Tổng quan
Thiền sư và Nhà khoa học đều có cùng mục đích là tìm kiếm chân lý. Thiền sư cảm thấy cuộc đời vô thường huyễn ảo và khổ, nghi ngờ thế giới không phải thật, cái ta của mình cũng không thật, như vậy đằng sau các hiện tượng huyễn hoá là gì, cái gì là bổn lai diện mục thực sự của mình trước khi cha mẹ chưa sinh ra. Nhà khoa học thì nhìn thấy nhiều hiện tượng, thắc mắc muốn biết tại sao có hiện tượng như vậy, chẳng hạn tại sao trái táo lại rơi xuống đất, tại sao khi ngâm mình trong nước thì cơ thể dường như nhẹ, lơ lửng chứ không chìm hẳn, nếu dùng tay chân đẩy nước thì có thể nổi trên mặt nước, tại sao có hiện tượng nhật thực, nguyệt thực, thuỷ triều lên xuống v.v…Vì vậy họ muốn tìm câu trả lời cho mình.
Về mặt phương pháp
Thiền sư thì dựa vào lời dạy của Đức Phật Thích Ca và các Tổ Sư, những Tổ Sư của Ấn Độ, Trung Quốc và nhiều nước khác nữa, muốn biết và dùng thiền quán để xem xét cho tận tường, rồi cuối cùng cũng dùng thiền định (dừng tư duy) để giải quyết vấn đề, đó là Như Lai Thiền. Hoặc muốn biết mà không cho dùng trí óc tìm hiểu, vì rằng trí óc có giới hạn, không thể nào hiểu tận cùng vũ trụ, khắp không gian thời gian được, chỉ tìm cách dừng bặt suy nghĩ để cho bổn lai diện mục tự hiện lên, đó là Tổ Sư Thiền.
Nhà khoa học thì dùng tư duy lô gích để suy luận, dùng luận lý để suy diễn, đo đạc những cái chưa biết rồi từ những cái đã biết, tính ra những cái chưa biết bằng những phương trình toán học, hoặc dùng thí nghiệm, thực nghiệm để khảo sát các hiện tượng tìm ra các định luật, quy luật, nguyên lý, quy tắc, hằng số… để hướng dẫn cho các nghiên cứu kế tiếp, từ đó hiểu dần dần thế giới và vũ trụ. Kết quả là nắm được tri thức. Với tri thức, con người ứng dụng vào sản xuất và đời sống làm thay đổi xã hội, nâng cao đời sống, đạt được những thành quả hết sức ấn tượng. Tuy nhiên những vấn đề cơ bản như sinh lão bệnh tử, thiên tai, hoà bình thế giới, tự làm chủ vận mệnh vẫn không giải quyết được, không thể hiểu hết vũ trụ.
Về mặt kết quả
Một số thiền sư giác ngộ (kiến tánh) là đã thành công trong việc tu tập của mình. Kết quả này có ý nghĩa như sau :
Thấu hiểu hết mọi lẽ huyền vi của vũ trụ, nhưng đã phá được ngã chấp nên không còn người hiểu, cũng không còn cái được hiểu, đây là trạng thái bất nhị, không có năng sở (no subject, no object). Cái biết đó gọi là chánh biến tri, bao trùm khắp không gian thời gian, có năng lực không thể nghĩ bàn, chẳng hạn tạo ra các vũ trụ, các thế giới, vô số sinh vật. Tại sao lại có thể có năng lực vô cùng vĩ đại như vậy? Đó là vì bản chất của vũ trụ là Tam giới duy tâm, vạn pháp duy thức. Thế giới vốn là ảo không phải thật, tất cả đều là do tâm tạo. Đức Phật A Di Đà đã tạo ra Thế giới Tây phương Cực lạc để tiếp dẫn những người đã thực hiện đúng Tín, Nguyện, Hành của pháp môn Tịnh Độ là một thí dụ. Thế giới Tây phương Cực lạc cũng giống như Thế gian này, tức cũng là huyễn ảo, nhưng đối với chúng sinh sống trong đó, nó cũng thật như thế gian này. Có điều khác là nó bình an hơn thế gian này, chẳng bao giờ có thiên tai, động đất, núi lửa, bão lụt. Chúng sinh xuất hiện do hoá sanh, không bao giờ có bệnh tật, cũng không có ai dị dạng xấu xí, tật nguyền, bởi vì những chúng sinh tới đó đều có phước báu. Các Đức Phật và Bồ Tát có thể tuỳ ý đi khắp Tam giới (Tam giới rộng lớn hơn vũ trụ của chúng ta hàng tỉ tỉ tỉ lần) mà thực ra là chẳng hề đi đâu, đó là diệu dụng của Như Lai.
Trên thế giới cũng có người từng có cơ duyên tham quan Tây phương Cực lạc của Phật A Di Đà. Đó là câu chuyện của Pháp sư Khoan Tịnh. Đại Pháp Sư ra đời lúc 10 giờ mùng 7 tháng 7 năm giáp Tý (1924). Ngài ra đời trong căn nhà số 140 đại lộ Thành Quan, Trấn Đông thuộc huyện Bồ Điền Tỉnh Phước Kiến, Trung Quốc, trong một gia đình cư sĩ Phật giáo họ Phan, tên ông là Phan Kim Vinh. Lúc 15 tuổi, chính thức xuống tóc quy y với thầy là Hư Vân lão Hoà Thượng tại chùa Tô, còn gọi là Nam Hoa Thiền Tự, tại Thiều Quan, tỉnh Quảng Đông.
Ngày 25 tháng 10 âm lịch, năm 1967, Ngài Ðại Pháp Sư Khoan Tịnh ngồi thiền trong động Di Lặc, núi Cưu Tiên, dãy Quế Lạc, Công Xã Thượng Dõng, Huyện Đức Hóa, Tỉnh Phước Kiến, đột nhiên được Bồ Tát Quán Thế Âm tiếp dẫn đi, khiến nhục thân của ông biến mất. Thế gian lúc ấy không thấy dấu tích Pháp Sư đâu, đổ xô đi tìm, tìm khắp cả chùa, tìm khắp cả núi, hằng trăm cái động, lớn có nhỏ có, vẫn không thấy tông tích của Pháp Sư, thậm chí huy động cả các đội trục vớt, đội cứu nạn bãi biển, cứu nạn thác ghềnh vẫn không thấy. Một số thiện tín nhiệt thành, còn tuôn ra các huyện thành, các chợ Tuyền Châu, chợ Hạ Môn, chợ Phước Châu, chợ Nam Bình kiếm tìm, còn gởi thơ nhờ các tỉnh huyện lân cận như huyện Vĩnh Thái, Huyện Vĩnh Xuân, Đức Hóa, Phước Thanh, lăng xăng cả mấy năm dài mà vẫn không tin tức gì cả.
Thực ra lúc ấy, Pháp Sư được dẫn đến cõi trời Đạo Lợi, cõi trời Đâu Suất và Thế Giới Tây Phương Cực Lạc của Phật A Di Đà, tham quan các cảnh giới 9 phẩm hoa sen. Thời gian chỉ khoảng chừng 1 ngày 1 đêm (chính xác là 20 giờ), nhưng khi về đến nhân gian đã là ngày mùng 8 tháng 4 âm lịch, năm 1973, tính ra đã trên 5 năm 6 tháng trôi qua.
Nói chánh biến tri là một năng lực phi thường không thể nghĩ bàn, vậy chứng cứ đâu ? Các thiền sư giác ngộ là rất ít, họ lại không chịu biểu diễn thần thông vì sợ công chúng mê thần thông mà xa rời tu tập giác ngộ. Đời Nhà Đường và Nhà Minh ở Trung Quốc có nhiều người kiến tánh, một vài vị trong số đó có để lại nhục thân bất hoại, như Lục Tổ Huệ Năng, sư Hám Sơn, sư Đơn Điền. Nhục thân của 3 vị này hiện còn thờ tại Nam Hoa Thiền Tự ở Thành phố Thiều Quan tỉnh Quảng Đông, TQ. Năm 1965, có một vị thiền sư giác ngộ là Nguyệt Khê ở Hong Kong cũng đã chủ động để lại nhục thân bất hoại, hiện còn thờ tại chùa Vạn Phật, Hong Kong. Đó đều là tác dụng của chánh biến tri.
Có những người chưa giác ngộ nhưng cũng vận dụng được phần nào chánh biến tri, có lẽ đã thành tựu từ kiếp trước. Trương Bảo Thắng là một người như vậy.
Đầu óc của Trương Bảo Thắng không thể nhớ hết các chi tiết trên danh thiếp, chẳng hạn những số điện thoại. Anh cũng không thể nhớ chính xác chữ viết tay của ông thị trưởng đã viết như thế nào, chữ viết tay là rất khó bắt chước. Nhưng với chánh biến tri, anh có thể phục nguyên tấm danh thiếp, y nguyên như nó chưa hề bị nhai nát, chữ viết tay cũng hoàn toàn giống như cũ. Như thế rõ ràng chánh biến tri không phải là khái niệm suông, mà đó chính là một trạng thái của tâm bất nhị, có công năng kỳ diệu. Điều này chứng tỏ Thượng đế của Thiên chúa giáo, hay Phật tánh của Phật giáo cũng chính là chánh biến tri. Chính chánh biến tri đã tạo ra vũ trụ, vạn vật, con người. Chánh biến tri có khả năng siêu việt thời gian, không gian, số lượng.
Các nhà khoa học thì dùng tri thức của nhân loại nghiên cứu được để sản xuất chế tạo vô số vật chất từ lương thực thực phẩm cho tới quần áo, giày dép, hàng tiêu dùng, nhà cửa, xe hơi, tàu thuỷ, máy bay, máy tính, điện thoại di động v.v…để phục vụ cho cuộc sống của nhân loại được nhiều tiện nghi. Nhưng cũng có nhiều người lợi dụng tri thức đó để chế tạo những thứ làm hại nhân loại như : vũ khí, bom đạn, bom nguyên tử, chất độc hoá học màu da cam. Mặt khác một số hoá chất dùng trong sản xuất cũng gây hại như thuốc trừ sâu còn đọng lại trên rau cải trái cây, lương thực, chất tạo nạc độc hại trong chăn nuôi. Các nhà máy cũng thải ra số lượng lớn chất độc hại không qua xử lý đổ vào sông suối làm ô nhiễm môi trường. Một lượng lớn thuốc trừ sâu thấm vào đất, đồng ruộng đổ ra sông rạch làm ô nhiễm các dòng sông. Các tiện nghi do con người tạo ra cũng gây hại rất lớn như tai nạn giao thông : các vụ rớt máy bay, xe lửa, tàu cao tốc đụng nhau, xe máy xe hơi đâm sầm vào nhau là những tai nạn kinh hoàng mà người xưa không hề biết tới. Bom nguyên tử nổ hay những nhà máy điện nguyên tử nổ phát ra phóng xạ độc hại, hay bom mìn gây chết người hoặc cụt chân cụt tay là những tai hoạ mà người xưa cũng chưa từng biết tới.
Bù lại con người ngày nay cũng được hưởng những thành tựu khoa học kỳ diệu mà người xưa cũng chưa từng biết. Chẳng hạn ngày xưa, mới cách nay chừng hai chục năm thôi, muốn liên lạc với thân nhân ở nước ngoài là vô cùng khó khăn. Gởi một cái thư qua bưu điện mất cả tháng trời, đợi thêm một tháng nữa mới nhận được hồi âm. Một lần trao đổi thư từ trung bình mất hai tháng. Gọi điện thoại đường dài ra nước ngoài là rất tốn kém. Vì vậy chỉ khi nào hết sức cần thiết mới liên lạc với nhau. Nếu có bạn bè dù thân đi nữa, hễ đi nước ngoài là nghìn trùng xa cách, cố gắng lắm là trao đổi vài lá thư, sau đó là bặt vô âm tín. Nhưng ngày nay với internet và smartphone, việc liên lạc với thân nhân, bạn bè ở nước ngoài là rất dễ dàng thuận tiện và ít tốn kém. Chúng ta có thể cài Skype trên điện thoại thông minh của mình, bên kia cũng cài Skype. Hai bên có thể nói chuyện với nhau qua wifi (nếu ở nhà không có wifi thì ra quán cà phê) và qua internet, gắn thêm tai nghe thì thật thoải mái và miễn phí, có thể nói chuyện và nhìn thấy nhau, cho tới khi nào điện thoại hết pin mà không sợ tốn tiền. Các loại điện thoại như iPhone và loại sử dụng hệ điều hành Android thì có thể cài Viber càng tiện dụng hơn nữa, vì không phải đăng ký mở tài khoản (account), các số điện thoại trong danh bạ được dùng như username luôn. Viber cũng hoàn toàn miễn phí qua wifi hoặc 3G như Skype. Nếu dùng 3G thì chỉ tốn một ít phí cho 3G chứ cuộc gọi đường dài ra nước ngoài qua internet thì hoàn toàn miễn phí. Cài Viber rất dễ, tuy nhiên những ai không quen sử dụng những công cụ này, có thể liên lạc bằng tin nhắn với nước ngoài cũng không tốn quá nhiều, khoảng 2500 đồng một tin nhắn.
Thông tin trên internet thật nhanh chóng và thuận tiện. Chúng ta ngồi ở nhà, đọc báo trên mạng, nắm được hầu như bất cứ thông tin nào mà mình muốn tìm và có người đưa lên mạng. Chỉ cần đọc được một vài ngôn ngữ thông dụng như tiếng Anh, tiếng Hoa và tiếng mẹ đẻ của mình thì gần như có thể nắm được phần lớn thông tin trên thế giới, Đông, Tây, Kim, Cổ. Nhất là khi trên mạng có từ điển mở Wikipedia, chúng ta có thể tra cứu rất tiện lợi và nhiều chi tiết. Hình ảnh, video và âm thanh dạng mp3 cũng có rất nhiều trên mạng, sẵn sàng phục vụ miễn phí vô tư cho nhu cầu của mình. Những tiện nghi này người xưa cũng chưa từng biết tới.
Một số khả năng thần kỳ của khoa học cũng gần với Phật pháp. Chẳng hạn Phật pháp nói tới khái niệm khắp không gian, khắp thời gian, vô số lượng. Chúng ta ngày nay có thể thực nghiệm những điều này qua mạng internet. Tôi viết một bài đưa lên blog của mình, tức thì bài ấy có mặt khắp thế giới, bất kỳ ai ở bất cứ nơi đâu trên thế giới, vào bất cứ lúc nào, đều có thể mở bài ra xem, chỉ cần có một smartphone, hoặc iPhone, IPad, netbook, laptop hoặc computer có nối mạng là thực hiện được. Đó chẳng phải là khắp không gian, khắp thời gian và vô số lượng hay sao ? Tuy rằng không gian vẫn còn hạn chế trên quả địa cầu và thời gian là thời hiện đại, số lượng là số người quan tâm tới những vấn đề tôi nêu ra và chịu khó tìm kiếm. Theo thống kê của server thì người biết tiếng Việt ở khắp nơi trên thế giới đã có mở ra xem, nhiều nhất là trong nước VN, kế đó là Mỹ, Canada, Đức, Úc, Nhật, Pháp, Anh…Những nơi ít người Việt hơn như Ấn Độ, Phi Châu, Indonesia, New Zealand cũng có người xem tuy rất ít.
Thời gian không có thật
Thiền sư tin tưởng ở lời dạy của Phật và các vị Tổ (Thiền Tông chính thức có 28 vị Tổ người Tây Thiên _chỉ chung Ấn Độ và các nước lân cận phía tây Trung Quốc_ và 6 vị Tổ người Trung Hoa, ngoài ra các vị kiến tánh sau Huệ Năng có rất nhiều nhưng vì không còn trao truyền y bát nên không chính thức xưng Tổ nhưng cũng có uy tín và ảnh hưởng như Tổ Sư : Bá Trượng, Lâm Tế, Triệu Châu, Huyền Giác… thuộc đời xưa, thế kỷ 19, 20 thì có Hư Vân, Lai Quả, Nguyệt Khê.
Nhận thức cơ bản của Phật giáo là Tam giới duy tâm, vạn pháp duy thức. Nghĩa là thấy thế giới vũ trụ là huyễn ảo, không có thực chất. Vật chất là không có thực. Không gian, thời gian, số lượng đều không có thực. Vì vậy PG không chú trọng định lượng, không phát triển toán học, không tin tưởng bộ não có thể giải quyết được vấn đề cơ bản là sinh lão bệnh tử. Giai đoạn đầu tu tập còn dùng thiền quán tức dùng tư tưởng để quán chiếu sự vật, tìm hiểu vấn đề. Khi đã có đủ lòng tin rồi thì không dùng thiền quán nữa, mà dùng thiền định, chấm dứt tư duy, dứt bặt tư tưởng, để cho Phật tánh tự hiện ra. Thiền định có hiệu quả rất lớn là làm thay đổi dòng chảy thời gian hay nói cách khác chứng nghiệm thời gian không có thực.
Pháp sư Huệ Viễn (334-416) đời Đông Tấn là Sơ Tổ của Tịnh Độ Tông, ông là đồng đạo với Đạo An, nhỏ hơn 20 tuổi. Em trai của ông, Huệ Trì (337…) cũng là một pháp sư rất nổi tiếng. Huệ Trì tính tình đạm bạc điềm tĩnh, có chí hướng cao xa. Lúc 14 tuổi bắt đầu đọc Thi Thư, học một biết mười, giỏi về văn sử, tinh thông Kinh, Luật, Luận của Phật giáo. Đạo An ở Tương Dương đề nghị Huệ Viễn đi về phía đông hoằng pháp. Huệ Trì cùng đi với anh. Đến Lư Sơn, hai anh em ở chung. Huệ Trì thân cao 8 xích , phong thái tuấn tú, thường mang giày cỏ, áo nạp phủ quá đầu gối. Số người theo học Phật pháp tại Lư Sơn có hơn 3000 người, không ai tuấn tú mẫn tiệp hơn Huệ Trì.
Pháp sư Huệ Trì
Sau Huệ Trì nghe nói ở Thành Đô tỉnh Tứ Xuyên đất đai màu mỡ, nhân dân giàu có, muốn đến đó truyền pháp và xem phong cảnh núi Nga Mi. Năm Long An thứ ba đời Đông Tấn (công nguyên 399 CN), ông từ biệt Huệ Viễn đi Tứ Xuyên. Huệ Viễn khuyên em ở lại hết lời mà không được, bèn than rằng “Người đời đều thích đoàn tụ, riêng mình em thích phân ly, vì sao vậy ?” Ông đáp : “Nếu là người vướng mắc ở tình cảm, thích đoàn tụ thì không nên xuất gia. Hiện tại chúng ta đã cát ái xả dục mà cầu đạo thì nên kỳ vọng gặp nhau ở Tây phương cực lạc” Thế rồi anh em chia tay. Huệ Trì lên đường đi Tứ Xuyên một mình, từ đó không ai còn biết tung tích của ông. Kể từ lúc ông lên đường đi Tứ Xuyên vào năm 399 CN đến lúc người ta phát hiện ra ông trong bọng cây là năm 1113 CN, tức đã trải qua 714 năm. Câu chuyện như sau :
Bộ Sách Gia Thái Phổ Đăng Lục do Chính Thọ (Vân Môn tông) viết vào đời Nam Tống, quyển 22 có ghi lại một câu chuyện sau : Năm Chính Hòa thứ ba đời Tống Huy Tông (công nguyên 1113), tại Gia Châu Tứ Xuyên (nay là huyện Lạc Sơn nơi có tượng Phật điêu khắc vào vách núi đá cao nhất thế giới) quan địa phương có biểu tâu lên triều đình : Có cây cổ thụ bị gió thổi gãy, bên trong có một lão tăng đang nhập định, râu tóc che phủ thân thể, móng tay dài bao quanh người. Hoàng đế giáng chỉ dùng cáng khiêng lão tăng đó đưa về kinh đô (thời đó là Biện Kinh, kinh đô của nhà Bắc Tống, nay là thành phố Khai Phong tỉnh Hà Nam). Do vị sư người Tây Thiên (Ấn Độ) là Tổng Trì Tam Tạng dùng chiếc khánh đồng đánh lên để làm cho lão tăng xuất định, mới biết đó là em trai của pháp sư Huệ Viễn ở Lư Sơn, tên là Huệ Trì, nhân đi du lãm núi Nga Mi, ngồi nhập định trong bọng cây. Hoàng đế ra lệnh cho họa sĩ vẽ hình của lão tăng, và tự mình làm ba bài kệ.
Bộ Gia Thái Phổ Đăng Lục in vào năm Gia Thái thứ hai đời Nam Tống (CN 1202) cách lúc xảy ra sự việc trên (CN1113) chỉ có 89 năm, sự việc còn có thể khảo cứu và đáng tin cậy. Mặt khác 5 Bộ sách mà Bộ Ngũ Đăng Hội Nguyên gom lại đều là Thiền sử, ghi chép những sự việc có thật, người thật, việc thật. Ngoài ra ba bài kệ của Tống Huy Tông vẫn còn là chứng tích.
Vì thời gian là không có thật, nên sự phân chia thời gian ra thành quá khứ, hiện tại, tương lai chỉ là sự tuỳ tiện của con người, chứ sự thật không phải như vậy. Quá khứ, hiện tại, tương lai cùng xuất hiện đồng thời, chỉ tại tuyệt đại đa số mọi người không nhìn thấy đồng thời, do khả năng hạn chế nên mới diễn dịch thành 3 thời. Có những sự kiện gì chứng tỏ điều đó ?
Phật giáo Trung Hoa có ghi nhận một vị sư ngừơi Ấn Độ, Ngài Trí Dược Tam Tạng đã đến Quảng Châu Trung Quốc bằng đường biển vào năm 502 đời Nam Bắc Triều (Quảng Châu thuộc Nam Triều 420-589), ban đầu ông đến chùa Pháp Tánh (chùa này do một vị tăng Ấn Độ khác là Cầu Na Bạt Đà La (Gunabhadra) đến Quảng Châu năm 435, xây dựng trong thời Lưu Tống) trên đường đến Ngũ Đài Sơn, ông đi qua suối Tào Khê, thấy nước suối rất trong lành, ngon ngọt, phong cảnh giống núi Bảo Lâm bên Thiên Trúc, ông bảo đệ tử rằng “170 năm sau khi tôi tịch diệt sẽ có một vị thánh tăng đến đây hoằng pháp, khai ngộ cho rất nhiều người”, thế nên ông đã đề nghị quan Thiều Châu Mục là Hầu Kính Trung xây dựng chùa. Hầu Kính Trung tâu lên Lương Võ Đế và được sắc chỉ cho phép xây dựng, năm 504 hoàn thành, Lương Võ Đế theo lời tâu, đặt tên chùa là Bảo Lâm Tự (nay là chùa Nam Hoa cách Thiều Quan 25 km về phía đông nam, tên Nam Hoa Thiền Tự do Tống Thái Tổ Triệu Khuông Dận đặt sau khi đã trùng tu vào năm Khai Bảo nguyên niên 968).
Về sau quả đúng như vậy, sư Huệ Năng (638-713), Tổ thứ sáu của Thiền Tông Trung Quốc, vào năm Nghi Phụng nguyên niên 676, đời Đường Cao Tông, đã đến chùa Pháp Tánh (nay là chùa Quang Hiếu) gặp hai ông tăng tranh luận không dứt về việc gió động hay phướn động, ngài nói rằng “chẳng phải gió động, chẳng phải phướn động, tâm của các ông tự động”, năm sau 677, Huệ Năng đến chùa Bảo Lâm trụ trì, đại hoằng dương Thiền tông trong 37 năm, ông và các đệ tử về sau đã khai ngộ cho hơn 5000 người kiến tánh. Khi Huệ Năng viên tịch, đã để lại thân xác bất hoại của mình để làm tin cho đời sau, trải qua 1300 năm, đến nay nhục thân đó vẫn còn gần như nguyên vẹn, chỉ bị hư hỏng chút ít do sự phá hoại của con người, hiện nay được thờ tại chùa Nam Hoa, 25 km về phía đông nam thành phố Thiều Quan cách Mã Đôi trấn 4km về phía nam, bên bờ suối Tào Khê, Thiều Quan (Shaoguan) cách Quảng Châu (Guangzhou) 220 km về phía bắc.
Trí Dược Tam Tạng dùng huệ nhãn thấy được Huệ Năng của 170 năm sau chứ không phải đoán mò.
Thời hiện đại cũng có bằng chứng. Trong thời gian diễn ra Giải Bóng đá Vô địch Thế giới (World Cup) 2010 tại Nam Phi. Chú bạch tuộc Paul đã làm cả thế giới kinh ngạc khi đã dự đoán trước, chính xác 100% kết quả của cả 8 trận đấu, trong đó 7 trận có đội tuyển Đức thi đấu, và trận cuối cùng là trận chung kết giữa hai đội tuyển Hà Lan và Tây Ban Nha. Paul đã dự đoán Tây Ban Nha thắng và kết quả diễn ra đúng như vậy, Tây Ban Nha đã đoạt cúp vô địch.
Bạch tuộc Paul là một linh vật có khả năng thấy được tương lai chứ không phải ngẫu nhiên mà đoán đúng được kết quả của cả 8 trận đấu.
Các sự kiện trên chứng tỏ tương lai không phải là việc chưa xảy ra. Tương lai đã có sẵn rồi chỉ vì người thường không thấy mà thôi.
Quá khứ cũng không phải là việc đã xảy ra rồi và không còn nữa. Câu chuyện sau chứng tỏ điều đó :
Một ngày mùa thu năm 1989, Hầu Hi Quý được mời đến ăn cơm tại nhà của Lưu Hạo Thanh, Trưởng Cửa khẩu hải quan Củng Bắc thành phố Chu Hải. Sau vài chén rượu, Lưu nói :
-Ông Hầu này, mọi người đều nói ông biết được quá khứ vị lai, tôi không thể không tin. Vậy ông hãy đoán xem tôi có bao nhiêu anh chị em.
Ông Lưu nghĩ rằng ông mới gặp Hầu Hi Quý lần đầu tiên, ông ta chưa biết gì về mình, cũng không hề biết trước câu hỏi để có thể chuẩn bị. Hầu ngưng thần nhìn vào một điểm trên tường khoảng ba bốn mươi giây, rồi trả lời :
-Ông hỏi tôi ông có mấy anh chị em phải không? - Trả lời ông rằng ông có 7 anh chị em.
Ông Lưu hạ ánh mắt xuống, mỉm cười :
-Thế là không chuẩn rồi, không phải 7, chỉ có 6 thôi
-Sáu người à? Hầu Hi Quý xoè hai bàn tay ra, 6 ngón rồi 7 ngón, nhìn kỹ đăm đăm như nhà điêu khắc, một lát sau, nói với ông Lưu :
-Không đúng, khẳng định là 7 người, không tin ông thử hỏi má ông xem. Bà ấy biết rõ hơn ông.
Ông Lưu liền bỏ đũa xuống, đến máy điện thoại cầm lên gọi ngay về nhà mẹ ông. Gọi xong ông trở lại bàn tiệc.
-Thật là kỳ lạ, thế mà đến nay tôi vẫn không biết, vậy mà làm sao ông biết được? Mẹ nói tôi có chính xác 7 anh chị em, nhưng có một bé gái chết lúc mới sinh và mẹ chẳng bao giờ nhắc lại chuyện đó.
Các vị khách mời của bữa tiệc hôm đó còn có Lâm Nhạc, Giám đốc Công ty trang hoàng rèm cửa Chu Hải, ông Hoàng là Trưởng khu hải quan Củng Bắc, ông Lý là Khoa trưởng trường Hải quan. Mọi người đều cảm thấy sự việc có vẻ huyền bí, nhưng nó đã diễn ra trước mắt các ông khiến cho các mối hồ nghi trước đó đều tiêu tan.
Không gian, số lượng không có thật
Việc chư Phật, chư Bồ Tát tự do tự tại chu du khắp Tam giới mà chẳng hề đi đâu (Như Lai), các nhà học Phật có thể tin (không chắc lắm, đa số Phật tử có thể cũng không thể tin nổi không gian, thời gian và số lượng là không có thật, thế giới đời thường chỉ là nằm mơ giữa ban ngày) cũng có thể không dám tin, còn các nhà khoa học thì nhiều người chắc chắn không tin, trong đó có Einstein. Mặc dù ông đánh giá cao Phật giáo, ông nói : “If there is any religion that would cope with modern scientific needs it would be Buddhism” (Nếu có một tôn giáo nào đáp ứng những nhu cầu của khoa học hiện đại thì đó có lẽ là Phật Giáo). Tuy nhiên ông cũng không hiểu hết, hoặc không hoàn toàn tin Phật giáo. Lập trường căn bản nhất của Phật giáo là tánh Không, tức là nói rằng vũ trụ vạn vật, không gian, thời gian, số lượng chỉ là ảo chứ không phải thật. Bát Nhã Tâm Kinh đã nói rất rõ ràng. Thiền sư kiến tánh như Lục Tổ Huệ Năng cũng không nói khác :
Bồ đề bổn vô thụ Bồ đề vốn không có cây
Minh kính diệc phi đài Gương sáng cũng không có đài
Bổn lai vô nhất vật Xưa nay vốn không có vật gì
Hà xứ nhạ trần ai ? Vậy thì bụi trần bám vào đâu ?
Nhưng Einstein vẫn tin thời-không là có thật. Chính ông cùng với hai người đồng chí hướng, đề cập hiện tượng rối, vướng víu lượng tử (quantum entanglement) lần đầu tiên vào năm 1935 trong cái gọi là nghịch lý EPR, đó là chữ viết tắt của Albert Einstein, Boris Podolsky và Nathan Rosen, đây là 3 nhân vật cùng nhau đưa ra nghịch lý EPR mục đích để chứng minh lý thuyết lượng tử là thiếu sót, không đầy đủ vì có vẻ như nó vi phạm tiên đề của Einstein nói rằng ánh sáng là vận tốc cao nhất của vật chất. Chưa hiểu được hiện tượng rối lượng tử, Einstein tuyên bố đó là “Tác động ma quái từ xa” (Spooky action at a distance), ông hy vọng sau này người ta sẽ hiểu, nhưng những nghiên cứu về sau càng xác nhận tính chất kỳ bí của lượng tử là có thật. Đến năm 1964, John Steward Bell chứng minh được rằng nguyên lý vị trí xác định (principle of locality) mâu thuẫn với lý thuyết lượng tử bằng một sáng tạo của ông gọi là Bất đẳng thức Bell. Bell lập một bất đẳng thức trong đó chứa 3 điều kiện “hợp lý” theo quan niệm thông thường của các nhà khoa học: tính chất của hạt là có thật và tồn tại trước khi đo đạc, tính chất đó không phải phát sinh trong khi đo đạc, trong vũ trụ không có tốc độ nào nhanh hơn ánh sáng.
Thực nghiệm của Bell năm 1964 và sau đó là các thực nghiệm của Freedman và Clauser năm 1972, của Aspect năm 1982, của Nicolas Gisin và nhóm của ông tại Đại học Geneva Thuỵ Sĩ năm 2008, đều cho thấy bất đẳng thức Bell bị vi phạm, xác định một cách chắc chắn rằng hai photon ở trạng thái vướng víu hay liên kết lượng tử với nhau, mặc dù chúng cách xa nhau tới 18km, khi một photon bị một tác động để thay đổi trạng thái, thì photon kia thay đổi theo tức thời, không mất chút thời gian nào, nếu cho rằng tín hiệu được truyền đi thì vận tốc phải là gấp khoảng 10 triệu lần vận tốc ánh sáng, hoàn toàn vi phạm tiên đề vận tốc ánh sáng của Einstein. Vấn đề phải hiểu là khoảng cách không gian giữa hai photon là không có thật, không gian là không có thật. Tính chất của hạt photon là không có thật. Tóm lại chẳng có gì là thật cả. Theo tôi thì hiện tượng rối lượng tử có ý nghĩa rất quan trọng về mặt triết học, nó xác nhận tánh Không mà Phật giáo đã đề cập từ hơn 2500 năm nay. Không gian, thời gian và số lượng đều không có thật, chúng ta không thể xác định được đó là hai photon khác nhau hay chỉ là một photon nhưng lại có khả năng xuất hiện đồng thời tại hai hoặc nhiều vị trí khác nhau. Theo PG thì khoảng cách không gian giữa hai photon hoặc số lượng các photon (hai hoặc nhiều) chỉ là tưởng tượng của tâm thức (PG gọi là thế lưu bố tưởng), chính khả năng tưởng tượng do vô minh, đó là động lực tạo thành vũ trụ, thế giới. Vì vậy nên PG nói rằng tất cả đều là do tâm tạo. Kinh Hoa Nghiêm nói :
Nhược nhân dục liễu tri Nếu mọi người muốn biết rõ
Tam giới nhất thiết Phật Tất cả Phật trong Tam giới
Ưng quán pháp giới tính Hãy xem xét bản chất của pháp giới
Nhất thiết duy tâm tạo Tất cả đều là do Tâm tạo
Khoảng cách không gian không có thật còn được thực nghiệm bởi một người có đặc dị công năng, đó là Hầu Hi Quý.
Một ngày chủ nhật, Lý Cường và một số nhân viên của khách sạn Kinh Kỳ (tại Bắc Kinh) gồm Miêu Đắc Thắng, Triệu Bác Lan, Tống Huệ Mẫn, Lưu Quảng Kiệt, Uông Gia Lộc, Lý Linh Mẫn, Lưu Kinh Thông, bàn bạc với nhau mời Hầu Hi Quý cùng với họ đến hồ chứa nước Mật Vân thuộc huyện Mật Vân chơi. Hôm đó lái xe là một đảng viên thuộc phòng chiêu đãi của một doanh trại Nhân dân Giải phóng Quân. Anh ta nghe nói có Hầu Hi Quý cùng đi thì rất phấn khởi. Nam nữ tám chín người đi trên xe tới hồ Mật Vân, cách trung tâm Bắc Kinh 50 km. Đến nơi, mọi người vui đùa mệt nghỉ. Họ đem bia theo uống, rồi nằm dài bên bãi cỏ bên bờ hồ nghỉ ngơi thật thoải mái. Sau đó họ lên đường trở về. Không ngờ vừa qua khỏi suối Sa Cốc, lái xe phát hiện xăng trong bình sắp cạn. Thật là sự chẳng lành. Chưa ra khỏi địa phận huyện Mật Vân, xa nhà hàng trăm dặm (dặm Trung Quốc khoảng nửa km), làm sao xoay sở đây?
- Mọi người đừng hốt hoảng, hãy dừng lại suy nghĩ biện pháp
Hầu Hi Quý chẳng sốt ruột tí nào, ông ta lại còn hát lên bài “Hoa vì sao lại đỏ”, tiếng ca thật hồn hậu, lời ca giọng nam cao trong trẻo. Nhưng mọi người chẳng còn lòng dạ nào để nghe, chỉ lo làm sao trở về nhà.
- Về được mà ! Tôi đảm bảo mọi người có thể về nhà ăn cơm chiều. Như vậy được chưa ? Nghe mọi người đang bàn bạc, Hầu Hi Quý thôi hát hỏi. Có cần tôi nghĩ giúp biện pháp không ?
Mọi người đều nói cần. Thế là xe dừng lại. Trước mặt chẳng có thôn xóm nào. Sau lưng cũng chẳng có hàng quán nào.
- Ai có hộp diêm không ? Hầu Hi Quý hỏi
Có người móc hộp diêm ra đưa cho ông ta. Hầu Hi Quý trút bỏ hết các que diêm xuống đất, cầm cái vỏ bao diêm không, đến bên thùng xăng xe, ngồi xổm xuống, gác một đầu hộp diêm lên miệng bình xăng, đầu kia hướng về phía Bắc Kinh, hai đầu ngón tay kẹp ở giữa hộp diêm. Chỉ thấy ông ta ngưng thần chốc lát, sau đó gọi mọi người đến nghe. Mọi người hiếu kỳ chạy đến bên thùng xăng, áp tai nghe, trong thùng xăng có tiếng nước chảy òng ọc.
- Tiếng nước chảy ! tiếng nước chảy ! Vài cô gái đồng thời kêu lên. Trong mắt các cô hiện ra vẻ nghi ngờ lẫn vui mừng kinh ngạc.
- Nước chảy à ? Xăng chảy đó ! Hầu Hi Quý nói.
Mọi người hoàn toàn không hiểu, một bao diêm nhỏ bé như thế, từ đâu có xăng chảy ra ? Anh lái xe cắn môi nhìn chăm chăm vào Hầu Hi Quý, hít hít hai cánh mũi, ngửi thấy mùi khí năng nồng đậm.
- Đúng là xăng, đúng là xăng, từ đâu đến ? Anh ta hỏi Hầu Hi Quý.
Hầu Hi Quý không trả lời, dời vị trí bao diêm, lấy tay gõ gõ vào thùng xăng. Bình xăng phát ra âm thanh trầm muộn chứng tỏ là đã đầy xăng, ông ta hài lòng mỉm cười, bước đi dưới ánh mắt kinh dị của mọi người. Anh lái xe nhúng ngón tay trỏ vào thùng xăng, ngón tay thấm ướt hơi xăng.
- Má ơi ! Thùng xăng mới vừa trống không, bây giờ lại đầy nhóc !
Anh ta đứng dậy, vẫy tay :
- Có xăng rồi, chúng ta đi thôi !
Thế là mọi người hoan hỉ lên xe, máy rồ một cái, xe từ từ chuyển bánh.
Hầu Hi Quý đã lấy xăng từ Bắc Kinh đổ vào bình xăng xe tại Mật Vân cách xa 50 km. Tại sao làm được việc đó ? Làm được là vì khoảng cách không gian là không có thật. Các pháp có tính bất định xứ. Người có thần thông hay có đặc dị công năng thì có thể ứng dụng được tính bất định xứ đó. Người phàm chúng ta cũng có thể ứng dụng được tính bất định xứ nhưng nhờ vào máy móc. Chẳng hạn bài viết này có thể đến với bạn bất kể bạn đứng ở đâu trên Trái đất, miễn là bạn có một smartphone kết nối được với internet bằng wifi hay 3G.
Sự giác ngộ của Thiền sư và sự phát minh của Nhà Khoa học đều xuất phát từ nghi tình
Nghi tình (doute philosophique, doutful situation) là tâm trạng nghi ngờ về mặt bản thể, thực chất của một pháp hay một hiện tượng.
Đối với Thiền sư, duy trì tình trạng nghi ngờ này lâu ngày có thể đưa đến giác ngộ, đó cũng chính là phương pháp tham thoại đầu của Tổ Sư Thiền. Bằng cách đề khởi trong tâm một câu thoại khó hiểu, ví dụ “Trước khi cha mẹ chưa sinh ra, ta là cái gì ?” Cứ đề khởi liên tục như vậy, nhưng không cho phép dùng trí óc tìm hiểu, lý giải vấn đề, mà chỉ tìm cách kéo dài nghi tình, suốt ngày đêm không gián đoạn, đến lúc nào đó Phật tánh chợt hiện ra, đó là một trạng thái bùng nổ trong tâm thức mà Thiền thường gọi là kiến tánh hay giác ngộ. Hoặc trường hợp giác ngộ của các Tổ Sư thường được gọi là công án Thiền.
Lâm Tế theo học với Huỳnh Bá đã ba năm mà chưa được thầy dạy dỗ điều gì. Một đồng môn là Mộc Châu đã kiến tánh, khuyên nên đến gặp Huỳnh Bá hỏi pháp. Ông đến gặp và hỏi : “ Đại ý Phật pháp là thế nào?” liền bị một gậy vào mông rõ đau, thầy cũng chẳng giải thích điều gì. Mộc Châu vẫn khuyên tiếp tục đi hỏi. Nhưng ba lần đi hỏi, ba lần bị đánh đập tàn tệ mà chẳng có lý do gì. Ông buồn bã muốn bỏ đi nơi khác. Mộc Châu khuyên nên đến từ giã thầy. Lần này thì không bị đánh, thầy bảo đến Cao An gặp Đại Ngu.
Sư đến gặp Ðại Ngu, Ngu Thiền sư hỏi: “Từ đâu đến ?”
Sư thưa: “Từ nơi Hoàng Bá đến”.
- Hoàng Bá có lời gì dạy bảo? Ðại Ngu hỏi
- Con ba lần hỏi đại ý Phật pháp, ba lần bị đánh, chẳng biết con có lỗi hay không có lỗi?.
- Hoàng Bá có lòng từ bi thắm thiết như thế đối với ngươi mà ngươi còn đến đây hỏi có lỗi hay không lỗi.
Ngay câu nói ấy, Sư hoát nhiên đại ngộ, rồi thưa: “Phật pháp của Hoàng Bá vốn chẳng có nhiều”.
Ðại Ngu nắm chặt Lâm Tế rồi nói: “Con quỷ đái dầm, ngươi vừa mới nói có lỗi hay không lỗi, giờ lại nói Phật pháp của Hoàng Bá không có nhiều. Ngươi thấy lý lẽ gì nói mau ! Nói mau !”
Sư liền thoi vào hông Ðại Ngu ba cái. Ðại Ngu xô Sư ra, nói: “Thầy ngươi là Hoàng Bá, chẳng dính dáng gì đến việc của ta”.
Sư từ giã Ðại Ngu trở về Hoàng Bá.
Hoàng Bá thấy Sư về, liền hỏi: “Thằng này đi đi về về tới chừng nào mới thôi ?”
Sư thưa: “Chỉ vì lòng từ bi thắm thiết của Hòa Thượng.” Sư đảnh lễ rồi đứng hầu một bên.
Hoàng Bá hỏi: “Vừa mới từ đâu về đây ?”
- Hôm trước, thừa ý chỉ của Hòa Thượng đến tham hỏi Ðại Ngu, rồi trở về đây.
- Ðại Ngu có lời dạy gì ?
Sư bèn kể lại đầu đuôi câu chuyện khi gặp Ðại Ngu.
- Lão hán Ðại Ngu sao nhiều chuyện thế, sau này ta sẽ đánh cho một trận.
- Nói gì sau này, đánh ngay bây giờ. Sư bèn tát Hoàng Bá một cái
Đánh bằng gậy, bằng hèo, tát, thoi bằng tay, hoặc la hét, chửi mắng…đó là ngôn ngữ Thiền, có ý nghĩa sâu xa, không thể hiểu một cách thông thường được.
Vấn đề học tập đối với thiền sư và nhà khoa học
Quá trình tu tập của Thiền sư là quá trình duy trì nuôi dưỡng cái nghi tình ấy cho tới lúc nó bùng nổ. Tất cả các việc khác đều bị xem là việc nhỏ. Việc ăn uống chỉ ở mức tối thiểu để duy trì sinh mệnh. Thầy Hoằng Tu, bổn sư của thầy Duy Lực, kể rằng ông có thời gian tu ở chùa Cao Mân tỉnh Phúc Kiến dưới sự trụ trì của Thiền sư Lai Quả. Những người chuyên tu thuộc loại quyết chí thường cất một cái am nhỏ cách xa chùa chính chừng vài trăm mét, một mình tham thiền ở đó. Nửa tháng trở về chùa một lần để lấy lương thực. Lương thực rất đạm bạc, chỉ có cơm cháy phơi khô, không có thức ăn gì khác. Mỗi ngày thiền sư chỉ ăn cơm một lần trước ngọ, cơm chỉ là cơm cháy phơi khô ngâm nước lã cho mềm.
Lâu lâu chùa tổ chức thiền thất. Thiền thất là 7 ngày chuyên tâm tham thiền. Có khi cuộc tham thiền kéo dài đến 10 thất mới kết thúc. Thiền thất có ý nghĩa như cuộc thi tuyển Phật. Đến tham dự thiền thất, mục đích là kiến tánh thành Phật. Quy củ của chùa Cao Mân cực kỳ nghiêm khắc, nhất là trong thời kỳ thiền thất. Giờ nào hành thiền, giờ nào ăn uống, giờ nào ngủ nghỉ được quy định chặt chẽ, tuyệt đối không ai được phép vi phạm. Có nhiều duy na (người tuần hương) cầm hương bản đi tuần tra để đảm bảo quy củ được chấp hành. Giờ hành thiền không ai được phép ra ngoài, bất cứ lý do gì. Ai muốn xin ra ngoài bị đánh 6 hương bản, xong cũng không cho ra. Ai lỡ mắc đại tiện, tiểu tiện chỉ có cách đái ỉa trong quần chứ cũng không được ra. Ai lỡ bị bệnh nặng bất ngờ, chỉ có nước chết tại chỗ chứ cũng không được ra ngoài. Đã có những trường hợp tử vong xảy ra trong các kỳ thiền thất. Xác chết được để tạm dưới đáy quảng đơn (gầm giường, loại gường dài, bề ngang chỉ đủ cho một người nằm, kê sát vách tường) đợi hết một kỳ thất mới được đem ra ngoài chôn. Những việc này chứng tỏ, chỉ có một việc quan trọng duy nhất là tham thiền, tất cả mọi việc khác đều là việc nhỏ. Chính quyền địa phương cũng rất tôn trọng quy củ của thiền đường nên cũng không can thiệp. Chính hoàng đế Khang Hi lúc đi xuống Giang Nam, khi tham dự thiền thất vẫn bị đánh như những người khác nếu vi phạm quy củ. Việc đó đã từng xảy ra.
Đối với Nhà khoa học, nghi tình được trí óc nỗ lực tìm hiểu để lý giải được vấn đề. Khi tìm thấy lời giải, trong tâm trạng của Nhà khoa học cũng có sự bùng nổ, chẳng hạn Archimèdes khi tìm thấy lý do của một vật nổi trong nước thì kêu lên “Eureka !” (Tôi tìm ra rồi !). Isaac Newton luôn luôn nghĩ ngợi tại sao các vật lại rơi xuống mặt đất, đó là nghi tình của ông. Đến lúc ông tình cờ nhìn thấy quả táo từ trên cây rơi xuống đất, trước mặt ông vào năm 1726, ông chợt hiểu ra đó là do sức hút của trái đất, và tìm ra định luật vạn vật hấp dẫn.
Đối với các nhà khoa học, trước khi có thể nghiên cứu phát minh ra cái gì, cũng phải có một số vốn tri thức. Thông thường họ cũng phải trải qua quá trình học tập như mọi người. Tức là phải qua các cấp học Tiểu học, Trung học, Đại học. Một số khác có thể học Cao học và làm luận án Tiến sĩ. Các nhà khoa học chủ yếu dùng cái biết của bộ não để nghiên cứu tìm hiểu mọi vấn đề, nên tri thức là tuyệt đối quan trọng đối với họ, nhất là toán học, đó là công cụ nền tảng để tính toán, xác định các phương trình, nhất là vật lý học, vũ trụ học. Hoá học, sinh học, kinh tế học, xã hội học cũng đều cần đến toán học. Thống kê học, vận trù học, hay xác xuất học, kế toán cũng đều là các dạng toán học.
Đối với thiền sư thì tri thức không quan trọng, thậm chí tri thức còn là sở tri chướng, cản trở sự giác ngộ. Chẳng hạn Lục Tổ Huệ Năng, không có học vấn, thậm chí không biết chữ. Nhưng đó là một vị Tổ Sư nổi tiếng nhất của Thiền Trung Hoa, làm cho Thiền tông đại hưng thịnh, rất nhiều người giác ngộ. Chính vì vậy sư Trí Dược Tam Tạng mới đặt tên cho ngôi chùa mà ông biết là 170 năm sau, Huệ Năng sẽ đến trụ trì, là Bảo Lâm Tự với ngụ ý là Huệ Năng sẽ khai ngộ cho số người nhiều như cây rừng, đó là rừng cây quí. Sở dĩ thiền sư không cần tri thức của bộ não, vì họ liên thông được chánh biến tri, đó là cái biết không thể nghĩ bàn. Không có gì là không biết, cái biết chân thực hoàn hảo, siêu việt hơn hẳn cái biết của bộ não. Ví dụ chánh biến tri tạo ra con người thật bằng xương bằng thịt, còn bộ não tạo con robot tuy cũng rất tinh xảo, nhưng không bao giờ bằng được con người thật.
Các tri thức do con người phát minh tuy rất hữu hiệu trong cuộc sống đời thường, nhưng nó cũng có giới hạn nhất định. Sự giới hạn đó tôi đã đề cập phần nào trong bài “Chúng ta có thể hoàn toàn dựa vào khoa học chăng ?” Nhiều nhà khoa học hiện nay đã nhận thấy giới hạn này, họ bắt đầu hiểu lâu đài tri thức khoa học là đang xây dựng trên cát, nghĩa là không hề vững chắc như xưa kia con người từng nghĩ. John Horgan vừa cho ra đời một cuốn sách tổng hợp nhận định của các nhà khoa học nhan đề “Sự kết thúc của Khoa Học” (The End of Science)
Qua rồi cái thời khoa học được coi như những chân lý xác định, chắc chắn, rõ ràng của Tự Nhiên. Tuyên ngôn bất hủ của Einstein, “Chúa không chơi trò súc sắc”, đã được hậu thế công khai nói ngược lại: “Chúa không chỉ chơi trò súc sắc trong Cơ học Lượng tử mà còn cả trong nền tảng của toán học”. Người cả gan nói điều ngược lại này là Gregory Chaitin, chuyên gia nổi tiếng của đại tổ hợp IBM, tác giả của những công trình lớn nhất về lý thuyết thông tin thuật toán hiện nay. Sau khi khám phá ra một con số kỳ lạ, được gọi là số Omega hoặc số Chaitin, một số thực (real number) nhưng không thể xác định được, không thể tính được, không tồn tại bất kỳ một chương trình thuật toán nào để đọc các chữ số của nó – Chaitin đã phát hiện ra cái mà Heisenberg đã phát hiện ra trong Cơ học Lượng tử : yếu tố bất định trong toán học. Thật vậy, các chữ số của Omega xuất hiện một cách ngẫu nhiên theo xác suất! Và không chỉ Omega, còn có hàng loạt những số tương tự mà Chaitin gọi là các số siêu-Omega, siêu-siêu-Omega, siêu-Omega cấp n, v.v. Vì tất cả những số này là số thực, chúng tồn tại, nên Chaitin đưa ra một nhận định làm choáng váng thế giới khoa học: Yếu tố ngẫu nhiên là một đặc trưng của toán học, suy ra toàn bộ khoa học và bản thân thân giới tự nhiên có bản chất ngẫu nhiên!
Trong bối cảnh của những khám phá mới, vấn đề giới hạn của nhận thức càng ngày càng trở thành quan trọng vì nó không chỉ là vấn đề của triết học, mà của chính khoa học, ảnh hưởng đến các định hướng nghiên cứu khoa học. Vào thời điểm bản lề chuyển từ thế kỷ 20 sang thế kỷ 21, nó đã trở thành một trong các đề tài nghiên cứu khoa học được chú ý nhất. Đó là lý do ra đời một loạt sách báo về đề tài này, trong đó cuốn sách của Horgan là một cuốn tiêu biểu. Một hội nghị thế giới tập trung các nhà khoa học hàng đầu để bàn thảo vấn đề này đã được tổ chức tại Đại học Santa Fe ở Mỹ. Trong gian đại sảnh của hội nghị, đập vào mắt các đại biểu là một tiêu đề lớn: “The Limits of Science Knowledge” (Giới hạn của hiểu biết khoa học). Nhà toán học nổi tiếng John Casti, chủ toạ hội nghị, khai mạc bằng câu hỏi: “Phải chăng thế giới quá phức tạp đối với chúng ta để hiểu nó ?”. Joseph Traub, một nhà khoa học lý thuyết computer bậc nhất, giáo sư Đại học Columbia, đặt câu hỏi cụ thể hơn: “Liệu chúng ta có thể biết cái gì là cái không thể biết hay không? Liệu chúng ta có thể chứng minh rằng khoa học có giới hạn hay không, như Godel và Turing đã chứng minh có những giới hạn đối với toán học và khoa học tính toán ?”.
Ngay lập tức cuộc thảo luận bùng nổ. Có nhiều ý kiến vô cùng đặc sắc, thú vị. Độc giả có thể tìm thấy bản tường thuật trong cuốn sách của Horgan. Ở đây chỉ xin trích một mẩu ý kiến của Chaitin: “Thông thường chúng ta hay cho rằng nếu người ta nghĩ cái gì là đúng thì nó phải đúng vì một lý lẽ nào đó. Trong toán học lý lẽ ấy được gọi là một chứng minh, và công việc của nhà toán học là tìm kiếm chứng minh – những lý lẽ, suy luận từ các tiên đề hoặc những nguyên lý được chấp nhận trước. Nhưng hiện nay, cái mà tôi khám phá ra là các chân lý toán học đúng mà chẳng cần phải có một lý do nào cả. Chúng đúng một cách bất ngờ hoặc ngẫu nhiên”. (Phạm Việt Hưng – Buổi Hoàng hôn của Khoa học)
Chaitin nói rằng chân lý toán học đúng một cách bất ngờ hoặc ngẫu nhiên. Dưới cái nhìn Phật giáo, đó là sự ngẫu nhiên và tuỳ tiện, cũng có nghĩa là do chủ quan của con người gán ghép, chứ không phải nhất định là như thế. Ví dụ :
1+1= 2 đó là chân lý của toán học
Nhưng 1+1 có nhất thiết phải bằng 2 không? Trong hiện tượng rối lượng tử, hai photon ở hai vị trí khác nhau, nhưng đó không phải là hai, hai chỉ là nhận thức chủ quan của con người, của người quan sát, chứ thật ra chỉ là một. Như vậy ta có thể sửa lại đẳng thức 1+1=1 Nhưng thật ra 1 photon không phải chỉ xuất hiện ở 2 vị trí, nó có thể xuất hiện đồng thời ở rất nhiều vị trí khác nhau, ta muốn bao nhiêu vị trí cũng được, ví dụ có n vị trí, chẳng hạn n=10, vậy đẳng thức trở thành 10=1. Vì n là con số bất kỳ, có thể là vô lượng, nên cũng có vô lượng đẳng thức. Điều này tương tự như khi ta cần gởi một tấm hình cho bao nhiêu người, thì sẽ có bấy nhiêu tấm hình để gởi qua internet. Nhưng toán học chỉ dùng đẳng thức 1+1=2 theo chủ quan của mình. Theo toán học thì nếu ta chỉ có 1 tấm hình thì chỉ có thể gởi cho 1 người. Thực tế ra sao ? Với 1 tấm hình ta có thể gởi cho vô số người qua mạng internet, vậy chân lý toán học còn đúng nữa không ? Đây chính là ý nghĩa triết học mà Chaitin nêu ra về mặt toán học để nói rằng sự chính xác của toán học cũng chỉ là ngẫu nhiên, tuỳ tiện, chủ quan. Suy ra các ngành khoa học khác cũng vậy, càng chủ quan tuỳ tiện hơn nữa. Lâu đài khoa học mặc dù có vẻ nguy nga, hữu hiệu nhưng thật ra không có nền tảng vững chắc.
Trong đời thường cũng vậy, một cái bánh nhỏ không phải chỉ đủ cho một người ăn no, mà đủ cho một số lượng bất kỳ người ăn no. Ta không tin vì chưa thấy, vì chưa có khả năng thực hiện điều thần kỳ đó, chứ không phải là vì điều đó không thể có. Trong lịch sử cũng như trong dân gian có những câu chuyện tưởng như thần thoại. Kinh Thánh của Ki Tô giáo có kể chuyện Giê su có thể vận dụng tính chất vô hạn của năng lượng để tạo ra phép mầu. Trong một buổi giảng đạo bên hồ Galilea (trên sông Jordan nay thuộc vùng Galilee Hạ) có hơn 5000 đàn ông tham dự, chưa kể đàn bà và trẻ con, họ đói. Trong số những người thân cận với ngài chỉ có 5 cái bánh và hai con cá, nhưng Giê-su có thể chia cho hơn 5000 tín đồ đến nghe giảng đạo ăn no bụng, giải tỏa cơn đói xong mà vẫn còn dư lại 12 giỏ bánh. Trong dân gian cũng có câu chuyện cái nồi Thạch Sanh dùng nấu cơm, nồi tuy nhỏ, nhưng cơm có thể lấy ra bao nhiêu cũng không hết, dư sức nuôi cả một đạo quân, khi bị địch vây, hết lương thực, có thể lấy cơm trong nồi ra ăn mãi vẫn không hết. Trong đời thường, kỳ nhân Hầu Hi Quý có khả năng biến ra thức ăn từ tay không như sau :
Hôm đó là buổi sáng chủ nhật. Đinh Chiếm Tường mời một vài vị lão chiến hữu trong chính uỷ quân khu tỉnh Hồ Nam đến nhà ông ăn cơm trưa, mục đích là để giới thiệu cho họ biết Hầu Hi Quý. Bà vợ của Đinh Chiếm Tường mất trọn cả buổi sáng để chuẩn bị thức ăn. Không ngờ, sáng hôm đó trong chính uỷ bận việc gấp, không ai trong số khách mời đến được. Họ cũng chẳng xác nhận lúc nào sẽ đến được. Người nhà họ Đinh và Hầu Hi Quý đinh ninh cuộc hẹn đã bị huỷ nên chén sạch hết thức ăn. Gần đến bữa cơm chiều, chính uỷ họ Đinh cùng mấy vị lão quân nhân bỗng nhiên kéo nhau về nhà. Đinh phu nhân bứt tóc kêu khổ. Bà chỉ còn cách hâm lại chút ít đồ ăn thừa của buổi trưa. Thấy cả hai vợ chồng đều bối rối, Hầu Hi Quý theo Đinh phu nhân vào bếp hỏi :
- Dì ơi, có phải dì không kịp chuẩn bị thức ăn ?
- Mấy lão già này buổi trưa không đến, bây giờ chỉ còn chút nước canh lỏng bỏng, tôi thật chẳng biết phải làm sao !
- Xin dì an tâm, để tôi thử nghĩ xem có cách nào không. Hầu Hi Quý mười phần tin tưởng, đẩy bà Đinh vào phòng khách, nói : Tôi có cách rồi.
Bà Đinh ngày thường có thấy qua Hầu Hi Quý biểu diễn một vài điều kỳ lạ, tin rằng anh ta không nói bừa, nhưng bà cũng chẳng biết đó là biện pháp gì, đành theo Hầu vào phòng khách.
- Thưa các vị thủ trưởng, Đinh phu nhân không nghĩ rằng các vị lại đến ăn cơm chiều nên không kịp chuẩn bị thức ăn, tuy nhiên tôi sẽ làm ra món gì đó để chiêu đãi các vị.
Mọi người chỉ thấy anh ta xoa nhè nhẹ hai bàn tay, mắt nhìn chăm chú vào chiếc ghế dựa trước mặt, ngưng thần chốc lát, bỗng một lòng bàn tay hướng về phía chiếc ghế, đập xuống một cái, chỗ đó bỗng nhiên xuất hiện hai miếng thịt bò khô, xốp xốp thơm thơm. Mấy vị lão quân nhân kinh ngạc đứng bật dậy, cùng đổ xô lại xem thịt bò, không còn phân biệt ngôi thứ. Có khoảng hai cân thịt bò khô, nghe mùi thơm thì đúng là thịt bò, không nghi ngờ gì nữa.
- Còn muốn thêm món gì nữa không ? Hầu Hi Quý đắc ý nói. Các ông là khách, có thể chọn một trong bốn món : trứng gà, thịt gà, cá, cua đinh.
Chính uỷ và các chiến hữu nửa tin nửa ngờ, bàn nhau một chút, xác định một món rất ngon nhưng rất khó kiếm là cua đinh.
- Được, cua đinh thì cua đinh.
Hầu Hi Quý xoa xoa ngực, hỏi mượn bà Đinh một miếng vải đen và một cái mâm lớn. Bà Đinh vào bếp tức thì mang ra một tô đựng canh lớn bằng sành và một miếng vải màu sậm. Anh phủ miếng vải lên cái tô, tay trái nâng lên, từ từ đi ra cửa phòng khách, quay một vòng, khi trở lại, anh nắn vào giữa tấm vải rồi dỡ nó lên, từ trong tô hơi nóng nghi ngút bốc lên, quả đúng là món cua đinh chưng. Các lão quân nhân, xuất thân từ bộ đội, kinh nghiệm từng trải, thế mà chưa bao giờ kinh ngạc như hôm nay, khi thấy cua đinh từ trên trời rơi xuống. Mọi người nhìn chăm chăm vào tô cua đinh chưng, không ai dám động đũa trước. Món thịt bò đã không biết lai lịch từ đâu tới. Rồi món cua đinh chưng với rượu, bốc hơi nghi ngút không biết từ chốn nào rơi vào phòng này. Nhìn quanh bốn bề, không thấy chút dấu vết nào, chẳng biết là thật hay giả.
- Nào, sợ ngộ độc chăng ? Hầu Hi Quý thấy mọi người nhìn nhau, bèn cầm đũa trước, gắp mấy đũa bỏ vào chén mình, nhìn thẳng Đinh Chiếm Tường, nói : Đinh Cục trưởng, gắp đi, mọi người cũng đã đói rồi.
Đinh Chiếm Tường đã biết qua một ít về Hầu Hi Quý, biết anh ta không phải đến đây làm điều ác, bèn gắp thử một đũa đưa lên mũi ngửi. Thơm quá ! Ông ta không còn quản ngại điều gì nữa, liền đưa vào miệng nhai. Các vị khách thấy chủ nhân đã ăn mà chẳng bị sụp mí mắt, liền tranh nhau hạ đũa, chẳng còn khách khí.
Kết luận : Thiền sư và Nhà khoa học có thể coi là tinh hoa trí tuệ của nhân loại. Trí tuệ của thiền sư kiến tánh là trí bát nhã, còn gọi là chánh biến tri, là một trí tuệ không thể nghĩ bàn. Chánh biến tri còn có tên gọi khác là Phật tánh hay tánh giác ngộ, vì vậy người giác ngộ được gọi là Phật, Phật chỉ có nghĩa là người giác ngộ chứ không phải là một vị thần thánh. Bát nhã là trí tuệ vô lượng vô biên không có hạn chế. Trí tuệ của nhà khoa học là tri thức của bộ não, một trí tuệ có giới hạn. Mặc dù hiệu quả của tri thức đem lại cũng rất lớn, nhưng dù sao cũng có giới hạn. Tri thức không đủ để làm chủ được mình, giải thoát khỏi sinh lão bệnh tử, không đủ để mưu cầu hoà bình cho thế giới, không đủ để khắc phục thiên tai, không đủ để giúp con người du hành trong khắp vũ trụ, khắp thời gian. Tri thức cũng mang tính ngẫu nhiên, tuỳ tiện, không có giá trị phổ phát khắp tam giới. Có thể người ngoài hành tinh đã đến địa cầu từ lâu rồi, nhưng người địa cầu không thấy được họ, họ cũng không thấy người địa cầu, hai bên giống như ở hai thế giới khác nhau, không thể giao thiệp với nhau được. Tại sao vậy ? Bởi vì thế giới là chủ quan, là ảo, không phải khách quan. Đến nay thì một số nhà khoa học đã bắt đầu nhận biết điều đó.
Truyền Bình
Nguồn: Duy Lực Thiền
0 comments:
Post a Comment