Trần Thị Kim Anh
1/ Gia phả được hình thành trên cơ sở tồn tại của các gia tộc. Gia tộc, theo quan điểm của Nho giáo, là sự liên kết quan hệ huyết thống theo phụ hệ. Từ một ông tổ truyền xuống đến bốn đời được gọi là một tông tộc, một gia tộc.
Xã hội người Việt từ khi phát triển theo chế độ phụ hệ, đã dần hình thành các tông tộc. Nhưng tông tộc chỉ thực sự được xem xét khi chế độ tông pháp ra đời. Trong quá trình tiếp xúc với văn hóa Hán, người Việt do chịu ảnh hưởng của Nho giáo, cũng nhìn nhận tông tộc trên cơ sở chế độ tông pháp. Chế độ tông pháp lấy quan hệ huyết thống làm cơ sở, tôn sùng tổ tiên, dựa vào quan hệ huyết thống để phân biệt tôn ti, thân sơ, qui định quyền lợi và nghĩa vụ cho các cá nhân trong một tông tộc. Càng về sau, khi Nho giáo đã thâm nhập và có địa vị vững chắc trong xã hội người Việt, chế độ tông pháp càng được nhìn nhận một cách nghiêm ngặt hơn, đặc biệt đối với hoàng tộc và các dòng họ lớn. Do có vấn đề truyền ngôi kế vị, thừa kế... cho nên sự phân biệt dòng đích, dòng thứ, đại tông, tiểu tông, trực hệ, bàng hệ là hết sức cần thiết. Đối với xã hội đa thê, điều này lại càng thực sự quan trọng. Hơn nữa, chế độ tông pháp còn có quan hệ hết sức mật thiết với chế độ tang phục, nó là nền tảng để định ra chế độ tang phục, mà chế độ tang phục lại là một trong những cơ sở để các bộ luật phong kiến chế định trách nhiệm và quyền lợi của các cá nhân trước pháp luật. Hai bộ hình luật phong kiến nổi tiếng là Bộ luật Hồng Đức đời Lê và Bộ luật Gia Long đời Nguyễn, trong nhiều điều luật, đã căn cứ vào chế độ tang phục, tức sự phân biệt giữa người thân, hàng phải chịu tang với hàng không phải chịu tang, và giữa những người thân với nhau trong hàng phải chịu tang(1), để định ra mức phạt cùng quyền lợi của phạm nhân và nạn nhân. Chính vì vậy, để tránh nhầm lẫn, rối loạn về quan hệ thân sơ, nhu cầu chép lại thế thứ tông tộc xuất hiện, mà gia phả là hình thức để thể hiện.
Tuy nhiên ban đầu, việc chép phả có lẽ chỉ hạn chế chủ yếu trong hoàng tộc và chỉ chú trọng vào thế thứ. Sau này, kể cho đến giai đoạn Lý - Trần - Lê sơ, nhiều dòng họ phiệt duyệt xuất hiện, bao gồm gia tộc của các công thần võ tướng, các danh sĩ khoa hoạn được tước phong công hầu, ban phong thực ấp, thuộc hàng cao môn vọng tộc, đời nào cũng có người làm quan, đỗ đạt. Còn ở các làng quê, với điều kiện kinh tế mang tính tự nhiên, các dòng họ thường phải tụ cư để sinh sống, có những dòng họ tồn tại đến hàng chục đời, với số nhân đinh lớn, có lực lượng làm kinh tế lớn, giữ vai trò chính trị trong làng, nên đã phát triển thành những dòng họ phú hào, có thế lực và ảnh hưởng lớn trong làng xã. Đối với các dòng họ nói trên, việc chép phả để tôn sùng tổ tiên, khuếch trương dòng họ là vấn đề cần thiết, cho nên rất có thể ở giai đoạn này, nhiều gia phả của các dòng họ lớn đã ra đời. Tiếc rằng hiện nay chúng ta không có được chút gì về tư liệu gia phả của thời đó ngoài những đoạn truy nguyên về gốc tích dòng họ mình nằm trong phần Tự văn của một số bộ phả ở thời kỳ cuối Lê và thời Nguyễn, như họ Đinh cho rằng họ mình thuộc dòng dõi Đinh Tiên Hoàng, họ Phùng cho rằng mình thuộc dòng họ Phùng Hưng... song tuy là chép vậy nhưng không đủ căn cứ.
Sau khi nhà Lê Trung hưng, đặc biệt vào nửa cuối thế kỉ XVIII và thời Nguyễn, qua tư liệu về phả còn lại, có thể thấy ở giai đoạn này, việc chép phả rất được coi trọng và trở nên khá phổ biến. Không chỉ các tộc họ lớn mới có phả, mà có thể nói gần như họ nào cũng có phả. Nhiều họ lớn còn chia thành chi phả, phái phả. Phả thời kỳ này không chỉ đơn thuần ghi về thế thứ mà đã trở nên khá hoàn bị. Nhìn trên đại thể, một cuốn phả đầy đủ được cấu thành bởi các phần sau: Tự văn, Phả lệ, Tộc qui, Tộc mộ, Từ đường, Tộc điền, Phả hệ, đôi khi có thêm lời Bạt . Nhiều gia phả còn có các bản vẽ mộ tổ, từ đường, tộc điền, sơ đồ dinh thự; chép các khế ước, chúc thư, bằng sắc, thơ văn... khiến có bộ lớn tới dăm bảy trăm trang, thậm chí đến hơn ngàn trang.
Phần Tự văn có thể được viết nhiều lần, có phả có đến hai ba bài tự văn, thường thì do các thành viên có danh vọng trong tộc viết, có nhà mời các bậc thức giả có tiếng soạn giúp. Tự văn chủ yếu trình bày ý nghĩa của việc làm phả, nguồn gốc của dòng tộc, những sự kiện chính diễn ra trong lịch sử dòng tộc. Phần Phả lệ nói về thể lệ chép phả, có phả ghi qui định về tư cách người được ghi tên trong phả. Phần Tộc qui ghi các qui định của dòng họ về thể lệ cúng tế, trông coi từ đường, cày cấy tộc điền… Tộc mộ, Từ đường, Tộc điền được ghi cụ thể, rõ ràng diện tích và vị trí, phần nhiều có bản vẽ. Phần Phả hệ là bộ phận quan trọng nhất trong gia phả. Phần này liệt kê tính danh húy tự của tổ tông, tình hình công danh, khoa hoạn (nếu có), hôn nhân, con cái, tuổi thọ, ngày giỗ, nơi táng. Con gái cũng được ghi vào phả nhưng ít khi ghi húy tự, đôi khi cho biết gả vào họ nào. Nhiều phả có ghi tỉ mỉ hành trạng của những người đem lại vinh hiển cho dòng họ, là các bậc danh tướng, danh khoa, danh sĩ, trung thần, hiếu tử, liệt phụ... cùng bằng sắc thơ văn của họ. Tuy nhiên không phải cuốn phả nào cũng có đầy đủ các phần như vậy, nhiều phả chỉ có phần thế thứ các đời, ngày giỗ và phần mộ, thông thường đây là phả của các dòng họ nhỏ.
Tóm lại, có thể nói người Việt từ lâu đời, do ảnh hưởng của Nho giáo, đã sử dụng gia phả để chỉ rõ thống hệ, nhằm mục đích “đôn hiếu đễ, trọng nhân luân, mục tông tộc, hậu phong tục.” Việc viết gia phả từ xưa cho đến tận ngày nay đối với nhiều dòng họ luôn là việc quan trọng. Việc này thường do người trưởng họ hoặc một người có danh vọng trong dòng họ chủ trì. Về nguyên tắc, phả phải luôn được viết tiếp, nếu bỏ qua sẽ bị coi là bất hiếu. Sau khi làm xong, phả được sao thành nhiều bản giao cho các chi cất giữ cẩn thận để tránh bị mất và để lưu truyền lâu dài từ đời này sang đời khác. Nhiều dòng họ dùng bia đá để ghi lại tông phả của họ mình.
2/ Tại Thư viện Viện nghiên cứu Hán Nôm hiện nay còn lưu giữ được gần 250 gia phả của 28 họ, bao gồm các họ: Trần, Nguyễn, Vũ, Đinh, Bùi, Đỗ, Lê, Doãn, Dương, Hoàng, Đặng, Đàm, Đoàn, Ngô, Phạm, Lương, Phan, Hà, Nhữ, Hồ, Trương, Lưu, Mạc, Nghiêm, Thẩm, Trịnh, Tường, Vương. Nếu so với con số các họ ở nước ta mới được công bố gần đây là 964 họ thì quá ít ỏi, nhưng có lẽ đây vẫn là nơi có số gia phả tập trung lớn nhất trên toàn quốc.
Về địa vực phân bố thì trừ hai cuốn phả của họ Mạc ở Hà Tiên và họ Lê ở Thừa Thiên, còn đều là phả của các dòng họ thuộc 16 tỉnh từ Hà Tĩnh trở ra. Nếu sử dụng cách phân chia Nam Bắc thời Lê Trịnh thì đây hầu hết là phả Đàng ngoài. Cụ thể phân bố như sau (theo địa danh hiện tại):
1. Bắc Ninh, có các họ: Trần, Nguyễn, Đàm, Nghiêm, Trịnh. 2. Hà Nội: Trần, Nguyễn, Vũ, Bùi, Đỗ, Lê, Dương, Đặng, Ngô, Phạm, Phan, Lưu, Thẩm, Vương.
3. Hà Tây: Trần, Nguyễn, Vũ, Đinh, Đỗ, Lê, Doãn, Hoàng, Đặng, Đàm, Đoàn, Ngô, Lương, Phan, Trịnh.
4. Hà Tiên: Mạc.
5. Hà Tĩnh: Nguyễn, Hoàng, Ngô, Lương, Phan.
6. Hải Dương: Nguyễn, Vũ, Đinh, Bùi, Đỗ, Lê, Ngô, Phạm, Nhữ.
7. Hưng Yên: Nguyễn, Vũ, Đỗ, Trương, Tường.
8. Nam Định: Trần, Bùi, Lê.
9. Nam Hà: Nguyễn.
10. Nghệ An: Nguyễn, Đinh, Hồ.
11. Ninh Bình: Nguyễn.
12. Phú Thọ: Nguyễn.
13. Thái Bình: Nguyễn, Lê, Phạm.
14. Thanh Hóa: Trần, Nguyễn, Vũ, Lê, Hoàng, Ngô, Hà, Trịnh.
15. Thừa Thiên: Lê.
16. Vĩnh Phú: Nguyễn, Vũ.
Về niên đại, phả có niên đại sớm nhất được biên soạn vào thời Cảnh Hưng (1740 - 1786), cũng có một số phả mang niên đại biên soạn sớm hơn, vào các thời Vĩnh Tộ (1619 – 1628), Chính Hòa (1680 - 1705), Vĩnh Thịnh (1705 - 1719), nhưng đều là các bản sao. Còn hầu hết đều được soạn, biên tập, sao chép vào các thời Gia Long (1802 - 1820), Minh Mệnh (1820 - 1840), Tự Đức (1848 - 1883)... cho đến niên đại muộn nhất là Bảo Đại 1936. Có bộ thậm chí chỉ mới được sao vào năm 1962. Trừ một bản là Chương Dương Đỗ phả của dòng họ Đỗ ở Hà Tây được khắc in ở đền Lễ Môn vào năm Tự Đức Canh Thìn (1880), còn lại hầu như toàn bộ đều là các văn bản chép tay. Gia phả có số trang ít nhất là 8 trang, gia phả có số trang lớn nhất là 1200 trang, còn lại đều khoảng từ vài chục đến vài trăm trang. Dòng họ chép được thế thứ dài nhất là 17 đời. Nhiều bộ phả do các Cử nhân, Tiến sĩ hoặc các nhân vật nổi tiếng soạn, biên tập hoặc viết tự văn, như Tiến sĩ Nguyễn Hữu Quýnh biên tập bộ Bối Khê Trạng nguyên gia phả; Cử nhân Bùi Xuân Nghi soạn Bùi thị gia phả; Cao Xuân Dục viết tự văn cho Đài Phong Đặng thị gia phả; Bùi Huy Bích viết tự văn cho Đinh gia tộc phả; Nguyễn Nghiễm soạn Hoan Châu Nghi Tiên Nguyễn gia thế phả; Thám hoa Vũ Công Tể soạn và viết tự văn Hải Bối Vũ công tộc gia phả; Hồ Tam Kiểm viết tự văn cho Hồ gia thế phả ; Lê Hữu Mưu soạn Văn Xá Lê tộc thế phả; Lê Quý Kiệt biên tập và viết lời bạt cho Kinh Bắc Như Quỳnh Trương thị quí thích thế phả; Ngô Thì Nhậm biên soạn Lương Xá Đặng thị gia phả; Lưu Đĩnh viết tự văn cho Lưu thị phả kí Phạm Đình Hổ soạn Đường An Đan Loan Phạm gia thế phả...
Phần lớn số phả này là phả của các dòng họ có những nhân vật nổi tiếng, nhiều người đỗ đạt, làm quan như: phả của dòng họ Trạng nguyên Nguyễn Trực ở Bối Khê; Tiến sĩ Trần Mô ở Di ái; dòng họ Nguyễn Huy ở Phú Thị; họ Dương ở Lạc Đạo; họ Nguyễn ở Bát Tràng; họ Nguyễn - Đa Ngưu; họ Dương (Bá Cung) - Nhị Khê; họ Nguyễn - Đại Mỗ; dòng họ của Tiến sĩ Đàm Thận Huy ở Ông Mặc; họ Đinh ở Nghệ An; họ Đinh - Hàn Giang; họ Ngô - Đông Anh; họ Lương - Nhị Khê; họ Nguyễn (Du) - Tiên Điền; họ Nguyễn (Công Trứ), họ Nguyễn (Thiếp), họ Phan (Đình Phùng) - Hà Tĩnh; họ Hồ - Quỳnh Lưu; họ Nguyễn ở Nông Cống; họ Lưu - Nguyệt áng; họ Vũ - Mộ Trạch; họ Nhữ - Hoạch Trạch; họ Ngô Thì - Tả Thanh Oai; họ Phan Huy - Sài Sơn; họ Phạm, họ Phan - Đông Ngạc; họ Bùi - Thanh Trì; họ Lê (Hữu Trác) - Liêu Xá; dòng họ của Thượng thư Lê Anh Tuấn; dòng họ của danh sĩ Phạm Đình Hổ... Chính vì vậy xét về số trang cũng như nội dung, đây là khối tư liệu khá đồ sộ và phong phú.
Ngoài việc nghiên cứu lịch sử hình thành, phát triển của các dòng họ và giúp tìm hiểu, bổ sung tư liệu cho tiểu sử các danh nhân, ở đây người ta còn có thể khai thác được nhiều loại tư liệu thuộc nhiều lĩnh vực khác nhau. Nhiều gia phả cho tư liệu về đăng khoa; có những gia phả cung cấp tư liệu về ngành nghề thủ công truyền thống như phả của họ Nguyễn ở Bình Vọng cho biết về nghề sơn thiếp, làm dù, làm lọng; phả của họ Phạm ở Đan Loan cho biết về nghề nhuộm và sự phát triển của nghề này ở Thăng Long... Mảng tư liệu về phong tục, nghi thức cúng tế tổ tiên cũng là mảng tư liệu quí; tư liệu về phong thủy - sự phát đạt của các dòng họ dựa trên phong thủy là những tư liệu rất hữu ích giúp cho việc nghiên cứu về địa lí nhân văn; nhiều tư liệu lịch sử không có trong chính sử nhưng gia phả lại có; tư liệu về đời sống xã hội thời kì cuối Lê và Nguyễn cũng là mảng tư liệu hết sức phong phú; đối với việc nghiên cứu xã hội học lịch sử như nghiên cứu về hôn nhân, dân số..., người ta cũng có thể lấy được tư liệu từ đây. Đó là còn chưa kể đến số lượng lớn bằng, sắc phong tặng, thơ, văn, phú, tế, hoành phi, câu đối, văn bia bắt gặp trong hầu hết các bộ phả, là nguồn tư liệu quí giá có thể làm giàu có thêm cho kho tàng văn học cổ nếu được khai thác.
Tuy nhiên khi sử dụng các tư liệu này cũng nên hết sức thận trọng, bởi phả là loại hình văn học chức năng mang tính chủ quan cao, khi viết về dòng họ mình, do tự tôn, người ta luôn có ý thức thêm vào những điều tốt đẹp, bớt đi những sự không hay. Chẳng hạn, chân dung của Đinh Tích Nhưỡng trong gia phả họ Đinh và hình ảnh ông ta dưới ngòi bút các tác giả Hoàng Lê nhất thống chí và Vũ trung tùy bút gần như trái ngược nhau. Trường hợp Nguyễn Hoãn - một sủng thần đời Cảnh Hưng cũng vậy... hoặc như ở mảng văn chương, sự nhầm lẫn giữa tác phẩm của người nọ với người kia là rất nhiều... Đối với các tư liệu liên quan đến lịch sử cũng phải rất dè dặt.
Nhưng dù sao đây vẫn là một phông tư liệu quan trọng cần được bổ sung và có kế hoạch nghiên cứu khai thác. Gần đây, Trung tâm Phả học thuộc Viện Nghiên cứu Hán Nôm được thành lập, chúng tôi thực sự vui mừng trước sự kiện này. Hy vọng rằng dưới sự chỉ đạo trực tiếp của lãnh đạo Viện và được sự quan tâm của các cấp lãnh đạo, Trung tâm sẽ đề ra được những biện pháp hữu hiệu nhằm nghiên cứu khai thác số gia phả nói trên và về lâu dài sẽ tiến hành sưu tầm bổ sung thêm bằng những gia phả hiện còn nằm ở các dòng họ trên toàn quốc, trở thành Trung tâm bảo tồn, quản lí và nghiên cứu gia phả mang tầm cỡ quốc gia.
Hà Nội, tháng 10 năm 2002
T.T.K.A
Chú thích:
(1) Hàng phải chịu tang (Hữu phục) là những người thân trong hàng Ngũ phục, bao gồm năm mức để tang người thân là: Trảm thôi - để tang 3 năm, Cơ thân - 1 năm, Đại công - 9 tháng, Tiểu công - 6 tháng, Ty ma - 3 tháng. Hàng không phải chịu tang (Vô phục) là những người họ xa trong tộc họ hoặc họ ngoại, không nằm trong hàng Ngũ phục.
Theo: Tạp chí Hán Nôm số 1 - 2003.
0 comments:
Post a Comment