Kênh Tên Miền chuyên cung cấp tên miền đẹp, giá rẻ! Hãy liên hệ kỹ thuật: 0914205579 - Kinh doanh: 0912191357 để được tư vấn, hướng dẫn miễn phí, Cảm ơn quý khách đã ủng hộ trong thời gian qua!
kiem tien, kiem tien online, kiem tien truc tuyen, kiem tien tren mang
Wednesday, June 20, 2012


Làm sao để lãnh hội được tánh Không trong sự hiện hữu của các pháp?
Để hiểu được ý nghĩa của tánh Không (śunyatā) trong sự hiện hữu của các pháp, bạn cần phải quán chiếu các tính chất cơ bản của chúng, được tóm tắc trong bốn thuật ngữ như sau: nhân duyên, giả danh, không, và trung đạo.

a/ Nhân duyên (pratītyasamutpāda): Một pháp (thuộc về tâm lý hay vật lý) được hình thành luôn bao hàm nhiều nhân duyên; hay nói khác đi, do các nhân duyên kết hợp với nhau mà một pháp được hình thành. Do vậy, khi các nhân duyên tan rã, thì pháp ấy cũng hoại diệt theo.
b/ Giả danh (prajñapti): Một pháp (thuộc về tâm lý hay vật lý) được đặt tên tùy theo các nhân duyên, điều kiện. Khi các nhân duyên thay đổi, tên gọi cũng thay đổi. Ví dụ: cây, gỗ, cái bàn, củi, lửa, tro, bụi.
c/ Không (śunyatā): Một pháp (thuộc về tâm lý hay vật lý) dầu được định danh theo chức năng của nó, nhưng bản chất của nó khi được phân tích đến cùng đều trở thành Không, tức không có tự tính cá biệt độc lập nào; vì pháp đó là sự tựu thành của các nhân duyên và điều kiện khác nhau, như hydro cộng với oxy để tạo thành nước.

d/ Trung đạo (madhyamā-pratipad): Giá trị của một pháp (thuộc về tâm lý hay vật lý) cần được nhìn nhận trong chuỗi tương quan của các nhân duyên và điều kiện mang tính tương đối, nhằm tránh xa các cố chấp cực đoan về có-không, sinh-diệt, giống-khác, thường hằng hay đoạn diệt... Do vậy, Trung đạo là con đường vượt lên trên mọi chấp thủ và dẫn đến Niết bàn.
Quán chiếu sâu sắc bốn tính chất này, bạn có thể lãnh hội được ý nghĩa Không trong sự hiện hữu của các pháp.
 
Tại sao nói Trung đạo là con đường dẫn đến Niết bàn?
 
Trung đạo, hiểu đơn giản là con đường trung dung không kẹt vào các kiến chấp cực đoan như: có-không, sinh-diệt, thường-đoạn, đồng-dị, khứ-lai. Ví dụ, khi nói về tính Không của các pháp, hành giả không bị dính mắc vào các khái niệm hư vô không tận để rồi ôm kiến chấp rằng tất cả đều là hư vô, nên cứ mãi mê sống theo chủ nghĩa hư vô. Kiến chấp như thế và sống như thế, chính tự thân hành giả sẽ đánh mất mọi nỗ lực tu tập của bản thân, đánh mất khả năng phát triển các thiện căn và vun trồng tâm Bồ đề. Trái lại, nếu chấp có, hành giả sẽ ngày càng bám víu vào các nhân duyên vô thường làm cho cuộc sống thêm đau khổ, bất an. Do đó, bậc thức giả đi con đường Trung đạo, không kẹt vào các kiến chấp cực đoan, để đi đến giác ngộ, giải thoát. Bạn hãy hình dung, một người đi xe đạp, nếu ngả qua bên phải hoặc bên trái nhiều qúa thì chiếc xe sẽ ngả và không đi được. Nhưng nếu người ấy biết giữ thăng bằng (trung đạo), thì anh ta sẽ lái xe về đến đích. Vì vậy, Trung đạo là con đường xa rời các kiến chấp để đi đến Niết bàn.
 
Làm sao để có thể ứng dụng tinh thần Trung đạo vào cuộc sống?
 
Bạn cần thiết phải ứng dụng tinh thần Trung đạo trong suốt cuộc hành trình tu tập của mình. Đức Thế Tôn là người đã phát hiện ra nguyên lý Trung đạo sau sáu năm tu tập khổ hạnh. Và Ngài đã dạy rằng, như lên giây đàn, nếu căng quá thì âm thanh của nó sẽ khó nghe và có thể đứt giây, nếu chùng quá thì sẽ không nghe được, nhưng nếu căng vừa phải và đúng mức thì âm thanh của nó sẽ dịu dàng dễ nghe. Cũng vậy, khi ứng dụng tinh thần Trung đạo, bạn không mang tư tưởng phải lìa bỏ thế gian mới đạt đến Niết bàn; mà trái lại, bạn cần phải xây dựng Niết bàn ngay tại thế gian. Cũng như, dầu biết rằng thân năm uẩn là tạm bợ, vô thường, nhưng nếu bạn không biết trân quý và bảo hộ nó đúng mức, thì làm sao chúng ta có thể tu tập để đi đến giải thoát. Hình ảnh con thuyền đưa người sang sông là một mô tả về tinh thần Trung đạo. Do đó, hãy nương vào tục đế để đạt đến chân đế, và nếu không đạt đến chân đế thì không thể sống Niết bàn. Đấy chính là hai chân lý.
 
Xin nói thêm về hai chân lý?
 
Hai chân lý là tục đế và chân đế. Tục đế là chân lý công ước (samvriti-satya/ conventional truth), tức chân lý tương đối, mang ý nghĩa phương tiện-lâm thời. Chân đế là chân lý cứu kính (paramārtha-satya/ absolute truth), tức là chân lý tuyệt đối, muôn đời nó vẫn là như thế. Trong kinh điển, tục đế và chân đế còn được gọi là phương tiện và cứu kính. Ở đây, một con người bình thường không thể dung hòa hai chân lý này làm một, cũng không thể chọn một trong hai; vì từ bản chất hai chân lý không hề giống nhau, và nếu bỏ một trong hai thì cuộc hành trình tìm kiếm chân lý của chúng ta sẽ không thành tựu. Hình ảnh con thuyền đưa người sang sông, nắm lá trong lòng bàn tay, hay mượn chỉ đưa diều là những ví dụ về hai chân lý. Con thuyền là phương tiện, tức tục đế; qua bên kia bờ sông là cứu kính, tức chân đế. Nếu bỏ con thuyền, chúng ta không thể qua sông; nhưng khi đã qua sông, thì con thuyền cần được để lại. Hai chân lý này cũng nhắc nhở chúng ta một điều rằng đừng bao giờ đem cái hiểu biết của một tâm thức còn vô minh, còn tham, sân, si mà đo lường cảnh giới của bậc đã giác ngộ. Nếu đem tâm si mê mà mô tả cảnh giới của giác ngộ, thì cảnh giới của sự giác ngộ đó cũng trở thành si mê. Do đó, cần phải biết rõ rằng những gì chúng ta hiểu được từ lời dạy của Đức Phật cũng như những lời dạy của Đức Phật cho chúng ta là những gì mang tính chất phương tiện chứ không phải là chân lý tuyệt đối. Như cảnh giới của Niết bàn, với chân lý tuyệt đối, mỗi người hãy tự mình thể nghiệm lấy, vì chân lý đó không thể dùng ngôn ngữ để diễn đạt. 
 
Vậy chân lý tuyệt đối là cảnh giới của Niết bàn?
 
Theo từ gốc, Niết bàn tiếng Phạn là Nirvāna, nir là vượt ra khỏi, và vāna là khát ái; do đó, trên căn bản, Niết bàn là một trạng thái tịch diệt (tranqui extinction) của một tâm thức đã vượt ra khỏi hay vượt lên trên mọi khát ái trong ba cõi (cõi dục, sắc, và vô sắc—xem câu hỏi 13). Đấy là một trạng thái của tự do tuyệt đối và chứng nghiệm chân lý tối hậu mà một bậc thánh giả đạt được sau quá trình tịnh hoá thân tâm. Do vậy, Niết bàn được chia thành hai loại: 

a/ Hữu dư y Niết bàn (Nirvāna with residue), tức là cái nhân của sinh tử đã hết nhưng cái quả của sinh tử vẫn còn; và do đó, bậc thánh giả chỉ vào vô dư y Niết bàn khi thân năm uẩn tan hoại (chết). 

b/ Vô dư y Niết bàn (Nirvāna without residue), tức là cả nhân và quả của sinh tử đều chấm dứt.

Kinh Pháp Hoa mô tả trạng thái nhập vô dư y Niết bàn của Đức Thế Tôn như củi hết lửa tắt. Trong giáo thuyết về bốn Chân lý (khổ, tập, diệt, đạo), thì Diệt đế chính là Niết bàn.
 
Xin cho biết thêm về các đặc tính của Niết bàn?
 
Kinh điển ghi nhận các đặc tính của Niết bàn gồm có: 

a/ Thường, tức không còn bị chi phối bởi các nhân duyên vô thường; 

b/ Lạc, đời sống phúc lạc của dòng tâm thức không còn tham, sân, si; 

c/ Ngã, chân ngã khác với cái ngã phân biệt trong thế giới sinh tử-nhị nguyên; 

d/ Tịnh, sự thanh tịnh tuyệt đối.

Niết bàn còn được gọi là bất sinh (không sinh không diệt), thường trụ (không còn bị chi phối bởi các điều kiện của thế giới sinh tử), và giải thoát (không còn bị ràng buộc trong vòng luân hồi-tái sinh).
 
Tại sao nói sinh tử tức Niết bàn?
 
Sinh tử tức Niết bàn là một cách ngôn của tư tưởng Phật giáo phát triển. Nội dung của nó nhấn mạnh đến việc xây dựng Niết bàn tại nhân gian, hay nói khác hơn là sống đời sống Niết bàn tại con người sinh tử này và ngay tại thế giới sinh tử này. Đấy là một cảnh tỉnh cho những ai mang tư tưởng bi quan sai lầm rằng phải lìa bỏ thế gian mới có thể vào Niết bàn. Thực tế cho thấy rằng Đức Thế Tôn và các bậc Thánh A la hán đã sống đời sống Niết bàn giữa thế gian để làm lợi ích cho thế gian. Trong Phật giáo phát triển, các vị Bồ Tát còn phát nguyện liên tục tái sinh để hóa độ vạn loại hữu tình chúng sinh. Đấy là bi tâm vĩ đại của một bậc Thánh giả. Trên một bình diện khác, cũng cần hiểu rằng, lìa sinh tử thì không có Niết bàn, vì sinh tử là nền tảng mà qua đó Niết bàn được chứng nghiệm, như những gì đã được trình bày trong bốn chân lý (xem câu hỏi 68-70). Nói khác đi, Niết bàn là đời sống phúc lạc của sự giải thoát và tự do tuyệt đối; do đó hành giả sống Niết bàn luôn tự tại trong ba cõi.
 
Niết bàn có liên hệ gì trong ba Pháp ấn?
 
Trong kinh tạng A Hàm, Niết bàn là một trong ba Pháp ấn (ba ấn chứng đặc biệt về các lời dạy của Đức Phật trong ba tạng kinh điển), bao gồm: a/ các hành vô thường; b/ các pháp vô ngã; và c/ Niết bàn tịch tĩnh. Nói tóm tắt, ba ấn chứng này là vô thường, vô ngã, và Niết bàn. Mục đích các vị Thánh đệ tử tổng kết ba pháp ấn là để giúp phân biệt rõ ràng những điều do Đức Phật dạy và những điều không phải do Đức Phật dạy. Chúng ta có thể hiểu đại khái ba Pháp ấn này như sau:

a/ Các hành là vô thường: Tất cả những hiện tượng tạo tác của thân, tâm và thế giới là vô thường, chúng là sản phẩm của nhiều nhân duyên, khi các duyên hội tụ thì các pháp hình thành, khi các duyên tan rã thì các pháp biến đổi. Các pháp bản chất của nó luôn luôn thay đổi nên gọi là các hành vô thường.
b/ Các pháp vô ngã: Vì bản chất của các pháp là do nhiều nhân duyên hình thành, do đó các pháp vốn không có tự tính (ngã tính) cá biệt, độc lập nào ngoài sự vận hành của các nhân duyên. Vì vậy, các pháp là vô ngã.
c/ Niết bàn tịch tĩnh: Niết bàn, trong ba Pháp ấn, được gọi là tịch diệt ấn, vì nó xác định trạng thái tịch tĩnh, giải thoát, và tự do tuyệt đối của hành giả tu tập.  Ở đây, căn nguyên của sinh tử khổ đau là ái dục (tanhā), do vậy khi ái dục được đoạn tận một cách toàn triệt, hành giả sẽ chứng đắc được cảnh giới của Niết bàn tịch tĩnh.
         
Trong ba Pháp ấn trên, hai Pháp ấn đầu (vô thường và vô ngã) nói đến bản chất của các pháp hữu vi-sinh diệt; Pháp ấn thứ ba (tức Niết bàn) nói đến thực tại của pháp vô vi, bất sinh, và giải thoát.

Khải Thiên 
Nguồn: tongiaovadantoc.com
Xem thêm: 

Đạt tới phúc lạc là đạt tới niết bàn

0 comments:

Post a Comment

domain, domain name, premium domain name for sales

Popular Posts