PGS. TS Nguyễn Chu Hồi (Phó tổng cục biển và hải đảo Việt Nam)
Hơn lúc nào hết, tiếng nói khoa học, tỉnh táo, thấu tình đạt lý của ông – nhà hoạch định chiến lược, chuyên gia hiếm hoi về quản lý môi trường biển – trước những vấn đề nóng bỏng nhất đang đặt ra cho đất nước, thật quý giá. Những ý kiến ông bày tỏ dưới đây không chỉ xuất phát từ trách nhiệm nghề nghiệp, mà còn từ một trái tim lúc nào cũng đau đáu với sự nghiệp giữ biển đảo, với đời sống ngư dân…
Hơn lúc nào hết, tiếng nói khoa học, tỉnh táo, thấu tình đạt lý của ông – nhà hoạch định chiến lược, chuyên gia hiếm hoi về quản lý môi trường biển – trước những vấn đề nóng bỏng nhất đang đặt ra cho đất nước, thật quý giá. Những ý kiến ông bày tỏ dưới đây không chỉ xuất phát từ trách nhiệm nghề nghiệp, mà còn từ một trái tim lúc nào cũng đau đáu với sự nghiệp giữ biển đảo, với đời sống ngư dân…
Theo ông, đâu là bài học đáng nhớ nhất từ cha ông về giữ biển?
Sự giàu có của Biển Đông cùng với vị trí ngã ba đường quốc tế của nó đã khẳng định giá trị địa chính trị trên bình đồ khu vực và quốc tế, làm tăng khát vọng chủ quyền biển đảo của các nước trong khu vực và thậm chí cả ngoài khu vực. Chính vì thế, Biển Đông trở thành khu vực tranh chấp chủ quyền phức tạp và kéo dài nhất nhì trên thế giới.
Biển gắn bó với người dân Việt từ ngàn đời, là chỗ dựa sinh kế cho hàng chục triệu người, biển luôn gắn với quá trình sinh tồn và phát triển của dân tộc, tạo ra một trong những nét độc đáo của văn hoá Việt – văn hoá ứng xử biển cả!
Bài học thực tế bảo vệ biển đảo của cha ông ta chỉ rất rõ sự kết hợp sức mạnh dân tộc gắn với sức mạnh thời đại, giữa Nhà nước và nhân dân để huy động tối đa sức mạnh và ý chí cả dân tộc. Tuy nhiên, vẫn cứ phải nói rằng, là một quốc gia biển lớn ven bờ Biển Đông nhưng đến nay Việt Nam vẫn là nước có trình độ khai thác biển lạc hậu trong khu vực, khả năng vươn ra đại dương vẫn là bài toán chưa có lời giải thoả đáng. Có lẽ ta chưa phải là dân tộc dám mạo hiểm, mà để chinh phục biển và đại dương lại cần tính cách đó.
Ông có cho rằng nên công khai càng sớm càng tốt những tư liệu lịch sử mới nhất, những văn bản gốc, những chứng cứ vững chắc về Biển Đông cho nhân dân biết, thế giới biết?
Nhà nước nào cũng có những quy định bảo mật thông tin, trong chiến tranh thì yếu tố bí mật, bất ngờ vẫn là cách để nước nhỏ có thể đánh bại một nước lớn. Hơn nữa, những tư liệu lịch sử mới nhất, những văn bản gốc… là những con bài chủ cần phải rà soát, nghiên cứu và phân tích kỹ lưỡng, khoa học, nếu công bố vội vã không khéo phản tác dụng. Mức độ an sinh của những người lao động trên biển, ven biển và hải đảo còn hạn chế, khả năng tiếp cận thông tin của đại đa số người dân về các vấn đề biển, đảo nói chung còn gặp nhiều khó khăn. Việc cần làm là nên tập trung tuyên truyền, cung cấp kiến thức và nâng cao nhận thức về biển, đại dương, về các vấn đề an ninh, chủ quyền biển, đảo gần đây, và công khai càng sớm càng tốt những lập luận vững chắc về chủ quyền của Việt Nam trong khu vực Biển Đông cho lãnh đạo các cấp, người dân biết, thế giới biết để cùng nhìn về một hướng. Thống nhất về nhận thức sẽ thống nhất về hành động, tạo ra sức mạnh dân tộc và thời đại – yếu tố của thắng lợi.
Với cung cách phát triển đại học kiểu này thì nước ta khó hy vọng có các trường đại học chuyên ngành có bề dày lịch sử đáng tự hào, nên chả dám mơ một đại học đại dương tương xứng với ba phần tổ quốc là biển. |
Mặt khác, hình như “không cho nói” là dễ nhất, vì không sợ sai, nhưng nếu có cho nói thì không biết nói gì, cách nói ra sao, trong khi phía đối phương của ta thì rất thâm sâu, có cả “đại xảo và tiểu xảo”. Phải chăng lâu nay ta chưa quan tâm đúng mức đến mảng thông tin, tuyên truyền và nâng cao nhận thức cho toàn xã hội về vấn đề biển đảo và chủ quyền của biển Việt Nam trong khu vực Biển Đông.
Tuyên truyền thì có nhiều hình thức khác nhau, phong phú và tế nhị, bảo đảm “tâm phục, khẩu phục” để tập trung vào chủ đề cần nói, không để bị “lợi dụng” làm loãng mục tiêu chủ đạo.
Có bao giờ ông gặp khó khăn khi đề cập trực diện, mạnh mẽ những vấn đề nóng của việc giữ biển, giữ đảo?
Bản thân chuyện biển, đảo đã là những vấn đề nóng và nhạy cảm rồi. Nhưng hiểu biết đầy đủ và chính xác về nó không dễ. Mình là người biết một chút, là người đi trước, đọc trước thì trao đổi với người sau. Xã hội hiểu về biển đảo cũng rất khác nhau, thì việc nói đúng, nói cho rõ ràng không chỉ nâng cao nhận thức và kiến thức cho quảng đại quần chúng mà còn hy vọng định hướng được dư luận. Hiện nay có hai cách nói trong tuyên truyền biển, đảo: quá chung chung (né tránh) hoặc quá kỹ (đại chúng không hiểu); khi nói tôi cố gắng khắc phục hai cách này, làm sao đủ thông tin, đủ hiểu, có chủ kiến thông qua phân tích, bình luận và gợi mở cho những người quan tâm cùng suy nghĩ. Nói làm sao có người nghe là tốt rồi, việc đại sự của dân tộc mình cũng chỉ hy vọng đóng góp chút xíu thôi. Không thấy ai cản trở công việc này mà thường nhận được nhiều lời động viên.
Giữ biển, tiến ra biển không ai khác chính là ngư dân và con cháu của họ, vậy cần làm thế nào để bảo đảm đời sống văn hoá, tinh thần của ngư dân, để giúp ngư dân đánh bắt xa bờ, làm chủ ngư trường? Nhìn qua các nước bạn trong khu vực, ông thấy có những kinh nghiệm quý nào cần học hỏi?
Hàng ngày có hơn 10.000 tàu đánh cá trên khắp vùng biển đất nước, họ đóng góp trực tiếp cho nền kinh tế và là sự hiện diện dân sự trên vùng biển, hải đảo của tổ quốc. Tuy nhiên, đang tồn tại cùng lúc nghề cá nhỏ và nghề cá lớn, trong khi vùng 30m nước sâu trở vào bờ còn rất ít tôm cá. Ra khơi chưa có chỉ báo về bãi cá, quy luật di cư và mùa vụ đánh bắt không có, thiếu công nghệ biển sau thu hoạch, chi phí xăng dầu lại cao, mức độ an sinh còn thấp… Chính vì thế, sản lượng thu được theo đơn vị thời gian quá thấp, lợi nhuận cuối cùng còn rất ít, đời sống kinh tế – xã hội của ngư dân gặp nhiều khó khăn. Nguồn nhân lực của ngư dân đáp ứng nhu cầu công nghiệp hoá và hiện đại hoá… còn thấp.
Trong bối cảnh Biển Đông hiện nay, cần tổ chức ngư dân thành đội hình ra biển, có chính sách khuyến khích và ưu đãi, kết hợp dự báo ngư trường, được trang bị máy thu phát sóng, hỗ trợ hoạt động sau thu hoạch và tiêu thụ sản phẩm…
Con người đã phải trả giá đau đớn cho việc tàn phá môi trường tự nhiên. Liệu chúng ta có khả năng kết nối với quốc tế để giữ môi trường xanh, sạch cho biển?
Việt Nam là một trong số nước chịu tác động mạnh của biến đổi khí hậu và nước biển dâng, đặc biệt tác động mạnh ở vùng cửa sông, ven biển và các đảo nhỏ. Các quy hoạch dài hạn, phát triển các khu đô thị và dân cư ven biển cũng như các khu kinh tế, công nghiệp ven biển, trên hải đảo đều phải tính đến tác động của biến đổi khí hậu… Trên cơ sở đó, đưa ra và thực thi các giải pháp thích ứng và giảm thiểu tác động của biến đổi khí hậu như: phương án tị nạn, tái định cư, thay đổi kết cấu hạ tầng đô thị, phục hồi các hành lang xanh ven biển và trên đảo, xây dựng đê đập…
Đứng trước biển mình còn quá nhiều điều chưa biết, chưa tường tận, và luôn tự hỏi mình làm được gì cho biển, cũng là cho Tổ quốc hôm nay! |
Trong bối cảnh như vậy, đại dương không chỉ là đối tượng chịu tác động của biến đổi khí hậu mà chính nó lại đóng vai trò giảm thiểu tác động của biến đổi khí hậu trên quy mô toàn cầu: thu giữ CO2 từ nhóm khí nhà kính của bầu khí quyển, cung cấp nguồn năng lượng thay thế các dạng năng lượng hoá thạch gây hiệu ứng nhà kính và biến đổi khí hậu (năng lượng gió biển, năng lượng mặt trời, năng lượng sóng, dòng chảy, thuỷ triều và địa nhiệt…) Thế nhưng vai trò to lớn của đại dương trong giải quyết vấn đề biến đổi khí hậu đến nay vẫn chưa được thừa nhận toàn bộ.
Trong nhiều nỗ lực hợp tác quốc tế, dự án Cải thiện sức chống chịu cho vùng bờ biển trước tác động của biến đổi khí hậu ở ba nước Việt Nam, Campuchia và Thái Lan do EU tài trợ sẽ được thực hiện các năm 2011 – 2014. Ở Việt Nam, sẽ triển khai tại TP.HCM, Bến Tre, Sóc Trăng và Kiên Giang.
Theo ông, vì sao một đất nước có hơn 3.000km bờ biển như Việt Nam lại thiếu hụt trầm trọng đội ngũ nghiên cứu về hải dương học? Kiến thức về biển ông có được là do đâu?
Trên đường ra đảo Cù Lao Chàm làm việc với khu bảo tồn biển. |
Biển rộng gấp ba lần đất liền nhưng ngay tại học viện Chính trị – hành chính quốc gia Hồ Chí Minh, nơi đào tạo cán bộ cao cấp quản lý đất nước lại không có môn học nào về biển. Số chuyên gia về biển của chúng ta lứa đầu tiên khoảng 300 người nay đã già hoặc về hưu gần hết, người được đào tạo chuyên ngành về âm biển học càng ít ỏi hơn, và dường như chúng ta chưa coi trọng việc đào tạo chuyên gia ngành này. Có vẻ câu chuyện quản lý biển, hải đảo vẫn còn đang ở giai đoạn nhận thức.
Đại học Thuỷ sản Nha Trang là đại học duy nhất về khoa học và công nghệ thuỷ sản ở nước ta đã giải tán, do số sinh viên học nghề khai thác thuỷ sản quá ít so với số thầy cô trong khoa vì ngư dân ra biển đâu cần bằng đại học, chưa có tập đoàn đánh cá… nên không xuất hiện nhu cầu. Nhưng Trung Quốc có đại học Thuỷ sản Thượng Hải nổi tiếng và nhiều trường đại học biển khác, Đài Loan còn có hẳn một đại học Đại dương (Ocean University)… Tôi nhớ anh Tạ Quang Ngọc, nguyên bộ trưởng bộ Thuỷ sản, đã khóc khi nói đến chuyện giải thể và đổi tên đại học Thuỷ sản. Với cung cách phát triển đại học kiểu này thì nước ta khó hy vọng có các trường đại học chuyên ngành có bề dày lịch sử đáng tự hào, nên chả dám mơ một đại học đại dương tương xứng với ba phần tổ quốc là biển. Thế nhưng biển vẫn mãi mãi quan trọng với dân tộc Việt chúng ta.
Tôi hay nói vui với bạn bè rằng “vị mặn của biển cả đã ngấm vào máu thịt rồi”. Để có kiến thức về khoa học biển và quản lý biển, tôi phải tranh thủ học thêm và bổ túc nhiều lớp chuyên đề ở nước ngoài và tham gia hoạt động quốc tế tích cực, nhờ đó cập nhật được thông tin kịp thời.
Ông đã từng phải chịu nhiều thất bại, mất mát chưa, để giữ được một tinh thần trọn vẹn cho nghiệp biển mà mình theo đuổi?
Đam mê biển cả, chống chọi với sóng gió… để giữ lấy nghiệp biển đã rèn cho tôi bản lĩnh của người đi biển. Bước xuống biển, người ngư dân cột chặt cuộc đời mình với cánh buồm, sẵn sàng đối mặt với biển cả vì khi ấy biển sẽ quyết định tất cả. Biển là con đường đã chọn, nên chưa lúc nào ngồi tĩnh tâm mà toan tính thiệt hơn và không xuất hiện khái niệm thất bại trong tôi. Chỉ thấy rằng đứng trước biển mình còn quá nhiều điều chưa biết, chưa tường tận, và luôn tự hỏi mình làm được gì cho biển, cũng là cho tổ quốc hôm nay!
Ở tuổi này của cuộc đời, điều gì với ông là quý giá nhất?
Tôi vui là trong cuộc đời làm khoa học và quản lý đã đi được bằng đôi chân và sống được bằng cái đầu của mình. Có biển để mà đam mê, sống và phát triển chỉ nhờ vào nghề của mình thì quá quý hoá còn gì. Phổ công việc của tôi rất rộng cho nên luôn làm không hết việc, tiền không nhiều nhưng bận như “con mọn”. Tôi không màng các khoản thu nhập không bằng chính sức lao động của mình.
Thực hiện: Kim Yến
Chân dung hội hoạ: Hoàng Tường
Chân dung hội hoạ: Hoàng Tường
0 comments:
Post a Comment