Sông Sài Gòn bắt nguồn từ lưu vực cao nguyên Hớn Quảng, tỉnh Bình Phước chảy qua địa phận tỉnh Bình Dương, Thành phố Hồ Chí Minh, rồi đổ vào sông Đồng Nai (ở mũi Đèn Đỏ) thuộc huyện Nhà Bè và chạy ra biển ở cửa Cần Giờ. Sông Sài Gòn dài 256 km, chảy qua nhiều vùng nên mang nhiều tên khác nhau: Từ đầu nguồn đến gần chợ Thủ Dầu Một (Bình Dương) gọi là sông Ngã Cái. Đoạn từ chợ Thủ Dầu Một đến cư xá Thanh Đa (Thành phố Hồ Chí Minh) gọi là sông Thủ Khúc. Đoạn cư xá Thanh Đa cho đến chỗ đổ vào sông Đồng Nai (mũi Đèn Đỏ) có tên là sông Sài Gòn hay sông Bến Nghé.
Sông Sài Gòn là dòng sông định hình trên vùng đất yếu nên dòng chảy rất đặc sắc, tạo lập nên những góc nhìn không đơn điệu như những dòng sông khác. Thêm nữa, sông Sài Gòn chảy theo hướng Tây Bắc - Đông Nam là hướng gió từ biển thổi vào nên nếu khai thác tốt sẽ đón luồng gió mát giải nhiệt cho thành phố. Con người sống cần đến nước, không có nước là không có sự sống, cho nên nơi nào có nguồn nước dồi dào thì người ta cho là được thiên nhiên ưu đãi. Trong đời sống của một đô thị, dòng sông là một không gian sinh động và không chỉ mang lại cá, tôm và đường giao thông mà còn là không gian văn hóa. Dưới góc độ quy hoạch, cách nhìn một dòng sông còn lệ thuộc vào một nơi kiếm sống thì quá hạn hẹp mà phải nhận thức dưới góc độ tâm linh. Dòng sông là yếu tố thiên nhiên quan trọng bậc nhất, là nơi chuyên chở nguyên khí bồi đắp hiền tài.
Nhắc đến Paris, người ta nghĩ ngay đến sông Seine, London gắn với sông Thames, Hà Nội gắn với sông Hồng, Nghệ Tĩnh gắn sông Lam, Quảng Ngãi gắn với sông Trà, Đà Nẵng gắn với sông Hàn, Quảng Nam với sông Thu Bồn, Đồng Nai gắn với sông Đồng Nai; lớn hơn, trong phạm vi một quốc gia như Ai cập gắn với sông Nin, Ấn Độ gắn với sông Hằng… Sông Nin làm nên nền văn minh của Ai cập; sông Hằng làm nên nền văn minh Ấn Độ. Trên đất nước ta, sông Hương ở Huế điển hình cho một cảnh quan thiên nhiên đẹp thường được các nhà quy hoạch đánh giá là có giá trị thẩm mỹ cao. Sông Hàn ở Đà Nẵng với sáu cây cầu bắc qua không chỉ làm sống dậy một vùng đất bên kia bờ mà còn tạo vẻ duyên dáng cho một thành phố đầy sức sống với các công viên được tạo dựng ở hai bờ.
Thành phố Hồ Chí Minh hơn 300 năm tuổi cũng được thiên nhiên ban tặng một dòng sông uốn lượn, vậy mà đến nay chúng ta vẫn còn loay hoay trong việc tìm cách phát triển hai bờ. Trong khi chưa khai thác được dòng sông chảy ngang qua thành phố thì dưới tác động của sự thực dụng, cảnh quan sông Sài Gòn đang ngày càng mất đi vẻ đẹp trời cho, dòng sông bị ô nhiễm…
Thành phố Hồ Chí Minh là một thành phố nằm giữa một vùng đồng bằng rộng lớn, phì nhiêu, chung quanh được núi non bảo vệ, che chở, lại có sông ngòi uốn khúc chảy tới, nên tiềm năng phát triển kinh tế thật vô hạn. Nhưng trong suốt hơn 300 năm qua, Thành phố Hồ Chí Minh vẫn chưa tiến lên thành một trung tâm kinh tế quan trọng của khu vực và thế giới. Sở dĩ như vậy là vì Thành phố Hồ Chí Minh đã nằm vào vị trí phụ thuộc (hộ sa) đối với Phong thủy?
Nếu dời trung tâm thành phố vào Thủ Thiêm, vì nơi đây chẳng những nằm trong khu vực của chân long, lại còn được khúc sông Sài Gòn ngay đó uốn lượn bao bọc chung quanh. Khác với sông Hương ở Huế chỉ uốn cong một vòng rồi chảy đi, sông Sài Gòn lại uốn lượn rất nhiều vòng, tạo thành thế Cửu (9) khúc, khiến cho vượng khí tích tụ tràn trề, thần lực vô cùng sung mãn. Có thể nói nếu dải đất giữa sông Ðồng Nai và sông Sài Gòn là nơi thu hút hết vượng khí của cả miền Nam, thì khu Thủ Thiêm chính là nơi hội tụ hầu hết vượng khí của dải đất nầy vậy. Bởi thế cho nên nếu được dời về đây, Thành phố Hồ Chí Minh sẽ nhanh chóng biến thành một trung tâm kinh tế hùng mạnh của khu vực và thế giới, vượt qua những Hongkong, Singapore, Taiwan ... trong tương lai. Khi được dời vào Thủ Thiêm, Thành phố Hồ Chí Minh sẽ đón nhận được vượng khí của cả miền Nam, rồi phát triển lên thật hùng mạnh. Lúc đó, một đàng được thế sông nên giàu có, sung túc; một đàng được thế núi, nên khí phách quật cường. Ðất Thành phố Hồ Chí Minh nằm giữa 2 con sông quá hiền hòa, uốn lượn êm đềm, đem đến cảnh thái bình, thịnh trị cho cả vùng...
Thiên nhiên ban tặng cho chúng ta một vùng đất như thế. Chúng ta tận dụng chưa? Thiên thời, Địa lợi chắc còn phải đợi Nhân hòa! Hy vọng, một ngày không xa, “Hòn Ngọc Viễn Đông” sẽ trở lại với thế đất mà Trời đã ban.
Tư liệu và Ảnh: Internet
0 comments:
Post a Comment