! Điều đó giống như Nguyên lý Thế năng cực tiểu trong ngành Toán Cơ. Đó chỉ là một trò chơi Toán học, diễn đạt Trí huệ và Tâm thức theo ngôn ngữ Toán học. Nhưng Trí huệ nó là như vậy, Tâm thức nó là như vậy. Không thể khác được. Trí huệ là cái của toàn bộ, toàn bộ của một con người, toàn bộ của nhiều kiếp sống.
Trí huệ là một Không gian bốn chiều, chiều thời gian là số kiếp Luân hồi, ba chiều còn lại là Trí tuệ, Tâm trí và Tiềm thức. Nó là cái toàn bộ.
Xin bày tỏ lòng biết ơn tới tất cả những Tác giả và Dịch giả của các bài viết, bài nói mà chúng tôi đã sử dụng để làm tư liệu và cảm xúc để viết bài này; xin chân thành hồi hướng công đức nhỏ bé của mình tới Quý vi. Nam mô Bổn sư Thích Ca Màu Ni Phật. Nam mô Chứng minh sư Bồ Tát Ma ha tát.
Nguồn: daophatngaynay.com/vn
0 comments:
Post a Comment