Kênh Tên Miền chuyên cung cấp tên miền đẹp, giá rẻ! Hãy liên hệ kỹ thuật: 0914205579 - Kinh doanh: 0912191357 để được tư vấn, hướng dẫn miễn phí, Cảm ơn quý khách đã ủng hộ trong thời gian qua!
kiem tien, kiem tien online, kiem tien truc tuyen, kiem tien tren mang
Friday, October 7, 2011

VỀ TÊN GỌI CHÙA LINH MỤ
Có phải tên gọi Thiên Mụ mới đúng, Linh Mụ là sai ? Vì sao người này gọi là Linh Mụ, người kia lại gọi Thiên Mụ ? Vậy sự thật về tên gọi ngôi chùa này như thế nào ?
“Gió đưa cành trúc la đà,
Tiếng chuông Thiên Mụ canh gà Thọ Xương”.
Đó là hai câu ca dao mà mẹ tôi thường hò mỗi khi ru cháu ngủ. Ngày trước, có lần mẹ nói với tôi : “Khi mới về làm dâu, mẹ thường hay hò “Gió đưa cành trúc la đà, tiếng chuông Linh Mụ canh gà Thọ Cương”*. Một bác hàng xóm nghe vậy, nói với mẹ : Chị hò như vậy là sai rồi. Thiên Mụ mới đúng và Thọ Xương chứ không phải Thọ Cương. Từ đó mẹ nghe theo bác ấy nhưng không biết đúng sai thế nào”. Lúc ấy tôi cũng chẳng để ý gì đến lời nói đó của mẹ tôi.
Gần đây, trên diễn đàn báo chí có luận bàn nhiều về tên gọi chùa Linh Mụ, khiến tôi nhớ lại lời mẹ ngày trước mà đi tìm lại sách vở tra cứu.
Có phải tên gọi Thiên Mụ mới đúng, Linh Mụ là sai ? Vì sao người này gọi là Linh Mụ, người kia lại gọi Thiên Mụ ? Vậy sự thật về tên gọi về ngôi chùa này như thế nào ?
Chùa Thiên Mụ vốn có từ lâu đời, vào buổi hừng đông của xứ Thuận Hóa. Năm 1555, khi sách Ô Châu cận lục ra mắt bạn đọc thì chùa đã là một ngôi phạm vũ nổi tiếng ở vùng đất này. Lúc đó Thiên Mụ chưa phải là quốc tự. Thời bấy giờ cõi Hóa Châu có hai ngôi danh lam nổi tiếng, đó là chùa Sùng Hóa ở làng Lại Ân (không phải Triêm Ân), và chùa Thiên Mụ ở đồi Hà Khê. Tên gọi chùa “Thiên Mụ” đã được tiền nhân nghĩ ra và viết thành văn tự.

Hiện chưa tìm ra sử liệu nói rõ cụ thể chùa Thiên Mụ được đặt tên vào năm nào, vì thời ấy quan hệ Việt – Chăm còn chưa mật thiết. Nhưng điều chắc chắn là sự kiện này không xảy ra dưới thời chúa Nguyễn Hoàng đến thăm chùa vào năm Tân Sửu, 1601 mà phải trước thời gian đó ít nhất là trên 250 năm, kể từ khi Hoá Châu thuộc về người Đại Việt vào năm 1307. Bởi cứ vào một số tài liệu hiện nay, ta được biết, trước năm 1306, trên đất Hà Khê cũ đã có đàn, miếu của người Chàm, về sau người viết mới dựng chùa Việt ở trên đó. Như vậy, chùa Thiên Mụ sau năm 1307 không phải do người Chàm lập và đặt tên như một số người đã nhận định thiếu căn cứ.
Cũng cần nói thêm rằng, Hà Khê là một ngọn đồi mà người Chàm, người Trung Hoa, người Việt, và kể cả người Tây phương đều khẳng định đó là một ngọn núi thiêng. Mãi đến sau này vua Gia Long mới cho đổi tên thành Thiên Mụ sơn, do vậy chúng ta không nên nhầm lẫn tên núi với tên chùa.
Vì sao chùa có tên là Thiên Mụ ?
Tương truyền, ngày xưa có một Bà già ở trên trời thường hiện xuống ở đồi Hà Khê để nghe chuyện thế sự nhân tình và giúp dân. Có người nói đó là Bà Tiên, Bà Chúa Ngọc, Bà Giàng, Bà Trời, Bà già Trời, thậm chí là Đức Bà, bậc mẫu nghi thiên hạ có quyền năng chuyển hóa con người hướng thiện. Bà là một trong nhiều hiện thân của Đức Quán Thế Âm cũng là một cách nói. Do đồi Hà Khê có Bà Trời linh thiêng như vậy, nên khi đến trấn nhậm Thuận Hoá, chúa Nguyễn Hoàng đã “mượn” Bà làm huyền thoại trong việc xây dựng sự nghiệp đế chúa của ông.
Để tỏ niềm tôn kính, người Huế ngày xưa đã gọi Bà Trời ấy bằng “Mụ”. Thiên Mụ có nghĩa là Bà Tiên hay Bà nhà Trời. Người Tây phương đã có chút gặp gỡ với người Phương Đông khi gọi bà mụ là Sage femme, có nghĩa là mụ đỡ, vừa là người đàn bà minh triết, thường chỉ dạy đạo lý và giúp đỡ con người.
Mụ là chữ Nôm, có nghĩa thông thường là “bà”, “bà già”. Người đàn bà lớn tuổi có chồng, không chồng hay chưa chồng, người Huế đều gọi là Mụ. Em gái của cha, dù còn ở độ tuổi trăng tròn, vẫn được người miền Trung gọi bằng “cô”. Lên thêm một đời, ngang hàng ông nội thì người đàn bà ấy dù trẻ tuổi vẫn được gọi bằng “Mụ Cô Bà”. Từ “Mụ” còn biến nghĩa tùy theo văn cảnh. Người Huế đôi khi dùng từ “Mụ Đầm” để gọi các “Bà Tây”, có pha đôi chút hài hước.
Thiên Mụ cũng có khi được đọc là Thiên Mỗ hay Thiên Mộ. Một chữ Mụ mà có ba cách đọc khác nhau : Mụ, Mỗ và Mộ, đọc âm nào cũng được, không sai. Dựa vào bản gốc chữ Hán sách Ô Châu cận lục do Tiến sĩ Dương Văn An hiệu đính (không phải biên soạn), các học giả xưa nay đã phiên âm theo cách riêng của mình. Năm 1960, Cử nhân Hán học cũ Bùi Lương phiên âm tên chùa Thiên Mụ là Thiên Mỗ; năm 1997, viện Hán Nôm phiên âm là Thiên Mụ, còn trong dân gian vẫn có người gọi là Thiên Mộ. Năm 1965, tôi từng nghe các cụ ở Tổng hội Cổ học Việt Nam nói “tên chùa Thiên Mụ đọc là Thiên Mộ cũng được, không sai”.
Các nhà nghiên cứu văn hóa Huế của Hội Đô Thành Hiếu Cổ giai đoạn 1913-1944 lại thích gọi tên chua Linh Mụ là Thiên Mẫu, điển hình là công sứ Pháp A. Bonhomme và nhà nghiên cứu Léopold Cadière. Tiếc rằng vào thời gian 40 năm đầu thế kỷ 20 về trước, không thấy tác giả nào lên tiếng về việc tên mới được đặt cho ngôi quốc tự cổ kính và lớn nhất ở chốn thiền kinh này.
Không những thế, dưới triều vua Thành Thái, các nhà nghiên cứu Pháp lại đặt tên cho chùa Linh Mụ là chùa Khổng Tử (pagode de Confucius) và cũng đã gọi tháp Phước Duyên là tháp Khổng Tử. Sở dĩ có sự nhầm lẫn đáng tiếc này là vì cách chùa Linh Mụ khoảng hơn 100 mét (theo số liệu phỏng chừng thời bấy giờ) có Văn Miếu thờ đức Khổng Phu Tử và Võ Miếu ghi công trạng các danh tướng triều Nguyễn mà có vị đã đỗ Tiến sĩ Võ dưới triều vua Tự Đức. Rất may là sau đó tự họ đã đính chính lại sai lầm này.
Còn trong dân gian, có nhiều người gọi tên chùa Linh Mụ là chùa “Thiêng Mụ”. Họ cho rằng vì chùa này rất linh thiêng nên gọi tên chùa là Thiêng Mụ. Dân gian có cách nói nôm na của họ, có lẽ ở đây chúng ta không cần phải bàn chuyện đúng sai.
Theo chúng tôi, do “uống nước sông Hương” mà người Tràng An có giọng nói không giống với các nơi khác, nên đã nói chữ “Thiên” thành “Thiêng” (nhưng lại viết Thiên). Từ “Thiên” được phát âm biến trại thành “Thiêng” (có “g” ở đằng sau), chứ không phải vì linh thiêng mà gọi là Thiêng Mụ.
Do không có con, vì mục đích cầu tự, vua Tự Đức đã hạ lệnh “kiêng” dùng chữ “Thiên”. Chùa Thiên Mụ được chính thức đổi tên thành Linh Mụ vào năm 1862. Bảng hiệu đề tên chùa còn ghi rõ 3 chữ hán Thiên Mụ Tự treo cao ở Nghi Môn sau tháp Phước Duyên :
“Tiếng chuông Linh Mụ gió ngân nga
Thọ Xương văng vẳng lắng canh gà”.
(Vân Bình Tôn Thất Lương)
Nghiên cứu sự đổi tên ngôi quốc tự nổi tiếng nhất thần kinh này lẽ ra là công việc của người nước ta. Nhưng không ngờ người thực hiện lại là Léopold Cadière, một linh mục người nước ngoài. Ông đã tìm hiểu sự kiện này rất kỹ. Theo ông, vào tháng giêng niên hiệu Tự Đức thứ 15 tức vào tháng 2 năm 1862, tự thân nhà vua trực nhận rằng “Chữ Thiên và Địa là cao quý, ban lệnh không được dùng những chữ ấy nữa để tỏ lòng tôn kính trời đất”, ngoại lệ tên gọi “Khâm Thiên Giám”, “Thiên Văn Đài” và “Thừa Thiên Phủ” thì khi viết chữ “Thiên” phải chừa một khoảng “trống”.
Bộ lễ tâu xin đổi tên gọi Thiên Mụ bằng “Tiên Mụ” Vua Tự Đức cho cải đổi chữ “Thiên” hoặc “Tiên” bằng chữ “Linh” cho hợp lý, hợp nghĩa, hợp vận. Học thuật xưa đòi hỏi người nghiên cứu phải cẩn trọng vì “Cơm áo không đùa với khách thơ”. Vì thế mà bến đò Thiên Lộc và làng cùng tên đã được đổi thanh tên mới Thọ Lộc, làng Thiên Tùy ở huyện Phú Vang được đổi thành Xuân Tùy, chùa Thiên Ấn (cách chùa Thiên Mụ khoảng 500m) được lấy tên mới Từ Ân, thậm chí tên xóm Thiên Hóa (ở phía sau chùa Tường Vân hiện nay) được đổi thành Xuân Hóa.
Sau 7 năm thi hành quyết định, cuối cùng nhà vua vẫn không thể có con. Từ đó vua đã cho “tảng lờ” việc thay đổi tên chùa Thiên Mụ thành Linh Mụ. Biểu hiện của chùa vẫn được duy trì ở gian giữa Nghi Môn, với ngầm ý cho phép chùa có hai tên gọi Thiên Mụ hoặc Linh Mụ. Từ đó về sau các sử thần nhà Nguyễn được tùy nghi dùng hai từ “Thiên Mụ” và “Linh Mụ” trong sử sách và các văn bản khác của nhà nước. Văn bia ở chùa Linh Mụ do vua Khải Định dựng lập vào niên hiệu thứ 4, 1920 đã chứng minh điều đó: cả hai chữ Linh Mụ và Thiên Mụ được dùng lẫn lộn tùy theo nghĩa lý từng câu, từng đoạn.
Chẳng hạn : Phần trên của bài Minh là văn xuôi, ghi: Sắc kiến tự phụng Phật mệnh danh Thiên Mụ sơn Linh Mụ tự. Nghĩa là : Ban sắc dựng chùa Linh Mụ ở núi Thiên Mụ. Nhưng phần cuối của bài minh lại để lời ngự chế của vua Khải Định, trong đó có hai câu :
Thiên Mụ danh lam giá vãng lai,
Đăng lâm hà dị đáo Thiên Thai.
Nghĩa là :
Xe giá tìm thăm Thiên Mụ chơi, / Trèo lên nào khác tới Thiên Thai.
Tóm lại, chùa Linh Mụ có nhiều tên gọi : Thiên Mụ, Thiên Mỗ, Thiên Mộ, Linh Mụ, Thiên Mẫu… trong đó Thiên Mụ và Linh Mụ là hai tên gọi phổ biến. Và mặc dù gọi tên chùa là Thiên Mụ và Linh Mụ đều đúng, nhưng tên “chùa Linh Mụ” hầu như đã thấm sâu vào tâm khảm của người dân Huế từ 145 năm nay.
Cố Trưởng lão Hòa Thượng Thích Đôn Hậu, người từng giữ chức Tăng Cang chùa lâu năm, được Phật tử và quần chúng Huế quen gọi là Ôn Linh Mụ, không ai gọi là Ôn Thiên Mụ. Trong việc biên khảo, thiết nghĩ chúng ta nên theo dòng chảy của lịch sử mà gọi tên chùa qua từng thời điểm cho chuẩn mực là tốt nhất. Thiên Mụ, Linh Mụ là hai tên gọi vừa chính thống, vừa thân thương đã song hành đi vào thơ ca, thấm sâu vào lòng dân chúng chỉ vì Thiên Mụ là tiền thân của Linh Mụ mà thôi.
(Theo Huếơi.com)

ĐỌC THÊM : Phải chăng Quốc Tự Linh Mụ còn có tên gọi “Thiên Mẫu”?!

xưa nay, chùa Thiên Mụ có hai tên gọi chính thống theo sử sách: Thiên Mụ hoặc Linh Mụ. Năm Tự Đức thứ 15, 1862 vì kiêng kỵ chữ “Thiên” cho nên danh xưng Thiên Mụ (天姥) được cải đổi thành Linh Mụ (靈姥).
Biển đề tên chùa bằng gỗ quý có chạm trổ nghệ thuật, chiều dài khoảng 1,6m bề rộng 0,6m, được sơn son thếp vàng; nay tuy có bị hư hỏng phần khung và nhạt phai sắc màu vì thời gian trải qua 145 năm, được treo một cách trang nghiêm trên cửa chính của nghi môn.
Vào thời mở cửa, du khách nước ngoài viếng chùa, ai ai cũng thấy, rất nhiều người Âu Mỹ đọc được ba chữ Hán viết theo lối chân phương (靈姥寺) (Linh Mụ Tự). Thế mà, không hiểu vì sao, năm 1915, Công sứ A. Bonhomme lại khẳng định tên chùa là Thiên Mẫu. Tác giả ấy đã viết về Lịch sử, Miêu tả, Văn bia thành ba bài nghiên cứu dày công sức theo cách nhìn của học giả già dặn kinh nghiệm, khiến cho người đương thời có nhu cầu nghiên cứu chùa Huế, chùa Việt phải băn khoăn. Một dấu hỏi bay vút tận trời !
Bằng chứng còn lưu lại giấy trắng mực đen qua ba bài viết bằng tiếng Pháp có ghi chú trong bài với nhiều nét chữ Hán, được đăng tải trên tạp chí của Hội Đô Thành Hiếu Cổ (Butlletin des Amis du Vieux Hue, viết tắt là B.A.V.H) vào năm 1915 như y hệt :
1. LA PAGODE THIEN-MAU: HISTORIQUE.
2. LA PAGODE THIEN-MAU: DESCORIPTION.
3. LA PAGODE THIEN-MAU: LES STÈLES.

Cẩn thận hơn, tác giả A. Bonhomme lại chú thích tựa đề bằng dấu treo cao ở cuối mỗi bài viết rất công phu rằng bài viết đã thông qua Hội, tiêu biểu là trong biên bản phiên họp của Hội này, ngày 29 tháng 06 năm 1915 hoặc tháng 11 cùng năm ấy. Cụ thể hơn, điều này trùng hợp với biên bản của Hội Đô Thành Hiếu Cổ (được viết tắt bằng chữ Pháp là A.B.V.H) cùng ngày tháng đã dẫn. Xem bản dịch B.A.V.H năm 1916, trang 502, Nxb Thuận Hóa, năm 1997 thì được rõ them :
“Ông Bonhomme tiếp tục miêu tả chùa Thiên Mụ còn gọi là chùa Khổng Tử”
Thưa độc giả, chắc rằng người Việt Nam đọc và nghe như vậy, thì họ sẽ ngạc nhiên vì thấy là lạ : có chuyện lắc léo kiểu “con trâu néo sừng” ở đây chăng !? Không biết, học giả A. Bonhomme có nhầm lẫn do những người Âu đi trước đã quen gọi một cách “trắc nết” rằng “Tháp Phước Duyên là tháp Khổng Tử”. Người Việt dễ dàng cảm thông cho người ngoại đạo chỉ vì họ là ngoại kiều, họ là người Gaulois…
Một chi tiết tiêu biểu trong nhiều tình tiết cần làm sáng tỏ là trong bài viết thứ nhất về chùa Linh Mụ (tên gọi đương thời năm 1915) tác giả A. Bonhomme đã viết : “… C’est un temple bouddhisme dont le nom véritable est “Temple Thiên-Mẫu” (Thiên Mẫu Tự (天姆寺), appelé aussi vulgairement Thiện Mộ on Thiên Mụ”.
Không rõ vì lí do nào, bản Việt dịch của ông Đặng Như Tùng lại bỏ nhóm từ “Thiên-Mẫu Tự” (天姆寺) khi chuyển ngữ từ tiếng Pháp ra quốc ngữ.
“… Đây là chùa của đạo Phật mà tên đúng của nó là “Thiên Mẫu Tự” hay gọi nôm na là Thiên Mộ, hay Thiên Mụ” .
Như vậy, cả người viết và người dịch đều khẳng định tên chùa Thiên Mụ vào năm 1915, là chùa “Thiên Mẫu”.
Phải chăng ba chữ Hán (天姥寺) Thiên Mụ Tự phải đọc cho đúng là Thiên Mẫu Tự ? Và, các tên gọi “Thiên Mộ” hay “Thiên Mụ” là tên “gọi nôm na”. Ông Tây A. Bonhomme có nhầm lẫn không ? Nếu nhầm thì kéo luôn người dịch sai lầm theo.
Chữ Mụ (姥) là chữ Hán, không phải chữ Nôm. Viết từ “Mụ” bằng chữ Nôm thì mượn y hệt từ “Mụ” của chữ Hán. Thiên Mụ là “Bà Mụ nhà Trời”. Rất nhiều người trẻ đã cho rằng, “trong hai chữ cấu tạo tên gọi của chùa Thiên Mụ” thì chữ “Thiên” là từ Hán Việt; chữ Mụ (姥 ) là từ Nôm thuần túy. Theo luật “Khử Tam Thế”, thì có nhiều từ Hán Việt tùy theo văn cảnh mà đọc sai chệch theo mức độ cho phép. Từ Mụ (姥) có cấu tạo từ một bên chữ “Nữ” (女), một bên chữ “Lão” (老), hợp hai từ này thành từ mới, viết (姥), đọc “Mụ”, hoặc “Mộ”. Xưa nay, các nhà Nho, không ai đọc chữ “Mụ” (姥) là “Mẫu” bao giờ cả. Vì sao thế? Chữ “Mẫu” (姆) là từ hội ý, một bên chữ (女), một bên chữ (母), có nghĩa là Mẹ. “Phụ Mẫu” (父母) có nghĩa là “Cha Mẹ”. Chữ Mẫu có nghĩa là “Người đàn bà lớn tuổi”.
Từ năm 1962-1975, tôi có may mắn tìm đến văn phòng Tổng Hội Cổ Học Việt Nam, đặt trụ sở tại Di Luân Đường (trong khuông viên trường Trung học Hàm Nghi cũ) hỏi thăm quý cụ túc Nho khoa bảng về hai từ “Mụ” (姥) và “Mẫu” (母) có nghĩa lý như thế nào? Quý cụ Phan Ngọc Hoàn, cử nhân Hán học, Tả lý Bộ hình và cụ Phạm Lương Hàn, Tú tài Hán học, Tri phủ Vĩnh Linh, tỉnh Quảng Trị, quý cụ đều là Hội trưởng Tổng Hội Cổ học tiền nhiệm và kế nhiệm đều khẳng định chữ “Mụ” (姥) được đọc là “Mụ”, không thể nào đọc là “Mẫu” được. Các cụ lại dặn thêm rằng; “Chữ Hán tinh tế lắm, chữ nào nghĩa nấy, không thể nào đoán nghĩa, đoán chữ rồi trả lời “bâng quơ” được đâu; không nên đùa với “chữ nghĩa của Thánh Hiền”.
Từ năm 1962-1975, tôi có may mắn tìm đến văn phòng Tổng Hội Cổ Học Việt Nam, đặt trụ sở tại Di Luân Đường (trong khuông viên trường Trung học Hàm Nghi
Nay, tôi may mắn được người bạn tốt tặng cho sách quý Từ Điển Ngũ Thể (五體字典) của hai tác giả Lạc Hằng Quang và Dư Cự Lục, do Nxb Thuận Hóa ấn hành quý 2, năm 2006. Tra đi, tra lại nghĩa lý của hai từ (姥 ) và (姆) “Mụ” và “Mẫu” thì thấy:
“Mụ” = (姥 ) (tr. 148). “Mẫu” = (姆) (tr. 121)
Chùa Thiên Mụ đã được sách Ô Châu Cận Lục của Trung tâm Khoa học Xã Hội và Nhân văn Quốc gia, Viện Nghiên Cứu Hán Nôm, Nxb Khoa Học Xã Hội, Hà Nội, năm 1997 [có phần chữ Hán nguyên bản Ô Châu Cận Lục (烏州近綠)] đã dịch nguyên tác từ sách ấy, quyển 5, mục Đền Chùa-Danh Lam, tr. 78-79 như sau :
“Chùa Thiên Mụ: Chùa ở phía Nam xã Hà Khê thuộc huyện Kim Trà, nóc sát đỉnh núi, chân gối dòng sông; cách xa trần thế, gần sát bên trời. Khách có tản bộ lên chơi thì tự nhiên phát thiện tâm và tiêu tan niềm tục. Thật là cảnh trí nơi Tiên Phật”.
Sách này viết (天姥寺) (tr. 280), phần Hán văn (tr. 61b, 62a). Chú thích (1) của sách, tr. 79 ghi rõ về địa danh Hà Khê.
Nguyên văn chép xã Giang Đạm (江淡), được sửa lại là Hà Khê. Người sửa lại chỉ khiêm tốn viết chữ nhỏ treo bên dòng chữ lớn ở trang 62a, sách trang 281, chứng tỏ người xưa “dè dặt” trong việc nghiên cứu.
Từ chuyện tìm hiểu về tên gọi lệch đi của ngôi Quốc Tự lớn nhất ở Cố đô Huế, chúng ta thấy rằng “việc nghiên cứu địa danh, danh xưng liên quan đến văn hóa, một khi gặp phải điều gì “ngờ ngờ” thì nên tra cứu, tham vấn nhiều người mới sáng lẽ, sáng lòng. Đó là một thú vị trong việc tìm tòi, học hỏi. Vội vã tin sách, tin người thì dễ dàng “nhào lộn”, rồi “lộn ngược”, “lộn xuôi” mấy vòng không còn biết trời đất chi nữa.
Tăng Ni sinh ngày nay, ít người học chữ Pháp, khi có nhu cầu tra cứu, phải chạy vạy. Nếu vội vàng tin mà không đối chiếu, suy gẫm thì dễ dàng phạm phải sai lầm đáng tiếc. Chúng tôi quý trọng các học giả như ông A.Bonhomme, viết bài này không phải “sửa lưng ông”. Ông là nhà nghiên cứu có tầm cỡ đã để lại cho người đi sau nhiều tư liệu lịch sử, liên quan đến chùa Huế…
(Theo Lê Quang Thái) 
Nguồn: thienviet.wordpress.com

0 comments:

Post a Comment

domain, domain name, premium domain name for sales

Popular Posts