Kênh Tên Miền chuyên cung cấp tên miền đẹp, giá rẻ! Hãy liên hệ kỹ thuật: 0914205579 - Kinh doanh: 0912191357 để được tư vấn, hướng dẫn miễn phí, Cảm ơn quý khách đã ủng hộ trong thời gian qua!
kiem tien, kiem tien online, kiem tien truc tuyen, kiem tien tren mang
Friday, July 20, 2012

Minh Đạt
1
 Có lần, chúng tôi đã được nghe Tâm Kinh có lời như thế này:

"Avalokita vị Bồ tát linh thiêng, đang đi vào hành trình xâu xa của Prajnaparamita, đã vượt ra bên ngoài, nhìn xuống từ trên cao và thấy năm uẩn đều không."

"Ngài đã thuyết: Này Sariputra! Vật chất là Không, Không là vật chất. Vật chất không khác gì Không. Không không khác gì Vật chất. Dù Vật chất là gì, đấy cũng là Không; dù Không là gì, đấy cũng là Vật chất. Điều này cũng đúng cho quá trình Tâm thức của Con Người là Thọ, Tưởng, Hành và Thức."

"Này Sariputra! Các Pháp đều Không. Chúng chẳng sanh chẳng diệt, chẳng vẩn đục chẳng tinh khiết, chẳng thiếu chẳng đủ. Cho nên, trong Không không có Vật chất, không có Thọ, không có Tưởng, không có Hành và không có Thức; không có mắt, tai, mũi, lưỡi, thân, ý; không có sắc, thanh, hương, vị, xúc, pháp; không nhãn giới cho đến không ý thức giới; không vô minh cũng không phủ định vô minh; và vân vân cho đến không hủy hoại, không chết; và cũng không phủ định hủy hoại, không phủ định chết; không có Khổ, không có Tập, không có Diệt và không có Đạo; không có sự thành đạt cũng không có sự không thành đạt."


"Do đó này Sariputra! Bởi không sự thành đạt của mình mà Bồ tát trong quá trình hoàn hảo của Trí huệ, nên tâm không vướng mắc; vì không vướng mắc nên không sợ hãi; vượt qua những điều gây rối trí, nên cuối cùng Ngài đã đạt tới Niết bàn. Chư Phật ba thời đều tỉnh thức tới chứng ngộ chính đẳng, chính giác và hoàn hảo. Bởi vì họ đã tiến tới và đạt được sự hoàn hảo của Trí huệ."

"Do đó, nên biết Prajnaparamita là thần chú vĩ đại, là thần trú của Trí huệ vĩ đại, là thần trú tột cùng, câu Thần chú Vô song; làm dịu đi những mọi đau khổ; trong Chân lý còn có gì có thể sai được."

"Thần trú Prajnaparamita đã được chuyển giao. Thần trú được nói thế này: Vượt ra, Vượt ra, Vượt ra ngoài, Vượt ra ngoài tất cả. Xin chào sự thức tỉnh. Đến đây là đạt tới Trí huệ hoàn hảo."

Bản Kinh này, không xuất phát từ những bản Kinh dịch từ tiếng Trung Quốc, bản Kinh này dịch từ tiếng Anh và gốc của nó có thể là tiếng Phạn? Nó không khác gì những bản Kinh dịch từ tiếng Trung Quốc, những điều cơ bản là không khác. Nhưng có vài điều, không phải là những điều cơ bản thì lại giúp chúng tôi sáng tỏ. Sự sáng tỏ này đặc biệt liên quan tới Tính Không; là tư tưởng chính của Kinh.

Tư tưởng của Tâm Kinh là tư tưởng Vô thường, Vô Ngã, là Tính Không. Tính Không của thế giới vật chất, của Con Người và của cả quy luật Tự nhiên và quy luật Vũ trụ. Trong bản Kinh này, Vật chất hay còn gọi là Sắc, là Tính Không. Con Người gồm thân xác (phần vật chất) và Tâm thức (là Thọ, là Tưởng, là Hành và là Thức) là Tính Không. Quá trình nhận thức của con người với Thế giới khách quan; thông qua năm giác quan: mắt, tai, mũi, lưỡi, thân và Tâm để nhận biết: sắc, thanh, hương, vị, xúc và đối tượng của Tâm; cũng là Tính Không. Hai giáo lý quan trọng nhất trong Phật giáo để mô tả quy luật phát triển của Con người và sự phóng chiếu của Tự nhiên lên con người là Mười hai nhân duyên và Bốn Khổ đế cũng là Tính Không. Nội dung chính và Tư tưởng chính của Tâm Kinh là như vậy.

2

Tâm thức là bao gồm Trí tuệ, Tâm trí và Tiềm thức.

Trí tuệ là sự tiếp thu tri thức của các ngành khoa học kỹ thuật, khoa học xã hội, khoa học kinh doanh, khoa học chính trị, khoa học con người và khoa học tâm linh,... Đồng thời là sự hấp thụ những trải nghiệm của đời sống, niềm hân hoan của thành công, nỗi cay đắng của thất bại. Tất cả theo thời gian, năm tháng những tri thức và những trải nghiệm ngấm vào máu thịt, thấm đẫm trong từng tế bào, không chỉ chứa đựng trong bộ óc mà còn tràn đầy trong trái tim, hình thành và hun đúc nên thành bản lĩnh trí tuệ. Trí tuệ là cái bên trong của con người, nó từ bên ngoài rồi trở thành một phần của cái bên trong.

Trí tuệ là cái làm nên Con Người. Đó là hiện tại của Con Người. Thông qua Trí tuệ Con Người thực hiện chức năng sống. Và tất cả các hoạt động khoa học, tất cả các hoạt động kinh doanh, tất cả các hoạt động chính trị, hệ thống tôn giáo và các hoạt động tâm lý,... của Con Người đều dựa vào nền tảng chung đấy là Trí tuệ.

Tâm trí là những cảm xúc, những suy luận, những định kiến, những phán xét, những liên hệ, những tưởng tượng và cả tư duy,... Tâm trí luôn luôn lôi kéo Trí tuệ. Tâm trí là lăng kính của Trí tuệ. Qua 5 giác quan (mắt, tai, mũi, lưỡi và thân) chúng ta luôn nhận biết được 5 đặc tính của sự vật (sắc, thanh, hương, vị và xúc). Chúng ta thấy một Bông hoa mọc ven đường; cảm nhận được hương thơm nhè nhẹ, bồi hồi bởi sắc tím nhàn nhạt,... Hãy cảnh giác với Tâm trí, Tâm trí đã hiện về rất nhanh, vâng rất nhanh.  Nếu ta vui, Tâm trí sẽ mách bảo ta sẽ mua một cây hoa này để trồng, ta sẽ hái những đoá hoa này tặng bạn, ta sẽ trồng bên hồ nước sau nhà,... Nếu ta buồn, Tâm trí sẽ hiện về, rằng bông hoa này đẹp nhưng ta không thích nó gợi đến kỷ niệm buồn, hoa này đẹp nhưng bán khá đắt tiền, hoa này đẹp nhưng hương vị nhạt nhoà, nhà bên cạnh cũng có hoa này, ta sẽ trồng bụi hồng rực rỡ cho nó đẹp hơn,... Nếu bạn là người hiểu biết, có thể Tâm trí sẽ hiện về: đấy là cây thuộc họ gì, chỉ mọc ở vùng nào, chỉ ra hoa vào thời gian nào,... Tâm trí hiện lên đủ chuyện: phải hay trái, đúng hay sai, đẹp hay xấu,... để rồi khởi lên mọi thứ tâm thiện hoặc ác. Tâm trí không những khởi lên những vấn đề của hiện tại, mà còn nhớ lại các cảnh thuộc quá khứ, mơ ước các cảnh trong tương lai cũng mãnh mẽ không kém. Tâm trí luôn  liên hệ với vô minh, với ngã chấp, luôn cho sự vật những ý nghĩa theo ngã, ngã sở, theo các tâm tham, sân, si, đầy phiền não, mà lãng quyên đi thật tướng của sự vật. Tâm trí luôn phụ thuộc vào trạng thái của tình cảm. Trong tâm trí cảm xúc là một yếu tố quan trọng nhất.

Cảm xúc có cảm xúc tiêu cực và cảm xúc tích cực. Cảm xúc tích cực là cảm xúc phát triển. Cảm xúc tiêu cực là cảm xúc phá hủy. Phát triển và phá hủy là phát triển và phá hủy Tâm thức. Cảm xúc lôi kéo Tâm trí, lôi kéo suy nghĩ, lôi kéo ý tưởng, lôi kéo tưởng tượng,... và rồi lôi kéo hành động đến ba độc tham, sân và si; đó là cảm xúc phá hủy. Nó che mờ Trí tuệ, nó làm tối tăm Tâm thức. Cho nên những con người luôn tranh đấu vì quyền lực, vì danh vọng, vì tiền bạc và vì tính dục; là những con người Tâm thức không thể phát triển cao. Ngược lại, những con người không sống theo những ham muốn của tiền bạc, của danh vọng, của quyền lực và tính dục; như những Van Gogh, Levitan, Claude Monet, những Lý Bạch, Thôi Hiệu, những Newton, Albert Einstein,...họ đã luôn sống vì Tình yêu, họ đã sống những cuộc đời với những cảm xúc tích cực. Cảm xúc tích cực khiến họ buông bỏ được cái tôi, mở đường cho Trí tuệ bừng cháy, mở đường cho Sáng tạo sinh sôi. Tâm thức của họ ở tầm cao, rất cao.

Tiềm thức cũng như Trí tuệ và Tâm trí nó thuộc về cái bên trong. Tiềm thức cũng có thể đến từ bên ngoài, nhưng về cơ bản nó nằm sâu bên trong của con người, nó đã đến từ những kiếp trước. Khi còn nhỏ do điều kiện khách quan của cuộc sống con người hoặc phải chịu đựng nhiều lần một điều gì đó, hoặc phải chịu đựng một cú sốc rất lớn, những điều đó làm thổn thức trái tim, đã khắc sâu vào não bộ và nó trở thành ký ức, một dạng của tiềm thức. Nó có thể trở lại ngày hôm nay, hoặc ngày mai, khi nó trở lại hành vi con người mang đậm dấu ấn của nó. Khoa học hiện đại gọi hiện tượng này là phản xạ có điều kiện. Nhưng cơ bản và phần lớn, rất lớn Tiềm thức đã được tính luỹ từ rất, rất nhiều kiếp trước.

Tiềm thức có thể tích cực và có thể tiêu cực. Bác sĩ Brian L. Weiss, tốt nghiệp đại học Columbia, đã từng bác sỹ nội trú của trường đại học y khoa Yale, hiện nay là phó giáo sư trường đại học y khoa Miami, đã kể lại những trải nghiêm của mình trong tác phẩm: "Tiền kiếp và luân hồi có thật hay không?". Năm 1980, ông đã sửng sốt và hoài nghi khi một trong những bệnh nhân của ông cô Catherine bắt đầu nhớ lại những chấn thương ở tiền kiếp, mà nó dường như là nguyên nhân dẫn đến những cơn ác mộng và lo âu tái diễn. Tuy nhiên sự hoày nghi của ông đã bị xói mòn khi cô bắt đầu gửi những thông điệp từ "không gian giữa các kiếp sống" chứa đựng những tiết lộ rõ rệt về gia đình bác sĩ Weiss và đứa con con trai của ông bị chết. Sử dụng cách chữa trị tiền kiếp, ông đã chữa đươc cho Catherine và bắt đầu một giai đoạn mới trong sự nghiệp của mình. Hiện nay danh sách những bệnh nhân của ông ngày một dài thêm. Họ có khi là một một nghệ sỹ đã bị hành hạ trong thời kỳ dị giáo ở Tây ban nha; hoặc một chủ nhà hàng không thể lái xe qua cầu hay hầm vì nhớ lại đã bị chôn sống trong nền văn minh Cận đông, hoặc một thầy thuốc trẻ nhớ lại chấn thương ở biển cả, khi ông ta là cướp biển,... Họ khỏi bệnh vì qua thôi miên, tất cả đã nhớ lại ký ức sống động về tiền kiếp. Khắc phục các tiềm thức tiêu cực để cuộc sống hạnh phúc hơn.

Và còn nhiều câu chuyện khác đã nói lên điều này. Có rất nhiều nhà khoa học có được khả năng giải quyết khá nhiều vấn đề toán học, mà không cần trải qua một quá trình tính toán, phân tích và lập luận nào cả. Người khác chỉ cần nêu vấn đề, thậm trí trước khi nói thành lời, lời giải cho vấn đề đã tới. Cho dù máy tính điện tử thì cũng phải cần tới vài ba phút, những người này thậm trí không cần đến một giây. Câu truyện thứ hai là nữ bác học Marie Curie, bà đã phải bỏ ra ba năm ròng để giải quyết một vấn đề, và đã cố gắng tiếp cận theo nhiều hướng khác nhau. Nhưng mọi hướng tiếp cận đều thất bại. Một đêm nọ, bà đã thiếp đi vì kiệt sức, nhưng thật tuyệt vời là chính trong giấc ngủ đó bà đã tìm ra đáp án. Câu chuyện thứ ba về nhà khoa học đã đoạt giải thưởng Nobel trong việc tìm ra cấu trúc gen của con người. Trong một giấc mơ, ông đã nhìn thấy rõ cấu truc gen của con người. Sáng hôm sau khi tỉnh dậy, ông chỉ còn phải làm một việc duy nhất là tái hiện lại hình ảnh mà minh đã nhìn thấy hôm qua... Đấy thực sự không thuộc về bước nhảy sáng tạo của Trí tuệ, công lao của nó chính là Tiềm thức, loại Tiềm thức tích cực.

Trí tuệ, Tâm trí và Tiềm thức là ba chiều của Không gian Tâm thức. Tâm thức phát triển thì Trí tuệ phát triển. Nhưng Trí tuệ phát triển chưa làm cho Tâm thức phát triển. Tâm thức phát triển chỉ khi cùng đồng thời với ba sự biến đổi: sự phát triển Trí tuệ, sự buông bỏ Tâm trí và sự khơi mở Tiềm thức. Một chiều của Trí tuệ biến đổi không thể làm phát triển Tâm thức. Phải cả ba chiều biến đổi Tâm thức mới phát triển.

Kinh điển Phật giáo có ghi lại câu chuyện sau: Bậc thánh tăng Nagasena đã giải thích cho vua Milinda trong một loạt những giải đáp nghi vấn mà nhà vua đã hỏi ngài. Vua hỏi Nagasena: "Khi một người nào tái sinh, thì anh ta là một với người vừa chết, hay khác?" Nagasena trả lời: "Không phải một, cũng không phải khác... Nếu một người đốt một ngọn đèn, có thể nó cho ánh sáng suốt đêm không?" "Có thể." "Ngọn lửa cháy trong canh một, có phải ngọn lửa cháy trong canh hai, canh ba,... canh cuối không?" "Không" "Như vậy có nghĩa là ngọn đèn canh một khác, ngọn đèn canh hai khác,... và ngọn đèn canh cuối cùng khác?" "Không, vì cũng chính ngọn đèn đó cháy suốt cả đêm".

Luân hồi là như vậy. Một hiện tượng này khởi lên và hiện tượng kia chấm dứt, hai cái là đồng thời. Bởi thế Tâm thức đầu tiên khởi lên trong đời sống mới không phải một, cũng không khác với Tâm thức cuối cùng trong đời sống trước. Tâm có tính liên tục. Liên tục tích luỹ và liên lục tiến hoá từ nhiều kiếp sống.

Trí huệ là cái ở tầm cao hơn. Nó là Tâm thức phát triển. Nó không chỉ tích luỹ trong một đời người, nó tích luỹ qua nhiều kiếp sống. Nó ở sâu bên trong. Con người tới được Niết bàn là do Trí huệ phát triển và đạt được ở mức độ tối cao. Trí huệ là cái của toàn bộ, toàn bộ của một con người, toàn bộ của nhiều kiếp sống.

Ngôn ngữ Toán học có thể diễn đạt những điều này. Nếu coi Tâm thức là một hàm số, có ba biến số, biến số thứ nhất là Trí tuệ, biến số thứ hai là Tâm trí và biến số thứ ba là Tiềm thức. Hàm Tâm thức đạt cực đại khi và chỉ khi hai biến số Trí tuệ và Tiềm thức đạt cực đại cùng đồng thời với với biến số Tâm trí đạt cực tiểu. Đó là trò chơi Toán học, diễn đạt Tâm thức bằng ngôn ngữ toán học. Tương tự vậy, có thể diễn đạt Trí huệ là một hàm số Tâm thức biến thiên theo biến số Thời gian, số kiếp sống Luân hồi. Hàm số Trí huệ sẽ đạt cực đại, sẽ tới Niết bàn tại điểm Thời gian bằng với số kiếp sống Luân hồi vừa đủ, và tại đó các điều kiện biên được thoả mãn và được phát biểu là: đồng thời khi và chỉ khi hai biến số Trí tuệ và Tiềm thức đạt cực đại cùng đồng thời với với biến số Tâm trí đạt cực tiểu! Điều đó giống như Nguyên lý Thế năng cực tiểu trong ngành Toán Cơ. Đó chỉ là một trò chơi Toán học, diễn đạt Trí huệ và Tâm thức theo ngôn ngữ Toán học. Nhưng Trí tuệ nó là như vậy, Tâm thức nó là như vậy, Trí huệ nó là như vậy. Không thể khác được. Trí huệ là cái của toàn bộ, toàn bộ của một con người, toàn bộ của nhiều kiếp sống.

Trí huệ là một Không gian bốn chiều, chiều thời gian là số kiếp Luân hồi, ba chiều còn lại là Trí tuệ, Tâm trí và Tiềm thức. Nó là cái toàn bộ. Trí tuệ không thể là Trí huệ. Trí huệ là khác Trí tuệ; hai cái không cùng một mức với nhau.

Điều đầu tiên, xin hãy coi Prajna là Trí huệ; không phải Trí tuệ. Trí tuệ làm cho Prajna nhỏ bé đi. Trí tuệ Bát nhã là từ vay mượn; vì Bát nhã chỉ là phiên âm tiếng Trung Quốc mà thôi, và người Trung Quốc đã lúng túng để tìm nghĩa của từ này. Xin hãy gọi Prajna là Trí huệ nó đẹp đẽ và nó linh thiêng như bản thân nó vậy.

3

Khi Euclid tập hợp các kiến thức trước đó của Thales, của Pythagoras và những người trước ông viết thành bộ sách Cơ sở; ông đã đặt nền móng cho môn hình học cũng như toàn bộ toán học cổ đại. Với nhóm năm Tiên đề của mình, ông đã tạo nên Hệ quy chiếu Euclid, cho đến ngàn năm sau bộ môn Hình học phẳng vẫn đúng, vẫn tồn tại, vẫn phát triển trên Hệ quy chiếu này. Nhưng rồi bộ môn Hình học phẳng của ông không phải là đúng cho mọi điều trong tự nhiên. Tất cả các đường Kinh tuyến tuy cùng vuông góc với đường Xích đạo, chúng đều là các đường thẳng song song, nhưng chúng đều gặp nhau, giao nhau ở hai đầu cực của Trái đất. Euclid đã không còn đúng nữa rồi. Vì vấn đề là nó đã nhảy ra ngoài Hệ quy chiếu của ông. Nó đã nhảy sang Hệ quy chiếu của Gauss và Lobatchevski. Hình học của Gauss và Lobatchevski là Hình học phi Euclid, nó là Hình học của những mặt cong. AutoCAD Map là phần mềm đồ hoạ, được phát triển trên Hệ toạ độ Gauss, và được ứng dụng GIS (hệ thống thông tin địa lý) có thể mô tả mọi điểm trên mặt cong của Trái đất. Phần mềm này giúp vẽ những đường phố, những công trình, những tiểu khu, những Đô thị mới,... trên bề mặt cong của Trái đất. Nó không thể có nhầm lẫn, nó không tạo ra tranh chấp đất đai, nó không tạo ra kiện tụng vì lấn ranh đất của nhau... Thật đáng tiếc là tại Việt Nam, người ta vẫn vẽ và quản lý quy hoạch vẫn bằng các phần mềm AutoCad thông thường, sử dụng Hệ quy chiếu của Euclid.

Trong Vật lý cũng vậy, với mỗi một đối tượng nghiên cứu, Nhà Khoa học xem xét không gian của đối tượng đó và gắn cho nó một Hệ quy chiếu. Nhân loại phát triển, nền Khoa học phát triển, mở rộng thêm những Hệ quy chiếu khác nhau. Hệ quy chiếu phát triển là Nhân loại phát triển. Hệ quy chiếu xuất hiện là Khoa học có bước nhảy. Trước Newton, ngành Cơ học, ngành Vật lý tin rằng Trái đất là vũ trụ duy nhất, mọi vật đều đứng yên. Thượng đế nhân từ tạo ra như vậy! Trái đất đứng yên, Mặt trời quay quanh Trái đất. Niềm tin này bắt đầu từ thời Aristotle. Tồn tại trong hệ quy chiếu của Aristotle, mọi vật đều cố định và trái đất thì đứng yên; Trí tuệ sáng tạo của Galileo, không chấp nhận điều đó. Trên tháp nghiêng Pisa nổi tiếng, Galileo đã chứng minh được các vật có khối lượng khác nhau đều rơi với cùng một vận tốc. Và sau đó Newton có một bước nhảy về những định luật chuyển động và định luật về lực hấp dẫn, mở ra một kỷ nguyên mới về phát triển vật lý. Hệ quy chiếu Newton, Hệ quy chiếu về Chuyển động ra đời mở đường cho rất nhiều ngành khoa học khác phát triển. Thế rồi, Nhân loại cũng không dừng ở đó. Hệ quy chiếu của Newton không có yếu tố Thời gian, Thời gian là không đổi. Trí tuệ sáng tạo của Albert Einstein không chịu dừng lại ở đó. Ông xây dựng một Hệ quy chiếu mới, bao chùm lên Hệ quy chiếu của Newton và ông đã đưa biến số Thời gian vào. Từ đó, ông xây dựng nên lý thuyết tương đối, ngày nay gọi nó là thuyết tương đối tổng quát. Ông đã đưa ra một giả thiết có tính chất cách mạng cho rằng hấp dẫn không phải là một lực giống như những lực khác. Nó là kết quả của sự kiện là: không - thời gian không phải phẳng như trước kia người ta vẫn tưởng, mà nó cong hay “vênh” đi do sự phân bố của khối lượng và năng lượng trong nó. Vũ trụ theo thời gian có thể được mô phỏng bằng việc chia ra nhiều mảng, mỗi mảng được gắn cho nó một toạ độ 3 chiều. Vũ trụ không có thời gian tuyệt đối, thay vào đó mỗi một cá thể có một độ đo thời gian khác nhau, tuỳ thuộc vào vị trí và tốc độ chuyển động của nó. Và lý thuyết tương đối đã vứt bỏ khái niệm thời gian tuyệt đối. Một kỷ nguyên mới về vật lý vũ trụ lại được mở ra.

Nhân loại sẽ không chịu dừng ở đó, nhiều Hệ quy chiếu sẽ ra đời, để có thể nhận thức được Thế giới khách quan, nhận thức được Tâm thức con người, nhận thức được Vũ trụ, nhận thức được nhiều chiều của Tồn tại, nhận thức được Chân lý. Nhưng muốn nhận biết được những điều nằm ngoài những cái đã biết, Con người phải bước sang một Hệ quy chiếu khác. Hệ quy chiếu đang tồn tại chỉ hiểu được những điều đã biết. Phải bước, phải bước, phải bước sang nhiều Hệ quy chiếu khác; đó là tất yếu của Nhân loại; đó cũng là quy luật của Vô thường.

Nhưng những cái đó, Hệ quy chiếu của Euclid, Hệ quy chiếu của Gauss, Hệ quy chiếu của Aristotle, Hệ quy chiếu của Newton, Hệ quy chiếu của Einstein,... là những Hệ quy chiếu của Khoa học, của Thế giới Vật chất. Phải có những Hệ quy chiếu của Tôn giáo, của Thế giới Tâm linh.

Khi chưa tới Niết bàn, trong bản thể Con người, Tâm thức đang phát triển, Trí tuệ đang phát triển, Tâm trí đang buông bỏ, Tiềm thức đang khởi mở. Tất cả đều đang vận động. Đó chính là Hệ quy chiếu Tâm thức; Hệ quy chiếu của nhân loại; Hệ quy chiếu ba chiều Trí tuệ, Tâm trí và Tiềm thức. Nó thuộc về Hệ quy chiếu Tâm linh của nhân loại. Chúng ta phải xác lập hệ quy chiếu này thì mới hiểu được chiều sâu của Tâm thức, mới mô tả được sự phát triển của Tâm thức.

Trong Tâm Kinh, Avalokita thuyết giảng cho Sariputra. Đó là hai con người đã ở tầm cao khác. Họ không giống chúng ta, họ ở tầm cao hơn chúng ta rất nhiều về mặt Tâm thức, họ có Trí huệ cao hơn rất nhiều.

Avalokita hay còn gọi là Bồ tát Quán Tự tại, hay còn gọi là Bồ tát Quan Thế âm. Ngài là Bồ tát, Ngài đã Chứng ngộ, và Ngài bay lên cõi Thiên đường. Thiên đường rộn tiếng chim ca, đàn sáo du dương, hương thơm ngào ngạt, không gian tràn đầy Phúc lạc, các đức Phật hoan hỷ đứng bên cổng, chờ đón người đã Chứng ngộ. Ngài cúi chào các Đức Phật, và xin phép không bước vào cổng Thiên đường. Không bước vào cổng Thiên đường, nguyện làm Bồ Tát, nguyện ở lại để giúp đỡ chúng sinh, nguyện là người sau cùng bước vào cổng Thiên đường, khi các chúng sinh đã vào hết. Ngài chỉ còn một bậc nữa thôi, là sẽ tỉnh thức tới chứng ngộ chính đẳng, chính giác và hoàn hảo. Một bậc nữa Ngài sẽ thành Phật.

Sariputra hay còn gọi là Xá lợi phất. Ngài là một trong Mười đại đệ tử của Đức Phật. Ngài có Trí huệ cao và được mệnh danh là Trí tuệ đệ nhất. Tương truyền chỉ mười lăm ngày sau theo làm đệ tử cho Đức Phật, Ngài đã giác ngộ. Cũng tương truyền chỉ có Đức Phật, còn không một ai có Trí tuệ bằng Ngài. Nhưng thật đáng tiếc Ngài đã mất trước khi Đức Phật nhập diệt vài tháng.

Avalokita và Sariputra họ đã giảng cho nhau khi hành trình đi sâu vào Prajnaparamita. Xin hiểu Prajna là Trí huệ, còn paramita là Bờ bên kia. Prajnaparamita nên hiểu là Trí huệ của Bờ bên kia. Bờ bên kia của họ, của hai người đã giác ngộ và chứng ngộ, đó là Niết bàn. Họ đã nói với nhau theo Hệ quy chiếu của họ, Hệ quy chiếu mà tại đó chỉ còn một bước nữa là tới Niết bàn. Điều này là vô cùng quan trọng, nó rất sâu sắc, nó rất tinh tế.

Avalokita và Sariputra họ gần tới Niết bàn. Tâm thức của họ rất cao, Trí tuệ siêu việt, Tâm trí đã buông bỏ, Tiềm thức đã khơi mở. Chiều Thời gian của họ đã gần tới điểm để họ vượt qua. Trí huệ của họ đã Tiềm cận tới Niết bàn. Hệ quy chiếu của họ phải chăng là Hệ quy chiếu Trí huệ; Hệ quy chiếu Bốn chiều?

Khi Avalokita thuyết giảng cho Sariputra về Tính Không của Vật chất; về Tính Không của Con Người bao gồm cả thân xác và Tâm thức; về Tính Không của quá trình nhận thức của con người với Thế giới khách quan; về Tính Không của hai giáo lý quan trọng nhất trong Phật giáo để mô tả quy luật phát triển của Con người và sự phóng chiếu của Tự nhiên lên con người là Mười hai nhân duyên và Bốn Khổ đế, họ đã nói với nhau ở tầm Hệ quy chiếu của họ. Tại Hệ quy chiếu đó, họ chỉ còn một bước nữa là tới Niết bàn.

"Avalokita vị Bồ tát linh thiêng,
đang đi vào hành trình xâu xa của Prajnaparamita,
đã vượt ra bên ngoài, nhìn xuống từ trên cao
và thấy năm uẩn đều không."

Bởi vì họ đã đi vào hành trình rất xâu và xa của Prajnaparamita, và họ đã vượt qua Thế giới của Nhân loại, để nhìn xuống và thấy Tính Không. Phải chăng Hệ quy chiếu của họ là Hệ quy chiếu Trí huệ, Hệ quy chiếu Bốn chiều?

Điều thứ hai là ở đây, trong Tâm kinh, Avalokita thuyết giảng cho Sariputra, họ đang đứng trong Hệ quy chiếu khác với Hệ quy chiếu Tâm thức, Hệ quy chiếu ba chiều của Nhân loại; phải chăng là Hệ quy chiếu Trí huệ, Hệ quy chiếu Bốn chiều? Đó là điều rất sâu xa, rất tinh tế.

4

Trong bài Vô Ngã, của cùng Tác giả, đã giới thiệu Không gian năm chiều của Vô Ngã. Đó là: (1) Chiều thứ nhất: Con người không thể sở hữu được cái Ngã của mình. Cái Ngã không thuộc quyền sở hữu của con người. Làm sao sở hữu được; khi mà: bệnh tật, già và chết, cảm xúc và vận mệnh,... là những cái mà Con người luôn mơ ước, nỗ lực và tranh đấu để làm chủ nó; để rồi ngay cả những con người mạnh mẽ nhất, quyền lực nhất cũng chấp nhận thất bại. (2) Chiều thứ hai: Biến đổi, phát triển, bước nhảy. Đó cũng chính là Nguyên lý Vô thường trong Vô Ngã. (3) Chiều thứ ba: Tình Yêu và Bản Ngã là kẻ thù của nhau. Tình Yêu và Bản Ngã là hai mặt đối lập. Tình Yêu tới Bản Ngã đi. Bản Ngã đi, Vô Ngã tới. (4) Chiều thứ tư: Tâm thức có tính liên tục, được tích luỹ qua nhiều kiếp sống, Tính Cá nhân thể hiện sự phát triển của Tâm thức, nó biểu hiện của Trí huệ của từng con người. Khi Tâm thức phát triển ở tầm cao nhất, tầm Tối thượng, Tính Cá nhân sẽ không còn, Vô Ngã sẽ tới. (5) Chiều thứ năm: chính là điều nhân bản nhất của Vô Ngã. Con người không độc lập và cũng không phụ thuộc. Con người với con người, và với thực tại Vũ trụ có những quan hệ hữu cơ với nhau. Đó là không gian năm chiều của Vô Ngã.

Vô Ngã chưa biết được, nhưng Vô Ngã có thể hiểu được!

Vô ngã của Con người, hay Tính không của Con người, chúng ta có thể hiểu được; là bởi lẽ chúng ta đang xét Con người trong Hệ quy chiếu Tâm thức, Hệ quy chiếu ba chiều Trí tuệ, Tâm trí và Tiềm thức. Trong Hệ quy chiếu đó chúng ta chấp nhận hai Giáo lý Luân hồi và Duyên nghiệp là hai điều hiển nhiên đúng. Như trong Khoa học chúng ta đã chấp nhận Tiên đề, những điều đúng hiển nhiên, để xây dựng lên Hệ thống kiến thức, bao gồm những định nghĩa, những định lý, những Nguyên tắc và những Hệ quả,...  Có Hệ quy chiếu, có những Tiên đề nên chúng ta hiểu được Tính Không. Tư duy logic dễ dàng chấp nhận như vậy. Tư duy Khoa học dễ dàng chấp nhận như vậy.

Con người Tính Không thì quá trình nhận thức của con người với Thế giới khách quan cũng là Tính Không là điều có thể hiểu được. Đó chính là Hệ quả.

Trong Hệ quy chiếu Tâm thức để Tâm thức phát triển, con người cần phải tu tập theo những giáo lý cơ bản của Phật giáo, như Ba Pháp Ấn, như Mười hai nhân duyên, như Bốn Khổ đế,... đó là điều Đức Phật truyền giảng cho chúng sinh. Con người, những chúng sinh muốn Tâm thức phát triển phải nỗ lực theo con đường của Đạo Phật, phải tu tập theo những giáo pháp của Phật giáo. Đó là điều hiển nhiên. Nhưng với Avalokita và Sariputra họ gần tới Niết bàn. Với họ, Mười hai nhân duyên, Bốn Khổ đế,... và nhiều giáo lý khác nữa là Không; đó cũng là điều bình thường, vì nó không còn ý nghĩa với họ nữa. Họ sắp sang bờ bên kia. Họ sắp tới Niết bàn. Họ đang ở Hệ quy chiếu khác. Điều này Tư duy logic, Tư duy Khoa học chấp nhận được.

Nhưng cũng có một điều rất sâu xa, đằng sau chuyện này, đối với chúng ta, những con người đang trong Hệ quy chiếu Tâm thức. Lời Kinh nói rằng:

"Này Sariputra! Các Pháp đều Không.
Chúng chẳng sanh chẳng diệt,
chẳng vẩn đục chẳng tinh khiết,
chẳng thiếu chẳng đủ.
Cho nên, trong Không không có Vật chất,
không có Thọ, không có Tưởng, không có Hành và không có Thức;
không có mắt, tai, mũi, lưỡi, thân, ý;
không có sắc, thanh, hương, vị, xúc, pháp;
không nhãn giới cho đến không ý thức giới;
không vô minh cũng không phủ định vô minh;
và vân vân cho đến không hủy hoại, không chết;
và cũng không phủ định hủy hoại, không phủ định chết;
không có Khổ, không có Tập, không có Diệt và không có Đạo;
không có sự thành đạt cũng không có sự không thành đạt."

"Do đó này Sariputra!
Bởi không sự thành đạt của mình
mà Bồ tát trong quá trình hoàn hảo của Trí huệ,
nên tâm không vướng mắc;
vì không vướng mắc nên không sợ hãi;
vượt qua những điều gây rối trí,
nên cuối cùng Ngài đã đạt tới Niết bàn..."

Tất cả đều Không, Hai giáo lý quan trọng vào hàng bậc nhất cũng Không. Giáo lý Mười hai nhân duyên, Không. Giáo lý Bốn Khổ đế, Không. Sự thành đạt, sự Chứng đắc, Không! Tất cả đều Không. Nhưng! Có phải chăng, điều sâu xa và tinh tế ở đây chính là: nếu con người tu tập với tất cả tính toàn bộ của mình; bỏ quên đi kết quả đang hướng tới; bỏ quên đi nỗ lực vất vả đang hàng ngày hàng giờ, hoà nhập toàn bộ bản thể mình vào trong tu tập; bỏ quyên đi các phương pháp, các quy định, các luật lệ, các giáo lý, cứ tự nhiên tu tập; để tu tập như hơi thở của mình, để tồn tại  tuôn chảy qua bản thể mình; thì điều Phi thường sẽ xảy ra, bước nhảy Tâm linh sẽ xuất hiện. Và không còn điều gì là quan trọng. Mọi điều đều là Không. Phải chăng Tính Không (trong giới hạn về các quy luật) nằm trong ẩn dụ tinh tế này?

Nhưng còn Tính Không của thế giới Vật chất? Trong Hệ quy chiếu Khoa học, trong Hệ quy chiếu Tâm thức, mà nói rằng tất cả các Vật chất là không có tự tính, là giả hữu và phá chấp sự tồn tại của nó,... thì dường như khó thuyết phục. Làm sao có thể phá chấp đỉnh Himalayas sừng sững uy nghi hàng triệu năm; làm sao có thể phá chấp dòng sông Hằng linh thiêng hàng trăm ngàn năm của người Ân Độ; làm sao có thể phá chấp dòng sông Mê kông xuất phát từ vùng núi cao tỉnh Thanh Hải (Trung Quốc), băng qua Tây Tạng theo suốt chiều dài tỉnh Vân Nam, qua các nước Myanma, Thái Lan, Lào, Campuchia, Việt Nam rồi ra Thái bình dương hàng trăm ngàn năm nay,... Làm sao có thể giả hữu được cơn sóng thần năm 2004 vào Thailand làm hàng chục ngàn người chết; làm sao có thể giả hữu được sự khủng bố điên cuồng toà tháp đôi Trung Tâm thương mại Mỹ năm 2009; làm sao có thể giả hữu được khủng khoảng sóng thần và hạt nhân của Nhật bản năm 2011,... Làm sao, làm sao có thể như vậy được. Xin cố đừng hiểu về Tính Không khi chưa thể bước sang Hệ quy chiếu khác. Các Lạt ma, các Ripoche tái sinh qua nhiều kiếp Luân hồi và ngay hiện thời có nhiều vị đang sống, chắc các vị vẫn còn nhớ tới dãy Himalayas quanh năm tuyết phủ, chắc các vị hãy còn nhớ dòng sông Mê kông ngàn năm gợn sóng; mà khi còn sống ở các kiếp trước các vị đã từng thấy nó. Làm sao giả hữu được? Làm sao phá chấp được? Làm sao có thể nói Himalayas, sông Mê kong và sông Hằng... là Không?

Nhưng lời Kinh đã nhắc tới Thần trú Prajnaparamita:

"Vượt ra, Vượt ra, Vượt ra ngoài, Vượt ra ngoài tất cả;
Xin chào sự Thức tỉnh.
Gate gate paragate parasamgate bodhi svaha."

Sang Bờ bên kia. Sang Bờ bên kia. Sang Bờ bên kia. Sang Bờ bên kia. Có phải chăng Bờ bên kia Thời gian không tồn tại? Có phải chăng Bờ bên kia không có khái niệm về Thời gian? Có phải chăng Bờ bên kia một triệu năm, một ngày và một phút không khác gì nhau? Có phải chăng Bờ bên kia Luân hồi không còn nữa, đã vượt lên trên Luân hồi và Duyên nghiệp? Có phải chăng Bờ bên kia Bốn Khổ đế không còn nữa, vui buồn, giận hờn, và tham đắm si mê đã bỏ lại Bờ bên này? Thì có thể lắm. Vâng nếu như thế, thì có thể lắm: dãy Himalayas uy nghi hùng vĩ kia cũng là Không? Các Đại dương bao la, ngàn năm dạy sóng cũng là Không? Những kỳ quan thế giới, những Vạn lý trường thành ngàn năm hùng tráng, những Kim tự tháp ngàn năm huyền bí, những công trình chọc trời trăm năm kiêu hãnh,... cũng là Không? Tất cả đều có thể là Không.

Điều thứ ba, xin hãy phát triển Tâm thức, hãy phát triển Trí tuệ, hãy buông bỏ Tâm trí, hãy khơi mở Tiềm thứ, để bước sang những Hệ quy chiếu mới, để hiểu và biết được Tính Không, để Trí huệ hoàn hảo, để tới Niết bàn.

Tính Không là chưa thể biết được, và Tính Không là chưa thể hiểu được, khi trong các Hệ quy chiếu mà chúng ta đang biết.

5

Trong toán học khi tiếp cận với Lý thuyết Ngẫu nhiên, thì gặp ngay Nguyên lý Tiền định. Tiền định là một Nguyên lý mà người ta biết được quy luật của nó. Người ta có thể mô tả quy luật đó bằng những hàm số, bằng những phương trình, bằng những thuật toán, bằng những toán tử, bằng những đạo hàm, bằng những tích phân,... Người ta có thể khảo sát được nó, người ta có thể chia cắt được nó ra thành nhiều đoạn, ra thành những điểm. Người ta hiểu nó người ta biết nó. Nó có quy luật. Đó là Tiền định. Đối ngẫu của nó là Ngẫu nhiên. Tiền định và Ngẫu nhiên là hai trong một cặp Nhị nguyên. Như vậy Ngẫu nhiên sẽ phải là không có quy luật. Thế mới là đối ngẫu.

Nhưng Tâm hồn của các nhà Toán học thường là Tâm hồn thi ca, họ luôn sáng tạo, luôn tích cực, luôn phát triển và rất lãng mạn. Họ đã định nghĩa Ngẫu nhiên như thế này: Ngẫu nhiên là một quy luật, mà con người chưa tìm ra quy luật đó. Không có gì thi ca hơn. Không có gì Thông minh hơn. Không có gì Sáng tạo hơn. Và cũng không có gì tích cực hơn. Ngẫu nhiên là một quy luật, mà con người chưa tìm ra quy luật đó.

Quay lại với Tâm Kinh, lời kinh nói rằng Avalokita giảng cho Sariputra. Sariputra được mệnh danh là Trí tuệ đệ nhất. Tại nhiều buổi lễ, Sariputra thường được Đức Phật trao cho trọng trách giảng Kinh. Nhưng tại sao với Tâm Kinh, không phải Ngài giảng, Avalokita giảng, Ngài không nói một lời. Có phải chăng Trí tuệ đệ nhất của Ngài thiên về lý trí, là khô khan, là lạnh lùng, là thiếu ấm áp, là thiếu đầm thắm,... mà Ngài đã không giảng Tâm Kinh. Avalokita, Bồ tát Quan Thế âm người đại diện cho lòng Từ bi giảng. Có phải chăng để giảng Tâm Kinh, cần phải có Từ bi, cần phải có Tấm lòng, cần phải có Trái tim, cần phải có Tình yêu.

"Do đó, nên biết Prajnaparamita là thần chú vĩ đại,
là thần trú của Trí huệ vĩ đại,
là thần trú tột cùng,
câu Thần chú Vô song;
làm dịu đi những mọi đau khổ;
trong Chân lý còn có gì có thể sai được."

Vâng, Các nhà Toán học thì phát biểu rằng: Ngẫu nhiên là một quy luật, mà con người chưa tìm ra quy luật đó. Điều đó chứa đựng một Tư tưởng lớn lao: Con Người có khả năng nhận thức được Thế giới khách quan, được Vũ trụ và những Quy luật tự nhiên. Điều đó cũng giống như điều Đức Phật đã truyền giảng. Ngài đã từng nói rằng: bất kỳ ai, là Con Người rồi cũng trở thành Phật. Con đường để tới Chân lý luôn có cần có sự Tin cậy. Tâm kinh thì được Avalokita, Bồ tát Quán thế âm thuyết giảng bằng tấm lòng Từ bì, bằng Trái Tim rộng lớn, bằng Tình yêu bao la như Đại dương của Ngài. Trong Chân lý còn có gì có thể sai được. Làm sao có thể sai được. Vì đó là Chân lý. Nhưng trên đường để tới Chân lý cũng cần một Tình yêu.

Xin hãy quán tưởng Tâm Kinh, quán tưởng Tính Không bằng cả Trái tim, bằng cả Tình yêu, bằng sự Tin cậy. Phải bằng Trái tim, phải bằng Tình yêu, phải bằng Tin cậy chúng ta mới buông bỏ được Tâm trí, mới khơi mở được Tiềm thức, mới phát triển được Tâm thức, mới sang được Hệ quy chiếu mới, Trí huệ mới tới được Bờ bên kia, mới tới được Niết bàn.

Xin hãy bắt đầu bằng Tin cậy. Cần lưu ý rằng Tin cậy rất khác, khác nhiều so với Tin tưởng và Đức tin. Nhiều Phật tử Tin tưởng rằng có Niết bàn, vì đó là lời của Đức Phật. Có Niết bàn là điều đương nhiên, vì Đức Phật nói có, vì Kinh sách nói có. Đó là điều không thể không có được, vì các Chư Phật đang trên đó. Đó chính là Tin tưởng. Có một chút mù quáng. Vì có một chút mù quáng nên đằng sau nó sẽ là Hoài nghi. Tin tưởng và Hoài nghi là cặp đối Ngẫu nhị nguyên của nhau, luôn không tách rời. Trong Tin tưởng luôn có Hoài nghi, nó nằm ở bên trong sự Tin tưởng. Với Đức tin; một tin đồ không cần biết có Niết bàn hay không, Thiên đường hay không, bởi lẽ người đó luôn có Đức tin vào vị Giáo chủ của mình. Điều Giáo chủ nói là Chân lý. Trong Đức tin đó, có Tình yêu đấy, nhưng mù quáng ngập tràn. Đức tin là tin vào Giáo chủ, nhưng điều Giáo chủ nói là Chân lý; nó phải là Chân lý. Đấy là sự khác nhau giữa Tin cậy với Tin tưởng và Đức tin. Kinh sách viết, Đức Phật dạy Niết bàn là nơi Con người đã buông bỏ được hết những vướng mắc cuộc đời; được hưởng toàn Phúc lạc. Người Phật tử Tin cậy vào điều đó. Họ tin vào điều đó. Khi nói với người khác, họ nói rằng: có lẽ Niết bàn là..., phải chăng Niết bàn là... Đó không phải là Hoài nghi. Họ không bao giờ khẳng định Niết bàn như thế nào, vì một điều đơn giản, họ chưa biết, họ chưa tới; nên họ nói vậy. Cũng vậy, Tính Không của thế giới Vật chất, khi chưa vượt ra khỏi để tới một Hệ quy chiếu mới, họ không thể phát biểu rằng Tính Không của Vật chất là giả hữu, là phá chấp, là không tự tính và... được. Nhưng họ luôn tin về sự tồn tại. Đó là thái độ khách quan, đó là thái độ nghiêm túc, thái độ tự chủ. Nhưng họ có niềm tin về sự tồn tại.

Tin cậy là mãi mãi. Sự Tin cậy là luôn không tăng, luôn không giảm. Niết bàn không tới trong cuộc đời này, sự Tin cậy cũng không suy giảm; có một tia sáng loé lên, tưởng như Niết bàn ở trước mặt, sự Tin cật cũng không gia tăng. Trong quá khứ họ đã Tin cậy, nhưng điều đó không xảy ra, trong hiện tại họ vẫn Tin cậy, trong tương lai điều đó vẫn không xảy ra, không hề gì, không có suy giảm niềm tin, họ vẫn luôn Tin cật. Họ luôn Tin cậy là có sự tồn tại và nó đã chưa tới. Họ luôn sống khách quan, nghiêm túc và tự chủ; nên trong cuộc sống Tâm linh của họ Hoan hỷ và Phúc lạc đã nhiều lần đến với họ. Nên Niết bàn chưa tới là không sao. Niết bàn tới là một điều đẹp đẽ và linh thiêng; hoan hỷ đón chào. Khi Tin cậy Niết bàn tồn tại, họ đã có Niết bàn ở trong Trái tim rồi. Đó là phẩm chất của Tin cậy. Nhưng với người Tin tưởng thì khác đấy, lâu quá, phức tạp quá, gian khổ quá,... niềm hy vọng không thấy đâu, Niết bàn xa xôi qua, chắc chắn Hoài nghi sẽ tới. Người Đức tin, thì không chỉ Hoài nghi tới, mà thất vọng sẽ tới, và sẽ tới tràn trề.

Trong Tin cậy luôn có Tình yêu bền vững. Trong Đức tin có rất nhiều Tình yêu, vì quá Yêu, quá mê say mà tạo nên Đức tin. Nên trong Đức tin có Tình yêu đấy, nhưng cũng tràn đầy mù quáng. Đổ vỡ Thần tượng, đổ vỡ Đức tin là điều thường xảy ra. Khi đổ vỡ thì Tình yêu cũng hết, Tình yêu ra đi thì Thù hận kéo tới. Trong Tin tưởng rất thiếu Tình yêu, vì người ta Tin tưởng bằng cái đầu chứ người ta không Tin tưởng bằng Trái tim. Cái đầu, tư duy logic ra quyết định. Bởi vì lý do thế này, bởi vì các bậc thày đã chứng nghiệm điều đó, bởi vì lý do đưa tới thế kia,... Họ đã kiểm nghiệm nhiều thông tin, nhiều chứng cứ nên họ Tin tưởng. Dù chả có chứng cứ nào là của họ, nhưng họ vẫn Tin tưởng. Đó là điều thứ nhất của họ, họ đã mất khách quan, mất tự chủ và họ đã thiếu nghiêm túc với Bản thân mình, họ đã chạy theo những lý lẽ, những biện luận. Điều thứ hai, to lớn hơn rất nhiều họ đã thiếu Tình yêu trong sự Tin tưởng đó; vì đơn giản nó bắt đầu đến từ cái đầu, chứ không phải đã đến từ Trái tim. Người Tin cậy họ khách quan, nghiêm túc và họ tự chủ; nhưng họ còn có Tình yêu vào niềm tin đó. Họ không đắm say, họ không si mê. Nhưng họ đã Yêu, yêu như tất cả những điều thân thiết và quen thuộc, dường như đã  thường xuyên ở bên họ. Họ đã yêu như yêu dòng sông của tuổi thơ, như yêu ánh Bình minh phía chân trời của buổi sớm mai khi cắp sách tới trường, như yêu về Tình bạn bè của mái trường xưa,... Đó là cách họ Yêu Chân lý. Biết nó chưa tới, sống với sự Tin cậy nó sẽ tới và Yêu cả khi nó chưa tới như sự thiếu vắng ngọt ngào. Họ Tin cậy vào Chân lý và họ Yêu Chân lý theo cách như vậy.

Điều thứ tư, xin hãy là người Tin cậy. Xin hãy là người Tin cậy với Tâm kinh, với Tính Không, bởi lẽ:

"Do đó, nên biết Prajnaparamita là thần chú vĩ đại,
là thần trú của Trí huệ vĩ đại,
là thần trú tột cùng,
câu Thần chú Vô song;
làm dịu đi những mọi đau khổ;
trong Chân lý còn có gì có thể sai được."

"Thần trú Prajnaparamita đã được chuyển giao.
Thần trú được nói thế này:
Vượt ra, Vượt ra, Vượt ra ngoài, Vượt ra ngoài tất cả;
Xin chào sự Thức tỉnh. Đến đây là đạt tới Trí huệ hoàn hảo.
Gate gate paragate parasamgate bodhi svaha."
 
Xin bày tỏ lòng biết ơn tới tất cả những Tác giả và Dịch giả của các bài viết, bài nói mà chúng tôi đã sử dụng để làm tư liệu và cảm xúc để viết bài này; xin chân thành hồi hướng công đức nhỏ bé của mình tới Quý vi. Nam mô Bổn sư Thích Ca Màu Ni Phật. Nam mô Chứng minh sư Bồ Tát Ma ha tát.

Nguồn: daophatngaynay.com/vn

0 comments:

Post a Comment

domain, domain name, premium domain name for sales

Popular Posts